Đầu năm 2012 khi đọc nhiều bài viết về vai trò trí thức trong xã hội và bàn cải xem trí thức được định nghĩa như thế nào ,tôi có nhiều suy nghĩ về chính cuộc đời của mình ,những gì tôi đã phải trãi qua trong quá trình được đào tạo và trở thành người trí thức của nước CHXHCNVN.
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi được tuyển về làm tại Phân viện Khoa học Việt nam ,số 1 đường Mạc đỉnh Chi-TP HCM, phòng Vi sinh ( Microbiologie).Với tôi đây là điều may mắn vì đó là bước mở đầu cho những ước mơ nghiên cứu khoa học của mình.
Thưở đó Phân viện Khoa học VN -TPHCM được xem như 1 phần của Viện khoa học VN từ Hà nội „ di cư „ vào nam, một „lò „ đào tạo tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu khoa học của cả nước VN.
Theo quy định kỷ sư tốt nghiệp ra trường hưởng lương bậc I ,sau hai năm làm việc sẽ nâng lên Kỷ sư bậc II .Và sau 2 năm kỷ sư bậc II có thể bắt đầu làm luận án Tiến sĩ.Chỉ sau một năm đầu làm việc tôi được sếp nâng lên bậc II với triển vọng được đưa đi nghiên cứu sinh tại Pháp .Nền Công nghệ Sinh học ( Biotechnologie ) đang còn phôi thai, những mầm non khoa học được khuyến khích và nâng đở đưa đi đào tạo chuyên môn ,luôn cả ở các nước tư bản .Tôi đã tự thầm tính „Cho dù phần nghiên cứu sinh có bị trở ngại kéo dài 6 ,7 năm thì mình cũng sẽ có bằng tiến sĩ trước năm 30 tuổi.“
Một chân trời nghiên cứu khoa học như mở rộng trước mắt tôi.
Ngay trong những tháng đầu tiên nghiên cứu khoa học tôi đã thấy câu hỏi:
„ Theo đuổi những đề tài nghiên cứu cơ bản dài lâu ,đầy khó khăn ,thiếu thốn hay chọn những đề tài có tính cách „ mì ăn liền“ đem đến lợi ích thiết thực cho cuộc sống hằng ngày là câu hỏi luôn được đưa ra thảo luận của cả phân viện.Trong lảnh vực sinh học ngồi phân loại định danh các loại nấm mốc ,lai tạo tế bào gen mới cũng giống như trong toán học đi tìm một định lý mới,nó sẽ đem vinh quang đầu tiên cho đất nước ,khi một định đề toán hay một tên một loài nấm vi sinh mới khám phá được mang tên Việt nam ,góp phần tạo nền mống khoa học thế giới.Nhưng nó không đem lại nhiều tiền nhanh chóng bằng những đề tài „ thực tế „ như đi sản xuất men làm bánh mỳ hay rượu bia,đi bán giống visinh để làm nấm rơm,phân bón..vv..
Từ thưở đi học tôi đã bị bạn bè hay trêu chọc vì tính mơ mộng trên mây của mình.Đời sống sinh viên dẫu nhiều thiếu thốn vẫn là những ngày vô tư không phải cạnh tranh kiếm sống thực sự.Nhưng khi đi làm dù ở môi trường trí thức vấn đề cơm ăn áo mặc vẫn là đề tài hằng ngày không tránh khỏi .Khi nghe tôi bảo đừng lo mánh mun mà hãy học thêm về kỷ thuật một chị nhân viên kỷ thuật cùng phòng ,tuổi đời gần gấp đôi đã cho tôi ngay một câu :
„ Đúng là loại ngựa non háu đá ,mặt còn „ bún ra sửa „ như em thì cần phải mở mắt nhiều“.
Mở mắt..? Thế nào kia chứ..? Khi trong đầu óc tôi đầy ấp những thứ cao vời và nghĩ chị ấy không có đủ kiến thức để nắm bắt tư tưởng của mình,cho dù mặt mình hãy còn „ sửa“ ?
Giữa thưở đồng lương người cán bộ nghiên cứu khoa học chỉ đủ đi chợ mua thức ăn nhưng không đủ cho tôi mua được một chiếc quần Jean chính gốc từ Mỹ ,tôi đã ngồi mơ đến viễn cảnh những cánh đồng lúa vàng rực tại miền Nam với những giống lúa được lai tạo không bị sâu rầy,viễn cảnh thành công của đề tài „ Đấu tranh sinh học „ (Bio-Kampf) để nông dân không còn khốn khổ khi không có tiền mua thuốc hóa học phun sâu rầy , viễn cảnh môi trường thiên nhiên lành mạnh dần qua biện pháp đấu tranh sinh học, không phải dùng hóa chất.Tôi mơ đến những thành công trong „ Nuôi cấy mô“ ( Zellkultur) cho khả năng nhân giống hàng nghìn cây hoa lan từ phòng thí nghiệm và Việt Nam sẽ qua mặt Thái lan trong công nghiệp xuất khẩu hoa lan…
Những ước mơ thật đẹp đã giúp tôi vượt qua tất cả những khó khăn về vật chất của bản thân.
Như thế thì những điều gì đã làm tôi nhanh chóng „ mở mắt „ chỉ sau một năm hăng say làm việc với những ước mơ to lớn ?
Những điều gì đã khiến tôi quyết định sống nơi quê người ,sống với bọn „ tư bản đang dẫy chết „ thay vì ở lại tổ quốc để đóng góp cho quê hương,thực hiện những mơ ước đã khiến tôi có ý định từ bỏ luôn cả chuyện lập gia đình ,để khỏi vướng bận chồng con ?
Có lẽ những nguyên nhân đã bắt đầu có từ thưở sinh viên và hình thành rõ vào một ngày khi tôi lên văn phòng ông trưởng khoa,một trí thức chân chính từ Hà nội vào nam ,để trình bày những bức xúc của mình về đời sống khốn cùng của sinh viên ,những bất hợp lý trong phương thức giảng dạy trong một số bộ môn và nghe câu trả lời của ông ,như tiếng sét giữa trời quang đối với tôi thưở ấy:
„ Thầy biết tất cả những gì em trình bày nhưng không sửa đổi gì được cả, vì đó là những quyết định của chi bộ đảng.Em hãy bỏ ý định phê bình góp ý ở xứ sở này đi,nó chỉ mang cho em tai họa.Với kiểu cách tư duy của em thầy khuyên em nên nhanh chóng đi ra nước ngoài vì không chóng thì muộn em cũng sẽ bị loại bỏ ra khỏi xã hội này ! „
Thưở ấy dù biết mình đã ngầm bị đưa vào nhóm sinh viên „ phản động „ loại sinh viên học giỏi nhưng có „ đạo đức kém „…, một „ đối thủ Đoàn „ tôi vẫn mong mình sẽ góp phần xây dựng cho quê hương .
Câu trả lời với ánh mắt chân thành của ông trưởng khoa đã khiến tôi nhớ mãi Nó khiến tôi phân vân khi nghĩ đến tương lai mình phải sống trong một xã hội câm lặng,không có quyền bày tỏ ý kiến ,dù đó là ý kiến xây dựng,đổi mới,dân chủ…
Cùng với nhiều vấn đề khác tôi đã trình bày cho ông nghe về chất lượng những bửa ăn sinh viên tại căng tin ,nơi phần ăn nhiều ngày chỉ là món „ canh toàn quốc „ lèo tèo vài miếng thịt vụn.Sinh viên kháo nhau ,sinh viên thì ốm đói nhưng tại chuồng heo phía sau trường đại học của các cán bộ trong chi bộ đảng phụ trách khâu lương thực những con heo mập ụ lên nhanh chóng khi sinh viên phải bỏ ăn ,không nuốt trôi nổi phần cơm có lẫn quá nhiều thóc,sạn.
Những mầm non trí thức khoa học phát triển như thế nào trong tương lai khi khẩu phần của họ đã bị những con heo tranh ăn mất hằng ngày ?
Dù không thích những bộ môn như „ Lịch sử Đảng“ ,“Triết lý Mác Lê nin“ chúng tôi phải ra sức học vì nó quyết định việc tốt nghiệp ra trường.Nhiều bạn không được cấp bằng đại học hay chịu tốt nghiệp loại bình thường khi thi rớt ,có điểm xấu ở các môn này.Tôi ra sức học các môn này không chỉ vì điểm số mà vì thực sự muốn tìm hiểu những tư tưởng ,những ý nghĩa trong các bài giảng đó.
Vào năm thứ hai trong một kỳ thi „ Triết lý Mác Lênin“ với đề tài :
„ Tại sao chưa có cách mạng XHCN xãy ra trên toàn thế giới ?“ tôi đã hăng say trình bày những quan điểm cá nhân ,những suy nghĩ của mình sau những ngày „ nghiền ngẫm „ các câu triết lý , mà đối với một số bạn cùng học là kỳ hoặc,khó hiểu.Trong bài thi tôi ghi ra những ưu điểm của phương pháp sản xuất dây chuyền ,ưu điểm ở sự cạnh tranh ,ưu điểm của sự công nghiệp hóa triệt để , nó bắt buộc người làm việc phải tận cùng sức lực nhưng đem lại năng xuất tối ưu,của cải vật chất sản xuất dư thừa để không có cảnh bần hàn đẩy người vô sản đến bước đường cùng .Do đó không xãy ra cách mạng vô sản,điểm lập luận xem như tất yếu trong Triết lý Mác lê nin .Thêm vào đó những khuyết điểm của phương thức kinh tế „ quốc doanh“,bao cấp,làm chủ tập thể,không ai phải chịu trách nhiệm vì có tập thể nhận lỗi cho cá nhân, sản xuất trì trệ khi không có cạnh tranh ,sẽ dẫn đến sự sụp đổ của một xã hội phát triển theo định hướng XHCN.
Kết quả : bài thi tôi bị điểm rớt, một điểm rớt tàn tệ chưa từng có trong cuộc đời đi học .Với cảm giác thật oan ức không thể tưởng tôi bật khóc nức nở đến mức tên bạn cùng học thương hại và chạy lên năn nĩ thầy giáo cho tôi được làm lại bài với lý do bửa thi tôi không được khỏe,đầu óc không được tĩnh táo !Ông thầy tỏ ý thông cảm nhưng tuyên bố tôi phải thi ngay lập tức vào ngày mai,một mình ,chứ không cùng chung với các bạn đang chờ thi lại.
Thường cả năm tôi không cần học chi nhiều ,trước ngày thi ,vào buổi tối ,tôi ngồi lật sách vở từng trang một và bao nhiêu câu chữ như nhớ in trong đầu vào ngày hôm sau,đấy là lý do tại sao nhiều bạn chỉ thấy tôi ngồi uống càfe quanh năm mà vẫn đạt điểm giỏi khi đi thi .Nhưng đêm trước khi thi lại môn „Triết lý Mác Lê nin „ tôi đã quyết định không đọc hay xem chi đến những sách vở về Triết học Mác Lênin nữa.Sau số điểm mà tôi phải nhận từ những tư duy ,phản biện của mình ,tôi đã thề từ nay sẽ không đọc những loại sách này chi cho uổng công .
Ngày hôm sau vào làm bài thi với đầu đề
„ Tương lai của nền kinh tế theo định hướng XHCN „ , không cần suy nghĩ chi cả , tôi viết ngay một mạch đầy 4 trang giấy ,những gì tôi thường nghe ,đọc trên ti vi ,báo chí,những câu nói đầy „hồ hởi,phấn khởi“ vẽ tương lai nước Việt nam với viễn cảnh của năm 2000, một viễn cảnh mà bác ba Lê Duẫn thường bảo :„ Vào năm 2000 dân Việt nam không những được đi du lịch khắp nơi mà còn được du lịch lên cả mặt trăng „.Xen kẻ những lời của bác Lê Duẩn ,tôi chêm vài câu nói nổi tiếng của đồng chí V.I Lênin,của bác Hồ,của bác Phạm văn Đồng về viễn cảnh phát triển khoa học nước nhà và đặc biệt rất „ đắt địa“ là mấy câu thơ của Tố Hữu.
Suốt đầy 4 trang giấy không hề có một ý nào là ý của riêng tôi.
Ngay buổi chiều hôm đó tôi được thầy giáo gọi lên trao trả lại bài,thầy bảo
“Em làm bài xuất sắc thế tại sao kỳ trước bị điểm xấu vậy ? „
( ông ấy không hề nhớ đến bài làm của tôi kỳ trước với nhận xét của ông là „Hoàn toàn sai lầm khi diễn giãi theo hướng phản động!“).
Lúc đó tôi đã nhìn thẳng vào mắt ông ,một đảng viên gương mẫu ,tiên tiến của chi bộ đảng trong trường và bảo :
„ Tại vì tuần lễ trước đó em chưa hiểu rõ thế nào là XHCN ! „
Thật thế chỉ sau khi bị đánh rớt tôi mới nhận ra thế nào là tư duy trong chế độ XHCN,là không bao giờ được phép phản biện,nói lên thật sự những ý nghĩ,những tư duy của mình ,nếu không muốn bị liệt vào „phần tử xấu,phản động,kém đạo đức „,nếu không muốn bị điểm xấu trong bài thi, trong bộ môn mà tính phản biện được đưa lên hàng đầu là môn Triết học.
Một mầm non trí thức tương lai sẽ phát triển như thế nào khi nhận thấy phản biện là điều tối kỵ ,tư duy cá nhân là mất thì giờ vô ích.Và chỉ lập lại như vẹt những lời nói của những bậc lảnh tụ tối cao là được điểm tốt, được khen ngợi,là sự an toàn cá nhân ?
Không biết hiện nay môn học Triết lý Mác Lê nin,một môn triết lý khoa học biện chứng nhưng không cho phép người học phản biện hay phê bình chi cả có còn trong chương trình dành đào tạo trí thức Việt nam không ? Nó đã góp phần không nhỏ đào tạo bao nhiêu kỷ sư,tiến sĩ theo cung cách học vẹt,cung cách từ chối phản biện và chấp nhận ngay từ đầu là người trí thức ,người có kiến thức khoa học phải chấp nhận sự lảnh đạo của vai cấp tiên tiến trong xã hội , là thành phần nông dân và công nhân ?
Bước vào đời ,dù là môi trường trí thức ,tôi ngao ngán khi thấy mình bị bỏ rơi trong phòng thí nghiệm giữa các sếp lớn tấp nập đi nước ngoài như đi chợ.Khi người hướng dẫn tôi ,một bác trí thức chân chính từ Hà nội vào Saigon gây vựng cơ sở nghiên cứu khoa học tại miền nam đã thật sự vui mừng được bỏ công tác nghiên cứu ở VN để sang Algerie , đi dạy học nơi xứ người ,cho dù tiền lương đã bị nhà nước khấu trừ đủ khoản ,vẫn là cơ hội may mắn để thoát khỏi cảnh cơ hàn của trí thức XHCN.
Tôi như bị bỏ lại ,không người hướng dẫn với những con nấm mốc meo trong ống nghiệm. Và công việc nghiên cứu thiết thực nhất mà tôi cùng các đồng nghiệp cùng làm là phân lập men giống để làm bia và bán bia.
Saigon có thêm những thùng bia hơi,bia sinh tố để nhậu nhẹt,công nhân viên trong phân viện có thêm tiền chia khi bán men bia ,bán bia,ai cũng phấn khởi hơn khi cuộc sống thực sự dễ chịu vì thu nhập được nâng cao.
Một buổi sáng tôi vào phân viện thật sớm để kiểm tra chất lượng một số men bia đã cấy thử đêm trước.Công việc thật đơn giản : với 5 ,7 loại giống khác nhau tôi chỉ cần uống 5,7 ly bia đã cấy men thử ,cộng chung khoảng ½ lít bia ,để thẩm định mùi vị,độ mạnh yếu của men.(Với việc làm bia và uống 1/ 2 lít bia vào sáng sớm này ông anh tôi đã gọi tôi là“ trùm bia“!).Các phòng làm việc hãy còn trống vắng,ở nơi „ ngâm cứu khoa học“ này thông thường cán bộ công nhân viên vào làm rất trể.Có người chỉ tấp qua buổi trưa để ăn trưa rồi chạy đi mánh mun tiếp khắp nơi trong thành phố.Do đó tôi ngạc nhiên khi một ông khách chợt đẩy cửa ,ló đầu vào phòng ,rảo mắt nhìn khắp nơi và hỏi :
„ Cô đang nghiên cứu chi đó ? „
Tôi còn nhớ dáng ông khách đang đứng nơi khung cửa rất rõ ,vì ông ta mặc một cái áo khoát mantel to dài có màu tối,loại áo chỉ ở những xứ sở lạnh lẽo,hiếm khi thấy ở Saigon nóng bức.
Tôi vô tư trả lời :
„ Có nghiên cứu chi đâu ,đang làm bia bán thôi..không thì đói cả lũ ! “.
Đến nay tôi vẫn không quên ánh mắt và nụ cười khó hiểu của ông khách này.
Một vài giờ sau cán bộ , nhân viên lục tục vào làm và cả bọn tá hỏa khi nghe tin sếp Nguyễn văn Hiệu không báo trước đã từ Hà nội vào thẳng Phân viện xem cán bộ công nhân viên của mình ở Sàigon„ ngâm cứu „ra sao !
Nhớ lại khoảng thời gian „ ngâm cứu „này tôi tự hỏi :
Tại sao hiện nay nhà nước bỏ ra khoảng tiền lớn để vận động „chất xám“ từ hải ngoại về phục vụ tổ quốc trong khi có biết bao nhiêu „ chất xám“ tại các viện nghiên cứu đang bị phí phạm vì phải chạy đi lo mánh mun,làm những việc không đúng nghành nghề chuyên môn của mình.? Phải chăng vì cả hàng ngàn kỷ sư,tiến sĩ đào tạo trong hệ thống XHCN có trình độ quá yếu so với trình độ của những trí thức được đào tạo ở nơi “ tư bản đang giẫy chết“?
Nếu điều này là đúng thì tại sao Đảng CSVN vẫn không nhận thấy con đường mình đang đi là sai lầm, vẫn còn muốn giử vai trò lảnh đạo của mình như chẳng khác nào đặt „ Con trâu đi trước cái máy cày „?
Hiện nay dân VN từ nam chí bắc đã phải bỏ biết bao nhiêu triệu đô la để đưa con em mình qua du học ở các xứ „ tư bản đang giẫy chết „ ,nhưng kết quả là thế nào ?
Tôi đã thấy nhiều bạn trẻ đã bỏ dở,không vượt qua ngưỡng cửa kiểm tra trình độ ngoại ngữ,không theo nỗi hết chương trình học và bỏ học,để tiền bạc của ba mẹ tiêu tan hay tốt nghiệp ra trường với ý nghĩ bằng mọi giá được ở lại phục vụ “tư bản “!
Bước chân vào đại học tại đây ,tôi thấy những mơ ước ,tưởng tượng khi xưa là quá xa vời thế giới bên ngoài . Dù là một người đã tốt nghiệp đại học ở VN ,tôi thấy kiến thức cơ bản về đời sống của mình quá thấp kém.Tôi thật sự được „ mở mắt „ ,,để thấy những điều mà tôi không thể nào thấy được ,khi phải sống trong chế độ mà mọi thông tin điều bị bịt kín,cấm đoán.
Trong việc nghiên cứu khoa học do không đủ sách tra cứu và ít được liên lạc tiếp xúc làm việc cùng giới khoa học nước ngoài ,nhiều vấn đề mình mày mò nghiên cứu ở VN thì ở đây thiên hạ đã có từ bao giờ,và quá đầy đủ.Qua đó thấy mình đang còn đứng ở bậc thấp,và mãi mãi sẽ là bậc thấp hay bị „ hỏng giò „ không chỉ vì những điều kiện nghiên cứu bị thiếu hụt, ngân sách ít ỏi, mà chính từ lổ hổng kiến thức có từ trong quá trình đào tạo thưở học đại học ở VN .Những đề tài cao cấp xa vời chỉ là những mộng mơ ,không thể thực hiện được ở VN ,khi trình độ kiến thức cơ bản ở những người cùng nhóm làm việc với mình đã quá chênh lệch.Những định lý,định đề ,công trình nghiên cứu được đẻ ra từ một vài cá nhân xuất sắc chắc chắn không phải là bước tiến của toàn ngành .
Trong thời đại ngày nay chỉ số IQ(Chỉ số thông minh, viết tắt của intelligence quotient )không là chỉ số quyết định để đưa người lên lảnh đạo một nhóm làm việc,đặc biệt ở những nhóm nghiên cứu khoa học ,cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả nhóm.
Người lảnh đạo trong nhóm nghiên cứu đầu tiên là người phải có chỉ số EQ cao (Trí tuệ xúc cảm -emotional intelligence ) người có nhận thức cao về tình hình xã hội ,không chỉ biết thuần về chuyên môn.
Đến nay đã có hàng ngàn tiến sĩ đã được đào tạo trong ngành Sinh học và các ngành khác nhau .Và đã gần 20 năm trôi qua,những ước mơ khi xưa về những đồng lúa chín vàng ươm ở VN đã đến đâu?Những cánh đồng bạt ngàn ,không biên giới ,được cơ giới hóa như ở Hoa kỳ đã xuất hiện được phần nào ở VN ? Bao nhiêu cây phong lan đã được xuất khẩu? Bao nhiêu con giống đã được thu thập và lưu trử trong bộ giống của Việt nam?Hay một số đã chết dần mòn trong những ống nghiệm và bị bỏ quên như biết bao nhiêu trí thức ưu tú tài giỏi sẳn sàng dâng hiến đời mình cho khoa học ,cho cuộc sống xã hội ,nhưng đã chết dần mòn trong môi trường mánh mun ,chạy đua theo cuộc sống cơm áo ngày thường ,hay chạy tứ tán ra nước ngoài!
Người trí thức không biết phản biện sẽ chết lâm sàng ,sẽ như những xác khô không hồn ,tiếp tục báo cáo mỗi cuối năm về thành tích khoa học của mình , tiếp tục bảo những người chung quanh : „ Hãy làm việc đi,đừng mở miệng phê phán „
Để qua một năm tháng nào đó ,nhận ra rằng những nổ lực công việc làm của anh ta như vẫn đứng yên một chổ ,trước một xã hội đủ cảnh đảo lộn ,nháo nhào.Và hơn nữa trở thành người không có trái tim thương người khốn khổ chung quanh,họ chỉ còn có những bộ óc đông cứng trong chuyên môn.
Người có tính phản biện thật sự sẽ không nhấn chìm nó dưới lớp võ bọc “chuyên môn”.Vì trí thức trong chuyên môn vẫn cần tính phản biện nếu công việc chuyên môn đó tiến hành trong xã hội hiện thực,không phải ở trên cung trăng,không tiếp xúc với đời sống xã hội,để trở thành người mù hay câm ,điếc vì phải nhắm mắt ,bịt tai,ngậm miệng..
Không có công việc tư duy nào thành công nếu ý thức phản biện ngay từ đầu đã bị đông cứng.
Nhưng trí thức chân chính ,dám phản biện theo tiếng nói lương tâm của mình ở Việt nam sẽ thấy ngay là họ không bị chết lâm sàng mà bị chết „ cụ thể „ trong ngục tù :
Thí dụ điển hình là trường hợp của nhà trí thức Trần Huỳnh Duy Thức , với chuyên ngành công nghệ thông tin Việt Nam ông đã có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và nhất là Hoa Kỳ, có đóng góp lớn cho kinh tế nước nhà, nhưng khi ông phản đối những rào cản từ phía chính quyền về quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này thì lập tức bị vu cáo, bị khép vào điều 88 của bộ luật hình sự, tức là tội chống đối nhà nước và mang cái án 16 năm tù.
Và còn biết bao nhiêu trí thức đã bị đọa đày trong tù ngục, bị cô lập ,cách ly,xa lánh ,sống mòn mõi trong khốn cùng vì tinh thần phản biện.
Khi viết những dòng này ,trước mặt tôi là quyển „ Kẻ bị khai trừ „
(Un Excommunie) ,do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương vừa dịch và in ra tiếng Việt .Đây là một cuốn sách tự thuật cuộc đời đầy đau lòng của GS Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường,một trí thức tài ba ,chí tình yêu nước ,thương dân .
Ông đã cống hiến cho nhà nước Cách mạng 3 căn nhà to lớn của gia tộc mình,không chỉ tài sản ,mà còn đem hết cả trí tuệ ,năng lực để phục vụ nước nhà và đã bị đọa đày,cô lập,bỏ đói trong suốt hàng chục năm liền trong xã hội dưới sự lảnh đạo của đảng CSVN.
Từ thế hệ của GS Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường đến nay ,đã hơn 60 năm,nhưng vấn đề trí thức và vai trò phản biện của trí thức vẫn còn đó .
Giờ đây tôi hiểu tại sao ông trưởng khoa vào năm đầu đại học đã bảo tôi lo tìm đường đi ra nước ngoài,ông đã nhìn thấy tính phản biện ở tôi,cô học trò mà ông đã chở che để có thể tốt nghiệp an toàn dưới mái trường XHCN.Nếu ở lại VN vì không chấp nhận cái chết „ lâm sàng“ có lẽ tôi đã chết khô từ lâu trong một trại cải tạo tư tưởng nào đó.
Nhà trí thức nào còn giử tinh thần phản biện thì không thể sống an toàn ở Việt Nam .Hoặc sẽ không còn là trí thức nếu đặc tính hàng đầu cần phải có trong mọi công việc cần suy nghĩ có logic ,có khoa học là tính phản biện.Nếu có tính phản biện thì họ không thể chấp nhận cơ cấu vận hành của xã hội VN hiện nay.
Trên hết ,tính phản biện không chỉ giúp cho ước mơ cao xa của một người trí thức thành công mà là đòi hỏi cần phải có ở người công dân bình thường, nhưng có đạo đức,có lương tâm,nhân hậu,biết lên tiếng phản kháng bất công đàn áp..
Dương Hoàng Mai
Munich.
03.02.2012
„ Hãy để ngày ấy lụi tàn“ !
…ngày mà đảng CSVN đã chào đời và đưa cả dân tộc VN vào con đường tăm tối,không có ánh sáng của trí thức và phản biện .
Hãy trả tự do cho những trí thức chân chính vẫn nêu cao tinh thần phản biện ,
không từ chối vai trò phản biện đầy nguy hiểm của trí thức.
Hãy trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang,người nghệ sĩ đã dùng lời nhạc làm vũ khí trong vai trò phản biện của người trí thức .
Lá cờ vàng đến nay vẫn giương cao chính nghĩa của nó,đấy là chính nghĩa
“ Chống Cộng “,không chấp nhận chế độ cộng sản ,dù ở hình thức trá ngụy
là “ tư bản đỏ “