CÁC NỀN CỘNG HÒA TRONG LỊCH SỬ

Năm Mới đang đến  với nhiều hy vọng đổi mới con đường đi của dân tộc Việt Nam .

Để vững bước tiến đến một xã hội có tổ  chức chính trị,pháp lý đúng đắn,thích nghi với hoàn cảnh của  nước Việt Nam,đầu tiên mỗi người dân Việt cần thông rõ những khái niệm :  đa nguyên,đa đảng ,Dân chủ,Cộng Hòa ,đảng Cộng Hòa ,đảng Dân Chủ..vv ..

Nhà văn Nguyễn Cao Quyền không quản ngại tuổi cao trong những ngày bước vào Xuân đã viết tặng chúng ta một bài viết thật quý giá : dù ngắn, gọn nhưng đã tóm tắt rõ nét  lịch sử hình thành cơ cấu phát triển  nền Cộng Hòa .

Nền tảng xã hội và phương hướng chính trị cơ bản theo chế độ

Cộng Hòa đã giúp Hoa Kỳ chỉ sau có 300 năm hình thành Hợp chủng quốc đã bước lên vị trí hàng đầu thế giới.

 Cong Hoa (6)

CÁC NỀN CỘNG HÒA TRONG LỊCH SỬ

LA MÃ VÀ HOA KỲ

NGUYỄN CAO QUYỀN

Tháng 2 năm 2013

Thể chế “cộng hòa”, theo nghĩa đen, là một nền cai trị của toàn dân bằng luật pháp. Ý niệm “cộng hòa” tương phản với ý niệm “quân chủ” tượng trưng cho một nền cai trị tùy tiện của một cá nhân, một ông vua hay một vị hoàng đế.

Nền cai trị “cộng hòa” phát sinh từ một phong trào chính trị trong lịch sử La Mã, xuất hiện giữa thời đại “quân chủ” và giai đoạn “đế quốc”. Người sáng lập nền cộng hòa La Mã là Lucius Junius Brutus. Vị này đã lật đổ chế độ quân chủ và được nhân dân La Mã nhiệt liệt hoan nghênh với một lời thề chung là sẽ không bao giờ để cho nền quân chủ quay đầu lại.

Bài học “cộng hoà” La Mã đã ảnh hưởng sâu đậm lên tiến trình lập quốc của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 18 và đã khiến Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành cường quốc số một của thế giới không đầy 300 năm.

Cả hai hiện tượng chính trị quan trọng nói trên đều được ghi chép lại và phân tích, trong những đoạn viết tiếp theo.

Lịch sử dân tộc La Mã

1) Thời đại quân chủ: 753-509 TCN ( Trước Công Nguyên )

Vị vua đầu tiên của xứ La Mã là Romulus. Ông này lên ngôi năm 753 TCN sau khi giết chết người em là Remus để tranh ngôi. Giang sơn của ông là mảnh đất Roma, vùng thủ đô nước Ý bây giờ. Thời đó chỉ là một khu đầm ao trên bờ trái sông Tibre, dưới chân 7 ngọn đồi. Ông làm vua được 38 năm vả chết năm 715 TCN. (753-715 TCN).

Vua thứ hai của Roma là Numa Pompilius. Huyền thoại La Mã cho rằng ông này được một nữ thần sông núi tên Egeria, vừa là người tình vừa là quân sư, khuyên bảo trong việc trị dân. Ông mất năm 673 TCN sau khi làm vua được 42 năm. (715-673TCN)

Vua thứ ba là Tulius Hostilius. Dưới thời vua này xảy ra vụ tranh chấp đất đai với dân làng Albe do một người tên Ascagna lập nên. Hai bên không muốn đánh nhau to nên đồng lòng mỗi bên cử ba người đại diện toàn dân ra giao chiến. La Mã cử ba anh em nhà Horace. Albe cử ba anh em nhà Curiace. Sau khi giao chiến, bên La Mã thắng trận. Sự tích này được nhà văn Pháp Corneille viết thành kịch thơ.

Hostilius làm vua được 33 năm thì tạ thế (673-640 TCN).

Vua thứ tư là Ancus Martius, trị vì đươc 24 năm. Dưới thời ông vua này, không có gì đáng kể lại. (640-616 TCN).

Vua thứ năm là Tarquin Cựu Nhân, con một người gốc ở thành phố Corinthe bên Hy Lạp di dân đến xứ Latium rồi được lên làm vua trong 37 năm (616-579 TCN).

Vua thứ sáu Servius Lullius là một người xứ Etrusque (ngày nay là xứ Yougo – slavia) di dân sang Ý từ lâu. Ông này có nhiều ý kiến chính trị mới, và ngồi tại ngôi vua được 45 năm (579-534 TCN).

Vua thứ bảy là Tarquin Người Hoành Tráng. Ông này cũng là một người di dân từ xứ Etrusque, làm vua đươc 25 năm

(534-509 TCN ).

Nhìn chung ta thấy nét đặc biệt của người La Mã là: ngôi vua không cha truyền con nối như trong các nước quân chủ khác; người tộc nào cũng có thể làm vua, không riêng gì những con cháu của Enée. Tục truyền rằng Enée, tổ tiên của người La Mã, là con của Anchise và nữ thần ái tình Aphrodite tức Vénus.

2) Thời đại Cộng Hòa (509-27 TCN)

Bất đầu từ năm 509 TCN mọi sự đổi thay. Chính thể quân chủ La Mã đổi thành chính thể cộng hòa, không có vua nữa. Vào giai đoạn khởi thủy này, xã hội La Mã là một thành phố gồm những căn nhà sàn, tường gỗ mái rơm, dựng trên đầm ao bên bờ sông Tibre. Thành phố này được bao bọc bởi một bức tường vòng khoảng 11.500 mét, xây dựng dưới thời ông vua thứ sáu Servius Tullius.

Dần dần đầm ao được lấp, các nhà sàn được phá đi và thay thế bằng những nhà gạch ngói. Trên một ngọn đồi đặt tên là Capitole người La Mã xây một cái thành tường cao, và đặt một trại lính để giữ an ninh cho thành phố Roma. Bên cạnh thành là một tảng đá lớn đặt tên là ngọn đá Tarpeia. Tarpeia là tên một thiếu nữ xưa kia mở cổng thành cho người Sa Banh vào cướp phá. Sau này, ai phạm tội tử hình thì bị đưa lên ngọn đá cao ấy rồi đẩy xuống cho chết.

*

Xã hội La Mã có một đẳng cấp quân nhân cuỡi ngựa. Các quân nhân đều có ruộng đất ở ngoài thành phố, dưới chân bảy ngọn đồi, nhưng họ sống trong thành. Ngoài thành là những người làm ruộng, trồng trọt, chăn nuội ngựa bò và cừu.

Nhóm người này phục vụ đẳng cấp quân nhân.

Cư dân trong thành lúc khởi đầu gồm 100 dòng họ qúy tộc, có ngựa và ruộng vườn ở ngoài thành. Họ là những người gốc Latinum, Sa Banh, Etrusque. Tổ tiên họ được gọi là patres (part có nghĩa cha). Con cháu được goi là partriciens. Những người cùng một dòng họ qúy tộc họp lại thành gens.

Từ genteels (Anh), hay gentilhommes (Pháp) ở đây mà ra.

Ban đầu chỉ có đẳng cấp Patriciens mới có quyền công dân, tức là quyền giữ những chức vụ quan trọng để cai trị dân.

Vụ chuyển hóa từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hòa xảy ra như sau: vị vua thứ sáu Servius Tullius thảo một hiến pháp quy định rõ ràng quyền của mọi tầng lớp nhân dân; con rể của vua Tellius là vua Tarquin Hoành Tráng muốn cư xử như một người độc tài nên bị phế.

Chính thể cộng hòa bắt đầu từ đây. Quyền chính nay giao cho nhiều người, đặc biệt cho hai người gọi là preteurs (pháp quan). Chức vụ này sau đổi thành consuls (chấp chính quan).

*

Những người thường dân chăn nuôi ngựa bò hay làm ruộng được gọi là “plebs” có nghĩa là quê mùa, chẳng hiểu biết gì. Sau khi thành phố La Mã thành lập, họ được vào ở trong thành để phục vụ qúy tộc. Họ không có quyền công dân, nghĩa là không được tham chính. Nhưng họ có quyền sở hữu và quyền tự do đi lại.

Sau này, nhiều người xoay ra buôn bán và trở nên giàu có. Họ họp thành một lớp người mới được gọ là equites (ky sĩ) và trở thành công dân.

Đến năm 316 TCN có người thuộc giới plebs được cử làm consul và có đủ mọi quyền hành.

*

Giai cấp thứ ba là các nô lệ. Họ là dân của các nước thua trận được tha chết. Nô lệ tiếng La Tinh là servius (có nghĩa là người được tha). Mẹ nô lệ thì con cũng là nô lệ. Nô lệ có thể được chủ thương tình mà giải phóng hoặc có tiền mua lại sự tự do của mình. Khi được giải phóng rồi thì họ thuộc giai cấp thường dân (plebs) nói ở trên.

3) Thời đại các hoàng đế (27 TCN- 476 SCN)

Năm 59 TCN Jules César (100-44) được cử làm consul. Trong khi giữ chức vụ này, năm 58 TCN ông mang quân vượt núi Alpes đánh chiếm xứ Gaule của người Pháp. Trên đường bành trướng, năm 49 TCN ông đánh bại quân của Pompée và đuổi Pompée đến tận Ai Cập.

Tại đây, César gặp Cléopatre và vui sống với vị nữ hoàng này một thời gian.

Năm 45 TCN César lại đại phá quân lực của Pompée ở Cordoba (Tây Ban Nha) và được gọi là Imperator. Từ này có nghĩa là Đại Tướng Tổng Chỉ Huy, nhưng người Pháp dịch là Empereur (hoàng đế). Năm 44 TCN, César bị ám sát bằng dao.

Trong vụ này, có người con nuôi của César tên là Brutus. Brutus giết César vì muốn giữ nguyên chế độ cộng hòa và tránh không cho César một mình năm hết cả quyền hành.

César chết, Octavien, người cháu gọi César bằng ông được hưởng gia tài và lên nối nghiệp. Để trả thù cho César, Octavien đánh thắng Brutus, bắt được và đem ra xử tử. Octavien chia quyền hành với Antoine và Lapidus. Octavien cai trị nước Ý, Antoine làm chủ các lãnh thổ phương Đông, Lapidus làm chúa các lãnh thổ Châu Phi.

Năm 27 TCN, Octavien lên ngôi hoàng đế.

Thời đại của các hoàng đế bắt đầu. Chức này không gọi là imperator mà gọi là augustus. Dòng họ của Cesar có 5 hoàng đế: Octavien 

(27 TCN-14 SCN ),Tibère (14-37 SCN), Caligula (37-41 SCN), Claude (41-54 SCN), Néron (54-68 SCN). Néron, con nuôi của Claude, giết mẹ, giết vợ, giết con triêng của bố nuôi và tự sát

năm 68 SCN.

Sau Néron thì có nội loạn to. Trong hai năm 68-69 có ba hoàng đế bị giết. Dòng họ Flaviens cỏ ba hoàng đế và giữ ngôi đến năm 96 SCN. Dòng họ Antonins có 6 hoàng đế (96-192 SCN) và La Mã cực thịnh trong thời gian này.

Đến năm 324 SCN , hoàng đế Constantin I lập thêm một thủ đô thứ hai của đế quốc La Mã ở Byzance (nay là Istanbul).

Từ năm 27 TCN đến năm 775 SCN là năm mà hoàng đế Constantin II mất ở phương Đông, La Mã có tất cả 115 hoàng đế. Đế quốc La Mã Phương Tây tồn tại đươc đến năm 476 SCN, còn đế quốc phương Đông thì tồn tại mãi cho đến cho đến năm 1459.

Như thế, đế quốc La Mã phương Tây kéo dài 717 năm, còn Đế quốc La Mã phương Đông kéo dài 1085 năm.

Nhân loại chưa bao giờ có những đế quốc vững bền như vậy.

Tổ chức chính trị thời Cộng Hòa

Trong thời đại “cộng hòa” nền cai trị La Mã phân chia thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Quyền lập pháp ở trong tay Hội Đồng Senat và Hội Đồng Comices. Hội viên Senat là những người đã từng giữ quyền hành pháp, cho nên Senat còn được gọi là Nguyên Lão Viện.

Hội Đồng Comices, tức Hội Đồng Dân, gồm các quân nhân đại diện của ba tộc nguyên thủy: Latinum, Sa Banh và Etrusque.

Mỗi tộc có 10 nhóm đại biểu gọi là curies. Và như vậy có 30 curies. Về sau khi người trong các tộc lấy lẫn nhau, khái niệm quân nhân trở thành quan trọng hơn và các Hội Đồng Dân mang tên mới là Comices Centuriates, do từ centurion có nghĩa là sĩ quan quân đội.

Như vậy, cách đây 25 thế kỷ, người La Mã đã đặt ra thể chế hai nghị viện để làm luật: hạ nghị viện Comices biểu quyết các đạo luật, và thương nghị viện Senat duyệt y hay bắt sửa đổi lại.

Quyền hành pháp ở trong tay những người hàng năm được Hội Đồng Comices bầu lên. Quyền lãnh đạo cao nhất là hai vị chấp chính quan (consuls). Cả hai vị này cầm đầu quân đội, làm chủ tịch Nguyên Lão Viện và Hội Đồng Dân và có nhiệm kỳ một năm.

Có thêm một chức quan nữa là tribun (hộ dân quan), lập nên vào năm 493 TCN để bảo vệ quyền lợi của giới thường dân.

Tên nước Cộng Hòa La Mã là “Nguyên Lão Viện Và Dân La Mã” (Senatus Populus Romanus).

Trong trường hợp đặc biệt, Nguyên Lão Viện có quyền cử một cựu chấp chính quan giữ chức dictator (độc tài quan) nắm hết các quyền hành trong tay, trừ quyền của vị hộ dân quan.

Chức độc tài quan chỉ được giữ trong 6 ̉tháng.

Quyền tư pháp nằm trong tay các quan tòa do vị preteur (pháp quan) cử ra. Luật pháp La Mã có hình luật và dân luật (luật về giao dịch giữa các tư nhân). Khi xử án có người buộc tội và có những trạng sư bênh vực bị can.

Có cả bồi thẩm đoàn gồm những người phụ tá chánh án để định tội.

Một trạng sư nổi tiếng thời La Mã là Cicéron (106-43 TCN) đã có những bài cãi hay, lưu truyền lại đến ngày nay.

Biện minh trạng của Cicéron là những áng văn luật pháp thuyết phục và mạch lạc, được trình bày với một kỹ thuật biện hộ khôn khéo và sâu sắc.

Luật pháp Hoa Kỳ phần lớn là do luật pháp La Mã mà ra. Có thể nói La Mã là một cái “mốt” (mode) hồi cuối thế kỷ 18 để cho các nhà lập quốc Hoa Kỳ bắt chước.

Tòa nhà quốc hội Mỹ cũng gọi là Capitole và xây theo kiến trúc La Mã.

Tượng của Tổng Thống Washington được các nhà điêu khắc Mỹ cho mặc quần áo theo kiểu La Mã và đi dép giống César.

Vì đâu mà đế quốc La Mã vững bền ?

Điểm đặc biệt đầu tiên phải ghi nhận khi tìm hiểu về đế quốc La Mã là: người La Mã bành trướng ra nước ngoài không phải do nhu cầu chiếm đất mà do nhu cầu giao thương. Quân đội của họ được thành lập đề bảo vệ hàng hóa và những con buôn mang tính mạo hiểm, chủ trương vận chuyển sản phẩn ra nước ngoài để bán với giá cao, hầu kiếm lợi nhuận siêu ngạch.

Sau chiến tranh, người La Mã không coi thường dân và các qúy tộc của nước bại trận là kẻ thù. Trái lại, đã đối đãi với họ một cách thân thiện ngay và giao cho những người tài giỏi quyền hành để người ta cộng tác với mình. Đây là một bài học vô cùng qúy giá mà sau này chỉ có Hoa Kỳ mới nhận thức được và áp dụng.

Chính nhờ bài học này mà Hoa Kỳ đã nhanh chóng bước lên “vị thế số 1” của thế giới sau Thế Chiến II. Trong lịch sử nhân loại, từ đế quốc Trung Hoa, qua đế quốc Mông Cổ, rồi đến đế quốc Anh Cát Lợi, không nước nào biết đến bài học này. Vì chỉ biết dùng bạo lực và giết chóc để chiếm đoạt lãnh thổ và tài nguyên của các nước khác, cho nên họ đã tạo hận thù truyền kiếp và tan rã rất nhanh.

Ngoài hai đặc điểm nói trên, người La Mã còn để lại cho nhân loại một số di sản vô cùng qúy báu như: lịch Julien, thứ lịch mà hiện nay nhân loại vẫn đương dùng; bộ chữ cái ABC, văn phạm và văn chương La Tinh; kỹ thuật và kiến trúc xây cất, và quan trọng nhất là luật pháp và tổ chức tư pháp của La Mã.

Nền Cộng Hòa của Hoa Kỳ.

Khi rời bỏ tổ quốc ra đi tìm tự do, người dân Hoa Kỳ đã không mất cảnh giác đối với bất cứ một lỗ hổng nào có thể làm hại đến quyền tự do của họ trong thời kỳ lập quốc.

Từ trong chế độ dân chủ họ đã tìm ra một mối đe dọa không thể chấp nhận: đó là sự độc tài của “đa số”.

Cho nên họ đã lựa chọn nền “cộng hòa” với nguyên tắc “đa số hạn chế” và nguyên tắc “phúc quyết” của toàn dân.

Theo định nghĩa, thuật ngữ “cộng hòa” là một chế độ cai trị do nhân dân bầu lên và được nhân dân trao cho một quyền lực hạn chế mà phạm vi được quy định rõ rệt trong hiến pháp.

Hiến pháp này do nhân dân chuẩn nhận và có thể thay đổi được. Chế độ cai trị đó được phân chia làm ba ngành độc lập với nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thuật ngữ “nhân dân” bao hàm ý nghĩa “cử tri đoàn” bầu lên chế độ.

Nhân dân chấp nhận hiến pháp như một đạo luật căn bản được hoạch thảo bởi một Hội Nghị Lập Hiến, và được phê chuẩn bởi một Hội Nghị Phê Chuẩn do họ bẩu lên.

Các Hội Nghị Lập Hiến, Hội Nghị Phê Chuẩn và bản Hiến Pháp Thành Văn là những sáng tạo của các nhà lập quốc Hoa Kỳ, và đồng thời cũng là những đóng góp qúy báu của Hiệp Chủng Quốc vào khoa học trị nước của nhân loại.

Sự khác biệt giữa dân chủcộng hoà nằm ớ chỗ: trong chế độ dân chủ nguyên tắc đa số được dùng một cách vô giới hạn còn trong chế độ cộng hòa nguyên tắc này chỉ được sử dụng chừng mực và sự chừng mực này được ghi chép một cách trang trọng trong hiến pháp để mọi người, lãnh đạo cũng như quần chúng, triệt để tuân theo.

Chính vì thế mà khi Hoa Kỳ lập quốc, nguyên tắc đa số đã được đem ra mổ sẻ, cân nhắc và bàn cãi rất sôi động trong các Hội Nghị Hoạch Thảo Hiến Pháp. Những tiếng nói quyết liệt nhất, bênh vực cho mẫu hình “cộng hòa” này có thể tìm thấy trong những bài diễn văn của Thomas Fefferson (Notes On The State Of Virginia) và trong tác phẩm The Federalist của James Madison.

Cả hai vị này được coi như những nhà hoạch thảo hiến phảp đả dầy công dựng nước.

Trò chơi dân chủ đòi hỏi nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” phải được bổ sung bằng mộc số biện pháp dân chủ khác. Giữa những biện pháp chung chung như việc thiết lập bộ sắc tộc, bộ xã hội, việc chấp nhận quyền tự trị, quyền bảo tồn văn hoá…thì đạo luật nhân quyền (bill of rights) trong hiến pháp Hoa Kỳ đã nổi lên như một bảo đảm vững chắc nhất và đã được cả loài người hoan nghênh chấp nhận.

Đó là nét đặc biệt đáng chiêm ngưỡng của hiến pháp Hiệp Chủng Quốc. Áp dụng trong thực tế nét đặc biệt này đã trở thành “sát tinh” của những chế độ dân chủ phi tự do, xuất hiện đồng thời với các tác yêu, tác quái của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.

Triết lý nằm sau Hiến Pháp Hoa Kỳ là nỗi sợ quyền lực bị tích lũy. Triết lý này vẫn giữ nguyên tính thời sự như vào thời kỳ Hoa Kỳ lập quốc. Hệ thống chính trị của nước Mỹ được xây dựng trên quan niệm cho rằng không thể tin được những người có quyền hành.

James Madison, vị tổng thống thứ tư nổi danh của Hoa Kỳ đã viết:

Nếu con người là thần thánh thì không cần phải có chính quyền”.

Nêu ra mô hình “cộng hòa” của nước Mỹ không phải để nói rằng đó là con đường tốt nhất mà chỉ để nhắc nhở rằng con đường “tự do hiến định” là vấn đề cốt lõi của mọi hiến pháp đang thành hình hay đang cần sửa đổi.

Sự khác biệt giữa “cộng hòa dân chủ” và “cộng hòa Stalinít”

Những dòng viết tiếp theo, chủ ý nhắc lại sự khác biệt giữa hai thuật ngữ cộng hòa và dân chủ thêm lần nữa và đặc biệt nhấn mạnh vào tính xảo trá của các danh hiệu cộng hòa stalinít.

Theo định nghĩa “cộng hòa” là một hình thái chính quyền cai trị theo “hiến pháp” (rule according to a constitution) còn “dân chủ” là một hình thái chính quyền cai trị theo ý muốn của “đa số” (will of majority) .

Mặc dù cả hai hình thái nói trên đều tương phản với “quân chủ” nhưng giữa chúng có một sự khác biệt căn bản: đó là bản hiến pháp.

Hiến pháp là bản văn hạn chế quyền lực của người cai trị trong một nền “cộng hòa” để bảo vệ quyền của cá nhân chống lại sự lạm quyền của đa số.

Trong sinh hoạt dân chủ, điều nguy hiếm cần phải cảnh giác là sự “bạo chính của đa số” (tyranny of majority).

Nếu không bị hiến pháp hạn chế, “đa số” sẽ không quan tâm đến hệ lụy có thể xảy ra đối với các cá nhân và các nhóm thiểu số bị những quyết định của họ chi phối.

Ngày nay “nền dân chủ cộng hoà” là một hình thái dân chủ đại nghị (represen – tative democracy) trong đó quyền của nhà nước bị nghiêm khắc hạn chế bởi những điều quy định trong một hiến pháp do toàn dân hoạch thảo và phê chuẩn.

Một nền dân chủ không cộng hòa chỉ là một nền cai trị của đa số.

Các thuật ngữ cộng hòa Sô Viết, cộng hòa nhân dân hay cộng hòa xã hội chủ nghĩa phát sinh từ khi hiện tượng Cộng Sản xuất hiện trên bàn cờ chính trị thế giới chỉ là những trò bịp bợm.

Lý do dễ hiểu là vì trong các chế độ này chẳng bao giờ có bầu cử dân chủ và cũng chẳng bao giời có hiến pháp do toàn dân hoạch thảo và phê chuẩn. /.

NGUYỄN CAO QUYỀN

Tháng 2 năm 2013