Một thời oan trái

hoa-khe

Mỗi người xa quê hương thường mang theo vài hình ảnh quê nhà khó mờ phai trong tâm trí. Đó có thể là ngôi nhà thân yêu, cánh cổng đầu làng , lối dẫn vào xóm , đồng lúa chín vàng , lũy tre xanh hay hình ảnh loài cây trái hoa cỏ nào đó. 

Nếu hỏi người dân Việt Nam khi qua xứ người,  họ nhớ nhiều đến cây nào nhất , ta có nhiều câu trả lời với nhiều tên cây cỏ khác nhau : cây tre,cây đa,cây trứng cá ,cây cau ,cây dừa ,cây ổi ,cây mận,chùm ruột …

Hình ảnh mở đầu cho “ Một thời oan trái” với những câu chuyện kể về quê nhà của nhà văn Phan Lạc Tiếp là cây khế.

Ở nơi đó khoảng thời gian đong đầy kỷ niệm bình dị,êm ả như những chiếc lá khế dịu dàng đan tỏa bóng râm góc vườn quê nhà.

 Ở nơi đó có những buổi trưa hè nắng gắt gay , không gian êm ả để tiếng võng đưa em kỉu kịt vang từ nơi xa hòa quệt câu hát ru em đáp đọng lên bờ mi nặng chĩu , đưa người ru hồn vào giấc ngủ trưa lịm dần cùng tiếng gà gáy .

Trong những bữa trưa hè như thế,  để chống lại cơn buồn ngủ người ta bước nhẹ ra đầu hè, chái bếp ,ra vườn ,lần đến bờ ao .

Đâu đó, dưới bóng mát phẳng lặng gốc khế , tâm hồn người chợt khẽ rung theo từng cánh hoa khế đang bay vòng vèo trên không trước khi đáp nhẹ xuống mặt ao tạo những vòng lăn tăn gợn sóng Không gian kỷ niệm thưở xưa như thế thật êm đềm như nhớ về         “ Thời xa vắng” đã qua , chứ không phải  “Một thời oan trái” . 

Những “ oan trái” đã bắt đầu từ đâu và tại sao cứ đeo đẳng mãi theo số phận từng nhân vật trong truyện , để nơi thật bình lặng dưới gốc khế như có tiếng kêu than vang vọng :
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng mày, khế ơi !

PLT (6)

Qua 20 đoản văn của quyển “Một thời oan trái” nhà văn Phan Lạc Tiếp, cựu Hạm trưởng trong binh chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đã cho chúng ta sống lại từng thời kỳ lịch sử đất nước vào khoảng thời gian hơn 40 năm . 

Bắt đầu từ tháng 7-năm 1954 khi tác giả như hàng triệu người dân miền Bắc phải bỏ làng bỏ xứ lưu lạc vào Nam, cho đến sau 1975 bước chân lưu lạc đi xa hơn khắp năm châu bốn bể , để rồi hàng chục năm sau ,vào năm 1994 ,lần đầu tiên quay về quê hương yêu dấu , nơi có nhiều kỷ niệm “oan trái” khó phai mờ .

Vùng đất quê hương tác giả có tên Nủa Chợ (gọi tắt là làng Nủa, tên tục của làng Hữu Bằng, quận Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, tức Hà Tây, miền bắc nước Việt ngày nay) có nhiều phong tục tập quán đậm chất văn hóa nổi bật , cũng là nơi xuất thân nhiều nhân vật nổi danh trong nước.
Một thời oan trái” không kể về những huyền thoại mà kể về người thật việc thật . Những người sống bình thường trong ngôi làng nhỏ nhưng có số phận thật ly kỳ ,oan trái .

Tác phẩm cho thấy dù nổi danh hay vô danh tất cả như đều cùng chịu số phận oan trái, đớn đau cùng với thời kỳ lịch sử đầy máu lệ,đầy oan khiên . Những oan trái khốc liệt như tương phản hoàn toàn với khung cảnh êm ả làng quê Bắc Việt , nơi hoa ngâu hoa bưởi thoang thoảng đưa hương , nơi có những buồi chiều nhẹ trôi theo tiếng sáo diều êm ả ngân nga ngoài đồng lúa,  có những buổi trưa nắng chiếu qua bóng cây khế, nơi chỉ có cỏ lá xôn xao .

Bỗng một ngày nào đó cô gái làng quê đang sống trong cảnh bình dị như Chị Đan trong “Cây khế ngày xưa “chợt hóa thành người phụ nữ “ đấu tranh cho cách mạng” , đứng lên hô hào ” bài phong ,phản đế” , mê say đi hội họp , biểu tình đến bỏ quên cả cuộc sống ngày thường . Để rồi khi “cách mạng thành công”bị bỏ quên trong lặng lẽ .

Câu chuyện “Cây khế ngày xưa “mở đầu “ Một thời oan trái “ cho thấy đã có chút gì của lừa dối , bội bạc nẩy mầm nơi chốn bình dị với những người dân hiền lành vào thưở đó. Những mẫu chuyện kể không chỉ dừng ở khoảng thời gian dân chúng bắt đầu theo “Việt Minh” làm cách mạng , các câu chuyện vào cuối quyển sách đưa người đọc đi xa hơn , cùng đi lên chuyến tàu vượt biên, sống cùng thuyền nhân những ngày trên vùng đất mới , chia sẽ cảm xúc của “Việt kiều “  lần đầu quay về thăm lại quê hương.

Đặc biệt cây cỏ hoa lá được lấy làm biểu tượng hay hòa nhập vào người qua tâm hồn yêu thiên nhiên của người viết.

Nhà văn Võ Phiến được biểu hiện qua hình tượng cây thông bốn mùa xanh tươi , sống mãi trong lòng dân tộc với công trình văn học đồ sộ của ông : “Bộ Văn Học Miền Nam”  gồm 7 quyển, dầy trên 3 ngàn trang, một nỗ lực sưu tập cá nhân từ các thư viện Hoa Kỳ nhằm gìn giữ các tác phẩm hay đẹp mang tính nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhà văn Phan lạc Tiếp đã dùng hình ảnh cả “Một khu rừng “khi kể về một nhân vật của Tự Lực Văn đoàn đã đi vào lịch sử , Nhất Linh Nguyễn Tường Tam , luận về cái chết của ông cùng câu nói nổi tiếng : “ Đời tôi để lịch sử xử,tôi không chịu để ai xử cả”.

Như “ Một làn gió tinh khôi” là câu chuyện kể về người đã viết bài cho mục “Trong lòng điện tử” trên tờ báo Đất Mới , tờ báo đầu tiên của những người tị nạn trong những năm sau 1975 trên đất Mỹ, người đã dịch quyển “Hành Trình Về Phương Đông” -dịch giả Nguyên Phong:

Nguyên Phong,còn là tác giả dịch những bài viết ,quyển sách nổi tiếng như Thông Điệp của Những Người Anh, Hoa Sen Trên Tuyết, phỏng dịch từ cuốn The Mani Stones của Alan Havey, một BS Y Khoa tốt nghiệp từ Đại Học Michigan. Hoa Trôi Trên Sóng Nước, dịch từ cuốn Journey In Search Of The Way của Satomi Myodo, người Nhật Bản. Huyền Thuật Và Đạo Sĩ Tây Tạng, phóng tác từ cuốn sách Pháp văn, nhan đề Mystiques Et Magiciens Du Thibet của bà Alexandra David Beel. Bên Rặng Tuyết Sơn, phóng tác từ cuốn sách của Swami Amar Jyoti, người Ấn Độ. Ngọc Sáng Trong Hoa Sen, phóng tác từ cuốn The Wheel Of Life của John Blofeld, người Anh. ( Làn gió tinh khôi -Một thời oan trái- trang 206)

Với những cuốn sách dịch mang cảnh trí và nét huyền bí Đông phương , với cách sống giản dị khép mình trong đời thường Nguyên Phong như viên ngọc quý ẩn tàng trong dãy núi đá thiên nhiên , như bậc cao tăng trong những quyển sách ông đã dịch thuật.

Trong thực tế Nguyên Phong là một trong số rất ít nhân vật quan trọng đã có những đóng góp cụ thể và to lớn vào sự canh tân và phát triển của hãng Boeing, hãng đóng máy bay lớn nhất hoàn cầu. Ông được đặc biệt vinh danh về những phát minh quan trọng trong ngành Hàng không.

Ngoài công việc chính tại Boeing, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và là khoa học gia (Senior Scientist) tại đại học Carnergie Mellon University và Seattle University. Ông còn đi dạy tại một số đại học quốc tế khác tại Trung Hoa, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ về lãnh vực Softwave Engineer.Ông cũng vừa cho xuất bản cuốn sách giáo khoa Software Engineer bằng Hoa ngữ, (do nhữnng một số học trò của ông soạn, dịch từ những bài giảng của ông.). Cuốn sách này là tài liệu giáo khoa chính của rất nhiều đại học Trung Hoa hiện nay.

( Làn gió tinh khôi -Một thời oan trái- trang 206)

image004

Một tấm gương can trường, anh dũng trong cộng đồng hải ngoại qua “Một thời oan trái “ là Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, vị Tư lệnh Vùng II Duyên hải của Hải quân Việt Nam Cộng hòa, lãnh tụ Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (hay Đảng Việt Tân) và chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam trong khoảng thời gian 1975-1987.

Cụ Hoàng văn Chí , tác giả quyển “ Trăm hoa đua nở trên đất bắc “ đã được tác giả Phan Lạc Tiếp nhắc đến như “Một vì sao sáng”, đáng nghiêng mình kính phục.

Một vị lão tiền bối suốt cuộc đời bôn ba đã sáng lập ra hảng tương Cự Đà trên miền đất tị nạn ,tiếp giúp tài trợ cho Ủy ban Báo nguy giúp người vượt biển .

(Ủy ban cứu trợ Thuyền nhân (Boat People SOS).

Đặc biệt qua câu chuyện của “Sơn Chung Tiên Sinh” cùng cái chết tức tưởi của thanh niên tên Phan Lạc Trạch đã đứng ra giải thích cho quân viễn chinh Pháp ý nghĩa của những di tích cổ xưa cứu giúp dân làng , giử gìn di sản văn hóa cổ xưa , đã bị các “ đồng chí Việt Minh “ kết tội ” thân Pháp” nữa đêm bị dẫn ra cánh đồng bắn bỏ .Sơn Chung Tiên Sinh người phải chứng kiến tội ác diễn ra trong đêm tối giữa cánh đồng mông quạnh đã khiếp đảm đến mất hồn , bỏ chạy trốn và lưu lạc phương xa hàng chục năm trời ,không dám quay về quê nhà .Cho mãi tận đến sau năm 1975, những tưởng quê hương đã thanh bình ,ông bèn lần mò về quê cũ .“Nhưng mới hôm trước hôm sau, Uỷ Ban Xã mời ông ra trụ sở làm việc. Họ ăn nói rất ôn hòa‘… bác ở xa mới về, chưa quen nếp sống mới, bác cần được nghỉ ngơi, học tập một thời gian…’ Thế là ông phải đi tù! ”

Điều trớ trêu, oan trái mang đầy kịch tính là ngay ngày đầu nhập trại ông gặp lại con trai trong dáng dấp một ông già trước tuổi với thân hình còm cõi trong cùng cảnh ngộ nát lòng: cả hai cha con đều là tù nhân của chế độ!

“- Con! Con đây ư? …
Người con oà khóc và nói :
Con đã tưởng ở trong Nam thì Thầy đã thoát. Sao Thầy lại còn về để bố con mình gặp nhau ở đây?!…”
Trong những năm tháng sống cuộc đời tự do tại Sài Gòn ,Sơn Chung Tiên Sinh – Đỗ Nhật Tân đã được trao tặng hạng ba Giải Thưởng Văn Chương của Tổng Thống cho bộ môn dịch thuật ,

phải chăng đó là nguyên nhân đưa ông vào nhà tù của nhà nước cách mạng ?

Câu chuyện ngắn đã trở thành vở kịch bi thương cho cả dân tộc khi

“ Ý thức và tinh thần cảnh giác cách mạng” bao trùm lên toàn cảnh xã hội Việt Nam , khi đất nước bỗng biến thành nhà tù lớn, chạy đi đâu cũng không thoát cảnh tù tội. Chưa đọc đến câu chuyện “Sơn Chung Tiên Sinh” ngay  trong khoảng thời gian bình yên với hình ảnh “ Cây khế ngày xưa “ ở những trang đầu tiên tác giả đã cho thấy “oan trái “ bắt đầu từ đâu .

Kể đến câu chuyện về số phận oan khiên của những người thân trong gia đình nhà văn Phan Lạc Tiếp đã ghi :

Sơn Chung Đỗ Nhật Tân gọi mẹ tôi là dì. Người thanh niên xấu số bị thắt cổ chết tên là Phan Lạc Trạch, là con của bác Tú tôi, là anh họ cuả tôi, là chú ruột của anh Phan Lạc Tuyên…

Những nỗi tang thương, những oan khiên, chia lià của thời cuộc trải dài trên nửa thế kỷ, phủ lên bao nhiêu gia đình, qua mấy thế hệ, xét cho cùng, thật vô cùng ghê gớm và cũng thật vô ích.

Hoàn toàn vô ích…” .

Bộ mặt thật của “ Cách mạng” được phơi bày rõ hơn qua câu chuyện về Nguyễn Duy Thục, dân làng Nủa, người thanh niên trí thức lấy bút danh Tào Mạt, nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia danh tiếng trong “nhà nước cách mạng “.

Nguyễn Duy Thục mang quân hàm Đại Tá QĐND và rất được trọng dụng vì có tài năng. Nhà văn Phan Lạc Tiếp đã nhấn mạnh rõ những người đi theo phục vụ cách mạng như thanh niên Nguyễn Duy Thục hầu hết bắt đầu từ tinh thần yêu nước.
Họ là những người sinh ra trong những thập niên đầu thế kỷ cuối cùng của thiên niên thứ hai. Đấy là thế hệ thanh thiếu niên đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần ái quốc của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và sự ra đời của những đảng phái chính trị, với chủ trương bài phong, phản đế, đả thực để dành độc lập, tự do và chủ quyền cho đất nước.

Cái chết bi hùng của liệt sĩ Nguyễn Thái Học, người đứng đầu Quốc Dân Đảng cùng với 12 đồng chí của ông năm 1930 ở Yên Bái đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ khơi dậy lòng yêu nước nơi các tâm hồn trẻ.Trong tình trạng ấy, ai cũng được, tổ chức nào cũng được, cứ có người kêu gọi là những người trẻ yêu nước hăng hái lên đường.”.

Đảng Cộng Sản Đông Dương vào năm 1945 đã chọn đúng thời cơ xua dân đi cướp chính quyền.

Hầu như ai là kẻ có lòng với dân, với nước cũng đã sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Mặt Trận Việt Minh, trong đó có người thanh niên Nguyễn Duy Thục. Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ như một vận hội đầy quyến rũ, cuốn hút người yêu nước ra đi. Tất cả đã lên đường dành độc lập và chống xâm lăng từ trong Nam ra Bắc.”

Sau ngày 30-4-75 Tào Mạt cũng như nhiều người dân miền Bắc khác khi được vào miền Nam , vừa đặt chân đến Sàigòn đã thực sự được mở mắt ,để thấy mình bị lừa dối bao năm trời .Từ đó những tư tưởng “xét lại” bắt đầu nhen nhóm . Nguyễn Thái Hoàng, một trí thức trẻ trong nước đã tiết lộ lời tâm sự của Tào Mạt:

Tôi được trung ương giao cho viết một vở chèo về Bác. Thú thật lúc đầu tôi thấy vinh dự lắm liền vào ngay thư viện ôm một chồng sách về nghiền ngẫm, vào tận quê ông cụ để lấy thêm tư liệu, đọc cả sách ngoại quốc ca ngợi cụ, rồi để cả năm trời kiểm chứng. Cuối cùng phải bỏ, vì cụ Hồ là người hoàn toàn không tin được, đầy gian giảo, xảo quyệt, khác với những điều bịa đặt trong sách. Bây giờ để có tác phẩm thay thế, tôi phải viết về Hưng Đạo Đại Vương Trần quốc Tuấn”.

Đến đây chúng ta hiểu tại sao và từ thửo nào xã hội Việt Nam đầy dẫy những câu chuyện oan trái không ngừng tiếp diễn . Qua những trang sách bàng bạc nhiều hình ảnh khoảng đời một sĩ quan phục vụ trên Dương vận hạm Quy Nhơn HQ 504 trong bao năm tháng lênh đênh trên sóng gió ngoài khơi , bút ký “Người đàn bà trên tàu 502” đã ghi lại những ngày tháng trên biển cả mênh mông , phó mặc định mệnh đưa đẩy của những “thuyền nhân “.
Câu chuyện người mẹ bị lạc con là câu chuyện điển hình trong vô số chuyện kể về gia đình bị chia cắt , về thân phận lạc loài đau thương những nạn nhân vượt biển, trốn chạy Cộng sản sau 1975.
“Một thời oan trái “ tạo chuỗi nối kết đời sống xã hội người dân tị nạn ,bắt đầu từ khoảng thời gian đầu tiên trên xứ người gian nan đến những ngày hồi hộp quay về thăm quê hương sau hàng chục năm xa cách.Trãi qua bao năm tháng cảnh vật người xưa nơi chốn quê nhà đổi khác là điều dĩ nhiên nhưng tình trạng tình cảm con ngừoi bị rơi xuống tận cùng của tha hóa,di tích văn hóa bị tàn phá đến không còn cứu vãn, quyền sống cơ bản con người bị tước đoạt ,như từ lâu không còn ai biết tới thế nào là quyền làm người, khiến lương tri dân tộc biến thành nỗi đau tuyệt vọng khi phải đối diện với sự phá sản nặng nề của quê hương, tình người .

Qua bút ký về “Người đàn bà trên tàu 502” người chị sau bao năm tháng lưu lạc xứ người quay về quê hương đứng trước  hành động lừa dối của cô em ruột ở Việt Nam phải đau đớn thốt lên:

“Người Cộng Sản Việt Nam không phải là người như chúng ta. Họ là những sinh vật khác, ta không thể gần họ được…”

( Một Thời Oan trái -trang 397)

Dù ngay khi bắt đầu cầm bút tác giả đã nhắc lời phụ thân hằng dạy bảo

Lập thân tối hạ thị văn chương” ( “Lập thân nhờ vào văn chương là khốn khổ nhất” không định viết văn hay viết tiểu thuyết , chỉ kể về người thật, việc thật .

Nhưng tác giả đã viết nên “Câu chuyện tiểu thuyết hay nhất ” qua “Quyển sách đời mình “ bằng những ngày tháng hoạt động sôi nổi ở Việt Nam  trong binh nghiệp . Và ở hải ngoại với những ngày tháng hoạt động xã hội cứu giúp thuyền nhân , sau 1975 .

Suốt quãng đời hiến thân ,làm việc tận lực cho xã hội tưởng như không còn thời gian dành cho văn chương ,nhưng qua những trang sách đã viết ,nhà văn Phan Lạc Tiếp đã được nhiều người biết đến như một bậc “ văn võ song toàn” .

Văn ông phảng phất nét bút nhóm Tự Lực Văn Đoàn,lời văn êm đềm đưa người đọc bước  lên lối ngõ được lót liền nhau bằng phẳng với từng viên gạch Bát Tràng đã được chọn lọc kỷ càng ,đem cảm nhận trơn láng,mát rượi về cuộc sống êm đềm vùng làng quê Bắc Việt.
Một thời oan trái


Nhà văn Võ Phiến khi viết về kỹ thuật viết văn của Phan Lạc Tiếp trong bộ Văn Học Miền Nam từ trang 2093 đến 2098 đã ghi :

Đọc ký của ông, dễ nghĩ đến truyện; và khi đọc truyện của ông tôi nhiều lần lờ mờ nghĩ đến thể ký…Ký của ông có tham vọng sáng tạo… Ký ấy thường có cái cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật, có dấu vết của một xây dựng đắn đo”. Còn truyện của ông là “thứ truyện tích lũy ngồn ngộn chất liệu sống. Nó không hư, nó thực (mặc dù lắm lúc thực một cách ly kỳ)”.

Tập bút ký không chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là tập hồ sơ chứa nhiều chứng tích bạo tàn của “nhà nước cách mạng” qua đó hàng triệu người dân Việt chịu biết bao nhiêu cảnh đời oan trái.

Khi đọcMột thời oan trái” của nhà văn Phan Lạc Tiếp người ta không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến tựa sách “Một thời để yêu và một thời để chết “ (A Time To Love And A Time To Die-Zeit zu leben und Zeit zu sterben-Erich Maria Remarque ).

Những ngày tháng điêu linh trong thời chiến sẽ chấm dứt với hy vọng về thời thanh bình trong tương lai . Qua Một thời oan trái” ,niềm hy vọng vào thưở thanh bình nở hoa như tắt ngấm trước sự thật não nề không chỉ riêng tác giả phải chứng kiến khi về thăm lại quê hương .

Thưở Quê hương với đời sống nở hoa bình dị với hoa khế ,hoa chanh,với hương vị ngọt ngào quả na ,quả nhản như đã chìm vào “Thời xa vắng” .

Mùi hương hoa bưởi ,hoa cau ,hoa lài ,hoa ngâu như bị diệt chết dưới hàng tấn sản phẩm hóa học đang được nhập từ Trung quốc vào Việt Nam .Những thức ăn tươi ngon lành mạnh như đang thiếu dần .Những ngày tháng oan trái vẫn tiếp tục bao trùm lên quê hương như một ”Cơn mê chiều” .

Biết đến bao giờ dân Việt Nam bừng tỉnh cơn mê ,để những câu chuyện về“ Một thời oan trái “được kết thúc ?

Dương Hoàng Mai
Munich 22.06.2013


Phan Lạc Tiếp
Thư Gửi Bạn Bè


Thưa các bạn Bảo-Bình,
Đơn vị đầu tiên của tôi sau khi ra trường là HQ-09, cùng với các bạn Thiệu, Đăng, Cẩm, Thiện. Tôi ở đơn vị này khá lâu, 18 tháng, đảm nhận từ chức vụ Sĩ Quan Ẩm Thực rồi lần lượt xử lý Hạm Phó. Rời HQ-09, về Phòng Tổng Quản Trị mấy tháng, rồi đổi xuống Giang-Đoàn 21, tại Mỹ Tho. Tại đây có các bạn Đặng Diệm, Trần Hữu Khánh và Vũ Hữu San tại GĐ-27, cũng đóng tại Mỹ-Tho. Rời Mỹ Tho sau một năm hoạt động, chạm mặt với nhiều nguy nan, tôi được gọi về làm Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Lưu Động, đến hầu như hết các đơn vị HQ. Sau đó được biệt phái đi tầu biển của Nha Hỏa Xa, 2 năm. Trở lại HQ, Trung Tá Hoàng Cơ Minh xin tôi về làm việc tại BTL/HQ, nhưng lại được Đại Tá Nguyễn Văn Ánh xin BTL/HQ cho tôi xuống Vùng 4 Sông Ngòi làm trưởng khối CTCT. Ở đây một năm tôi đi Mỹ lãnh HQ-504, do Thiếu Tá Phan Phi Phụng làm Hạm Trưởng. Tại đây, bạn cùng khóa có Đinh Mạnh Hùng (tức Hùng Mèo), làm Hạm Phó. Hùng đổi đi, tôi làm Hạm Phó, đi 16 chuyến chở đạn dược và vũ khí cho Nam Vang, và chở kiều bào bị nạn cáp-duồn từ Cam Bốt về. Sửa soạn lấy tầu dầu thì được công điện của Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân: „Gửi ngay HQ Đại Úy Phan Lạc Tiếp về trình diện tân đáo BTL/HQ. Lý do cho biết sau.“ Trình diện Tư Lệnh HQ hôm mồng 4 Tết năm 1971, và được chỉ định làm Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến BTL/HQ.

Ở đây 2 năm, rất bận rộn và nhiều phiền phức, tôi xin đi học lớp Tham Mưu Trung Cấp. Sau khóa học được đổi xuống làm Hạm Trưởng HQ-601, 18 tháng, quá dài, và giao tầu cho HQ Đại Úy Trần Văn Chánh, trưởng nam của Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh HQ vào cuối năm 1974. Theo đề-nghị của Phòng Tổng Quản Trị, tôi sẽ đổi xuống làm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ HQ Năm Căn „cho phù hợp với cấp bậc Trung Tá thực thụ mà đương sự sẽ lên theo danh sách thường niên trong năm 1975″, nhưng Tư lệnh HQ đã giữ tôi lại Sài-Gòn „để cho tiện, khi cần viết lách gì…“. Do đó tôi được thuyên chuyển về Khối Thanh Tra. Nhờ đó, vì không có trách nhiệm gì cụ thể như một Đơn Vị Trưởng, tôi đem được vợ con di tản trên tầu HQ-502 của anh Nguyễn Văn Tánh, một con tầu hư hỏng, chỉ còn một máy, đang sửa chữa, với hơn 5000 người.
Tại hải ngoại tôi đã cùng gia đình anh Nguyễn Văn Tánh, gia-đình Nguyễn Kim Khánh, gia-đình Vũ Hữu San và gia-đình anh Lê Văn Quí, các bạn cùng khóa, định cư tại Salt Lake City, Utah. Ở đây đúng một năm, gia đình tôi dọn về San Diego, cho gần thân nhân bên bà xã tôi, và bắt đầu lao vào cuộc sống để nuôi gia-đình. Tôi đã làm rất nhiều nghề, lúc thì cổ xanh, lúc thì cổ trắng, viết ra thì sẽ dài lắm. Có lúc tôi làm trong hãng đóng tầu Nassco tại San Diego, là salaried Foreman, lương khá cao. Nhằm khi xem hệ thống ống, bàn tay trái của tôi bị miệng ống sắt kẹp vào thành tầu, làm đứt 2 ngón tay. Tôi nằm nhà trên 3 năm để điều trị, chờ 2 ngón tay liền lại với 70% lương. Một cách tình cờ, đây là lúc mà Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, hợp tác với các tổ chức quốc-tế, như Medecins du Monde, Cap Anamur và sự hỗ trợ của nhà tỷ-phú Andre Gills, đem tầu ra biển vớt thuyền nhân. Tổ chức này do Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương làm chủ tịch, tôi đã đem chút hiểu biết của Hải Quân, và khả năng thông tin, báo chí vào công tác này. Những tin tức về cảnh huống của thuyền nhân do tôi viết và phổ biến, đã được cộng đồng Việt Nam đáp ứng mạnh mẽ và nồng nhiệt hỗ trợ. Nhờ đó đã có 3103 đồng bào được cứu vớt giữa biển khơi, do các con tầu được bảo trợ, hợp tác của ủy ban này. Những thuyền nhân này đã được các quốc gia đệ tam tại Âu Châu đón nhận và vinh danh là những Chiến Sĩ của Tự Do.
Riêng về hoàn cảnh gia-đình, bà xã tôi mở một tiệm mạng quần áo (Reweaving), một nghề đòi hỏi sự cẩn thận, tinh vi, nên lợi nhuận đều hòa cho gia đình là do bà xã tôi kiếm được. Bốn đứa con tôi, một trai 3 gái, học hành bình thường, xong đại học, mỗi đứa đều có một nghề vững vàng. Hai cháu đầu đã có gia-đình, cháu thứ ba đương sửa soạn làm đám cưới. Chúng tôi mới có một cháu ngoại, 7 tuổi. Tôi đã đến tuổi về hưu, nhưng sợ ở nhà buồn, dễ đau ốm, nên vẫn đi làm. Sở làm gần nhà nên cũng nhàn nhã, thuận tiện.
Bên cạnh những nét chính yếu trên, ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi đều ghi và viết lại những kinh nghiệm về cuộc sống của mình. Nhờ đó tôi đã xuất bản được 4 cuốn sách, đa số là Bút Ký.

Cuốn ‚Bờ Sông Lá Mục‘, viết về những ngày hoạt động ở trong sông, cuốn ‚Nỗi Nhớ‘ viết về nỗi khó khăn, bi thảm của con tầu Thi-Nại, HQ-502, do anh Tánh làm Hạm-Trưởng, và những ngày ở trại tỵ-nạn.
Cuốn ‚Cánh Vạc Lưng Trời‘ (cuốn này là truyện), ghi lại cảnh huống của người Việt trên đường vượt biển, và trong thời gian chúng ta còn bơ vơ xa lạ trên đất tạm dung.
Cuốn Quê Nhà 40 Năm Trở Lại‘, như tên gọi, tôi đã ghi lại những cảm xúc của mình trước những điều tôi đã thấy sau 40 năm về thăm lại quê hương miền Bắc vào năm 1994.
Những cuốn sách của tôi, như đã nói, thuộc thể Ký, viết về những người thực, việc thực mà tôi đã gập, đã trải qua. Như tất cả chúng ta, dù muốn hay không, chúng ta đã lớn lên và bị cuốn hút vào chiến tranh. Xã hội chúng ta, đất nước chúng ta, theo tôi, là nạn nhân của thời cuộc, với tất cả những oan trái, tang thương, chia lìa, khốn khổ. Bởi thế, những cuốn sách của tôi, tuy viết về hoàn cảnh của mình, nhưng đồng thời cũng đã phản ảnh một phần nào xã hội mà chúng ta đã sống.
Có lẽ vì thế mà cuốn bút ký ‚Bờ Sông Lá Mục‘ tìm thấy trong Thư Viện Quốc Hội Hoa-Kỳ, được xếp vào loại tài liệu chiến tranh.
Trong cuốn ‚Tổng Quan 20 Năm Văn Học Miền Nam‘ của nhà văn Võ Phiến cũng đề cập tới cuốn sách nhỏ này của tôi và in lại một bài tiêu biểu. Giáo-sư Nguyễn Đình Hòa đã giới thiệu cuốn ‚Cánh Vạc Lưng Trời‘ (bài viết bằng Anh Ngữ) trong tập san của Đại Học Oklahoma số mùa thu năm 1993. Các cuốn khác của tôi cũng được giáo-sư Tiến Sĩ Phạm Cao Dương dùng làm tài liệu tham khảo giảng huấn về văn chương và chiến tranh Việt Nam (The Vietnamese American Experience) tại Đại Học UCLA và UCI.
Riêng cuốn ‚Quê Nhà 40 Năm Trở Lại‘ được đón nhận rộng rãi nhất. Nhiều báo chí và các vị thức giả đã nói đến cuốn này (trong đó có bạn Cẩm). Nhiều báo chí tại hải ngoại đã lần lượt in lại. Mới đây, từ giữa tháng 11 tới đầu tháng 12 năm 2000 (trùng hợp với lúc Tổng Thống Clinton viếng thăm VN), đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã liên tục phát thanh về VN ba chương trình phỏng vấn tôi về cuốn sách này. Mỗi chương trình phát 2 lần, tổng cộng là 6 lần trong khoảng 2 tuần lễ.
Tôi được sinh ra và lớn lên tại miền quê, tỉnh Sơn Tây, thuộc trung-du Bắc Việt. Hình ảnh Ông Giáo Làng là mộng ước của tôi hồi nhỏ. Song vì thời cuộc , vì chiến tranh đã khiến tôi phải rời bỏ làng quê để ra Hà-Nội sống. Với nhiều dang dở, tôi vừa đi làm vừa học. Khi biết mình có đôi chút khả năng về văn-chương và triết học, tôi muốn trở thành Giáo Sư Trung Học. Ở Sài-Gòn tôi theo học Văn Khoa, nhưng cũng ghi tên bên Luật-Khoa (hàng ngày ngồi học bên cạnh Trung Tá Trần Văn Chơn, tức Đề Đốc Trần Văn Chơn sau này). Sau tôi bỏ Luật, chỉ học bên Văn Khoa mà thôi. Chứng chỉ Dự Bị tôi đỗ với số điểm khá cao. Mộng là nhà giáo của tôi đã gần, nhưng chiến tranh đã kéo tôi vào đường quân ngũ mà tôi rất chán, dù tôi rất thương sót và cảm phục những hy-sinh to lớn của người lính. Nhưng cuộc chiến mỗi lúc mỗi thêm khốc liệt. Hoàn cảnh mỗi lúc mỗi thêm khó khăn. Tuổi đời mỗi lúc mỗi nhiều, lại vợ con một gánh, tôi không có cơ hội hoàn tất văn bằng Cử Nhân Văn Khoa. Rồi cuộc chiến tàn với bao nỗi ê chề đau đớn. Rời VN tôi là một người dang dở, bắt đầu lại cuộc đời bằng con số KHÔNG đúng nghĩa.
Giờ đây, dù có chèo kéo, tự lừa dối cách gì, tôi cũng như các bạn, chắc chắn chúng ta đã không còn trẻ nữa. Thôi thì hãy bằng lòng với những gì mình có. Nhưng phải công bằng mà nói, dù không ưa đời quân ngũ, lại là người „hoạn lộ kém thênh thang“, nhưng tôi rất cám ơn quân đội, cám ơn Hải Quân. Đặc biệt nhờ HQ, tôi và gia-đình tôi đã thoát được một đoạn đời, nếu kẹt lại ở VN, chắc là chúng tôi đã vô cùng khốn khổ.

Hiện tại gia-đình tôi sống ở thành phố San Diego, Hoa-Kỳ, có một cuộc sống bình-an. Mùa Giáng Sinh năm 2000 vừa qua, các con tôi, trong lặng lẽ đã làm một cử chỉ có ý nghĩa, được ghi lại trong lá thư gửi cho Họ Đạo St. Michael, Poway, họ đạo đã bảo trợ gia-đình tôi 25 năm trước, có đoạn như sau: „… We have each progressed at our own pace, but this millennial year marks the first time that four of us have become firmly established in our careers. To mark this event, in lieu of exchanging gifts to one another, we have decided to contribute what we would have spent on each other to St. Micheal’s. This contribution is not a repayment for the gifts that we received in the past, for no repayment would be adequate. It is in memory and honor of the spirit that was extended to us during those fagile times.“ Lá thư đã đăng trên tờ Tin Tức của nhà thờ.

Tôi nghĩ rằng các con tôi thực sự đã trưởng thành.

buoisang

Cách đây trên 10 năm, do cơ duyên đưa đẩy, vợ chồng tôi cùng một số bạn đạo, tham dự những buổi Tu Thiền. Nhân một khóa tu trên núi, giữa rừng cây, được nghe giảng về sự tương quan giữa con người và vạn pháp trong tinh thần của kinh Bát Nhã, tôi cảm xúc làm một bài thơ như sau:

Thiền Hành Ban Mai và Rừng
Buổi sáng ở trong rừng
Thức cùng chim mời gọi
Buổi sáng ở trong rừng
Lòng trong như gió núi
Hơi mát ủ ngàn cây
Trời xanh mầu lá mới
Nhẹ đặt bước đầu ngày
Trên đá xanh ngàn tuổi
Đóa hoa nào bên suối
Lặng lẽ một niềm vui
Chào một ngày chẳng đợi
Lóng lánh hạt sương rơi
Bước đi mà chẳng vội
Ngày tháng như mây trôi
Ta và rừng một tuổi
Con rắn trong hốc cây
Ngủ vùi mà chẳng dậy
Nhẹ đặt bước đầu ngày
Nắng lên trời xanh cao.

Bài thơ này đã được một đạo hữu phổ nhạc, hát trong các buổi tu-thiền. Cũng trong tinh thần ấy, nhân buổi lễ Bông Hồng Cài Áo, tổ chức tại Malibu, California, năm 1990, do yêu cầu, tôi đã viết một bài nói về tình cha, nhan đề ‚Cái Áo Của Thầy Tôi‘. (Bài nói về nghĩa mẹ do thầy Nhất Hạnh viết).

Trong buổi lễ này có anh chị Nguyễn Ngọc Luân tham dự. ‚Cái Áo Của Thầy Tôi‘ là một chuyện thật. Tôi đã bồi hồi khi viết bài này. Các con tôi đọc đã xúc động nên con gái tôi là Ngân Hà, cùng con trai tôi là Tường Huân đã dịch sang Anh Ngữ. Các đài phát thanh ở San Jose, Santa Ana cũng như ở Houston đã nhiều lần đọc bài này với nhạc đệm như một chủ đề đặc biệt nhân ngày Vu Lan. Do đó tôi gửi cả phần Việt và Anh Ngữ của bài này, như một đóng góp cụ thể và tích cực của gia-đình tôi bên cạnh các gia-đình Bảo-Bình khác.
Như đa số các bạn kết thúc bài viết bằng ước vọng của mình. Ở tuổi mà như các cụ nói đó là „ngày Tiên, tháng Phật“, tôi cũng có một ước vọng nhỏ bé, tầm thường: Mong được có sức khỏe, đừng đau ốm, để trong nhàn rỗi tôi có thể viết tiếp những cuốn sách mà tôi còn bỏ dở như ‚Một Mảnh Trời Hà-Nội‘, cuốn sách tiếp theo cuốn ‚Quê Nhà 40 Năm Trở Lại‘ … ‚Vớt Người Biển Đông‘, viết lại những cảnh huống bi thương của đồng bào vượt biển, cũng như những sự kiện suốt 11 năm hoạt động của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển mà từ khởi đầu tôi và Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương là người thành lập và trực tiếp điều hành.

Một tập thơ, thu góp những bài mà tôi đã làm từ ngày trai trẻ. Và ngay bây giờ, như trên tôi đã nói, để trả ơn Hải Quân, để vinh danh những đồng đội đã chiến đấu, đã hy sinh, tôi vẫn tiếp tục thu thập các dữ kiện để mong nói lên một phần nào những đóng góp cụ thể của HQ/VNCH trong hơn 20 năm chiến đấu và những gắn bó đầy tình nghĩa giữa những người cùng mầu áo với nhau, cũng như với đồng bào ruột thịt trên đường đi tìm Tự Do.
Trên đây là những nét tổng quát về tôi, về gia đình tôi, thân gửi tới các bạn. Chúc các bạn và gia đình đạt được mọi điều vui.
Phan Lạc Tiếp
San Diego ngày 10 tháng Giêng năm 2001.

PLT (9)
Bài đọc thêm
Phan Lạc Tiếp
http://baobinh.com/PhanLacTiep.htm

Ới con ơi :
http://url9.de/FtJ

Một thời oan trái :

Vũ Thất
http://url9.de/FuR
Lâm Mạnh Trinh
http://url9.de/FuS
Trần Phong Vũ:
http://url9.de/FwF
Lưu na
http://url9.de/FuT
Hoàng Văn Chí
http://url9.de/FAH
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
http://url9.de/FAJ

Tản mạn về “Cơn mê chiều”

http://url9.de/FtH

Hành trình về phương Đông (Nguyên Phong dịch)
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn4nqnmn31n343tq83a3q3m3237nvn
Thông điệp của những Người anh

(Elder Brother’s Warning – của Alan Ereira – Nguyên Phong dịch
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n0ntn4n31n343tq83a3q3m3237nvn
Cõi âm
http://url9.de/FwG

PLT (6)
Sách dày trên 400 trang,in ở Đài Loan, đóng chỉ, bìa cứng offset 4 màu, ấn phí 25 MK. Mọi liên lạc xin thư về Tủ sách Tiếng Quê Hương, P.O Box: 4653. Email hoặc điện thoại cho: 1/ Nhà văn Uyên Thao: uyenthao1@juno.com – (703) 573-1207 – 2/ Nhà văn Trần Phong Vũ: tphongvu@yahoo.com –(949) 232-8660 –

Chi phiếu hoặc lệnh phiếu xin ghi trả cho : VLAC/Tiếng Quê Hương.

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây:

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s