PHAN CHU TRINH

..Và CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ XÃ HỘI

pct

NGUYỄN CAO QUYỀN
Tháng 9 năm 2013
Người Việt Nam nào cũng biết Phan Chu Trinh (1) là một nhà ái quốc nhưng ít người biết ông là một nhà dân chù xã hội đầu tiên của đất nước. Trong một lá thư đề ngày 16/3/1922, còn lưu lại đến ngày nay, viết để gửi cho các báo ở Pháp, ông đã tự giới thiệu như sau :
“ Tôi là Phan Chu Trinh, nhà hoạt động chính trị ở vương quốc An Nam, trú tại Pháp đã 11 năm qua . Say mê chủ nghĩa xã hội tôi đã đấu tranh chống chế độ độc tài chuyên chế hiện nay đang có mặt tại Đông Dương do các nhà chức trách Pháp cũng như do các quan lại bản xứ thực hiện”.
Đoạn viết nói trên chứng tỏ trong hơn mười năm lưu vong tại Pháp, Phan Chu Trinh đã say mê chủ nghĩa xã hội.
Trước khi tìm hiểu quan niệm của ông về Chủ nghĩa Xã hội chúng ta thử tìm hiểu quan niệm của ông về Chủ nghĩa Quốc gia vì hai chủ nghĩa này có liên quan mật thiết với nhau.

pct (7)

Quan niệm về chủ nghĩa Gia trưởng (Paternalisme) và
chủ nghĩa Quốc gia (Nationalisme) của Phan Chu Trinh.
Theo Phan Chu Trinh việc chuyển từ chế độ quân chủ dựa trên chủ nghĩa gia trưởng (Paternalisme) sang chế độ dân chủ dựa trên chủ nghĩa quốc gia (Nationalisme) là hợp theo tiến hóa tự nhiên.
Cũng như một số tác giả Pháp (Montesquieu, J.J Rousseau), Phan Chu Trinh quan niệm quốc gia (nước) là một Hiệp hội (Association) bao gồm những con người hợp tác với nhau một cách bình đẳng, còn triều đình hoặc chính phủ chỉ là những người được ủy quyền để làm những việc ích quốc lợi dân. Chủ nghĩa Quốc gia mà Phan Chu Trinh gọi là Quốc gia luân lý gắn bó với chế độ dân chủ. Chất keo gắn bó người dân với quốc gia chính là chủ nghĩa quốc gia.
Khi bàn rộng đến chủ nghĩa này thì Phan Chu Trinh cho rằng ở Việt Nam tuyệt nhiên không có quốc gia luân lý.
Quốc gia luân lý ở nước ta, từ xưa đến nay chỉ thu hẹp trong nghĩa của hai chữ “vua-tôi” vì người dân không bao giờ được bàn đến việc nước.
Vua, có thế cầm quyền một cách chính đáng hay không chính đáng, nhưng dù nắm quyền bằng cách nào, vua cũng chỉ là người tước đoạt quyền lực của dân. Còn tôi là ai ? Tôi là người phục tùng vua hoặc làm nô lệ cho vua.
Phan Chu Trinh cho rằng trong thời Thượng Cổ và Trung Cổ, bất cứ loại dân nào cũng cần đến cái quyền quân chủ để che chở cho bản thân mình vì họ đang còn ở trong tình trạng ngu dốt. Tuy nhiên khi nhân loại đã tiến lên một giai đoạn mới thì tác dụng của chế độ quân chủ không còn nữa. Quyền lực quân chủ mất đi tính chính đáng của nó.
Chính quan hệ “vua-tôi” làm cho người dân trong nước không hiểu “nước” là gì. Sự lầm lẫn “tôn quân” với nghĩa “ái quốc” khiến người dân tưởng “nước” là của vua.
Họ chỉ biết nghĩa “tôn quân” chứ không biết nghĩa “ ái quốc”.
Giữa vua và dân không có nghĩa vụ gì đối với nhau. Mối quan hệ giữa vua và dân chỉ thuần túy dựa trên sức mạnh. Vua và tay sai của vua (tức tầng lớp quan lại) hợp tác với nhau để thống trị nhân dân.
Ở nước ta, ngày xưa, không có quốc gia luân lý.

pct (2)

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Socialisme)
Theo Phan Chu Trinh chủ nghĩa xã hội là một giai đoạn phát triển cao hơn so với chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa xã hội phát sinh do hai nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là do bên trong nước, sự tranh chấp giữa lao động và tư bản làm cho tình hình mất ổn định.
Nguyên nhân thứ hai là, vào thời Trung Cổ, chủ nghĩa Quốc gia vẫn còn là một thứ “mê tín” cực đoan, quá khích, nên đó là mầm mống gây chia rẽ và chiến tranh.
Thế Chiến I (1914-1918) thực chất là mộc cuộc chiến tranh toàn Âu Châu. Nó làm cho kẻ thua, người thắng đều bị thiệt hại. Đồng thời nó cũng làm cho phong trào Chủ nghĩa Xã hội phát triển mạnh mẽ.
Phan Chu Trinh cho rằng bước tiến từ Chủ nghĩa Quốc gia lên Chủ nghĩa Xã hội là một quy luật tất yếu.
Ông nói: “ Đó là một bước tiến lên, bỏ quốc gia luân lý mà bước lên xã hội luân lý, cũng như khi trước bỏ gia đình luân lý mà tiến lên quốc gia luân lý vậy”.

pct (12)

Nội dung của Chủ Nghĩa Xã Hội
Theo Phan Chu Trinh, Chủ nghĩa Xã hội phá tan bức thành ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, sao cho mọi người đều được bình đẳng, nghĩa là được giáo dục và sinh hoạt như nhau. 
Ông viết: “Xã hội luân lý không phải là cái luân lý cường quyền của chính phủ đối với dân, cũng không phải là sức mạnh của nước nọ đối với nước kia, mà chính là trong nước thì lấy người này đối với người khác, nới rộng ra thế giới thì lấy loài người đối với loài người”.
Định nghĩa của Phan Chu Trinh về Chủ nghĩa Xã hội là: thực hiện Công lý (Justice) trong lòng dân tộc và thực hiện công lý trong lòng cả nhân loại.
Trước khi tiến lên Xã hội chủ nghĩa mỗi quốc gia phải hình thành được Quốc gia Luân lý nghĩa là phải thiết lập được một nền Dân chủ,
(mà Phan Chu Trinh gọi là Dân Trị chủ nghĩa).
Cái nghĩa vụ người trong nước đối với nhau phải như thế nào, thể hiện ở chỗ khi gặp bất công, áp bức thì người dân phải hiệp nhau lại để đấu tranh. Muốn làm được như thế thì người ta phải có đoàn thể và phải biết giữ quyền lợi chung.
Đoàn thể trong quan niệm của Phan Chu Trinh là những tổ chức do người dân lập ra để dựa vào đó đấu tranh với chính phủ hoặc với những người nắm quyền lực, nhằm bênh vực cho một công dân hoặc một nhóm người bị áp bức.
Đoàn thể là tập thể được hình thành từ dưới lên.
Cá nhân gia nhập đoàn thể là để rèn luyện ý thức cộng đồng và hướng đến ích lợi chung. Đoàn thể là chỗ nương tựa của những người nghèo, kẻ yếu.
Có thể nói khái niệm của Phan Chu Trinh về đoàn thể rất gần gũi với quan niệm về “xã hội dân sự” ngày nay.
Hình thành các đoàn thể là để đề cao tinh thần trọng công ích. Điều này nằm trong mục tiêu “Khai dân trí”, “Chấn Dân khí” nhằm xây dựng sức mạnh của dân tộc.
Người dân cần phải có quyền thành lập các tổ chức dân sự để đáp ứng các nhu cầu bình thường hay bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình. Đó là điêu kiện cần thiết để nâng cao dân trí, giúp người dân từng bước tập làm chủ xã hội về mọi mặt.
Viện cớ “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng” để chặn đứng nhu cầu này là cố ý dung dưỡng thói lạm quyền và bao che cho tham nhũng.
Nhu cầu thực hiện ba quyền tự do căn bản (Tư tưởng, Ngôn luận, Hội họp và Lập hội) gắn liền với nhu cầu hình thành của đoàn thể (Xã hội Dân sự).

pct (4)

Đó chính là tiền đề của một chế độ dân chủ được hình thành từ dưới lên, do sức mạnh đấu tranh của nhân dân chứ không phải do sự ban ơn của “Thượng Đế” hay của một đảng chính trị.
Xét theo chiều hướng này, người dân giành lấy tự do, thiết lập dân chủ dựa vào sức mình và sự hợp tác với những người khác trong cộng đồng chứ không phải chờ đợi sự xuất hiện của một lãnh tụ siêu phàm nào.
Từ chiều hướng nói trên sẽ hình thành lòng tin yêu đối với chính quyền, một sự tin cậy sinh ra từ thực tiễn và lý trí chứ không phải là sự mê muội cuồng tín do nhồi nhét các giáo điều lý luận, một tình yêu sinh ra từ ý thức trách nhiệm của mỗi công dân chứ không phải từ sự sợ hãi trước cường quyền.
Đó chính là nguồn cội sức mạnh vô địch của dân tộc như lịch sử đã chứng minh.
*
Với quan niệm như trên rõ ràng là tầm nhìn của Phan Chu Trinh về Chủ nghĩa Xã hội hoàn toàn khác biệt với quan điếm Mác-Xít. Theo ông, xã hội loài người tiến theo con đường “Gia đình-Quốc gia-Xã hội”một cách tự nhiên, trong khi đối với Marx thì: “Lịch sử tất cả các xã hội loài người cho đến ngày nay chỉ là lịch sử của đấu tranh giai cấp”.
Thực tế của Thế Kỷ 20 đã chứng minh luận điểm của Marx chỉ là một ảo tưởng.
Chiến tranh và tranh chấp biên giới vẫn diễn ra giữa các nước cộng sản với nhau, giữa Liên Xô và Trung Quốc, hoặc giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Việc đó chứng tỏ giai cấp tư sản không phải nguồn gốc duy nhất của chiến tranh.
Giai cấp không thể là nền tảng của hòa bình thế giới mà chính quốc gia mới là cơ sở để kiến tạo hòa bình. Và bởi vì quốc gia chỉ thật sự là quốc gia khi dân chủ được thiết lập, cho nên khi tất cả các quốc gia đều trở thành dân chủ thì hòa bình thế giới mới có thể coi như bền vững.
Ý tưởng của Phan Chu Trinh đã trở thành hiện thực ngay trên đất Âu Châu mấy chục năm sau. Liên Hiệp Âu Châu (EU) chính là sự thực hiện hóa lời tiên đoán của ông.
Liên Hiệp Âu Châu đã trở thành nơi mà các quốc gia giàu nghèo, lớn nhỏ khác nhau, thay vì gây chiến tranh, đã cùng nhau xây dựng một mái nhà chung thịnh vượng, làm gương cho tất cả các nước trên thế giới noi theo.

pct (6)
*
Tóm lại, theo Phan Chu Trinh, một xã hội tự nhận là “Xã hội chủ nghĩa” trước hết phải là “Xã hội dân chủ”, nghĩa là phải tạo ra những điều kiện giúp cho người dân có thể đấu tranh bảo vệ quyền lợi chung và bảo vệ quyền lợi riêng của chính mình.
Muốn được như thế, cần hội đủ hai điều kiện.
Điều kiện thứ nhất là có đoàn thể tức là người dân được tự do lập hội, tự do thành lập công đoàn.
Điều kiện thứ hai là người dân phải được giáo dục tinh thần chống áp bức, bất công, tinh thần giúp đỡ người nghèo và bảo vệ người bị cô thế hoặc đang gặp khó khăn.
Điều đáng nói là trong thế giới ngày nay, không có một quốc gia nào, theo chế độ Cộng sản, đáng được gọi là “Xã hội chủ nghĩa”.
Theo cách nhìn của Phan Chu Trinh, sự phát triển của xã hội loài người diển ra theo quy luật tiến hóa tự nhiên : từ Chủ nghĩa Gia trưởng (Paternalisme) lên Chủ nghĩa Quốc gia (Nationalisme), rồi từ chủ nghĩa Quốc gia lên Chủ nghĩa Xã hội (Socialisme) ,/.

PCT

Chú Thích

Phan Chu Trinh (1872-1926) sinh tại Quảng Nam, đậu cử nhân Hán Học , làm thừa biện Bộ Lễ năm 1903. Ông tự học tiếng Pháp để đọc các tác phẩm De L´esprit Des Lois của Montesquieu và Contrat Social của J.J Rousseau.
Sau khi tiếp thu tư tưởng mới, ông quyết định từ quan, phát động phong trào Duy Tân và mở nhiều trường học lớn để nâng cao dân trí.
Khi biến cố “kháng thuế” xảy ra tại Quảng Nam ngày 9/3/1908 , chính quyền thực dân Pháp khẳng định biến cố đó do ảnh hưởng của Phan Chu Trinh.
Khâm Sứ Morel ra lệnh bắt ông ngày 31/3/1908 và đưa ông vào Huế giam ở Tòa Khâm rồi chuyển vào nhà Hộ Lao (thành nội).Pháp giao cho Cơ Mật Viện xử ông nhưng cơ quan này chỉ xử nhẹ. Pháp không chịu xử lại và đầy ông ra Côn Đảo.
Năm 1910, ông được ân xá rồi xin đi Pháp.
Năm 1924, Đảng Xã Hội Pháp lên cầm quyền, ông xin về nước hoạt động.
Việc chưa thành thì ông mất ngày 14/3/1926 tại Saigon, lúc mới 54 tuổi,
Lễ truy điệu nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh được tổ chức từ Bắc vào Nam.
Hàng vạn người bỏ công ăn việc làm, học hành, buôn bán để tham dự lễ.
Phan Chu Trinh kêu gọi phải đi theo “Dân Trị Chủ Nghĩa”.
Ông là nhà Dân Chủ Xã Hội đầu tiên của đất nước.