NGUYỄN CAO QUYỀN
Tháng 10 năm 2013
Ngày nay tất cả các quốc gia trên mặt địa cầu đều đã thực sự tham gia vào tiến trình chuyển đổi của thế giới. Sự chuyển đổi của những mạng lưới quan hệ giữa các sinh hoạt của con người đang phát triển nhanh chóng: hàng hóa, tư bản, nhân dân, trí thức, giao thông, vũ khí, phạm pháp, thời trang, tin ngưỡng, ô nhiễm môi trường…đều đã vượt ra khỏi làn ranh của mọi biên giới quốc gia.
Từ hình thức của một tổng hợp những nền văn minh bế quan tỏa cảng hoặc một cộng đồng các quốc gia riêng biệt, thế giới ngày nay đã trở thành một trật tự chặt chẽ giữa những mẩu hình giao thương và quyền lực mới, đôi khi không thật sự quân bình. Trật tự này gồm một số ý niệm hiện đại cần phải định nghĩa và khai triển rõ ràng vì nó giúp cho ta hiểu rõ về những chiều kích mới của trật tự thế giới hôm nay.
Sự toàn cầu hóa chính trị (The globalization of politics)
Thuật ngữ “Chính trị toàn cầu” (global politics) nói lên sự lan tỏa của các quan hệ chính trị qua thời gian và không gian, sự xuyên vượt của quyền lực và sinh hoạt chính trị ra ngoài biên giới quốc gia. Sự lan tỏa này không chỉ diễn tiến trên bề mặt mà còn tác động cả đến chiều sâu.
Thế giới, một khi không còn bị cản trở về khoảng cách, đã trở nên nhỏ hẹp và dễ bị thẩm thấu trước những thay đổi càng ngày càng nhiều và phức tạp. Những thay đối này có ảnh hưởng hỗ tương tức thì đến mọi giai tầng của thế giới.
Nó có ảnh hưởng trước tiên đến sự phân cực quốc gia và quốc tế. Ngày nay, những tổ chức liên chính phủ (Intergovernmental Organizations, IGO) mỗi ngày một nhiều. IGO trở thành một sự thách đố tích cực đối với những quốc gia trong trật tự Westphalia. Con người không phải chỉ lo về hai vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia mà còn phải lo cả đến những vấn đề liên quan đến môi trường, ma túy, nhân quyền, khủng bố…là những vấn đề chung của toàn thể nhân loại. Ý niệm về một nền chính trị toàn cầu sẽ giúp chúng ta nhận định rõ ràng hơn về những vấn đề này.
Nền chính trị toàn cầu ngày nay không chỉ bao gồm những định chế chính thức về tiêu chuẩn cai trị và hợp tác quốc tế mà còn bao gồm cả những Tổ chức áp lực (Pressure groups), những Công ty đa quốc gia (Multinationnal corporations MNC) có ảnh hưởng trực tiếp đến các chức năng cai trị của thế giới. Thí dụ thuộc loại này có thể tìm thấy ở Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (World Trade Organization, WTO). Sự xuất hiện nhanh chóng của những tổ chức này nói lên mức độ khẩn trương của nhu cầu giải quyết những vấn đề của thế giới chúng ta đang sống.
Bên cạnh các định chế này còn phải kể cả một số “Chế độ” (Regimes) liên quan đến các vấn đề an ninh và phòng thủ. Thuộc loại này có thể kể: NATO, EU (European Union), OSCE, (Organization for Security and Cooperation in Europe). Cũng có thể kể cả các thí dụ về trường hợp của: chế độ cấm phổ biến vũ khí nguyên tử quốc tế, luật biển và chế độ khai thác tài nguyên giữa lòng đại dương.
Các chế độ quốc tế này thật ra có nhiều chức năng hơn nữa, chẳng hạn như kiểm soát sự sản xuất võ khí hay kiểm soát sự tài giảm võ khí. Có cả những chế độ liên quan đến quyền tư hữu quốc tế hoặc sự phân phối các làn sóng phát thanh. Xem như vậy ta có thể nói rằng hệ thống cai trị thế giới là một hệ thống không có chính phủ trong trật tự thế giới hiện nay.
Hệ thống cai trị của Liên Hiệp Quốc.
Trật tự thế giới Westphalia thiết lập từ 1648 đã bị chỉ trích rất nhiều dòng dã hơn ba thế kỷ. Tuy nhiên phải đợi đến khi Thế Chiến II chấm dứt, tư tưởng thiết lập một “trật tự thế giới mới” mới có điều kiện thành hình, dưới sự xuất hiện của hiến chương LHQ.
Sự xuất hiện của Liên Hiệp Quốc (LHQ) dẫn đến sự đối nghịch của hai thực tế: thực tế thứ nhất là sự tồn tại của một hệ thống các quốc gia có chủ quyền và thực tế thứ hai là sự ra đời của một hệ thống cai trị thế giới được điều hành bởi một số nguyên tắc mới lạ (một cộng đồng các quốc gia dân chủ có quyền bầu cử bình đẳng trong lòng Đại Hội Đồng LHQ, cùng nhau điều hành sinh hoạt của thế giới theo hiến chương LHQ và theo những công ước quốc tế về nhân quyển).
Sự đối nghịch đó cho đến nay vẫn chưa được dàn xếp ổn thỏa nhưng thực tế thứ hai thì càng ngày càng trở nên rõ rệt và đang thay đổi nhanh chóng bộ mặt sinh động của xã hội loài người một cách không thể chối cãi. Mẫu hình LHQ hiện nay có thể được mô tả dưới một số nét đặc biệt sau đây:
Cộng đồng thế giới bao gồm một số quốc gia có chủ quyền. Các cá nhân và nhóm cá nhân, nếu là chủ thể hợp pháp trong sinh hoạt liên quốc gia, cũng được công nhận.
Những dân tộc bị đàn áp bởi các chế độ thực dân và phát xít, giờ đây, có quyền đòi hỏi lợi ích và tương lai của họ.
Sự vi phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế được coi như một hành vi phạm pháp. Việc sử dụng bạo lực, kể cả bạo lực kinh tế, bị tuyệt đối cấm chỉ.
Nhiều luật lệ, thủ tục và định chế khác cần thiết để giúp thi hành luật lệ sẽ còn tiếp tục được tạo ra tùy theo nhu cầu.
Những định hướng để thiết lập và cải tổ trật tự cũ đã được đồng thanh chấp nhận.
Một sự quan tâm đặc biệt được dành cho nhân quyền và cho sự thiết lập các định chế bảo vệ nhân quyền cả trong lẫn ngoài nước.
Sự bình đẳng giữa các dân tộc được nhìn nhận và ý niệm “di sản chung của nhân loại” được coi như căn bản để điều tiết các sự phân phối, cấp phát và khai thác các lãnh thổ cũng như các tài nguyên thiên nhiên.
Với những nguyên tắc nói trên, người ta nghĩ rằng rồi đây xã hội loài người cũng sẽ được tổ chức tương tự như một quốc gia dân chủ có chủ quyền
Chế độ nhân quyền quốc tế
Gần đây, sự thay đổi luật pháp quốc tế đã đặt các cá nhân, các nhà nước, các tổ chức liên chính phủ quốc tế, dưới một hệ thống điều hành mới, với những nguyên tắc mới. Ngày nay “chủ quyền quốc gia” không còn là biểu tượng duy nhất cho vấn đề chính danh của một chính quyền. Sự chính danh ngoài tính dân chủ của nhà nước còn phải bao gồm cả một số những giá trị khác. Giá trị quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất là nhân quyền.
“Cuộc đấu tranh cho nhân phẩm là cuộc đấu tranh không giới hạn”. Đó là nhận xét của Emilio Mignone, một nhà đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng của Argentina. Những nhà đấu tranh cho nhân quyền, cương quyết như Mignone, bác bỏ ý niệm “quốc gia-nhà nước”(nation-state) như một không gian chính trị trong đó nhà cầm quyền của một nước có thể đối xử một cách tùy tiện cới con dân của họ.
Sự xuất hiện của chế độ nhân quyền quốc tế không những đã nới rộng sự áp dụng nguyên tắc tôn trọng nhân quyền ra ngoài lãnh thổ quốc gia mà còn dẹp bỏ tính cách tuyệt đối của chủ quyền nếu nhân quyền ở trong nước bị vi phạm. Nói khác, nguyên tắc “ không được can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia ” không còn giá trị nếu nhân quyền trong quốc gia đó không được tôn trọng.
Chế độ nhân quyền trong thế giới ngày nay bao gồm một số định chế và hiệp ước mà phạm vi áp dụng vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Bộ luật nhân quyền căn bản vẫn là Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 và hai Công Ước Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (CCPR) và Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa (CESCR) năm 1966. Bên cạnh những bộ luật quốc tế căn bản này, ngày nay chúng ta cũng đã thấy xuất hiện rất nhiều luật lệ và định chế khác.
Các tổ chức phi chính phủ liên quan đến nhân quyền cũng mọc lên như nấm. Tại Hoa Kỳ hiện nay người ta tính ra đã có hơn 200 tổ chức thuộc loại này. Một con số tương tự cũng đã thấy xuất hiện tại Anh và Âu Châu. Người ta cũng ghi nhận đã có khoảng 140/191 quốc gia chuẩn nhận các công ước quốc tế nhân quyền đã ký kết. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng và tập trung ảnh hưởng để làm thay đổi các chính sách quốc gia về nhân quyền, về nội dung của ý niệm chủ quyền và về trách nhiệm của nhà nước.
Trật tự thế giới mới hôm nay
Mặc dầu sự xuất hiện của mạng lưới nhân quyền thế giới đã trở thành rộng khắp nhưng trong thực tế sự áp dụng các nguyên tắc nhân quyền vẫn còn cần nhiều cố gắng để thúc đẩy và cải tiến. Thủ tục công bố những vi phạm, trong thực chất, không làm giảm những hành vi thiếu trách nhiệm. Việc cho phép các cá nhân kiện chính phủ như hiện nay đang áp dụng tại Âu Châu cũng chỉ có tính cách cục bộ và không đáp ứng nhu cầu tôn trọng nhân quyền cho toàn thể nhân loại.
Cho nên nguyên tắc chủ quyền quốc gia ngày nay cần được hạn chế nhiều hơn nữa. Vấn đề thứ tự ưu tiên giữa chủ quyền và nhân quyền phải được xét lại để nhân loại có thể dần dần chia tay với trật tự thế giới lỗi thời Westphalia và hội nhập nhiều hơn vào hiện tượng toàn cầu hóa và vào nền văn minh dân chủ.
Nhìn chung, hiện nay chúng ta đang có hai quan niệm đối chọi nhau về trật tự thế giới và về nền chính trị toàn cầu: quan niệm cổ điển về chủ quyền quốc gia và quan niệm mới về sự cai trị và về những vấn đề chính trị mang tính toàn thế giới.
Trật tự thế giới mới là một trật tự trong đó sự liên hệ giữa các quốc gia càng ngày càng vượt khỏi phạm vi lãnh thổ của mỗi nước để vươn sang những vùng rộng lớn hơn và lan tỏa trên toàn thể diện tích của địa cầu.
Trật tự thế giới mới là một trật tự phức tạp, tranh đua sôi nổi và chung đụng lẫn lộn. Nét đặc biệt để nhận diện trật tự thế giới mới là sự tăng trưởng nhanh chóng của các tổ chức quốc tế IGO và INGO ( Liên chính phủ và Phi chính phủ ) cùng sự xuất hiện của các tổ chức và các định chế vùng. Sự phát triển này làm cho nền chính trị thế giới xa dần hình thức tập trung vào những đơn vị “quốc gia-nhà nước” để tiến sang một hình thức phức tạp hơn gồm nhiều lớp cai trị đôi khi chồng chéo và không phân cách rõ rệt.
Hình thái trật tự thế giới mới có thể ví như những gì đã xày ra trong thời Trung Cổ. Vào thời đó không một vị vua nào có chủ quyền cai trị tuyệt đối. Vị vua nào cũng phải chia sẻ quyền lực với các chư hầu dưới quyền và với vi giáo hoàng của Tòa Thánh.
Sự chia sẻ quyền lực này giống hệt với thực trạng chính trị của thế giới chúng ta đang sống. Cho nên nhiều người đã dùng thuật ngữ “Tân Trung Cổ” (New Medievalism) để gọi trật tự thế giới hôm nay.
Hiện tượng toàn cầu hóa đang hoàn chỉnh các cấu trúc chính trị của thế giới để đưa nhân loại sang một nền văn minh dân chủ trong đó nhân quyền được tuyệt đối tôn trọng và được xếp hạng cao hơn chủ quyền.
Ngày nay, ý niệm chủ quyền đã trở thành quá lỗi thời trước các trào lưu hiện đại hóa và toàn cầu hóa của nhân loại trong thiên niên kỷ mới đang tiếp diễn./.