( Bài viết tiễn anh Việt Dzũng về chốn vĩnh hằng…)
Trong những ngày cuối năm 2013, khi nghe lại bài nhạc „Một Chút Quà Cho Quê Hương“ do chính tác giả hát, chỉ vài câu đầu, nước mắt người dân hải ngoại đã tuôn chảy. Những giòng lệ không ngăn được khi nghĩ về người vừa ra đi . Phút chốc từng lời, từng chữ trong bài ca biến thành ngàn giọt lệ, giòng suối lệ của Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại tiếc thương anh, Việt Dzũng, tác giả bài nhạc, người vừa để lại cho Quê Hương Gói Quà quá lớn, như không bao giờ xử dụng hết.
Từng đoạn phim dĩ vãng những năm tháng xa xưa lại quay trong kí ức với thời kì „Một Chút Quà Cho Quê Hương“ , những năm 1980…1985… Nhớ buổi chiều năm nào, trong quán Cafe nhỏ gần bên cổng trường Đại học vài người bạn ngồi tận sâu góc quán, lặng lẽ nhìn từng giọt Cafe đen đang rơi đều đặn xuống những chiếc ly nhỏ đặt vòng quanh chiếc bàn gỗ thấp. Lần chia nào cũng có thể là lần cuối. Tất cả đều mong ước đó là lần cuối. Dẫu sẽ thương nhớ, dẫu sẽ xót xa khi làm người ở lại, không ai muốn gặp lần nữa người bạn đã chia tay hôm nay. Lòng thầm cầu mong bạn đi bình an, cùng câu nhắn nhũ :“ Nhớ gửi ngay thư về“
Những người bạn cùng một lý lịch màu đen như màu Cafe trong một đất nước khắp nơi phất phới màu đỏ máu tươi. Những đứa bạn của những gia đình bao năm vắng bóng người cha, người anh thân yêu. Những đứa bạn khi vừa chào đời được nâng niu chăm sóc như các công tử , tiểu thư , giờ đây cùng nhau lang thang ngơ ngác giữa các khu phố Chợ trời, cùng ẩn sâu lặng im nơi một góc quán .
Phố phường thân quen thoáng chốc như xa lạ với những cặp mắt rình mò. Những đứa bạn vất vưỡng , bụi bậm nhem nhuốc đi về với các chuyến xe Sàigòn-Rạch giá..Sàigòn-Vũng Tàu . Những tuyến đường đưa người ra dần tới biển.
Thưở ấy câu nhắn khi đưa tiễn :“ Nhớ gửi Quà về“ không có ý nghĩa đòi quà. Gửi quà về là ý mong muốn người ra đi sẽ đến nơi suông sẽ và nhanh chóng được an cư lập nghiệp. „Gửi quà về còn có nghĩa như gửi Hy vọng về“.
Hy vọng thoát cảnh khốn cùng . Hy vọng về ngày mai tươi sáng qua viễn cảnh sống đủ đầy được chở chất , gói ghém trong từng thùng quà từ phương trời xa gửi về quê hương khốn khó.Sài gòn thưở ấy người ta chỉ sống từng ngày một, như chờ đợi ngày ra đi, như chờ đợi tin báo để được ra bưu điện.
Thưở ấy những gói thuốc lá luôn chỉ có lẻ loi một, hai điếu nằm bơ vơ trên bàn, ngay cả trong những ngày Sinh Nhật. Các cuồn băng cassette nhạc được bắt đến nhão nhẹt, lời ca có chổ vấp quãng do vài đoạn băng đứt được dán keo chấp nối. Những chiếc quần tây có từ thưở học sinh trung học đã ngắn ngủn, mòn nhẳn chỉ, bạc màu. Những bửa ăn qua bao ngày tháng không hề thấy bóng dáng hạt gạo trắng. Không cần dặn dò chi nhau, những đứa bạn ra đi đều biết bạn mình đang ở lại đang cần món quà gì , và mình cần gửi gì ngay về cho gia đình, người thân.
Chỉ cần một thùng quần Jean thôi cũng đủ để cả bọn xúm chia nhau như chia sẻ tình cảm người đã đi xa. Những chiếc quần Jean hầu như không được người nhận mặc lần nào, người ta tất tả đưa chúng ra Chợ trời cùng với những thùng thuốc tây, những khúc vải. Luôn cả những gói kẹo, từng gói kim may, từng cuộn len đan áo.Tất cả đều được đưa ra Chợ Trời vì người ta cần những thứ khẩn thiết hơn. Những bửa cơm gạo trắng từ lâu xa vắng được trở về vài ngày sau khi nhận thùng hàng gửi về. Một chiếc máy sinh tố thưở ấy không là chiếc máy xay nước uống giải khát nhỏ nhoi như ngày nay. Nó đã là tất cả nguồn Hy vọng đang vươn lên khi một quán nhỏ bán nước sinh tố được dựng bên đường, ngay trước cửa nhà.. Những đồng tiền chắt chiu gom góp qua từng ly nước giải khát lại đổi thành những chiếc nhẫn.
Thưở ấy rất nhiều thanh niên đeo nhẫn, dù chưa một lần đính hôn. Những chiếc nhẫn không đại diện cho tình yêu đôi lứa mà ấp ủ niềm hy vọng thầm kín của cả gia đình, người thân, bạn bè. Những chiếc nhẫn mang hình tượng cánh buồm đưa người ra đại dương. Có những chiếc nhẫn đã thay đổi cả đời người. Có những chiếc nhẫn khiến người ta trở nên nạn nhân của lòng tham ác, dã thú. Nhưng trên hết vẫn là những chiếc Nhẫn Yêu Thương gom góp từ những ngày tháng làm việc nhọc nhằn nơi xứ người gửi về Việt Nam. Người ta không gọi Nhẫn, người ta chỉ nhìn bề dày chiếc nhẫn để gọi đó là 1 chỉ , 2 chỉ, 5 chỉ… Và từ những „chỉ“ dần dần tích cóp thành “ cây“.Gặp nhau người ta thường hỏi.
.“Đã có đủ“cây“chưa ? „…để „Ra đi“ và „Gửi về..“
Từ những năm sau này câu hỏi „ Gửi gì về ..“ như không còn nữa. „Một Chút Quà Cho Quê Hương„ đến năm 2013 không còn là những cây kim may bé nhỏ, những gói kẹo đơn sơ. „Một Chút Quà Cho Quê Hương“ những năm gần đây đã có trị giá gần 10 tỉ đô la mỗi năm. Người ta cũng không cần gửi về, người ta tự đem về qua những chuyến bay. Số tiền dành dụm sau những giờ làm việc nhọc nhằn ca sáng, ca đêm nơi xứ người , đôi khi không cần gói ghém, giữ gìn nơi chốn quê nhà vừa gặp lại, sau bao ngày tháng ra đi. Người ta đem tung hê chúng , cạn láng đến đồng đô la cuối cùng trước khi lên máy bay.Giờ đây chỉ cần vài giờ bay, những gian khổ lúc vượt qua khoãng đại đương bao la sóng gió hiểm nguy đã mờ tan dần theo năm tháng.
Cuộc sống Việt nam ngày nay đầy đủ hơn xưa, nhưng ngay khi người ta vừa nhận thấy món gì cũng có ở Việt Nam, cũng là lúc người ta phải nhận ra rằng, ở Việt Nam hiện đang thiếu một thứ vô cùng quý giá. Nó quý giá vì không có nó phút chốc của cải, tiền bạc thậm chí sinh mạng có thể mất hết. Đó là Nhân Quyền và Tự Do . Từ bao năm nay người nghệ sĩ Việt Dzũng với Phong trào Hưng Ca vẫn tiếp tục gói không mệt mõi những gói Quà Tự Do , gói Quà Nhân Quyền gửi về tiếp lửa Quê hương . Năm nay, trước ngày Giáng Sinh, ngày bao người trên thế giới có niềm vui mở quà, anh đã ra đi, bỏ lại một Gói Quà Tình Thương bao la cho cả dân tộc Việt.
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy .
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình…
Quê hương đã được gọi là có thanh bình , sao nước mắt vẫn đong đầy khi ta nghĩ về nó . Hay nước mắt vẫn đong đầy ngay cả khi ta đang sống ở đó. Quê hương đã được gọi là có thanh bình , sao mơ ước của anh Việt Dzũng như vẫn chưa trọn, để „ Một Chút Quà Cho Quê Hương „ giờ đây như ngàn giọt lệ đọng trong hồn người Việt xa xứ . Trái tim chan chứa tình thương của nhạc sĩ Việt Dzũng như Gói Quà thật lớn dâng lên cho Tổ quốc,cho Dân tộc Việt, để chúng ta không bao giờ phải cạn nguồn yêu quê hương xứ sở.
Chừng nào còn người Việt lưu vong, người Việt „phản động“, “Một Chút Quà Cho Quê Hương “vẫn còn được gửi về . „
„Một Chút Quà Cho Quê Hương „ đã và vẫn sẽ chất đầy ngọn lửa đấu tranh cho Nhân Quyền, cho Tự Do . Gói ghém trong đó cả nghị lực, đong đầy ý chí dành cho cuộc sống.Sống sao cho không phụ lòng người tặng quà yêu quý đã mãi mãi đi xa, mãi mãi không còn gói thêm quà cho chúng ta được nữa.
Dương Hoàng Mai
Munich 29.12.2013
Dù nước mắt đong đầy chúng ta hãy cùng nhau nghe lại “Một Chút Quà Cho Quê Hương” như cùng thắp 3 nén hương tiễn người vừa mất đi về cõi vĩnh hằng
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình… …
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình… ..
Trong giờ phút nhỏ giòng lệ tiễn đưa người vừa mất ,tưởng nhớ đến anh , chúng ta hãy cùng xem lại những phút anh Việt Dzũng đã cố gắng gói Những món Quà gửi về cho Quê Hương Việt Nam như thế nào :