Nguyễn văn Lục
Ngày mồng 8 tháng 5, năm 1963.
Ngày đáng ghi nhớ. Ngày mở đầu cho biến cố Phật Giáo miền Trung 1963.
Trong ngày đó, vào khoảng 10 giờ 30 tối, có cả thảy 8 em vô tội đã bị thảm sát tại Đài phát thanh Huế.
Xin được nhắc lại một lần tên các em.
Đó là Nguyễn Thị Ngọc Lan, 12 tuổi, 1951. Huỳnh Tôn Nữ Tuyết Hoa, 12 tuổi, 1951. Nguyễn Thị Phúc 15 tuổi, 1943. Lê Thị Kim Khanh 17 tuổi, 1948. Trần Thị Phước Tự, 17 tuổi, 1946. Nguyễn Thị Yến, 20 tuổi, 1943. Nguyễn Văn Đại 13 tuổi, 1950 và Đặng Văn Công 13 tuổi, 1950.
Sau cuộc thảm sát Đài phát thanh Huế tiếp theo cuộc tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Đức, 66 tuổi ngày 11-6-1963 tại ngã tư Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt Sàigòn.
Hồi chuông báo tử đã dóng lên cho một chế độ.
Dư luận thời đó và ngay cả hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng vụ thảm sát tại đài phát thanh Huế là do xe tăng của Thiếu Tá Đặng Sĩ đã cán chết các em.
Và người trực tiếp trách nhiệm vụ thảm sát này không ai khác hơn là Đặng Sỹ?
Và người đứng đằng sau có thể là ông Ngô Đình Cẩn hoặc TGM Ngô Đình Thục?
Riêng ông Ngô đình Cẩn, trước khi chết có tâm sự với luật sư Võ Văn Quan là ông không có ra lệnh cho Đặng Sỹ giết trẻ em trước đài phát thanh?
Thế thì còn lại TGM Ngô Đình Thục?
Theo LM Cao Văn Luận, trước khi lm Luận lánh mặt ra ngoại quốc có đến từ giã TGM Thục và GM Thục tỏ ra chẳng có ưa gì về vụ biến động Phật giáo cả.
Cần có một câu trả lời cho cái chết của các trẻ em vô tội chết không toàn thây trước cửa Đài phát thanh Huế?
Và nếu người ta thật sự thương xót các em thì cho đến nay ít ra cũng có cái gì đó, một cái miếu, cái cột, cái bảng, một hòn đá cũng được, hay một miếng gỗ.
Ai dám nghĩ đến cái điều tưởng như tầm thường ấy?
Viết bài này, tôi cũng không quên được chính mình cũng là thế hệ thanh niên trí thức ở thời kỳ đó.
Tôi vẫn nghĩ rằng thắc mắc của tôi là chính đáng.
Bài viết có hai phần, phần đầu, chọn lựa dựa trên các lời viết của các nhân chứng hàng đầu trong biến cố đài phát thanh Huế.
Phần hai, duyệt xét lại vụ án thiếu tá Đặng Sỹ để xem ở thời điểm ấy, vụ án đã được xét sử như thế nào?
1. Trích dẫn về những chứng từ trong đêm 08 tháng 05 năm 1963, tại đài phát thanh Huế.
Những chứng từ sau đây của các nhân chứng hầu hết nhìn tận mắt cho thấy một sự việc đã được nhìn, được thấy như thế nào? Người viết ghi những chữ, những câu viết nghiêng để độc giả dễ theo dõi sự dị biệt giữa các nhân chứng.
1. Chứng từ của ông Nguyễn Khắc Từ, Huynh trưởng gia đình Phật Tử, người đã có mặt từ đầu đến cuối bên cạnh Thượng Tọa Trí Quang. Ông viết “Một chiếc xe mang tên Ngô đình Khôi cán bừa lên cả người đồng bào. Vài tiếng thét ghê rợn. Mặc kệ, họ cứ tiến vào đám quần chúng. Giữa lúc ấy, 3 tiếng súng lục chát chúa khô khan vang lên, và lựu đạn cay tung ra tứ phía. Từng loạt súng liên thanh và một tiếng nổ kinh hồn rung chuyển cả đài phát thanh. Tiếng súng vẫn nổ. Trong đài, chúng tôi vào ẩn trong trong phòng hoà âm gồm các Thượng Tọa, Đại Đức, ông Tỉnh trưởng và một số chúng tôi.” (Ttrích trên web Giao Điểm, Giao Điểm trích từ tạp chí Liên Hoa, số ra ngày 15 tháng 1965, Sàigòn.)
Nhận xét: Cứ như ông viết, lúc xảy ra có tiếng nổ, ông ở trong đài và ẩn trong một phòng hoà âm cùng với các Thượng Tọa, Đại Đức. Vậy bằng cách nào, ông có thể nhìn thấy cảnh xe tăng tiến vào với ba tiếng súng lục nổ. Đặc biệt, ông là một trong những nhân chứng nói đến lựu đạn cay tung ra tứ phía.
Bằng vào lời của nhân chứng, các nạn nhân chết vì ba nguyên nhân : vì xe tăng cán, vì tiếng nổ kinh hồn và đạn đại liên.
2. Chứng từ của Nguyễn Lang (tức Thiền sư Nhất Hạnh), cuốn 3 của Bộ Việt Nam Phật giáo sử luận.
“Thiếu tá Đặng Sỹ, Phó tỉnh trưởng nội an và Tiểu khu trưởng Thừa Thiên, huy động lực lượng thiết giáp Bảo An, đại bác quân cảnh, hiến binh và cảnh sát thành phố tới vây quanh đám quần chúng mà họ gọi là đám biểu tình..
Thiếu Tá Đặng Sỹ ra lệnh bắn đạn mã tử khiến đám đông náo động. Lựu đạn cay, lựu đạn nổ được tung vào. Đồng thời súng trường và xe thiết giáp chận lại. Khi thiền sư Trí Quang và ông Tỉnh trưởng từ trong đài phát thanh ra tới thì máu đã đổ : 8 người thiệt mạng vì lựu đạn và 4 người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, sọ em nát vụn. Một thiếu nhi khác bị cán mất nửa đầu và một em khác mất hẳn nửa đầu. Xe Hồng Thập tự được gởi tới để mang những người bị thương về bệnh viện.
Nhận xét:
Không hiểu tại sao lại đổi chức vị của thày Trí Quang là thiền sư?
Đổi như thế nghe thấy lạ tai quá. Quân cảnh không có mang đại bác? Chắc là pháo binh? Một chi tiết khá quan trọng: Thày Trí Quang và ông tỉnh trưởng chỉ ra khỏi đài phát thanh khi máu đã đổ. Chi tiết này phản lại lời tường thuật của chính người trong cuộc là thày Trí Quang ở phần sau.
Thày TQ và ông Tỉnh trưởng đứng ở bên ngoài đài và đang phủ dụ đám đông thì xảy ra biến cố. 8 người chết vì lựu đạn, rồi lại chết bị xe thiết giáp cán. Như vậy giả thiết là các em bị bắn chết, rồi xe thiết giáp cán thêm một lần nữa? Một em bị cán mất nửa đầu và một em khác mất hẳn nửa đầu thì có gì khác nhau?
Xin ghi nhận thêm: Nguyễn Lang, trong phần ghi chú XXXV111 của bộ Việt Nam giáo sử luận, tập 3 có cho rằng Bác Sĩ Lê Khắc Quyến bị ép buộc nên phải ký biên bản như trên. Thiền sư Nhất Hạnh cũng là người đứng ra mời một Uỷ ban Liên Hiệp Quốc đến VN điều tra về vụ Phật Giáo.
Về nội dung bản phúc trình của bác sĩ Quyến, người viết cũng thấy mỗi người nói mỗi khác.
Ra đến tòa án, Bác Sĩ Quyến vẫn giữ lời khai mà nội dung như sau : Không rõ chất nổ, nhưng không phải là do lựu đạn hoặc chất Plastic.
Không bằng lòng về nội dung những bản phúc trình này, người viết có liên lạc với hai con trai của Bác sĩ Lê Khắc Quyến, quý anh LKT và LKH.
Nhưng cũng không giúp thêm gì trong việc làm sáng tỏ điều này.“
Rất tiếc, tôi không giúp được nhiều vì do chỉ là những gì được nghe nói, không có bằng chứng cụ thể“