CÂY THÔNG

0013807_300

Để cùng tưởng nhớ nhà văn Võ Phiến, mời các bạn đọc lại bài viết của nhà văn Phan Lạc Tiếp.

Tôi xa đất Bắc gần nửa thế kỷ. Nhớ quê hương khôn tả. Càng lâu, càng xa, nỗi nhớ càng thêm mạnh. Do đó khi có thể về lại quê nhà, tôi đã về ngay.

Giữa sự lo âu và nỗi bất an, còn đầy rung động vì những điều nhớ lại.

Nhớ vô cùng, nhớ từ những cái chẳng đáng nhớ nhớ đi.

Trước khi đi mấy hôm tôi có gọi cho nhà văn Võ Phiến.

Ông ngỡ ngàng thấy tôi về Việt Nam thăm quê cũ.
Ông nói rất thong thả như vừa nói vừa nghĩ, sợ có điều gì vội vã chăng.

Ông bảo:“Ờ anh về… về thật à…” Dừng lại khá lâu ông mới tiếp:

“Ờ, anh chị còn trẻ, anh chị…Tôi, chà! Chắc tôi không có cơ hội về thăm lại quê nhà quá.”

Câu chuyện đưa đẩy nói về một vài điều khác, bỗng chốc ông trở lại chuyện quê nhà:

“Tụi nhỏ mới qua được đây. Trước khi đi, chúng có về lại nơi quê nhà tôi Bình Định, thăm lại làng xóm cũ.

Chà, thay đổi hết trơn. Cái nền nhà cũ nay có một gia đình nào đó cất một túp lều tranh… Chả nhận ra được anh à…”

Nỗi nhớ thương quê cũ của nhà văn Võ Phiến đã lưu lại một góc kín trong lòng tôi. Tôi nhớ từng lời nói, từng đoạn ngập ngừng nơi ông. Trong cái không nói còn “nói” lên bao nhiêu điều xốn xang nhớ tiếc.

Vì thế cũng thật tình cờ, ở Hà Nội, tôi tiếp xúc được với vài người bạn, những người am tường sinh hoạt văn học nghệ thuật trong mấy thập niên qua. Tôi hỏi: “Liệu ông Võ Phiến về thăm quê nhà lúc này được chưa?”

Người ấy cười, thật từ tốn, cúi đầu nói:

“Chưa. Chưa được đâu.”

Không đợi tôi hỏi thêm, người đó tiếp:

“Ở đây người ta đánh giá Võ Phiến rất nặng.

Họ coi ông ta như một tay lãnh đạo văn học miền Nam trước đây và cả ngay bây giờ nơi hải ngoại.”

Tôi lặng đi rất lâu, vì không ngờ một người viết văn như Võ Phiến lại được “nhìn” kỹ như thế và “nhìn” lâu như thế.

Định hỏi thêm, nhưng thôi, thế cũng là quá đủ.

bai_truong_hop_vo_phien

Suốt mấy tuần lễ lưu lại Việt Nam, tôi cứ bị mấy lời nhận định trên đeo đuổi.

Tôi từ lâu vẫn đọc Võ Phiến. Hầu như tôi đã đọc hết các tác phẩm của ông từ trong nước cũng như tại hải ngoại. Điều trước hết là tôi gặp ở ông một tâm hồn rất đỗi yêu mến quê nhà, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Tôi theo vết chân chị Lê từ miền quê hương miền trung loạn lạc. Chị lấy chồng, bỏ chồng, vào Nam…

Tôi thấy ông tú Từ Lâm, một người từ thế hệ xưa cũ, đại diện cho cửa Khổng, sân Trình, coi lời của Khổng Tử như khuôn vàng, thước ngọc. Ông tú rồi cũng lưu lạc vào Sài Gòn, rồi gặp lại chị Lê… Chuyện của hai người xa quê gặp lại nhau, rồi là chuyện của đàn ông và đàn bà…

Chuyện như thế tưởng như rời rạc, nhưng theo tôi, là những chuyện thực, những nhân vật thực ở xung quanh tác giả Võ Phiến.

Ông đã liên tục kể lại suốt mấy chục năm như thế, gắn liền với vận mệnh nổi trôi của đất nước.

Ông đã phả vào đó, qua những dòng chữ, nỗi xót xa của chính ông về số phận quê nhà. Nay các người ấy là những ai, như chúng ta đã tan tác, đã tan tác tại quê nhà, tan tác tại khắp nơi trên mặt địa cầu. Họ, như Võ Phiến, đã bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ lại những ngày tháng cũ.

vc3b5-phie1babfn1

Võ Phiến, qua ngòi bút, đâu có dừng lại đơn sơ như thế.

Ông thấy cái sai trái, cái bất nhân, tàn bạo của những người làm nên nỗi bất hạnh, chia lià. Ông còn thấy cả, thấy trước cái dụng ý thâm sâu, ác độc của những người chủ trương cuộc chiến. Ý tình ấy bao phủ bao nhiêu tác phẩm của ông. Nhưng cụ thể nhất, rõ ràng nhất là một bài viết ngắn lấy tên là Bắt Trẻ Đồng Xanh. Bài viết hình như phổ biến năm 1968, nói về các cán bộ Việt Cộng, trước đó nhiều năm đã tìm mọi cách bắt đi các trẻ nhỏ tại miền quê miền Nam đưa ra Bắc. Các đứa trẻ ấy được tôi luyện, hướng dẫn để trở thành cán bộ trở về xâm nhập miền Nam, tham gia cuộc chiến.

Bài viết ấy của Võ Phiến in thành sách, được thi sĩ Hà Thượng Nhân dịch ra Pháp ngữ, phổ biến rộng rãi tại hội đàm Paris, sau đó được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, gây chấn động trước diễn đàn quốc tế về sự hiện diện đầy gian trá của Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam. Võ Phiến, bằng tất cả lòng xót xa, nhân hậu, nhưng đã làm cho Hà Nội căm tức. Ông quả là quá xá tinh tế.

Họ sợ cái tinh tế ấy của ông.

*

image

Sau hai tuần lưu lại Hà Nội và về thăm quê cũ Sơn Tây, tôi đã trở lại Sài Gòn để nhìn nơi mà tôi đã có hơn 20 năm sinh sống. Tôi không đi bằng máy bay mà đi bằng xe hỏa để có thể nhìn tận mắt quê hương dọc theo con đường số 1 từ Hà Nội vào Sài Gòn. Rời Hà Nội với bao nỗi xót xa. Anh tôi, các em tôi, các cháu tôi đưa tiễn. Tôi cầm tay từng người trong lúc tự trấn an “cố, đừng khóc nhé.”

Xe hỏa chuyển bánh. Đây là con đường Thống Nhất, con đường chạy qua làng Hà Hồi, nơi trận đánh khởi đầu của quân Nam tiến ra đại phá quân Thanh năm 1789. Con đường mà có lúc tôi đã vẽ trong đầu là mình sẽ từ Nam ra Bắc bằng con đường đó. Xe hỏa cứ chạy, quê hương, đất nước hiện ra tiêu điều.

Các địa danh lần lượt trôi qua.

Đây là Thanh Hóa, quê hương của vua Lê, mở đầu một thời lẫy lừng,oanh liệt. Vinh, nơi nhận những quả bom đầu tiên của Không Lực Việt Nam Công Hòa, tưởng đã là tín hiệu mừng vui mở đầu cho cuộc Bắc tiến.

Rồi Hà Tĩnh, Đồng Hới. Hết địa danh của phía trên vỹ tuyến 17. Bến Hải rồi Đông Hà, những trận đánh tàn bạo, khốc liệt giữa quân hai bên Nam, Bắc. Nơi đâu là khúc đường oan nghiệt, Đại Lộ Kinh Hoàng hồi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Huế với những mồ chôn tập thể, ngập ngụa tang thương, tàn bạo, chất ngất đớn đau, thù hận trong dịp Tết Mậu Thân, 1968. Tàu hoả qua đèo Hải Vân. Từ đỉnh đèo nhìn xuống, dải núi nhấp nhô ôm ấp Vịnh Hàn. Mặt nước êm xanh, thấp thoáng những con thuyền nâu nhỏ, những cánh lưới trắng căng ra mỏng manh như màng tơ nhện, hiện trên một mặt gương. Hòn Tiên Sa và hải đăng quen thuộc trơ vơ. Ghềnh đá sóng vỗ trắng xoá. Ở đó trước đây là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Bây giờ mấy cầu tàu thẳng tắp, trống không, không một con tàu.

Chính nơi này, bãi biển này, đúng một tháng trước khi Sài Gòn sụp đổ, ngày 30 tháng 3 năm 1975, lớp lớp sóng ngươi trùng trùng tràn tới, xô bung ra biển. Những con tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà, rất đông bè bạn, tôi làm hạm trưởng, ủi bãi, mở cửa đổ bộ, há miệng đón quân, đón dân.

Một biển người trên bờ cát trào ra mé nước. Người tràn kín khắp lòng tàu thật mau, bu đặc cả các pháo tháp, các lối đi. Bỗng những quả đạn trái phá từ đâu câu tới, nổ bùng ngay trước bãi, và quanh thân tàu. Những xác người tung lên cao, rơi xuống lả tả. Bãi biển bê bết thịt xương, nhòe nhoẹt máu. Tiếng kêu khóc, tiếng súng nhỏ, những tràng liên thanh, tiếng lựu đạn nổ bừa bãi đó đây.

Cửa đổ bộ được lệnh kéo lên, người vẫn bám vào như sung, rơi lả tả quanh tàu. Tàu không còn chỗ trống, đặc kịt người. Tàu lùi, lùi mạnh để cố lết ra. Những quả trái phá vẫn không ngưng, ào ạt câu tới, nổ tung giũa một biển người. Khói, cát mờ mịt. Chân vịt quay.Hai máy lùi, lùi hết. Nước xoáy cuộn ngược về phía trước ào ạt.

Những thân người, những cánh tay, những đầu người, những mớ tóc bị cuốn hút trong xoáy nước chan hoà máu đỏ… Người bạn cùng khoá của tôi, sau này kể lại, đứng trên đài chỉ huy cao, vừa ra lệnh cho tàu lùi, tay nắm chặt vào thành ghế, cắn chặt môi mà nước mắt tràn ra đầy mặt…

Một làn gió như từ mặt biển êm thoáng thổi về, đưa tôi trở lại với giây phút hiện tại của người xa nước trở về thăm lại quê hương.

Con tàu hoả xuống thấp dần, men theo Vịnh Hàn.

Những hàng phi lao chắn ngang tầm mắt. Biển nhoà đi trong nắng vàng mênh mang, mệt mỏi. Ngực tôi nặng, và nước mắt ứ lên đầy mắt.

Chợ Cồn và những tiếng người rộn rã gợi nhớ một thuở nào xa.

Tàu hỏa rời Đà Nẵng xuôi Nam.

Tôi ngồi thu mình trong toa tàu, nhắm mắt dằn những xúc động đang đột ngột tràn về.

Trời đã chiều.

Quy Nhơn là đất đai Bình Định, quê cũ của Quang Trung đại đế, cũng là nơi mà nhà văn Võ Phiến đã sinh ra, lớn lên và đã có bao nhiêu kỷ niệm. Ông đã đem bao nhiêu cảnh trí, con người của quê ông vào tác phẩm. Trời chưa tắt nắng, những rừng dừa bát ngát chạy qua, chạy qua. Tôi lấy máy ảnh chụp, nhưng chỉ ghi được vài mái nhà nhỏ, leo lét mấy ngọn đèn buồn bã.

Không biết nơi nào đích xác là quê hương của Võ Phiến. Nhưng chắc chắn cảnh trí này, con đường này Võ Phiến từng đi qua và ông đã dùng làm bối cảnh cho bao nhiêu truyện. Đặc biệt, với con người yêu quê hương tha thiết ấy, sau khi tung hoành mải miết bằng văn xuôi, Võ Phiến đã làm thơ. Lúc đầu Võ Phiến không cho in thơ, chỉ gửi biếu một số bạn bè.

Đọc thơ ông, ta thấy những xúc động bồi hồi từ văn xuôi, như được tóm gọn vào thơ.

Độ 40 bài thơ, viết từ năm 1943 ở quê nhà Bình Định cho đến bài cuối, bài Hôm Qua, viết năm 1994, tất nhiên là viết tại Hoa Kỳ.

Năm 1975, khi rơi bỏ đất nước, trong nỗi bàng hoàng, ông đã viết :

Ra đi tuổi chẵn năm mươi

Năm mươi tuổi nữa nào nơi ta về

Ngàn năm mây trắng lê thê.

Bài thơ chỉ có ba câu. Câu cuối sáu chữ bỏ lửng như thế, như một sự bất toàn. Bất toàn cho cuộc sống, cho nỗi khắc khoải nhớ về quê cũ.

Võ Phiến chưa về, chưa về được.

Nhưng bây giờ tôi đi qua các rừng dừa, quê hương Bình Định của ông.

Đêm đang xuống. Đồng xanh đã tím. Dừa bát ngát, âm u.

Làng mạc nào xa.

Nơi nào “cách đây chừng một kiếp người”, người con trai tên Đoàn Thế Nhơn tức Võ Phiến đã nói về mảnh “vườn xưa” với người bạn đời bằng những lời thật mềm, thật lạ và thật khéo:

Một ngôi nhà

Hôm bắt đầu cuộc sống chúng ta

Em nhớ chứ ! cái đêm dài kỳ lạ.

Gió định đến, chợt ngập ngừng, rút lui êm ả ?

Suốt một đêm cây lá nén hơi.

Tàu chuối toan trở mình, nghĩ lại, bèn thôi

Trời gần sáng mới có mưa rón rén

Những sợi nhỏ li ti vừa rơi vừa thẹn.

Mảnh vườn xưa của ông nơi nào, tôi không biết.

Qua bao dâu bể, cảnh vật đã khác xưa. Võ Phiến biết thế, nhưng không biết nó thay đổi đến thế nào:

Trên mảnh vườn xưa, giờ tan tác mây bay

Giờ nơi đó là gò hoang? Là ruộng lúa ?

Là hang cáo? Ngách chồn? Lơ thơ cỏ úa

Giờ đêm đêm vò võ thâu canh

Trăng thẩn thơ giương con mắt lạnh tìm kiếm một mình.

Từ cái “hôm bắt đầu cuộc sống” đến nay trải bao nhiêu mùa xuân nồng nàn, ân nghĩa, Võ Phiến nhớ lại, với tất cả bồi hồi:

Có ai ngửa cổ cười sung sướng

Cổ trắng ngần, ôi… muốn chết luôn

Có ai hất tóc qua vai ấy

Mà đây xao xuyến cả tâm hồn…

Mê mệt nhường ấy, đắm say nhường ấy được nói lên ở cái tuổi “cổ lai hy”, phải kể là đẹp lắm. Một cuộc tình chan chứa ân nghĩa.

TSVHVNHN-42

Cuộc sống ấy đã tạo ra bao nhiêu tác phẩm quý báu cho nền văn học Việt Nam của Võ Phiến. Điều ấy bao nhiêu người đã biết, đã nói, đã viết. Bên cạnh các tác phẩm trên, ông bà Võ Phiến đã sinh ra, đã nuôi nấng một đàn con bốn người. Tất cả đều đã thành đạt. Sau biến cố 1975, những người con lớn kẹt lại, với rất nhiều khó khăn, tất cả bốn người con của ông bà Võ Phiến hiện đều đã đoàn tụ quanh ông bà ở Cali, và đều đã hoàn tất bằng cấp, nghề nghiệp tại Hoa Kỳ. Trước sự thành công này, tôi có hỏi Võ Phiến:

“Anh là công chức, lương ba cọc, ba đồng, chắc chị phải làm gì thêm mới nuôi nổi…”

Ông Võ Phiến đáp: “Chúng tôi nhà nghèo, bà xã tôi hồi còn ở Việt

Nam chỉ lo nội trợ. Các cháu học trung học ở Quy Nhơn. Khi tôi đổi về Sài Gòn, nhờ anh Doãn Quốc Sỹ chuyển trường hộ. Thì cứ cơm rau, cốt no bụng là được, cố mà học, chứ còn cách nào tiến thân nữa…”

Tôi muốn nói kỹ hơn về những cố gắng, những thành công này, nhưng ông Võ Phiến nói:

“Việc nuôi con là trách nhiệm của người làm cha mẹ. Nói ra có khi như là kể công… có lẽ không nên…”

Chính những điều ấy càng làm cho tôi thấy sự bình dị, khiêm cung nơi ông. Một người chồng rất mực yêu thương vợ. Cụ thể là cái bút hiệu Võ Phiến, nghe lạ chứ, nhưng đó chính là khuê danh của bà Võ Phiến được nói ngược lại mà thành. Cho nên bút hiệu của ông gắn liền với các tác phẩm lại chính là tên của bà ở một thời con gái.

Thật không có sự yêu thương nào bền chặt như thế, ý nghĩa như thế.

Lòng yêu mến ấy toả rộng là tình yêu người, yêu đất nước dàn trải qua hàng ngàn trang sách, thấm đẫm vào bao nhiêu tâm hồn người đọc, miệt mài trong mấy thập niên. Nghĩ thế, tôi phải dùng chữ của chính ông mà kêu lên:

“Ồ đằng anh, quá xá.”

Ở miền Nam tự do, Võ Phiến còn được mời làm giám khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật, giải văn chương cao quý nhất của quốc gia, do Tổng Thống trao tặng.

Ông đảm nhiệm công tác này nhiều năm, mặc nhiên được công nhận như một vị đàn anh, vừa có tài năng về văn học, vừa có tư cách và vô tư trong việc tuyển chọn.

Điều này Võ Phiến đã rất khiêm tốn mà nói:

“Những người chọn giải, tiếng gọi phổ thông trên báo chí là người giám khảo. Cụ Vi Huyền Đắc đề nghị dùng một danh từ chính xác là Hội Đồng Tuyển Trạch Giải Thưởng. Như thế nghe vừa khiêm tốn vừa đúng nghĩa hơn. Vì có thi cử, có khảo thí đâu mà làm giám khảo.”

*

Một cách tổng quát, nhắc đến Võ Phiến là nhắc đến tiểu thuyết. Ông viết loại này nhiều nhất và tất nhiên rất đạt. Mấy chục tác phẩm đã được xuất bản. Nhưng với tôi, tôi nghĩ khác. Nét đặc thù nhất của Võ Phiến là tuỳ bút. Tuỳ bút là loại văn phóng túng, không cần viết dài, nhưng không phải dễ viết. Vậy mà Võ Phiến đã viết tuỳ bút khá nhiều. Vào thế giới của Võ Phiến, với tôi là lạc vào vùng trời của những điều tưởng là đơn giản, tầm thường, lại hoá ra thật kỳ thú. Qua tuỳ bút, Võ Phiến đưa ta lang thang từ vùng này qua vùng khác. Ta vừa ở trên vùng cao nguyên, với núi cao, cây cối bạt ngàn, bỡ ngỡ với các thổ âm xa lạ, ông lại đưa ta về một vùng “đồng không mông quạnh… Những đám khói đốt ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động cảm hoài… những đám khói ấy ùa lên trong giấc mơ. Và giấc mơ, không gian mênh mông lại càng vắng lặng, khói tỏa càng chậm, càng bát ngát…”

Thật chẳng có gì, thật đơn sơ, nếu không nói là nghèo nàn cô quạnh, nhưng ta thấy như khói cay đầy mắt và thương quá quê hương, đất nước mình.

Ở một chỗ khác, Võ Phiến như cười cợt, nhưng lại rất chi tiết cho ta biết các cụ, ông cha ta ở cuối thế kỷ trước đã ăn mặc ra sao:

“Người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố…

Người sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu, hoặc để trắng.” Ông trích dẫn lời của Lệ Thần Trần Trọng Kim và nêu lên như thế. Ở một chỗ khác, ông nói về vẻ đẹp của cái áo dài của phụ nữ Việt Nam một cách thật tinh vi và cũng thật dí dỏm:

“Nhìn vào một người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy…gió.”

Thật thế, cái duyên dáng của tà áo dài là lúc người mặc nó đi lại, tà áo lúc khép lúc mở, lúc cuống quýt, lúc lả lơi bay, để phần thân yêu kín đáo như mời, như giữ, như vui, như thẹn và chính là gió đã lay động tài tình, tinh quái tạo nên.

Võ Phiến viết về cái mặc mà không quên cái ăn, cái uống.

Điều nào dưới bút pháp của ông cũng trở nên duyên dáng, quyến rũ lạ lùng. Mà biết ăn là biết dùng gia vị, nên “ăn”ở Võ Phiến bắt đầu từ “ăn mùi.” Ông đã “Theo Chân Món Ăn” từ Bắc vô Nam, ra Huế.

Ông nói đến nhiều thứ lắm, nhưng không quên cái bánh tráng nhỏ mà dân Bình Định quê hương ông ăn thay cơm. Cái bánh tráng đơn sơ ấy còn được coi như một thứ lương khô mà đoàn quân dũng mãnh của Quang Trung đại đế đã dùng trên đường tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh mùa xuân 1789.

Cứ mỗi món ăn ông tả, tôi lại phải gấp sách lại để cười một mình. Món ăn tầm thường của người Việt mình sao mà ngon thế, và ngon hơn hết là bút pháp của ông.

Xin hãy cùng Võ Phiến ghé quê hương ông để cùng thưởng thức một thứ chè (trà) rất lạ:

“Anh Ba Càng Cua mỗi sáng nhất định phải điểm tâm một bát thật đậm rồi mới ra đồng cày bừa được, mà hễ đã uống nước rồi là khỏi cần ăn; ông Tư và ông Tam Khoang vẫn cầm cự nhau suốt ba mươi năm nay: Ông này mỗi lần hai bát thì ông kia cũng giữ vững đủ hai bát mỗi lần; ở làng kia có người uống một lượt đến ba bát Bài Thơ; thôn kia có ông lão hai bát gặp được chàng trai hai bát rưỡi, lấy làm khoái, gả ngay con gái cưng cho…”

Gớm, thứ trà gì mà lạ lùng, quyến rũ thế. Phải mở Tuỳ Bút của Võ Phiến ra đọc lại bài Hạt Bọt Trà mới thấy sự sảng khoái của người dân Bình Định uống trà, “uống một hơi bảy chén, đến nỗi gió dậy dưới nách ào ào…”

Khiếp quá ! Uống trà đến lúc “gió dậy dưới nách ào ào”, tôi chưa thấy ở đâu như thế.

Quê tôi, SơnTây, cũng có thói uống nước chè tươi, cũng uống cả bát lớn. Uống rồi mồ hôi vã như tắm thì có, chứ chưa thấy ai uống nước chè mà gió lên ào ào từ nách.

Thực ra Võ Phiến muốn nhắc đến câu thơ danh tiếng của Lư Đồng, bài Thất Uyển Trà: Thất uyển khiết bất.

Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh.

Còn bao nhiêu điều nữa Võ Phiến đã liên lỉ viết lại qua thể tuỳ bút.

Nhiều lắm.

photo.1JPG

Lúc ở quê nhà, tôi có nhiều khi lênh đênh trên biển, thời gian thừa như vô hạn. Sau các phiên hải hành, không ngủ được, lật tờ Bách Khoa ra, theo chân Võ Phiến, thật là thích. Mình không có cơ hội lân la nơi này, nơi khác, chỉ đọc Võ Phiến, Tuỳ Bút, mà như được thấy tất cả, thật tỉ mỉ và cũng thật hữu ích.

Bây giờ xa đất nước quá, những cái tưởng như chẳng đáng nhớ ấy, đọc lại Tuỳ Bút cuả Võ Phiến, còn thích thú hơn nhiều. Từ thói quen ghi nhận, ông đã để cho ta một kho tàng. Ông quả là người yêu người và yêu quê hương lắm lắm.

Vậy mà đã hết đâu. Từ 1975 đến nay, chúng ta lạc loài xứ lạ, không thiếu người vì không thích ứng với hoàn cảnh mới, đã trở nên hỗn loạn.

Hỗn loạn tinh thần và hỗn loạn gia cảnh. Trong hoàn cảnh ấy, ai giữ được gia đình êm ấm đã là quý lắm. Cũng từ hoàn cảnh này, trong cộng đồng người Việt, bỗng bùng lên một nhu cầu bày tỏ tâm tư mà hiện tượng rừng báo nổ ra ở khắp nơi có đông đảo người Việt cư ngụ. Võ Phiến, với một tâm hồn nhạy cảm, với khả năng xử dụng ngòi bút tinh tế như thế, mà không làm báo. Ông lại làm công chức cho sở thuế, một việc chẳng liên hệ gì đến văn chương. Bà Võ Phiến, vốn là người nội trợ, như ông tiết lộ, lại làm trong văn phòng luật sư đằng đẵng trên 20 năm.

Thật lạ. Nhưng sau những giờ cặm cụi vơí hồ sơ, với công việc để chu toàn cuộc sống, Võ Phiến vẫn không quên cái nghiệp, hay trách vụ cuả nhà văn. Ông vẫn viết đều: Thư Gửi Bạn, rồi Lại Thư Gửi Bạn. Trong các lá thư gửi bạn ấy, chất chứa những nỗi niềm của người Việt trên đất tạm dung. Những bàng hoàng, xa lạ. Những u uất nhớ nhung. Nỗi đắng cay lồng trong sự tủi mừng được sống trong môi trường tự do, dân chủ và no ấm cùng bao nhiêu bỡ ngỡ, khó khăn. Khó khăn từ lời ăn tiếng nói, từ cách cư xử với người xung quanh. Riêng các thế hệ sau, lớn lên ở đất nước người, chúng như cá bơi trong hồ nước rộng. Nhưng sẽ có lúc chúng soi gương để biết chúng, dù thế nào, cũng khác với người dân bản xứ.

Chúng sẽ tự hỏi:  Ta là ai? Ông cha ta đã đến đây khi nào, ra sao? Lúc ấy, những ghi nhận tưởng như đơn sơ trong những Lá Thư Gửi Bạn, sẽ là chìa khoá cho con cháu ta tìm về với cội nguồn, nếu chúng còn có chút quan hoài, băn khoăn tìm hiểu. Những lá thư đơn sơ ấy sẽ quý báu biết bao nhiêu.

Viết lách như thế dù thế nào cũng chỉ tuỳ thuộc vào cái nhìn, cái thấy rất đỗi chủ quan của tác giả, có thể đúng, có thể sai, có thể thiếu sót.

Mặc! “Ấy, tôi thấy thế nào thì viết thế ấy.”

Rồi đùng một cái, Võ Phiến cho nhà Văn Nghệ in cuốn Tổng Quan 20 Năm Văn Học Miền Nam.

Điều này phải nói là rất đỗi ngạc nhiên. Thời gian đâu, tài liệu nào khiến ông làm được công việc ấy?

Đây đâu phải chuyện chơi. Phải nói có sách, mách có chứng.

Vậy mà nó đã thành. Cuốn sách ấy được một người bạn văn kiêm hoạ sĩ, Võ Đình dịch ra Anh ngữ.

Nhờ đó, cuốn sách như có cánh bay xa, nhiều thư viện Mỹ, Úc, Pháp mua, lưu trữ và nghiên cứu.

Và tất nhiên nó cũng theo chân người Việt về đến quê nhà, gây nên những xốn sang, tìm hiểu của rất nhiều người.

Riêng đại học Úc đã dùng cuốn sách này làm tài liệu giảng huấn về văn học miền Nam.

Nhân buổi họp mặt cuối năm tại nhà thi sĩ Trúc Chi, hôm 29 tháng 1 năm 1995, tôi có nêu thắc mắc này, ông nói:

“Tiếng nói của cả miền Nam thể hiện qua hơn 20 năm văn học phải được giữ lại chứ. Lúc này họ (Cộng Sản Hà Nội) cả vú lấp miệng em. Nhưng tài liệu mình cụ thể, mình chịu khó sưu tầm, lưu giữ, sau này sự thực sẽ có ngày sáng tỏ.”

Tôi vẫn băn khoăn, hỏi: “Anh làm việc này khi nào?”

Ông tiếp: “Tôi có biết uống rượu đâu, già rồi, đi lại cũng ngại, nên chỉ còn cái thú đọc sách, nhờ đó tôi cũng đọc được nhiều…”

Ôi, công tác to lớn như thế, cụ thể như thế, ông đã lặng lẽ làm một mình. Thật là kiên trì, nhưng cũng đầy can đảm. Can đảm vì ông đã không ngần ngại đưa ra các nhận định rất đanh thép đối với một số tác giả, tác phẩm. Những người ấy là người từng sinh hoạt với ông, quanh ông, là bè bạn thân quen từ nhiều năm trước cũng như sau này ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Năm 1986, cuốn Tổng Quan trong bộ Văn Học Miền Nam ra đời.

Sau khi tác phẩm này phát hành, Võ Phiến liên tiếp mấy lần vào nhà thương giải phẫu tim. Phải chăng qua nhiều lần kề cận với nguy nan, giáp mặt với tử thần, khiến ông có những tư tưởng xa lià cuộc sống:

Ta nằm trong đất cười ra

Tan hoang nhân thế những ta cùng người

Ta nằm lòng đất ta cười.

Ghê quá. Lời thơ ông như vẳng lên từ phần mộ. Nhưng nghĩ cho cùng, chính những câu thơ buồn bã này, ở một góc cạnh khác lại là cách yêu đời quá đỗi. Vì yêu đời nên lo cho đời quá. Không phải lo riêng cho thân phận người Việt mình, có lúc ông lo cho cả loài người, cho cả nhân loại ở thế kỷ 21 tới đây và hàng ngàn năm sau đó.

Ông đã thổ lộ:

Chính phen này, chính thiên niên kỷ tới đây

Sẽ quyết định sự mất còn của loài người và quả đất

Ôi quả đất cứ mỗi ngày mỗi chật

Mỗi xác xơ, bẩn thỉu, mỗi bơ phờ

………………

Nghìn năm nữa, người bao nhiêu trăm tỷ

Muôn vật không còn, năm châu bốn bể

Quờ tay ra người toàn chạm phải người

Biết lấy gì ăn, biết lấy gì nuôi

Lo như thế có quá đáng lắm không. Có lẽ ông đã lo xa quá. Nhưng dù thế nào đó cũng chỉ là những dự phóng để lo âu.

Suốt mấy chục bài thơ hoàn tất ở cái tuổi tưởng chẳng ai có quyền đòi hỏi ở ông gì nữa, nhưng ta vẫn gặp được nhiều bài thật hay, thật tha thiết, chan chứa những mặn nồng, những lo toan cho người bạn đời, khi nghĩ về nỗi cô quạnh của nhau. Ông viết thật ngậm ngùi :

Ta nằm thừa thãi giữa đời

Nghĩ em thừa thãi đứng ngồi nơi nao.

Đến đây ta thấy tấm lòng của nhà văn Võ Phiến mở ra thật đôn hậu, với người thân, kẻ sơ và với cả mọi người. Việc đời với ông có thể coi như một làn gió thoảng. Do đó tôi đã kết thúc bài viết với những lời sau:

Thưa anh Võ Phiến,

Xin anh hãy thảnh thơi an hưởng tuổi già. Sự hiện diện của anh trong cuộc sống là tấm gương trong sáng. Được nhìn anh đi lại, nói cười, được nắm bàn tay ấm áp của anh, với tôi, và tôi nghĩ, nhiều bằng hữu và độc giả bốn phương, đều rất lấy làm vui sướng. Anh như một cây thông mọc trên đỉnh núi, gió thổi trùng trùng, nhưng thân cây vẫn thẳng, cành lá lúc nào cũng rất xanh tươi,

tỏa bóng mát rộng lớn cả một vùng.

Tôi xin dừng bài viết ở đây với tấm lòng quý trọng.

*

Tôi đã ghi ngày hoàn tất bài viết này: 24 tháng 4 năm 1995. Nhưng không! Trong lặng lẽ của tuổi già, Võ Phiến vẫn không ngưng nghỉ, ông vẫn làm việc miệt mài. Cuốn Tổng Quan Văn Học Miền Nam mới chỉ là cái sườn, những điều tổng quát mà thôi. Như chạy thi với ngày tàn của thế kỷ, một thế kỷ chất chứa tang thương, cuối năm 1999, ông cho nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành bộ sách khổng lồ 3. 232 trang: Văn Học Miền Nam.

Riêng về Truyện có 3 tập, đề cập đến 50 tác giả. Ký, 22 tác giả.

Các cuốn khác gồm Kịch, Tuỳ Bút và Thơ đề cập đến 58 tác giả.

Trong tổng số 3232 trang có 1667 trang do Võ Phiến viết và 1561 trang trích của 118 tác giả. Tất cả những điều ấy, phải công bằng mà nói, Võ Phiến đã vì danh dự của miền Nam mà thực hiện.

Công trình đó là một đóng góp lớn lao, vô giá mà theo tôi, chúng ta có quyền hãnh diện và mang ơn tác giả.

Nói như thế không phải đây là một công trình toàn bích. Vì làm gì có sự toàn bích trong địa hạt nhân văn, vì chính những định luật của nhân văn đã không tất yếu. Do đó công trình của Võ Phiến không sao tránh khỏi thiếu sót, càng không thế làm vừa lòng tất cả mọi người.

Nhưng ít nhất, trong hoàn cảnh tan hoang, chia lìa, thất thế của miền Nam, công trình của Võ Phiến đã là một thông điệp cụ thể phản ảnh nếp sống đẹp đẽ, sung túc và chứa chan nhân phẩm của miền Nam, vượt xa xã hội của kẻ thắng trận là miền Bắc.

Công trình ấy đã để lại cho hậu thế, cho những ai muốn tìm hiểu về 20 năm sinh hoạt rất phong phú của miền Nam.

Sự mong đợi của Võ Phiến, cũng là sự mong đợi của những ai hằng có chút quan hoài như ông, may thay đã không phải đặt vào một khoảng thời gian xa tắp ở tương lai.

Nó đã xẩy ra một cách đột ngột và cũng thật đẹp đẽ. Một số sách của Võ Phiến đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tiệp và do những nhà xuất bản lớn phát hành. Nhưng đó mới chỉ là những thử nghiệm, một thứ “quà mới lạ” trước thị hiếu của Tây Phương.

Những biến cố sau, theo tôi, mới là đánh giá trân trọng về những công trình trước tác của Võ Phiến: đó là những luận án trình tại các đại học Paris, Pháp quốc. Cho đến nay, theo chỗ chúng tôi biết, có hai luận án cao học (mémoire de maitrise), một của bà Anne-Marie Aniel, năm 1986, tại Đại Học Paris III; một của bà Phan Thị Minh Lê, năm 1990, cũng tại Đại Học Paris III, và một luận án tiến sĩ của bà Trương Thị Liễu, trình ngày 9-10-2001 tại Đại Học Sorbonne, Paris III. Luận án này viết về đề tài

“Võ Phiến, culture nationale, lectures occidentals”,

dày ngót 600 trang, được Hội Đồng Giám Khảo

đồng thanh cấp danh vị Tiến Sĩ Tối Ưu với lời khen

“Mention très honorable avec Félicitations du Jury.”

Luận án này sẽ được xuất bản trong loại sách Tương Lai Của Quá Khứ – Avenir Du Passé của nhà xuất bản Harmattan, Paris.

Từ trước tới nay, nếu tôi không lầm, chúng ta mới chỉ nghe thấp thoáng có vài học giả tại các đại học Tây phương, tìm hiểu và viết luận án về một vài danh nhân trong lịch sử Việt Nam, những người đã được thời gian gạn lọc, danh vị đã được xác định chắc chắn và vượt ngoài những ảnh hưởng chính trị. Ở trường hợp Võ Phiến thì khác. Khác hẳn.

Phải chăng, đây là trường hợp đầu tiên, một tác giả Việt Nam còn sống mà công trình trước tác đã được biết đến và vinh danh như thế.

Với tôi, vinh dự này không chỉ dành cho người làm luận án, càng không phải chỉ là cho nhà văn Võ Phiến mà đó là một vinh hạnh cho nền văn học miền Nam, cũng như cho cả Việt Nam.

Nhưng dù thế nào, thành quả ấy do hàng ngàn trang sách của Võ Phiến, phản ảnh cảnh huống sinh hoạt của miền Nam mà có, trong đó tất nhiên đậm nét nhất phải là hình ảnh quê hương Bình Định thân thương của Võ Phiến.

Một nét son trong sinh hoạt văn học thế giới có lóng lánh hình ảnh đất nước chúng ta, trong đó không thiếu những nét bi hùng của quân dân miền Nam chống lại cuộc xâm lăng quỷ quyệt, đầy man trá đến từ phương Bắc.

Trong ngắn hạn, miền Nam đã thua. Nhưng trong đường dài của tình tự dân tộc, của nhân phẩm, người miền Nam nhân hậu bắt đầu được vinh danh, mà phải chăng, Võ Phiến chỉ là điểm khởi đầu?

Một cánh cửa đẹp đẽ đã rộng mở, mời đón những thế hệ tương lai.

Tương Lai khởi đi từ Quá Khứ – Avenir du Passé.

Thưa anh Võ Phiến,

Anh có thể hoàn toàn yên tâm được rồi.

Được hỏi về niềm vui này, ông Võ Phiến đã cười đùa mà nói:

“…những luận án ấy là công trình của người soạn thảo, nghiên cứu đề tài, chứ đâu phải công trình thành tích của tôi. Ví dụ giáo Sư Phạm hoàng Hộ ra sách nghiên cứu về cây rau muống, thì đó là công trình của giáo sư Phạm chứ đâu phải của cây rau muống. Rau muống khoe khoang e lộn chăng.”

Một lời nói bông đùa, ý nhị, tự tại, đầy khiêm cung và cũng thật vô cầu.

Với tôi, Võ Phiến đúng là cây thông già mọc trên đỉnh núi, bốn mùa cây lá lúc nào cũng rất xanh tươi.

Phan Lạc Tiếp.

( Bài viết trích từ Tác phẩm ” Một thời oan trái ” đã  được Tủ sách Tiếng Quê Hương đưa lên  dưới dạng E book. Các bạn vào trang E. book  nhấn đọc thêm  „ Một thời oan trái „ để biết thêm phần nào Sự Thật của Quê Hương)

2 Antworten zu “CÂY THÔNG

  1. Tôi nghĩ ông Vỏ Phiến không về không phải vì bên kia hăm he ông ta, mà ấy là thái độ của kẻ sĩ.

    • Đồng ý với bạn! Chuyện những người tài hoa đất nước, có tấm lòng yêu quê hương , dân tộc nhưng không tiếp tục đóng góp thêm được cho nền văn hóa nước nhà là một trong những tội ác của tập đoàn CSVN hiện nay..

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây:

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s