Chính Đề Việt Nam ( I)

Về một trích đoạn trong “Chính Đề Việt Nam”

trên mạng Lề Trái của nhà văn Đào Hiếu

Trần Phong Vũ.

Trên mạng Lề Trái của nhà văn Đào Hiếu, đề ngày 11-5-2014, vào ngày  nổ ra cuộc biểu tình lớn trên khắp nước chống lại hành vi xâm lăng trắng trợn của Bắc Kinh qua việc chúng đưa dàn khoan dầu không lồ HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Biển Đông trước đó chín ngày, người ta đọc được tiêu đề kèm theo trích đoạn và tấm ảnh sau đây:
image001

Hình ông Ngô Đình Nhu trên báo LIFE.

Ngay sau đó, nhiều mạng lưới internet đã post lại nguyên văn trích đoạn trên với những ý kiến đóng góp của độc giả khắp nơi. Post lại trích đoạn trên đây trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, bào đệ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người có công sáng lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, trên mạng Lề Trái vào thời điểm này, dù không nói ra, nhưng ai cũng có thể hiểu được hàm ý của nhà văn Đào Hiếu. Hiển nhiên, ông muốn nhấn mạnh tới viễn kiến của tác giả Chính Đề Việt Nam –ông Ngô Đình Nhu-, người có cái nhìn quán triệt về vị thế Việt Nam trong tương quan quốc tế, nhất là cái nhìn tiên tri để thấy trước ý đồ thôn tính đất nước ta của Bắc Kinh cách đây hơn nửa thế kỷ. Đây là một ý đồ “thâm căn cố đế” khiến tiền nhân từng ghi tâm khắc cốt, coi các đế chế của người Trung Hoa qua các triều đại là kẻ-thủ-truyền-kiếp của dân tộc ta.

Vậy Chính Đề Việt Nam là gì?

Chúng tôi đang có trên tay tập CĐVN ấn hành lần thứ hai ở hải ngoại năm 2009 (lần thứ nhất năm 1988).
Cả hai đều in lại nguyên văn từ ấn bản đầu của Nhà Xuất Bản Đồng Nai, Sàigòn năm 1964.
Đọc và giới thiệu tác phẩm lớn này không phải là mục tiêu của người viết.
Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên một vài nét khái quát về tác phẩm để độc giả thấy xuất xứ trích đoạn trên, từ đấy nhận ra viễn kiến của tác giả CĐVN khi theo dõi những vấn đề thời sự trên đất nước ta hôm nay.

Ngay đầu tác phẩm là bản đồ Việt Nam với những niên biểu ghi dấu cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam từ năm 939 cho tới năm 1789.

Nội dung CĐVN gồm bốn phần chính và phần kết luận:

Phần I: Nhận Định Về Thế Giới. Phần II: Vị Trí Việt Nam.

Phần III: Điều Kiện Nội Bộ.

Phần IV: Một Lập Trường Thích Hợp.

Phần Kết Luận: Trụ Mà Không Trụ.

Để có một ý niệm khái quát về sự ra đời của tác phẩm, sau đây là trích đoạn phần đầu Lời Trần Tình của nhóm chủ trương in lại tác phẩm này ở Hoa Kỳ năm 2009:

Tập tài liệu bạn đang có trong tay là kết tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận nhằm giúp những cán bộ quốc gia nắm vững con đường xây dựng và phát triển dân tộc. Công cuộc hình thành một lược đồ thích hợp cho tương lại dân tộc vừa nhen nhúm thì biến cố ngày 01 tháng 11 năm 1963 đã làm sụp đổ mà hậu quả là những tàn phá sâu rộng cả về mặt nhận thức lẫn nhân tâm, khiến đất nước tiếp tục chìm đắm trong chiến tranh, nghèo đói và bị các thế lực ngoại lai khống chế.

Một phần những đề tài này đã được thảo luận trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng chưa được đào sâu và áp dụng, nhất là công cuộc xây dựng tầng lớp lãnh đạo có đủ khả năng gánh vác trọng trách trong giai đoạn mới cần nhiều thời gian chuẩn bị, nên lược đồ xây dựng cho tương lai dân tộc bị gián đoạn từ đó. Trung thành với khát vọng chung và cùng ôm ấp lý tưởng xây dựng một tương lai lâu dài cho đất nước, một số chiến hữu trung kiên đã cho in tập tài liệu này năm 1964, nhưng vì tình hình chính trị bất ổn và chính quyền quân sự lúc ấy đang chịu những áp lực từ nhiều phía, vì thế tập tài liệu hiếm quý này bị coi là di sản của “chế độ cũ” nên bị chôn vùi vào quên lãng.
Tiếp đến là biến cố 30-4-1975…..”

Đoạn post trên mạng Lề Trái được nhà văn Đào Hiếu trích ở đoạn giữa (chúng tôi tô đậm) trong phần III:


Điều Kiện Nội Bộ dưới tiểu đề Vai Trò Của Miền Nam, trang 211-212, nội dung nguyên văn như sau:

Các đoạn phân tích trên đây còn giúp cho chúng ta nhận thức vai trò trọng yếu của Nam Việt trong giai đoạn hiện tại của lịch sử dân tộc.

Vì lệ thuộc đối với một chủ nghĩa, mà cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều sử dụng như là một phương tiện chiến đầu khả dĩ làm cho dân tộc họ, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã tạo thời cơ cho thực dân Pháp thực hiện được những thủ đoạn chính trị của họ, mà hậu quả đã đưa đến sự chia đôi lãnh thổ ngày nay.

Sự lệ thuộc nói trên và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt.

Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc của Tàu đối với chúng ta còn ghi trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của thân thể chúng ta.

Các nhà lãnh đạo miến Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.

Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc.

Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc.

Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách trống trị một lần nữa.”

Qua nhận định trên đây, với tư cách cố vấn cho vị Tổng Thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, hơn thế ở vị tri một chiến lược gia, ông Ngô Đình Nhu đã chứng tỏ là người có tầm nhìn xa.

Vì biết rõ bản chất nô lệ Trung Cộng của các nhà lãnh đạo miền Bắc, ông kiên định lập trường bất di dịch là phải bảo vệ tự do, độc lập và sự phát triển của miền Nam cách vững chắc trong tương quan quốc tế với tinh thần bình đẳng giữa các quốc gia trong thế giới tự do.

Ông xác tín: ngày nào miền Nam còn đứng vững thì ngày ấy, dù Bắc Kinh có muốn đến đâu cũng không thể thôn tính được đất nước ta.

Trái lại, vẫn theo viễn kiến của ông, thì “Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.”

Ý ở ngoài lời.

Trước họa xâm lăng trước mắt, chỉ với trích đoạn ngắn ngủi trên đây kèm tiêu đề

“Cách đây hơn 50 năm: tầm vóc của một nhà lãnh đạo”, nhà văn Đào Hiếu đã nói thật nhiều với đồng bào ông hôm nay.

TPVũ

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây:

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s