Hệ Thống Phi Giáo Dục tại Việt Nam

 

Trần Nhật Kim

Tháng 9-2015

Sau khi chiếm đoạt chính quyền quốc gia vào năm 1945, ông Hồ và đảng CSVN theo chân Bắc Kinh, áp đặt tại miền Bắc những chính sách như Cải cách Ruộng đất và Trăm hoa đua nở, lấy học thuyết Mác- Lê làm môn học bắt buộc cho các chương trình giáo dục, đã phá bỏ toàn bộ văn hóa dân tộc.

Sau ngày 30-4-1975, câu nói tự hào là “Đỉnh cao trí tuệ loài người” được thổi phồng, khiến “bên thắng cuộc” đã ngủ say trong chiến thắng. Đảng CSVN càng sai lầm khi rập khuôn chính sách hà khắc đã thực hiện tại miền Bắc sau năm 1954 vào miền Nam. Đã trù dập, tù đầy các chuyên viên mọi ngành, hủy hoại nền văn hóa giáo dục, học thuật tiến bộ sau nhiều thập kỷ xây dựng của miền Nam, khiến đất nước tụt hậu, đói nghèo.

Việt Nam là một dân tộc hiếu học, nhưng vì đi theo chủ thuyết bạo lực cộng sản, không tôn trọng ước vọng của toàn dân, khiến tình trạng giáo dục tại Việt Nam ngày càng xuống cấp. Hệ thống giáo dục khủng hoảng không phương cứu chữa, nếu vẫn tiếp tục đi theo đường lối hiện tại.

hoc o vn

Thực trạng giáo dục tại Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam, cả nước có 24.300 Tiến sĩ và hơn 100.000 Thạc sĩ. Số Giáo sư, Tiến sĩ của Việt Nam đạt mức nhiều nhất Đông Nam Á. Nhưng khi so sánh với các nước trong khu vực về số bằng sáng chế riêng cho năm 2011, Việt Nam đứng ở vị trí thấp nhất. Chúng ta nhận ra thành tích này qua kết quả sau:

– Việt Nam với dân số 90 triệu người: không có bằng sáng chế.

– Singapore với 4, 8 triệu người : có 647 bằng sáng chế.

– Malaysia với 27.9 triệu người : có 161 bằng sáng chế.

– Thái Lan với 68.1 triệu người : có 53 bằng sáng chế.

– Philippine với 95.8 triệu người : có 27 bằng sáng chế.

Bảng xếp hạng (QS) về học vấn năm 2015 của các trường đại học danh tiếng (World University Ranking) tại Á Châu, trường đại học số 1 của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) được xếp hạng 191/200. Nhưng theo bảng xếp hạng về số bài báo khoa học công bố (Scimago), đại học Việt Nam đứng vị trí 1.895 trong số các trường đại học trên thế giới.

Trong số Tiến sĩ nêu trên, có tới 70 % chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý, nên số 9.000 Giáo sư Tiến sĩ và Phó Tiến sĩ không đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy vì số sinh viên gia tăng quá nhanh. Theo Giáo sư Martin Hayden thuộc đại học Southern Cross (Úc), các đại học Việt Nam chủ yếu tập trung vào giảng dậy, nên chưa đặt trọng tâm vào nghiên cứu. Trong số này có nhiều giảng viên chưa có trình độ Tiến sĩ.

Chưa có sự kiểm tra nào của nhà nước Việt Nam về nguồn gốc các bằng Tiến sĩ cũng như khả năng thực sự của các vị Tiến sĩ này.

Liệu có bao nhiêu vị ở vào trường hợp của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc sở Văn hóa-Thể thao du lịch tỉnh Phú thọ, như bản tin trên báo Tiếp Thị đăng ngày 16-6-2010. Ông Ân tốt nghiệp Tiến sĩ tại trường đại học “Nam Thái Bình Dương”, cho hay ông đã sang Mỹ hai lần, mỗi lần một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt, khi bảo vệ luận án cũng có người dịch toàn bộ sang tiếng Việt cho ông. Được biết tỉnh Phú Thọ đã trả kinh phí khi ông Ân đi Mỹ lấy bằng Tiến sĩ.

Liệu có bao nhiêu Tiến sĩ thuộc loại này đang làm công việc giảng dạy tại các trường đại học?

Tiến sĩ Mark A. Ashwill, nguyên Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã cảnh báo về chất lượng thực sự của những trường đại học Mỹ đang có quan hệ với Việt Nam. Theo ông Ashwill, một số trường đại học của Mỹ, dù được kiểm chứng chất lượng hay không, đã dùng nhiều cách để quảng cáo không ngoài mục tiêu nhắm vào lợi nhuận hơn là thực chất. Trong danh sách 21 trường đại học không được Mỹ công nhận, có Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc tiểu bang Delaware, nơi ông Ân nhận bằng tiến sĩ.

Trước tình trạng giáo dục hiện tại, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết Việt Nam ở Hà Nội đã nhận định:

“Do triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay không được xác định tốt nên người học, người dậy và cả người quản lý đều lúng túng. Vì thế không thúc đẩy được sự hình thành những tài năng giáo dục cho thời kỳ mới, không giúp nẩy nở những những nhân tố tích cực cho dân tộc, kể cả tâm thức của người học cũng như tâm thế của người dạy.”

Giáo Sư Mai cho rằng: tư duy và tư tưởng của những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay rất nông cạn, vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài.

Họ rất thích áp đặt, không thích cãi lại, không để cho mỗi học sinh được tự do, không để trưởng thành một con người.

Ông cũng nhấn mạnh:

“Cái lò đào tạo ra người quản lý là trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng, đó là những nơi xơ cứng nhất, kiến thức hẹp nhất.”

Nhận thức của tuổi trẻ:

Trong buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm về đường lối giáo dục tại Việt Nam, em Vũ Thạch Tường Minh

học sinh trường Amsterdam tại Hà Nội, 14 tuổi, đã phát biểu:

“Theo con, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng giáo dục không phải là áp dụng cả bộ sách này, mà chỉ áp dụng đường lối của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao nhiêu năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lui mà nó không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được.

Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn.

Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa mà cần được cách mạng. Đó mới là điều quý vị trong Bộ Giáo dục nên làm.”

Em Vũ Thạch Tường Minh nhận định về giáo dục hiện tại “thối nát”, khiến dư luận báo chí và các mạng xã hội đã phản ảnh những ý kiến trong dư luận quần chúng. Phóng viên Chân Như của đài Á Châu Tự do (RFA) đã thực hiện một cuộc trao đổi với các em Trường Sơn, Tiến Toàn và Phan Duy,

để biết ý kiến của các em về nhận định của em Tường Minh, đối với nền giáo dục hiện nay tại Việt Nam.

Sau buổi thảo luận, có thể tóm lược những nhận xét của các em trên như sau:

– Giáo dục của Việt Nam hiện nay không thể cải cách được nữa, vì quá thối nát.

– Giáo dục Việt Nam cần có một định hướng khác chứ không thể là định hướng XHCN, vì nó không phù hợp.

Cần một định hướng mà mỗi cá nhân có được sự phát triển.

– Nền giáo dục Việt Nam hiện nay khó có thể cải cách, vì sau nhiều năm bị kiềm chế làm cho tha hóa, không có cách nào có thể sửa chữa hay cải tiến.

– Sinh viên, học sinh cần có tiếng nói, nhưng điều này rất khó trong một đất nước không có tự do ngôn luận và rất dễ bị ở tù.

– Nền giáo dục Việt Nam không thúc đẩy sự phản biện, không cổ súy quyền tự do ngôn luận, hơn nữa phải tuyệt đối nghe lời thầy,

cô giáo, khiến giáo dục trở thành “giáo dục định hướng”.

– Khi tư duy được tự do phát triển, khả năng ngôn luận được tự do, những tư tưởng sẽ được phát minh rất nhiều.

(Nguồn: Phóng viên Chân Như, đài RFA)

Cải cách phi giáo dục tại Việt Nam:

Tình trạng Văn hóa-Giáo dục tại Việt Nam ngày càng tha hóa, vì luật pháp đã tước bỏ quyền tự do phát biểu của người dân, trong khi Bộ giáo dục thiếu trách nhiệm về kiểm soát các tài liệu giảng dạy, khiến con em phải hấp thụ một nền học vấn phi giáo dục

Thời gian gần đây, tiến sĩ Phan Quốc Việt, nhà sáng lập nhóm “Tâm Việt Group”, đã cho xuất bản đợt một sách giáo khoa “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” mang nội dung dậy cho trẻ em lòng dũng cảm như đi trên thảm ve chai vỡ khi chân không mang giầy. TS. Việt cũng cho biết sẽ tái bản sách này, nhưng nội dung của bài “Bạn An dũng cảm” được thay đổi, thay vì chỉ đi trên mảnh chai vỡ, thầy cô giáo sẽ khuyến khích các em bé nếm “cứt gà” để chứng tỏ tinh thần vượt qua sợ hãi.

Theo nhận định của TS. Việt về chương trình giáo dục hiện tại của Việt Nam:

“Giáo trình kỹ năng sống hiện nay làm theo kiểu cũ, tức là gộp kiến thức của Sử, Địa, Giáo dục công dân vào.

Đó không phải là kỹ năng sống, đấy không phải sinh tồn. Chúng ta cải cách giáo dục, nhưng nếu làm theo như cũ thì sẽ không có kết quả mới.”

Ông Việt cũng nhấn mạnh: “Đây là kỹ năng sinh tồn mà đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì ngu.

Chúng tôi không dạy vệ sinh an toàn, mà chúng tôi dạy dũng cảm.”

Thực ra, nếu muốn cho các em học về lòng dũng cảm, quý vị thầy cô và các em nên tới mấy tỉnh miền Bắc, trải nghiệm bằng cách treo người trên các giây cáp qua sông, hay từng người chui vào túi nhựa để được đưa qua giòng sông nước chấy xiết, vì không có cầu nên cả thầy lẫn trò phải làm công việc nguy hiểm này.

Ông Việt và quý vị Tiến sĩ có biết nguyên do tại sao học sinh nghèo và thầy cô giáo hàng ngày sống những giây phút căng thẳng, nguy hiểm đến tính mạng để lớp trẻ được tới trường. Nhà nước bỏ hàng ngàn tỉ tiền thuế của người dân để xây tượng đài, thay vì thực hiện các công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân nghèo.

Những thầy cô và các em học sinh này đã chứng tỏ thế nào là dũng cảm, vì từng giây phút đối diện trực tiếp

với thực trạng xã hội mới nhận biết được giá trị của cuộc sống.

Cũng trong chiều hướng trên, TS. Lê Anh Sơn, nguyên Phó giám đốc “Tâm Việt Group”, cho rằng:

“Đây là một bài tập được nghiên cứu và biên soạn từ chương trình gốc ở nước ngoài…”

Không thấy TS. Sơn nêu rõ là tài liệu gốc ở nước nào cũng như đã thử nghiệm các sản phẩm trước khi viết thành sách?

Chắc quý vị cũng nhận ra giáo dục Việt Nam ngày càng tệ hại, không phải những em bé lớp 1 thiếu dũng cảm mà vì cơ chế đang vận hành đã lỗi thời, không còn thích hợp với thời đại dân chủ toàn cầu.

Vì không quan tâm tới an toàn vệ sinh, cách “Cải cách giáo dục” của TS. Việt sẽ ảnh hưởng tới tinh thần và thể chất của thế hệ trẻ Việt Nam. Mặc dù các sách này đã bị Bộ Giáo dục, ngày 26-8, yêu cầu nhà xuất bản thu hồi sau thời gian phát hành.

Người dân cũng như cộng đồng mạng lên tiếng phản đối, vì các phụ huynh lo ngại trước ảnh hưởng tệ hại

cho con em họ do các sách giáo khoa thuộc loại này.

Hướng tới nền giáo dục Nhân bản:

Chúng ta nhận ra tình trạng chậm tiến của Hệ thống Giáo dục tại Việt Nam vì quan niệm thiển cận của giới cầm quyền.

Đặt nặng vào bằng cấp, thi cử hơn là hướng dẫn tuổi trẻ biểu hiện tài năng.

Nhà nước định hướng tư tưởng của người dân qua 600 tờ báo, hệ thống truyền thanh và truyền hình dưới sự chỉ đạo của đảng CS, cũng như kiểm soát mọi hành động yêu nước của người dân bằng lực lượng công an và băng đảng trá hình.

Báo chí tư nhân bị cấm đoán hoàn toàn, các mạng lưới thông tin bị ngăn chặn, gây trở ngại cho việc truy cập các tài liệu học hỏi quốc tế.

Ông Nguyễn Bắc Sơn, Bộ trưởng Thông tin-Tuyên truyền đã phát biểu:

“Việt Nam có Nhân quyền và Tự do báo chí hơn nhiều nước khác.”

Trong khi đó, bảng xếp hạng về Tự do báo chí thế giới, Việt Nam đứng ở vị trí 172/180 vào năm 2013, đã tụt xuống hạng 175/180 vào năm 2015.

Điều này thể hiện qua hành động nhà nước gia tăng đàn áp, bắt giam các thành phần dân chúng,

Bloggers có tiếng nói xây dựng để đất nước phát triển, cũng như bảo vệ chủ quyền trước nạn ngoại xâm.

Để thoát khỏi tình trạng trì trệ này, Việt Nam cần phải có Tự do Ngôn luận, để người dân có cơ hội phát biểu thẳng thắn về mọi trường hợp,

mọi hoàn cảnh xã hội.

Tự do ngôn luận không thể giới hạn về bất cứ môi trường, hình thức nào ngay cả những hành động biểu hiện lòng yêu nước.

Kết luận

Sau 70 năm miệt mài chạy theo Chủ thuyết không tưởng Cộng sản và Định hướng Xã hội Chủ nghĩa mơ hồ, đảng CSVN lấy học thuyết Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, đã hướng Văn hóa Giáo dục Việt Nam xa rời nguồn gốc văn hóa dân tộc, biến con người thành những bộ máy, khiến đất nước không phát triển, xã hội băng hoại.

Đã tới lúc hệ thống giáo dục tại Việt Nam phải hướng tới nền giáo dục nhân bản, lấy dân tộc làm gốc, chiều hướng mà các quốc gia tiến bộ trên thế giới đang theo đuổi. Một nền giáo dục nhằm hướng dẫn mỗi cá nhân biết suy nghĩ độc lập để thoát khỏi tinh thần bị lệ thuộc vào giáo điều, hầu tìm ra những phương cách giải quyết phù hợp với hoàn cảnh đất nước.

Việt Nam đang cần một nền giáo dục với tinh thần khai phóng, mà ở đó nhân cách và khả năng mỗi cá nhân phải được tôn trọng,

khuyến khích bầy tỏ suy nghĩ cá nhân để góp sức xây dựng đất nước.

Vì tương lai dân tộc, vì sự hưng thịnh của đất nước, người Việt trong và ngoài nước

hãy thúc đẩy xã hội đi theo đường lối giáo dục Nhân bản này.

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây:

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s