THĂM DÂN CHO BIẾT SỰ TÌNH
Hoàng Hải Thủy
Tháng 10, 2015, Uyên Thao, người chủ trương Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương, phát hành tác phẩm “VIỆT NAM Cuộc Chiến Leo Thang;” nguyên tác “Uphill Battle ” của Frank Scotton; bản tiếng Việt của Phan Lê Dũng.
Tôi không viết bài “điểm sách Uphill Battle,” tôi viết vì, và về những người Việt Nam được nhắc đến trong Uphill Battle.
Tôi được quen biết các ông Đỗ Minh Nhật, Ung Văn Luông, Hà Thúc Cần, Nguyễn Chánh Thi. Bốn ông trên được nhắc đến nhiều trong Uphill Battle.
Những năm 1960 ông Đỗ Minh Nhật, ông Frank Scotton là nhân viên USIS – United States Information Service – Sở Thông Tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Ông Đỗ Minh Nhật đi khỏi Sài Gòn trước ngày 30 Tháng Tư 1975. Năm 1995 tôi gập ông ĐM Nhật ở Virginia. Những sáng Thứ Bẩy, Chủ Nhật, ông thường ngồi ở Phở Xe Lửa, Trung tâm Eden. Ông có vẻ người phong nhã, trang phục sang đẹp đúng số tuổi của ông. Tôi thấy ngườ đàn ông đẹp mã những năm ba mươi, bốn mươi tuổi không có gì lạ. Đàn ông ở vào số tuổi ba mươi, bốn mươi, nhiều người trông đẹp. Ông già bẩy mươi người không nhầu nát mới đáng kể. Ông Đỗ Minh Nhật là người phong nhã trong tuổi già. Có lệnh Cấm Hút Thuốc trong những tiệm ăn ở Trung Tâm Eden, hút thuốc lá trong tiệm ăn bị phạt rất nặng, nghe nói tiền phạt có thể lên tới ngàn đồng, nhưng tôi thấy ông Đỗ Minh Nhật hút thuốc lá đàng hoàng, không che dấu, hút liên tiếp; ông để gói thuốc bên cái bật lửa Dupont ngay trên bàn. Ông Nguyễn Thế Toàn, chủ tiệm Phở Xe Lửa, cứ để ông Nhật hút thuốc lá công khai trong tiệm. Ông Nhật từ trần khoảng năm 2000.
Trong Uphill Battle, tác giả Frank Scotton kể ông Đỗ Minh Nhật từng cùng với ông đi trong đêm trong vùng rừng núi miền Trung, đi để tìm dấu những toán quân Việt Cộng. Những chuyến đi của ông Scotton giống như những chuyến đi thăm dân cho biết sự tình. Tôi viết “giống như “vì tôi thấy ông Scotton thường mạo hiểm một mình, một súng carbin, đi qua rừng đêm mà không gặp dân, không hỏi chuyện người dân địa phương. Đi như ông Scotten không phải là đi thăm dân.
Những năm 1960 nhật báo Tự Do có mục “Thăm dân cho biết sự tình.” Mục này do ký giả Vũ Bình phụ trách. Anh là người đặt tên mục “Thăm dân cho biết sự tình.” Anh là người miền Nam. Tôi được gặp anh vài lần ở nhà anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Năm xưa ấy anh trạc 35 tuổi. Mỗi chuyến anh đi chừng hai, ba tháng. Không ai ở tòa báo biết anh đi đâu, bao giờ anh về. Đến khi anh đi và không thấy anh trở về tòa báo. Anh mất tích. Không ai trong tòa báo biết anh mất tích ở đâu. Người ta chỉ thấy anh đi mà không thấy anh trở về.
Tôi nghĩ anh bị bọn Việt Cộng bắt, anh chết trong tù ngục của bọn Việt Cộng.
Người Việt Nam nhân viên USIS được Frank Scotton nhắc đến nhiều là ông Ung Văn Luông.
Uphill Battle. Ưng Văn Lương. Phụ tá cho ông Bumgardner, có tinh thần trách nhiệm và giỏi điều hành công việc văn phòng. Nhiều năm sau năm 1975, ông UV Lương vẫn tiếp tục làm việc để giúp những cựu nhân viên USIS bị kẹt ở Việt Nam được sang định cư Mỹ.
CTHĐ: Tên đúng của ông Ưng Văn Lương là Ung Văn Luông. Người Nam tránh tên Long nên gọi trạnh Long là Luông, như Vàm Luông. Ông UV Luông phụ trách Phòng Nhân Viên USIS. Vì phải lo cho đồng nghiệp sang Mỹ bằng máy bay Mỹ, ông và gia đình ông phải đi bằng tầu biển trong đêm 29 Tháng Tư 1975. Sang Hoa Kỳ, ông làm nhân viên USIA ở Washington DC. Ông nhắc, ông yêu cầu những ông Mỹ USIA nhớ và cứu những nhân viên USIS bị kẹt lại ở Việt Nam. Trước Ngày 30 Tháng Tư 1975 chỉ có khoảng 1/3 nhân viên USIS được đưa sang Mỹ bằng máy bay.
Chương trình HO chỉ nhận đưa sang Mỹ những nhân viên chính phủ VNCH, từ cấp Trưởng Ty, bị tù khổ sai trên 3 năm, và những sĩ quan bị tù khổ sai trên 3 năm. Những người Việt bị tù vì chống đối bạo quyền Việt Cộng, vì đòi nhân quyền, dù có bị tù khổ sai đến 10 năm cũng không ở trong số người Việt được đi HO sang Mỹ. Nhân viên Việt Sở Mỹ không là nhân viên chính phủ VNCH nên không được đi HO. Nhờ ông UV Luông, nhiều cựu nhân viên USIS được chính phủ Mỹ nhận cho sang Mỹ, dù họ không bị tù ngày nào.
Tôi – Hoàng Hải Thủy – và vợ con tôi được sang Mỹ như các ông HO nhờ công của ông Ung Văn Luông. Đã nhiều lần tôi viết cám ơn ông UV Luông, hôm nay, một ngày Tháng 10, 2015 tôi cám ơn ông lần nữa.
Nhiều ông Mỹ ở Sài Gòn có liên hệ tình cảm với phụ nữ Việt. Đây là một cuộc Tình Tay Ba Mỹ Việt xẩy ra ở Sài Gòn.
Việc từng ngày. Tác giả Đoàn Thêm.
Ngày 23 Tháng 7, 1965. Jack Ryan, chuyên viên an ninh thuộc Cơ Quan Viện Trợ Mỹ – USAID – bị bắn chết cùng với một phụ nữ Việt Nam tên là Nguyễn Thị Hải. Hai người bị bắn chết trong một xe ô tô ở đường Hiền Vương.
Ngày 24 Tháng 7, 1965. Jack Kimball, nhân viên USAID, bị bắt vì tội dùng súng bắn chết Jack Ryan và Nguyễn Thị Hải.
CTHĐ: Hai ông Mỹ cùng yêu một người phụ nữ Việt. Cô Nguyễn Thị Hải là cô gái Việt thứ nhất, có thể là duy nhất, chết thảm vì tình yêu của hai ông Mỹ.
Đoạn tin ngắn không cho biết ông Mỹ Jack Kimball, kẻ bắn chết cô Hải và ông Mỹ Jack Ryan, phải đền tội ra sao. Tôi không biết Jack Kimball bị ra tòa ở Việt Nam hay được nhà chức trách Việt Nam giao cho Tòa Đại Sứ Mỹ.
Frank Scotton kể trong Uphill Battle:
Về Tướng Nguyễn Chánh Thi:
Tôi gặp Nguyễn Chánh Thi ở Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 1, thoạt nhìn ông quả có vẻ là người “dữ dằn.” Vẻ dữ dằn đó bớt đi nhiều vì nụ cười thường xuyên của ông. ( .. .. .. ) Ông Thi tiếc nuối rất nhiều về cái chết của ông Ngô Đình Diệm. Ông nói khi ông cầm đầu Lính Dù chống chính quyền năm 1960 thì ý định của ông chỉ là cải cách, và ông sẽ không bao giờ giết Tổng Thống Diệm.
Về Tướng Phạm Quốc Thuần;
Phạm Quốc Thuần: Sĩ quan VNCH, có nhận xét sâu sắc về ý định của địch, sẵn sàng trao đổi quan niệm với các sĩ quan Hoa Kỳ và có khả năng tác chiến hữu hiệu trước khi ông được thay thế. Đến lúc này tôi vẫn chưa thể hiểu lý do thay thế ông Phạm Quốc Thuần.
Ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 tôi gặp vị Tham mưu trưởng Phạm Quốc Thuần, ông khoảng 35 tuổi, và theo giọng nói là người Bắc. Ông bảo ông là người Công Giáo, ghét Cộng sản, tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt năm 1952.
Về Hà Thúc Cần:
Cựu bộ đội Việt Minh và nhiếp ảnh viên CBS với kiến thức tự học, hiểu biết rộng về đồ sứ, điêu khắc, đồ đồng cổ và về tranh. Tác giả hai cuốn sách về trống đồng Việt Nam và hội họa hiện đại.
Hà Thúc Cần xuất thân từ một gia đình có tiếng ở Huế và từng là Việt Minh. Ông có bạn ở cả hai miền Nam Bắc. Ông dậy tôi về đồ sứ Việt Nam và điêu khắc Chàm. Qua ông, tôi gặp Vương Hồng Sển, cựu giám đốc Bảo Tàng Viện Quốc Gia; Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Minh, một nghệ nhân sơn mài và nhiều ca sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, sinh viên..nhiều khó kể hết. Họ giới thiệu tôi với Cải Lương, Hát Bội và kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của tôi.
CTHĐ: Tôi muốn trích nhiều hơn những chuyện trong Uphill Battle, nhưng tôi không trích được. Tôi già rồi – Tám Bó Lẻ Ba Que – khả năng đọc, tìm, nhớ, trích, kể, viết lại của tôi nay xuống thấp. Tôi vất vả khi tôi viết bài này. Một lần nữa tôi nói với quý vị đọc những dòng chữ này: VIỆT NAM Cuộc Chiến Leo Thang là tác phẩm quý vị nên đọc. Dù trong nó tác giả so sánh và kết luận: phẩm chất người Lính Bắc Việt Cộng cao hơn phẩm chất người lính Quốc Gia VNCH.
Nữ ca sĩ Kim Vui là người phụ nữ Việt được viết đến nhiều nhất trong Uphill Battle. Cô được viết đến trong 12 trang. Tôi trích vài đoạn:
kimvuiTrên WEB. Nguyễn Thị Kim Vui. Nữ ca sĩ và tài tử điện ảnh nổi tiếng ở Sài Gòn vào cuối những năm 1960 và những năm trước năm 1975. Lúc nào cũng là người thanh nhã, hiện giờ bà chăm sóc một vườn cam ở California và đang viết hồi ký mô tả thời bà mới lớn trong thời gian hậu Đệ Nhị Thế Chiến, và những năm từ Thực dân Pháp sụp đổ qua Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.
Frank Scotton viết về Kim Vui:
Trang 159: Lúc này nếu phải xa Đà Lạt một thời gian dài là việc khó khăn với tôi, vì tôi bắt đầu có quan hệ tình cảm với cô Nguyễn Thị Kim Vui.
Trang 286. Tôi ở lại Sài Gòn để giữ liên lạc với JUSPAO và ở lại thêm một đêm với cô Kim Vui.
Trang 306. Nhớ lại những lần tắm vòi hoa sen nước lạnh ở biệt thự của cô, tôi rán lục lọi đánh đổi vài vũ khí tịch thu được và một lá cờ Mặt Trận Giải Phóng để lấy một máy làm nước nóng ở sân bay quân đội ở Qui Nhơn. Ông Huddleston giúp tôi lên một phi cơ Caribou để về Đà Lạt. Nếu cô Kim Vui bằng lóng nhận tôi, máy bay đó sẽ đưa cô và tôi đi Sài Gòn để gập ông Ev và gặp luật sư để làm thủ tục hôn nhân. Tôi đã gửi cái máy làm nước nóng đến nhà cô trước như món quà tặng mở đầu cho cuộc hôn nhân. Sự thể đau buồn cho tôi thấy rằng tôi đến quá trễ. Tôi trở về Cam Ly, căm giận chính mình.
Trang 362. Cô thiếu nữ Việt Nam có đến thăm tôi và gia đình tôi ở Massachsetts. Chúng tôi dành thì giờ với nhau vài ngày ở Hoa Thịnh Đốn, rồi kết luận, mỗi người theo phương hướng lý luận riêng, rằng những tình cảm phát xuất từ những ngày ở Sài Gòn đang tàn lụi. Tôi cố miệt mài theo đuổi các môn học Hoa ngữ để có thể trở thành một người tương đối biết đọc, biết viết tiếng Tầu. Trong hai năm sau đó, thỉnh thoảng tôi cũng có gặp những thiếu nữ khác, nhưng không ai có thể so sánh được với cô Kim Vui. Việt Nam và Kim Vui lúc nào cũng ở trong tâm trí tôi.
Hồ Trường An viết về Kim Vui.
Kim Vui có thân hình tuyệt đẹp
Nhà văn kiêm nhà phê bình Hồ Trường An diễn tả vẻ đẹp của Kim Vui trong bài “Theo Chân Những Tiếng Hát” trên một ấn phẩm của Tổ Hợp Miền Đông Hoa Kỳ, xb 1998:
“Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc bợ ngực bó eo người mặc. Cái eo của chị thon, lưng chị dài, đùi chị cũng dài, ngực và mông chị đều cao và lồng lộng nét tròn mê hoặc. Chị mặc áo đầm hở vai, và mang găng tay kéo lên khuỷu tay, áo và găng đều bằng nhung đỏ hay nhung đen thì quá choáng lộn, quá bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda. Kim Vui cuốn tóc từng lọn boucles anglaises thì đẹp và sang như bà hoàng. Rất tiếc, khán thích giả thích xem nhan sắc của chị lúc chị hát chứ không kể số gì tới giọng hát có căn bản của chị.
Về phim ảnh, Kim Vui đóng ba phim: Chân Trời Tím, Thương Hận, và Cúi Mặt. Chính nhờ vai Liên trong Chân Trời Tím, chị đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc. Trong phim nầy, chị có dịp mặc áo tắm và có dịp khỏa thân trước giá vẽ của nhân vật họa sĩ để phô bày đường cong, nét lượn tuyệt mỹ trên thân thể chị. Hùng Cường, bạn đồng diễn của chị trong phim Chân Trời Tím có lần tuyên bố với báo chí rằng về điện ảnh, Kim Vui là bạn đồng diễn lý tưởng nhất của anh.
Ngoài tài năng nghệ thuật trình diễn đa diện, Kim Vui còn có tài vẽ tranh sơn dầu.”
Ký giả Trọng Minh, Cali, viết về Nữ Ca Sĩ Kim Vui.
Có lẽ hầu hết bạn đọc trưởng thành tại miền Nam Việt Nam trước tháng Tư năm 1975, đặc biệt là giới yêu chuộng nghệ thuật điện ảnh và ca vũ nhạc, không còn ai là không nghe danh, biết tiếng Nữ nghệ sĩ Kim Vui. Sở dĩ chúng tôi dùng danh xưng nghệ sĩ với Kim Vui mà không đặt cô vào vị thế nữ tài tử, ca sĩ hay vũ công v.v… vì cô là một người nghệ sĩ đa dạng, hơn thế nữa ở lãnh vực nào cô cũng được xem là sáng giá, tuy nhiên bộ môn nghệ thuật mà Kim Vui gây được ấn tượng sâu đậm nhất với khán giả phải kể là điện ảnh, chỉ với một phim “Chân Trời Tím” đồng diễn với Hùng Cường, Bảo Ân, Ngọc Đức, và do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện theo văn phẩm cùng tựa của nhà văn Văn Quang, vậy mà hình ảnh “đẹp” của cô vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người cho đến ngày hôm nay. Sự kiện này được minh chứng một cách cụ thể qua sự việc, ở Cali, trong một dịp tình cờ, Kim Vui đi qua một khu phố có đông người Việt, một số các bà trông thấy Kim Vui, đã lao xao:
– Kim Vui đó, tôi coi cô ấy diễn trong phim Chân Trời Tím, cách nay mấy chục năm rồi, không hiểu cô ấy làm cách nào mà không thấy thay đổi gì hết, vẫn trẻ đẹp như thủa nào, giống hệt Sophia Loren hồi trẻ.
– Tuyệt phẩm nghệ thuật của trời mà. Tác phẩm nghệ thuật đắc ý của người còn được bảo vệ kỹ càng nữa là tác phẩm của trời.
Đã gọi là tác phẩm nghệ thuật thì dù là của nhân thế hay của Hóa công cũng có tác phẩm hài lòng và không hài lòng, có thể Kim Vui chính là tác phẩm đắc ý của Tạo hóa nên cô được chính Hóa công gìn giữ.
Lập luận trên về nữ nghệ sĩ Kim Vui của người phụ nữ nọ quả là có lý.
Trường hợp mới đây, trong dịp đến tham dự một buổi ca nhạc tại San Jose, Kim Vui được một số khán giả mến mộ từ khi còn ở quê nhà nhận ra, tức thì họ rủ nhau đến thăm hỏi và khen tặng Kim Vui không tiếc lời, có người còn nói:
“Từ khi còn ở Việt Nam, tôi đã ao ước được gặp cô một lần rồi chết cũng mãn nguyện, nay không những chỉ được gặp mà còn được chụp hình chung với cô, thực tình tôi hoàn toàn mãn nguyện, không còn ao ước gì nữa.”
Tuy được trời đãi ngộ, ban cho một nhan sắc đậm đà và một năng khiếu về nghệ thuật, nhưng Kim Vui không bao giờ tự mãn với những gì mình đã có, đã gặt hái được, cô luôn luôn nhìn xa, chuẩn bị cho những bước đường tương lai trước khi những bất trắc có thể xẩy đến. Chính đây là lý do cô đã sớm rời xa con đường nghệ thuật, hoặc chỉ coi nghệ thuật là bước đầu của con đường tiến thân, không thể coi đó là sinh kế, nhất là ở đất nước Việt Nam nhỏ bé và chiến tranh liên tục của chúng ta, để bước vào con đường kinh doanh. Từ trước năm 1975, cô đã thành lập một cửa hàng bán băng nhạc và một nhà in tọa lạc trên đường Nguyễn Cư Trinh góc đường Cống Quỳnh, phía bên hông rạp Hưng Đạo, quận Nhì, Sàigòn, không những thế, cô còn có những cuộc giao thương với nước ngoài, mở hãng xuất nhập cảng, đặt văn phòng tại đường Trịnh Minh Thế, quận Tư, Sàigòn.
Nhưng quyết định đúng nhất của cô phải kể là việc cô đưa toàn bộ gia đình cô qua Hoa Kỳ định cư trước biến cố 30 tháng 4-75 xẩy ra, mặc dù các dịch vụ thương mại của cô ở Sàigòn chưa được giải quyết ổn thỏa, nói rõ hơn, cô đã để lại cả một sự nghiệp lớn lao tại quê nhà khi ra đi, nhờ vậy mà cô đã có cơ hội giúp đỡ các thân hữu và một số đồng hương trên đường vượt biển tìm tự do, đến tạm trú tại đảo Guam. Ngoài việc giúp đỡ về vật chất cô còn thực hiện một chương trình phát thanh Việt ngữ trên đài phát thanh Guam (Kuam) – đây mới đích thực là chương trình phát thanh Việt ngữ đầu tiên của người Việt trên đài phát thanh Mỹ ở đảo Guam và kể cả toàn quốc Hoa Kỳ, những đồng hương tỵ nạn, đã từng ở trại tạm trú Guam, như gia đình ký giả Việt Định Phương, ký giả Ngọc Hoài Phương, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan v.v… đều biết rõ sự kiện này – để an ủi đồng hương về phần tinh thần.
Trên đất Mỹ, Kim Vui được khá nhiều công ty điện ảnh, hãng video cũng như băng nhạc, kể cả Việt và ngoại quốc, mời hợp tác, nhưng cô đã dứt khóat từ giã con đường nghệ thuật để phát triển con đường kinh doanh, cô buôn bán lâm, hải sản, có cơ sở ở Anh quốc, Pháp quốc và châu Phi (Africa), gần đây người ta thấy cô thường xuyên xuất hiện tại miền Nam California, hỏi ra thì được biết cô đang tiến hành thêm một dịch vụ mới tại đây, đó là việc mua, bán bất động sản.
Mặc dù biết các cơ sở thương mại của cô ở hải ngoại (ngoài nước Mỹ) vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng sự hiện diện thường xuyên ở miền Nam California, ai cũng tưởng rằng “cánh chim giang hồ nay đã dừng lại ở đây”, nào ngờ, mới đây, người ta thấy cô tại miền Đông Hoa Kỳ, tiểu bang Virginia, hỏi ra thì được biết cô về đây để cắt băng khánh thành cơ sở thương mại Elany Image Inc (Salon & Day Spa) do người con trai lớn của cô làm chủ.
Nhân vật chính trong phim Chân Trời Tím là Hạ sĩ Phi, người lính có biệt tài bắn súng, do bị thương nên Phi được đưa về lái xe cho Trung tá Trung đoàn trưởng. Hùng Cường trong vai Hạ sĩ Phi. Cô con gái xinh đẹp của ông Trung tá yêu Phi. Tên cô là Phượng. Thanh Lan trong vai Phượng. Nhưng Phi lại yêu Liên, một nữ ca sĩ. Kim Vui trong vai Nữ ca sĩ Liên. Sống giữa đô thành với người yêu, tức với Liên, Phi vẫn bất mãn với công việc anh làm, bất mãn với chính anh. Vết thương đã lành, anh xin trở lại mặt trận, đơn vị anh đóng tại tiền đồn hẻo lánh. Ở Sài Gòn, Liên, cô ca sĩ bị ép phải sống chung với một tay lái buôn giàu và hung hãn.
Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 xảy ra. Đơn vị của Phi được điều về tham gia cuộc trấn áp lực lượng đảo chính. Phi nghĩ rằng súng anh cầm chỉ nhả đạn vào quân thù, không thể bắn vào những người cùng hàng ngũ. Bị thương, Phi lết về nhà Liên. Gặp lại nhau sau cơn biến động, hai người quyết cùng nhau ra đi đến một chân trời mới, gây lại hạnh phúc. Nhưng tay buôn lậu xuất hiện, hắn biết Liên yêu Phi, nhân lúc Phi không ở bên Liên, trong cơn ghen tay buôn lậu giết Liên.
CTHĐ bàn loạn: Vài théc méc nhỏ: người lính bị thương mất khả năng chiến đấu trên mặt trận thường được cho về làm công việc văn phòng, gác kho, bán đồ Quân Tiếp Vụ. Thương binh phải làm tài xế quân xa là việc hình như ít có. Người lính bị thương khi chiến đấu, thường được đưa vào cứu cấp ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Riêng ông Cai Phi có số đào huê dễ nể, là lính mà được những em thơm như múi mít yêu lăn, yêu lóc. Cai Phi bị thương nhưng không vào Tổng Y Viện Cộng Hòa mà mò về nhà người yêu. Không thấy nói ông di chuyển bằng taxi hay xích lô, hay lô ca chân. Cũng không thấy diễn tả vết thương – đạn bắn – của ông làm sao ngừng chẩy máu, làm sao nó lành.
Cô ca sĩ Múi Mit yêu thầy Cai đào huê. Cô bỏ hết, cô bỏ Dancing, bỏ Đài TiVi, bỏ phấn son, cô hân hoan đi với người cô yêu đến những nơi văn huê cải lương là “chân trời, góc biển – cuối bãi, đầu ghềnh – sơn cùng, thủy tận.” Mê ly ra rít. Chỉ không biết cái nơi gọi là cuối bãi, đầu ghềnh, sơn cùng, thủy tận ấy ở đâu? Ớ Đà Lạt, hay ở Nha Trang, ở Cà Mâu, Châu Đốc?
Nhưng thôi, théc méc như dzậy là lèm bèm, là làm hại đến tính lãng mạn của văn phẩm. Phim Chân Trời Tím – dường như: có bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau. Trong bản nhạc này có Chân Trời Tím. – Nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương – mời quí vị thưởng thức Lời Ca Chân Trời Tím:
NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời.
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn héo thương đau.
Ôi sao nghìn trùng cách chia nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Anh ở đâu? Em ở đâu? Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu.
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất, và tiếng hát, và nước mắt.
Đôi khi em muốn tin. Đôi khi em muốn tin.
Ôi những người, ôi những người! Khóc lẻ loi một mình…