Sau một phần tư thế kỷ,
nhìn lại biến cố Thiên An Môn
Trần Phong Vũ
Trung Quốc sau 25 năm biến cố tắm máu
Một phần tư thế kỷ sau vụ tàn sát ở quảng trường Thiên An Môn gây nên những cái chết thảm khốc cho nhiều ngàn người dân Trung Quốc -trong đó phần đông là sinh viên-, chế độ độc tài độc đảng Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi. Những hậu duệ của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng…,Tập Cận Bình vẫn kiên định lập trường tiến tới qua con đường sắt máu. Bằng chứng là suốt thời gian trước dịp tưởng niệm biến cố man rợ này, tại Hoa Lục đã liên tục xảy ra các vụ bắt bớ những khuôn mặt hoạt động bảo vệ quyền sống và quyền tự do của con người. Hôm Thứ Tư ngày 28-5-2014, trả lời phỏng vấn của phái viên AFP, Tổng thư ký Ân xá Quốc tế (Amnesty International), ông Salil Shetty đã cay đắng cho hay: «Khi Chủ tịch Tập Cận Bình mới lên nắm quyền, người ta hứa hẹn với chúng tôi sẽ có một sự cởi mở lớn (…) và chúng tôi cho rằng thời điểm tưởng niệm 25 năm biến cố Thiên An Môn sẽ là một dịp để cụ thể hóa lời hứa này. Tuy nhiên, thực tế các vụ bắt bớ dồn dập trong thời gian vừa qua cho thấy: bất hạnh thay… đàn áp đã được ưa thích hơn là cải cách!».
Bản tin của tổ chức Nhân Quyền ở Hoa Lục có trụ sở tại Mỹ cho hay: chỉ trong vòng một tháng qua, khoảng hơn 80 nhà đấu tranh, bao gồm giảng viên đại học, luật gia, bloggers đã bị bắt giam với cáo buộc về các tội danh hình sự . Trong số các nhà ly khai, nạn nhân của làn sóng đàn áp mới, có luật sư Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) và bốn nhà đối lập khác, bị bắt vì tham dự một cuộc hội thảo tư nhân về chủ đề biến cố Thiên An Môn 1989. Bản tin ghi nhận người bị bắt mới nhất là Đường Kinh Lăng (Tang Jingling), một luật sư người Quảng Đông vốn nổi tiếng về các hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Bức ảnh trong hình trên đây do ông Tổng thư ký Ân Xá Quốc Tế trao tặng ông Lee Cheuk-yan, chủ tịch Liên minh ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông, có tên là „Tank Man“. Đây là bức ảnh do Jeff Widener (Associated Press) chụp, mang giá trị lịch sử ghi lại những phút giây căng thẳng hôm 05-6-1989 khi một người đàn ông dũng cảm tay không, hiên ngang đứng ngăn đoàn xe tăng của QĐND/TQ tiến vào Thiên An Môn tàn sát đám đông sinh viên biểu tình chống nhà nước. (Bức tượng màu trắng trong phòng làm việc của ông Lee là phiên bản bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ” không lồ do đám đông sinh viên biểu tình dựng lên tại Thiên An Môn trong biến cố 1989.)
Một thoáng nhìn lại biến cố Thiên An Môn
Căn nguyên:
Tháng 4-1989, Hồ Diệu Bang, người được dư luận quần chúng coi là có tư tưởng phóng khoáng muốn cách tân chế độ, qua đời. Do đó, sinh viên tại các trường đại học ở Bắc Kinh, Tây An (Thiểm Tây) và Trường Sa (Hồ Nam) đã lợi dụng chuyện “thương tiếc” họ Hồ để tổ chức những cuộc xuống đường rầm rộ khởi sự từ các ngày 16, 17-4. Đêm 21 tháng 4, trước ngày tang lễ Hồ Diệu Bang, khoảng 100.000 sinh viên đã tuần hành trên Quảng trường Thiên An Môn và tụ tập ở đó trước khi nơi này bị đóng cửa để chuẩn bị lễ tang. Ngày hôm sau, các đại diện sinh viên biểu tình yêu sách được gặp thủ tướng Lý Bằng nhưng bị từ chối.
Sơ lược diễn biến: Từ 21 tới 23 tháng 4, sinh viên tại Bắc Kinh kêu gọi một cuộc bãi khoá. Hưởng ứng lời kêu gọi này, cùng lúc nhiều cuộc bãi khóa tương tự của tập thể sinh viên cũng theo nhau nổ ra khắp nước. Trước tình trạng ấy, đảng và nhà nước CSTQ bắt đầu cảnh giác. Ngày 26 tháng 4, sau một bài diễn văn nội bộ của Đặng Tiểu Bình, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, – tờ Nhân dân Nhật báo-, viết một bài xã luận trên trang nhất với tiêu đề „Dương cao ngọn cờ phản đối bất kỳ sự xáo động nào“ để tìm cách vận động công luận ủng hộ đảng, nhà nước. Nội dung bài báo buộc tội „một số kẻ cơ hội“ đang âm mưu gây bất ổn xã hội. Sự kiện này làm sinh viên nổi giận và ngày 27 tháng 4 khoảng 50.000 sinh viên tụ tập trên các đường phố Bắc Kinh, bất chấp lời cảnh báo đàn áp của an ninh.
Tại Bắc Kinh, hầu hết sinh viên các trường đại học và cao đẳng tẩy chay các tổ chức sinh viên cũ do nhà nước bảo hộ để thành lập những tổ chức riêng và đã nhận được sự tán đồng của các giáo sư. Như đã nói, cuộc biểu tình ban đầu chỉ có mục đích tưởng niệm Hồ Diệu Bang, người được sinh viên coi là một nhân vật có khuynh hướng cải cách, nhưng sau đó những cuộc tập hợp ngày càng đông đảo của sinh viên dần biến thành phong trào công khai chống đối tham nhũng và đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng tự do báo chí, chấm dứt tệ nạn tham ô, nhũng lạm trong giới cầm quyền. Đi xa hơn, những người biểu tình còn lớn tiếng đòi hỏi đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc phải cải cách toàn bộ hệ thống cầm quyền từ trung ương tới địa phương, hầu bảo vệ quyền sống và quyền tự do của người dân. Chính nhờ thế họ đã mau chóng dành được sự ủng hộ của giới công nhân thành thị cũng như nông dân khắp nơi. Cũng có những tiếng nói đồng tình cất lên từ các cấp bộ trong đảng và nhà nước. Điển hình là chính Triệu Tử Dương đã công khai bày tỏ cảm tình với giới trẻ. Theo ước tính, đã có lúc số người tham gia biểu tình ở Thiên An Môn lên tới trên một triệu
Ngày 04-5, hàng trăm ngàn sinh viên với sự góp mặt của công nhân Bắc Kinh đã rầm rộ xuống đường tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền công nhận quyền tự do báo chí và tổ chức một cuộc đối thoại chính thức giữa Bắc Kinh và các đại biểu do sinh viên bầu ra. Yêu sách này bị khước từ. Ngày 13 tháng 5, hai ngày trước chuyến thăm viếng chính thức trên cấp độ nhà nước của Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachov, đám đông sinh viên đang chiếm giữ quảng trường Thiên An Môn bắt đầu một cuộc tuyệt thực quy mô, đòi hỏi chính quyền Bắc Kinh tiến hành các cuộc đàm phán với các đại diện sinh viên.
Ngày 19-5, Triệu Tử Dương dùng loa để nói chuyện với tập thể sinh viên đang biểu tình. Riêng với hàng ngàn sinh viên đang tuyệt thực, ông thành khẩn kêu gọi hãy sớm chấm dứt để bảo toàn sức khoẻ, vì, theo ông „Thế hệ chúng tôi đã già, nó không còn là vấn đề với chúng tôi nữa.“ Câu nói trong nước mắt của ông sau này đã được nhiều người trích dẫn như một di ngôn mang tính lịch sử. Điều đáng buồn là sự xuất hiện của Tổng Bí Thư họ Triệu hôm ấy cũng là lần xuất hiện cuối cùng của ông trước công chúng. Ngay sau đó ông bị quản thúc tại gia cho đến khi chết.
Ngày 30-5, một bức tượng khổng lồ rập khuôn tượng „Nữ thần Dân chủ“ do sinh viên thực hiện tại Viện Nghệ thuật Trung ương, được dựng lên giữa quảng trường.
Sau Bắc Kinh, Tây An, Trường Sa, những cuộc biểu tình, bãi khoá tố cáo bất công, tham nhũng bắt đầu xuất hiện tại các trường đại học ở nhiều thành phố khác. Giới công nông kể cả cán bộ, đảng viên và sinh viên từ nhiều địa phương tìm về Bắc Kinh tham gia biểu tình, tuyệt thực. Theo ước tính, số người tham gia biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn có lúc lên tới trên một triệu. Cùng lúc ấy, các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, bao gồm cả những du sinh viên đã mặc nhiên biến thành hậu phương yểm trợ cuộc biểu tình ở Thiên An Môn. Riêng tại Hương Cảng, ngày 27 tháng 5 năm 1989, hơn 300.000 người đã tụ họp tại trường đua ngựa Bào Mã Địa để ca vang „Những bài hát dân chủ dành cho Trung Quốc“. Nhiều nhân vật nổi tiếng người Hồng Kông và Đài Loan đã cùng hát và thể hiện nhiệt tâm ủng hộ các sinh viên tại Thiên An Môn. Ngày hôm sau, một đám diễu hành do Martin Lee, Szeto Wah và nhiều người khác dẫn đầu đã đi suốt hòn đảo Hồng Kông với sự tham gia của 1 triệu 500 ngàn người. Trước tình trạng ấy, những thành phẩn cực đoan trong hệ thống cầm quyền Bắc Kinh như Lý Bằng mà đàng sau là Đặng Tiểu Bình quyết định phải mạnh tay.
Hậu quả khốc hại: Ngày 03-6, binh sĩ và xe tăng, đại pháo thuộc QĐND/TQ được lệnh tiến vào thủ đô. Hành động xâm nhập thành phố của quân đội đã bị nhân dân Bắc Kinh phản đối kịch liệt. Những người biểu tình đốt cháy các xe buýt và sử dụng chúng làm phương tiện cản bước quân đội.
Cuối cùng bạo lực đã thắng.
Cuộc tấn công man rợ vào quảng trường bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút tối ngày 03 tháng 6, khi quân đội vũ trang hung hãn tiến vào từ nhiều hướng đi theo sau là máy ủi và hàng trăm se thiết giáp. Những chiếc xe bọc thép chạy trên đường, bắn thẳng về phía đám đông sinh viên. Phóng viên BBC Kate Adie đã nhắc đến hành động „bắn bừa bãi“ của quân đội bên trong quảng trường. Nhiều tiếng la hét của các sinh viên vang lên: „Sao các anh lại giết chúng tôi?“. 4 giờ sáng ngày 04 tháng 6, xe tăng tràn vào quảng trường, cán nát các xe cộ và cả người trên đường di chuyển. Tới 5 giờ 40, mọi sức đề kháng của sinh viên hầu như bị dẹp tan.
Biến cố Thiên An Môn đã trở thành bất tử trong truyền thông phương Tây với đoạn video và những bức ảnh nổi tiếng về một người đàn ông đơn độc mặc áo sơ mi trắng đứng trước một đoàn xe tăng đang tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Số người chết và bị thương trong vụ này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng vì những sự khác biệt lớn giữa những ước tính khác nhau. Bắc Kinh không bao giờ đưa ra con số chính xác hay danh sách những người chết. Theo Hội Chữ Thập Đỏ Trung Hoa chỉ riêng buổi sáng 04-6 có khoảng 2600 thường dân chết. Cơ quan tình báo Nato cho hay có 7000 người tử nạn, thường dân 6000, quân đội 1000. Trong khi ước tính đưa ra trong khối Xô Viết thì số nạn nhân bị vong mạng lên tới khoảng 10 ngàn người.
Thoáng nghĩ về viễn cảnh một thứ Thiên An Môn ở Việt Nam
Mặc dầu thời gian, không gian, cảnh ngộ khác nhau, nhưng trên một khía cạnh nào đó, tình hình chính trị, kinh tế và bối cảnh xã hội Trung Quốc trong vài thập niên cuối thế kỷ trước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam dưới thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay. Tình trạng tranh chấp quyền lực giữa Triệu Tử Dương, Lý Bằng và một số lãnh tụ chóp bu ngấm ngầm diễn ra giữa lúc tệ nạn tham những hoành hành từ trên xuống dưới trong hệ thống đảng và nhà nước Trung Quốc khi ấy không mấy khác những gì đang nổ ra trên đất nước chúng ta mấy năm gần đây. Cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng cho đến lúc này đã không còn giấu được ai. Riêng chuyện tham ô, nhũng lạm thì khỏi nói, mọi người đều đã quá rõ.
Sự khác biệt là Việt Nam ngày nay không chỉ phải đối diện với tình trạng tham nhũng, kinh tế suy kiệt, văn hóa, xã hội tuột dốc, nông dân bị cướp đất, công nhân bị bóc lột, mà hơn thế, đất nước đang trực tiếp phải đương đầu với họa xâm lăng, trong khi người dân ngày càng xa lánh chế độ. Trong điều kiện như thế, sự vùng dậy của cả triệu công dân bao gồm mọi thành phần xã hội không phài không có khả năng xảy ra. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp ấy, liệu một bộ máy đảng và nhà nước chia rẽ, thối nát, đã lộ nguyên hình là tay sai cho giặc có còn đủ uy thế để sai khiến công an, cảnh sát và quân đội đưa xe tăng, đại pháo đàn áp những đồng bào ruột thịt của mình không (?), hay chính lớp người này sẽ quay súng bắn vào tập đoàn đầu sỏ bán nước để mở đường đưa dân tộc vào một vận hội mới (?)
Cũng đừng quên chúng ta đang ở vào những năm đầu thập niên thứ hai của ngàn năm thứ ba, khi ngành tin học đã chọc thủng mọi chướng ngại về không gian, thời gian… khác xa với cảnh ngộ đau đớn bị cô lập của đám đông sinh viên Trung Hoa ở Thiên An Môn cách đây tròn một phần tư thế kỷ.
(Vì giới hạn của trang báo, những suy nghĩ này hy vọng sẽ được khai triển kỹ hơn trong một bài khác).
NV Trần Phong Vũ – Cách Mạng Hoa Lài Và Hiện Tình VN
1000 Năm Thăng Long Thực Chất Giáo Dục Ở VN Part 1
Tưởng Niệm Thi Sĩ Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện
– Nhà Văn Trần Phong Vũ
Giữ gìn văn hóa và tiếng nói rất khó khăn tại hải ngoại.
Nhà báo Trần Phong Vũ