Nói về Thúy Nga PBN

Nhân đọc bài “Nói về Thúy Nga (PBN)”

của ông Nguyễn Ngọc Ngạn.

Trần Phong Vũ.

Vài lời thưa trước

Tôi không quen biết ông Nguyễn Ngọc Ngạn và cũng chưa bao giờ trực tiếp thấy ông trong đời thường. Một phần vì cách biệt tuổi tác. Cũng có thể vì lãnh vực sinh hoạt khác nhau. Dù vậy, trong các dịp tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè đó đây, tôi nghe nhiều người nói tới tên ông và tài ăn nói được cho là duyên dáng qua vai trò MC của ông trong chương trình Thúy Nga Paris By Night (TN/PBN). Cũng qua dư luận tôi được biết tổ hợp này là một trung tâm băng nhạc bề thế, danh tiếng, doanh số thu nhập rất cao, được sự hâm mộ của nhiều khán thính giả. Tuy vậy nghe nói cũng không ít người phê bình gay gắt, nếu không muốn nói là khích bác, chê bai.

pbn-4

Từ băng nhạc Mẹ số 40 được nhiều người yêu thích đến băng nhạc 113 Mừng Tuổi Mẹ , Thúy Nga Paris đã biến thành “ Mẹ mìn“ bắt cóc nghệ sĩ hải ngoại để phục vụ màu cờ đỏ !

Ngoại trừ băng nhạc có tên “Mẹ”, tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn coi dù một phần nội dung một sản phẩm nào của TN/PBN. Tôi nói ngoại trừ cuốn băng “Mẹ” vì đây là quà người con rể thứ ba mua biếu nhà tôi nhân một Ngày Hiền Mẫu (Tôi không nhớ năm nào nhưng chắc chắn sau Vu Lan năm 1997, năm băng nhạc 40 ra đời). Dù cuốn băng có sẵn trong nhà nhưng vì quá bận, ban đầu tôi cũng chẳng có thì giờ ngó tới.
Lý do thúc đẩy tôi phải coi qua vì không lâu sau khi sản phẩm này xuất hiện trên thị trường ca nhạc, bỗng dưng rộ lên một làn sóng công phẫn khắp nơi , không chỉ riêng các cộng đồng Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Người ta công khai lên án chủ nhân trung tâm băng nhạc này thiên cộng. Có người còn mạnh miệng gán cho là nó được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của Hànội. Dĩ nhiên ông Nguyễn Ngọc Ngạn cũng không tránh khỏi điều tiếng thị phi. Công luận bàn ra tán vào, chính ông là người ‘vẽ đường cho hiêu chạy’ trong tiến trình thực hiện cuốn băng “Mẹ”. Sau đó hình như ông đã viết bài thanh minh. Bạn bè thúc đẩy lên tiếng, nhưng tôi không đáp ứng.
Theo giòng thời gian rồi mọi chuyện cũng qua. Riêng tôi, bị lôi cuốn vào những chuyện quan trọng liên hệ tới thân mệnh Giáo hội Công giáo và tình hình đất nước, nên tuồng như sau đó không nhớ thêm gì nữa.
Cách đây vài năm, thấp thoáng tôi nghe người ta nói bầu đoàn TN/PBN được đưa vào trình diễn ngay giữa Cung Thánh một hai nhà thờ nơi tôi cư ngụ, tôi không khỏi động tâm. Nhưng cũng vì quá bận tôi bỏ qua. Cho đến một ngày, một người bạn thân từng dạy chung trường với tôi ở Hưng Đạo và Lasan Taberd Sàigòn trước 75 chuyển cho đọc bài viết ngắn của một tác giả ký tên Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Bằng những lời lẽ cay đắng, ông than phiền về biến cố kể trên. Lần này tôi lên tiếng.
Bài viết ngắn của tôi đăng trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, tờ báo tôi từng làm chủ bút trong 12 năm cho đến đầu năm 2012, bước qua tuổi 80 tôi xin từ nhiệm. Dù vậy, do yêu cầu của BBT cho đến nay tôi vẫn cố gắng thường xuyên đóng góp bài vở. Bài cũng được anh em đưa lên một vài trang mạng. Khoảng một tuần sau, tôi nhận được lá thư từ tòa Giám Mục GP Orange do bà GĐ Văn Phòng ký thay Đức GM, nội dung cho biết đã nhận được bài viết của tôi (dù tôi không hề gửi) với lời cám ơn.
Khoảng một năm sau, tôi nghe trong dư luận: Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đoàn Thánh Linh đã biểu quyết với tuyệt đại đa số, bác khước việc mở cửa Giáo Đường đón Trung Tâm băng nhạc TN/PBN vào trình diễn dịp Giáng Sinh năm ấy. Người ta nói chuyện này là do ảnh hưởng bài viết của tôi. Phần tôi, tôi không nghĩ như thế.
Một chuyện khác lại khuấy động nỗi buồn phiền trong tôi khi một người bạn bên Đức chuyển cho tôi qua email, hình bìa những DVD nhạc của TN/PBN liên quan tới vụ giàn ca múa, MC của trung tâm này ‘xâm nhập Cung Thánh’ năm nào (tôi mượn 4 từ ‘xn/CT’ của một người viết trên mạng), trên đó phơi bày hình ảnh Giáo đường, một số giáo sĩ Công giáo ‘ca sĩ’(!!!)
Cho đến những ngày gần đây bạn bè chuyển cho tôi bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ngạn nhưng vì bị cuốn hút vào vụ khiếu kiện, xuống đường về biến cố biển chết, cá chết, người chết ở Vũng Áng, gục đầu viết mấy bài liên tiếp để chạy theo thời sự, tôi chưa có thì giờ đọc. Hôm nay, một người bạn bên Úc chuyển lại. Tò mò đọc xong, tự dưng thấy có nhu cầu phải lên tiếng nhận định đôi điều.
Mong chỉ một lần và là lần chót.
Với tâm thái thật bình an, tôi giãi bày những suy tư chợt đến trong tôi quanh bài viết của ông Ngạn. Không hận thù. Không ác ý. Dĩ nhiên cũng chẳng chờ đợi khơi mào cho một cuộc tranh luận vô ích.

Tôi làm, như đã từng làm gần đây để nối điêu các bài viết của nhạc sĩ kiêm ký giả Tuấn Khanh, của người sinh viên trẻ Lê Văn Thành, của bà Nguyễn Nguyên Bình em gái cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, và mới mấy ngày qua không thể không viết khi xúc động nhìn thấy tấm hình một nữ tu trẻ vô danh bên cạnh đám CSCĐ giữa rừng người tham gia cuộc xuống đường chống tập đoàn tội ác Formosa.

pbn-2

Nội dung bài viết của ông Ngạn nói gì?

Toàn bài có 6 trang khoảng 3500 chữ.
Đọc đến giòng cuối, ai cũng nhân ra dụng tâm của tác giả nhắm vào hai mục tiêu.

1/ Quảng cáo cho hai băng TN/PBN 119 (đã phát hành) và 120 (sắp thâu hình).

2/ Biện minh cho những gì chủ nhân trung tâm băng nhạc này có-nhu-cầu-biện-minh. Một cách nào đó để làm nền, làm đòn bẩy cho mục tiêu quảng cáo mà tác giả tỏ ra thừa khôn khéo để chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở trong vài giòng cuối.

Chi tiết đáng chú ý là ngay trước vài giòng quảng cáo, phẩn kể khổ khá dài suốt mấy trang trên đó được đóng lại bằng những lời lẽ ướt nhẹp, hơi cải lương sau đây:
“Gặp gỡ lần này rồi không biết có còn cơ hội trở lại vùng đồng bằng này nữa không, hay mãi mãi chỉ còn lại trong trí nhớ!”
Trước khi đi sâu vào nội dung, tưởng cũng cần phải xác định một điều:

Ông Nguyễn Ngọc Ngạn có quyền và lý do chính đáng để viết những gì ông muốn nhắm vào cả hai mục tiêu của ông. Đó là quyền rất riêng tư của người cầm bút, và lý do đòi buộc của một cộng tác viên, hay nói dễ hiểu, người làm công đối với chủ nhân TN/PBN. Người bình dân ta chẳng đã có câu “Ăn cây nào, rào cây ấy” đó sao?
Mở đầu tác giả viết:

“Khi Thúy Nga báo tin sẽ thu hình Paris By Night 120 tại casino Choctaw, thuộc thành phố nhỏ Durant của tiểu bang Oklahoma, phải nói là nghệ sĩ ai cũng hết sức ngạc nhiên. Cá nhân tôi lúc đầu cũng ngờ vực, cho đến khi thấy quảng cáo chính thức, mới dám tin đây là chuyện có thật.”
Chuyện “Nghệ sĩ ai cũng ngạc nhiên” và lúc đầu tác gỉả “cũng ngờ vực” đã đành là chuyện riêng của tác giả và các nghệ sĩ mà ông nhắc tới chung chung không nêu danh tính. Nhưng người đọc không khỏi thắc mắc, phải chăng đã có biến cố gì lớn lao, thê thảm lắm vừa xảy ra cho TN/PBN sau băng nhạc 100? Nếu không thì tại sao phản ứng từ ‘ngạc nhiên’ đến ‘ngờ vực’ này không bộc phát sớm hơn mà phải chờ tới 6 năm sau?

Dù sao đây chỉ là cái cớ để tác giả dẫn giắt người đọc đi vào những đoạn đường TN/PBN đã đi qua, từ giai đoạn vàng son cho tới điều ông nói là đi vào “ngõ cụt”, để sau đó dẫn tới trọng tâm bài viết: nêu lên những luận điểm để biện minh cho ai đó.
Và đây là thời cực thịnh.

“Rời Canada qua Mỹ, Thúy Nga mấy lần đến Las Vegas, về Houston, Foxwoods Connecticut và San Jose ở đâu cũng chọn toàn những rạp trứ danh. Xuống Nam Cali thì dừng chân ở các hý viện nổi tiếng như Cerritos, Long Beach, Knott Berry Farm và thậm chí dám mướn cả đại hý viện Shrine Auditorium ở Hollywood, nơi chỉ dành riêng cho giới điện ảnh và âm nhạc Mỹ trao giải thưởng Oscar hoặc American Music Awards trước khi có rạp Kodak Theater. Thậm chí Thúy Nga còn đưa nguyên đoàn sang thu hình tận Hàn Quốc bởi ngày ấy Thúy Nga có ý định hợp tác với đài truyền hình Hàn Quốc, đem truyện của Nguyễn Ngọc Ngạn thực hiện thành phim bộ, sử dụng kỹ thuật tân tiến của nước này.”
Nói chung, tôi tin những điều ông mô tả trên đây phần lớn là thật, không phải hoàn toàn phóng đại. Dù vậy, ai cũng hiểu nó chỉ là màn phụ để làm bối cảnh cho điều kể khổ sau đây của ông, với chủ đích ‘thê lương hóa’ sự việc, đưa người đọc lạc vào những chi tiết mang khá nhiều kịch tính do ông vẽ vời để biện hộ cho những điều cần biện hộ.
“Bây giờ thì không còn nữa, tất cả đều chỉ là những kỷ niệm của dĩ vãng, khiến nhiều ca sĩ từng cộng tác lâu năm với Thúy Nga, mỗi khi nhớ lại thuở vàng son ấy, đều phải ngậm ngùi hát câu ‘Ngày ấy đâu rồi!’”.

Những điều ông Nguyễn Ngọc Ngạn ghi tiếp về những hệ lụy không thể tránh do sự tiến bộ vượt bực trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật, cách riêng tin học đối với các sản phẩm in ấn như sách báo kể cả phim ảnh, băng dĩa nhạc, cũng là những điều không sai.
Sau khi trưng dẫn các bằng chứng cụ thể ở Mỹ, ở Việt Nam về những hệ lụy vừa kể để dẫn vào trường hợp TN/PBN, ông nhắc lại chuyện 6 năm trước, thời điểm ghi dấu giai đoạn tác giả mệnh danh là “bỗng dưng đi vào ngõ cụt!? của TT băng nhạc này.
“Cách đây 6 năm, khi chuẩn bị thu hình Paris By Night số 100, ông Tô Văn Lai trả lời phỏng vấn, nói rằng: Với tình hình băng đĩa lậu tràn ngập như hiện nay, không biết sau cuốn 100, Thúy Nga có còn tiếp tục được nữa hay không!”

Liền ngay sau câu trả lời phỏng vấn của ông Tô Văn Lai, chủ nhân TN/PBN, ông Nguyễn Ngọc Ngạn viết tiếp.

“Nghe câu nói ấy, có người vội suy diễn ngay rằng ông Tô văn Lai tuyên bố sốc như vậy mục đích chỉ để bán vé, chứ thật ra Thúy Nga vẫn còn giàu lắm, chưa thể hết tiền được!”
Các bạn tôi nói, hồi ấy quả có người suy diễn như ông Ngạn viết. Có điều không phải một hai người mà khá nhiều người. Họ cũng không giới hạn suy diễn lời than vãn trên chỉ nhằm quảng cáo bán vé mà còn suy diễn nhiều chuyện động trời khác. Điều này hẳn bà con trong cộng đồng tị nạn biết rõ hơn tôi. Dứt khóat khi nhắc lại sự kiện này, tôi không làm công việc loan tin đồn. Tôi chỉ dựa vào điều ông Ngạn nói về chuyện ‘có người vội suy diễn’ để bổ túc thêm về những gì tôi và bạn bè tôi nghe được mang giá trị thời sự khi ấy, sau tin trung tâm này định sang nhượng vì lỗ lã.
Sau đó, để làm sáng tỏ thêm tình trạng cùng đường của TN/PBN, ông nhắc lại nguyên văn lời đối thoại giữa bản thân ông và chủ nhân TN/PBN (sở dĩ tôi dám nói ‘nguyên văn’ vì đầu giòng các lời trao đổi đều có gạch ngắn (-) cho hiểu đây là những câu đối thoại trực tiếp, không phải được thuật lại).

“Tôi điện thoại cho ông và vui vẻ nói:
– Anh Lai ơi! Khi đăng rao vặt trên báo, người ta thường viết “Cần sang gấp nhà hàng đang đông khách”. Không ai viết “Cần sang gấp nhà hàng đang ế chỏng gọng!” Tôi nghe nói anh đang định bán Trung Tâm Thúy Nga, sao anh lại khai ra là mình sắp sập tiệm thì bán làm sao được!
Ông cười buồn đáp:
– Bán cho ai, em! Trung tâm băng nhạc đâu phải như nhà hàng hay tiệm nail mà sang lại!”
Tiếp theo là mấy trang dài quảng diễn tình trạng khó khăn chung của giới làm băng nhạc để bày tỏ niềm cảm thương của ông về “nỗi khổ tâm của ông Tô Văn Lai” để ngay sau đó làm công việc che chống, biện minh cho chủ.
“Khi ông nói Thúy Nga có thể đóng cửa, thì đó không phải là một lời “báo động hay kêu cứu” mà thật ra chỉ là tiếng than của người chủ trung tâm, tiếc cái công trình mà Thúy Nga đã gây dựng mấy chục năm qua, với bao nhiêu đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nay bỗng dưng đi vào ngõ cụt!”
Những lời biện hộ tận tình, tận nghĩa như thế còn khá nhiều, như:
“Bảo rằng ông cố ý tạo scandal để bán vé thì hoàn toàn sai sự thật…”
“… Câu nói ‘Thúy Nga có thể đóng cửa’ mà ông Tô Văn Lai tiết lộ 6 năm trước, mới đây được con gái ông, cô Tô Ngọc Thủy, Tổng Giám Đốc Trung Tâm Thúy Nga, xác nhận lại một lần nữa. Nghĩa là, chuyện toan đóng cửa năm 2010 là có thật chứ không phải là một “chiến thuật” của Thúy Nga như có người ngờ vực”

”… business dù có thê lương đến đâu cũng phải giấu đi chứ ai dại mà khoe ra! Chẳng qua là vì trong lúc xúc động, ông không nhịn được, bởi ông xót xa khi thấy con ông làm việc ngày đêm, đổ ra hơn 1 triệu đô cho mỗi chương trình, rồi khi sản phẩm vừa phát hành thì thị trường tràn ngập băng lậu. Thậm chí có lần ông đã rươm rướm nước mắt bảo con gái:
– Ba rất hối hận đã để lại cho con nghề này!”
Vì không muốn làm phiền độc giả, tôi không trích dẫn thêm nữa.
Dù có điều lấn cấn khó giải khi đọc nội dung bài viết, nhưng phải thành thật thú nhận là trong đời tôi hiếm thấy ai trung thành với chủ như ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Tôi nghe một người bạn nói, đây không phải lần đầu ông đem hết khả năng viết (và lách) của một nhà văn để bao che, biện hộ cho ông Tô Văn Lai chủ nhân TN/PBN. Phần tôi vì ít theo dõi nên không có ý kiến.
Cũng người bạn này, trước khi miễn cưỡng phải bỏ quê hương trốn chạy cộng sản, vốn là ông thày dạy toán, anh chú ý tới những con số tác giả trưng dẫn trong bài viết. Ông Ngạn cho hay: mỗi kỳ thực hiện một DVD, TN/PBN đốt hết US$1,200.000. Vẫn theo ông Ngạn, kể từ sau khi bị đẩy “vào ngõ cụt’, số lượng DVD phát hành mỗi kỳ từ 85.000 sụt xuống chỉ còn 30.000!
Dựa vào con số ấy, bạn tôi nhân với US$25 mỗi DVD bán ra và coi như không trử hoa hồng dành cho nơi tiêu thụ, khổ chủ chỉ thu về được US$750.000 với giả định bán hết con số 30.000 DVD. Mang US$1.200.000 trừ đi US$750.000 anh tỏ ý phục sát đất tinh thần yêu nghệ thuật của TN/PBN vì trong suốt 6 năm qua, mỗi lần thực hiện một DVD, trung tâm băng nhạc này lỗ mất gần nửa triệu mỹ kim, chính xác là US$450.000, vậy mà vẫn tiếp tục thực hiện hết chương trình này tới chương trình khác! Anh tự hỏi, như thế nếu đem nhân với số DVD trong những năm bị lâm vào ‘ngõ cụt’ số tiền lỗ mà Thúy Nga phải chịu lớn đến chừng nào? Và như vậy, điều ông Ngạn viết trong bài nói rằng có người suy diễn là Thúy Nga thừa tiền dư bạc, hình như cũng không ngoa!

Vẫn theo những gì ông Ngạn kể trong bài viết của ông, tôi thấy có hai chi tiết sau đây cần được đề cập trước khi đóng lại những giòng này.

* Thứ nhất, để biện bạch cho điều có người nêu vấn dề là TN/PBN đã bán cho chủ nhân mới trong nước, ông Ngạn viết:
“Trong cuốn Paris By Night chủ đề S phát hành cách đây 2 năm,
nhân vụ Việt Nam xung đột với Trung Quốc, tôi có nói:
– Lịch sử dạy chúng ta bài học rằng, bất cứ triều đại nào, chế độ nào cũng chỉ có tính cách giai đoạn. Chỉ có đất nước và dân tộc mới vĩnh cửu!… Lịch sử cũng dạy chúng ta bài học rằng, đất nước thuộc về toàn dân, không thuộc về một cá nhân, một gia đình hay đảng phái nào. Đất nước thuộc về toàn dân cho nên những vấn đề trọng đại của đất nước cần phải được sự góp ý của toàn dân, giống Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần.” (Người viết tô đậm)

Rồi với vẻ đầy tự tin và chủ quan ông nêu câu hỏi trống không.

“Nếu chủ nhân của Trung tâm Thúy Nga là người trong nước, họ có dám để tôi nói câu đó trên Paris By Night không?”
Đọc kỹ nguyên văn câu nói của ông trước khán thính giả cuốn băng TN/PBN chủ đề S do ông trích dẫn kèm theo câu hỏi trên đây, quả thật tôi không khỏi ngỡ ngàng.

– Trước hết, tuồng như ông Ngạn không biết gì về thời sự Việt Nam trong vòng mấy năm gần đây.
Vì thế ông có vẻ chủ quan đánh gía quá cao nội dung câu nói của ông.

Ông không thấy rằng trong vòng dăm bảy năm qua, trên các mạng Bô-xít, Anh Ba Sàm, các tờ báo mạng của TS Nguyễn Thanh Giang, LM Phan Văn Lợi xuất hiện thường xuyên những bài viết của giới trí thức trong nước với nội dung nếu đưa lên bàn cân nặng gấp trăm lấn mấy giòng tuyên bố của ông. Riêng chuyện tố giác những kế sách thâm độc của Trung Quốc trong mưu toan thôn tính Việt Nam, nếu có cơ hội đọc bài viết của bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Hànội tại Bắc Kinh gần đây (mà tôi đã có cơ hội phân tích), trộm nghĩ đã đủ để ông không còn can đảm trưng dẫn lại câu nói của ông. Đấy là chưa kể tới các bài giảng thuyết công khai của các LM Dòng Chúa Cứu Thế, LM Đặng Hữu Nam, Giám Mục Vinh Nguyễn Thái Hợp, nhất là nguyên GM Hoàng Đức Oanh trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua liên quan tới thảm họa môi trường, trong đó không chỉ tố giác bàn tay nhám của Trung cộng mà còn trực diện đánh vào đầu não tập đoàn cộng sản Ba Đình! Điều cần ghi nhận là tất cả những người này đều đang sống trong vòng kiềm tỏa của Hànội.

– Thứ đến, điều ông cho rằng lời tuyên bố đụng chạm tới Bắc Kinh của ông sẽ khiến  những người hoài nghi trung tâm TN/PBN đã bán cho người trong nước làm chủ phải xét lại, với câu hỏi chắc nịch đầy vẻ tự mãn và chủ quan: “họ có dám để tôi nói câu đó trên Paris By Night không?” cũng là điều cần bàn giải. Nếu quả thật ông tin như thế tôi trộm nghĩ, ông tỏ ra hơi ngây thơ! Ngây thơ thật hay giả ngây thơ chỉ có ông biết. Dù trong trường hợp nào thì cũng tỏ ra ông đã coi thường khán thính giả TN/PBN.

Tại sao? Vì hơn ai hết hẳn ông phải biết chuyện cắt bỏ một vài đoạn trong một cuộn băng, một DVD ca nhạc cho phù hợp với cảnh ngộ, khẩu vị của khán thính giả nơi này nơi khác là chuyện quá dễ không cần đòi hỏi kỹ thuật cao. Một người trẻ có khả năng trung bình về lãnh vực này cũng làm được.

pbn-7

* Chuyện thứ hai, ông Nguyễn Ngọc Ngạn nhắc lại việc ông Tô Văn Lai “thúc giục con ông mở thêm business để hỗ trợ cho Thúy Nga đang tuột dốc”. Theo ông, sau khi thất bại trong việc lập công ty RMI Cargo và bán Thiên Long Trà, con gái ông Tô “bước thêm một bước táo bạo nữa là mở đài truyền hình VietFace để Thúy Nga và VietFace nương dựa lẫn nhau.”

Gác qua một bên những business khác, riêng trường hợp đài truyền hình VietFace tôi có đôi điều bày tỏ. Trước hết, chuyện thành công nhiều ít về tài chánh của cơ quan truyền thông này do ông nêu ra, không phải chuyện của người viết.

Giữa một đất nước tự do, được Hiến Pháp bảo vệ như Hoa Kỳ, mọi người có toàn quyền suy nghĩ, nói năng và hành động theo ý mình, miễn sao không vi phạm tới quyền người khác và những luật lệ chính đáng của đất nước mình đang sống. VietFace hay bất cứ cơ quan truyền thông nào đều có toàn quyền chọn lựa phương hướng hoạt động và đối tượng phục vụ. Nói trắng ra có quyền đứng bên phải, bên trái, đàng trước, đàng sau, thậm chí đứng lơ lửng giữa trời.

Điều làm tôi và đông đảo bà con trong cộng đồng bận tâm là không hiểu chủ nhân đài truyền hình VietFace 57. 2 có nhận ra đám đông đã góp phần đem lại nguồn sống cho đài không ai khác hơn tập thể người Việt đang sinh hoạt trong các cộng đồng tị nạn cộng sản –tương tác lẫn nhau giữa những người theo dõi và các thân chủ quảng cáo? Không cần biết đài này đang đứng ở đâu, chỉ xét tới nguyên lý rất đời thường của luật bất thành văn về sự công bằng, “hòn đất ném đi, hòn chì liệng lại” là thấy ngay vấn đề.

Sợ mình chủ quan đưa tới những phán đoán thiên lệch trái với lương tâm người cầm bút, khi đề cập vấn đề tế nhị này tôi đã chuyển bài viết tới một số bạn bè để xin thẳng thắn cho ý kiến. Lúc này tôi yên tâm bảo lưu những suy nghĩ của mình.

So sánh với tất cả những đài truyền hình phát chung trên cùng làn sóng ở miền nam bang California, Hoa Kỳ, cùng với đám đông bạn bè tôi ngỡ ngàng nhận ra VietFace là chặng đường mới của TN/PBN để nối dài khuynh hướng đứng ngoài nhịp đập của trái tim cộng đồng gồm mấy triệu đồng bào nạn nhân cộng sản . Nếu TN/PBN dựa vào khuynh “nghệ thuật vị nghệ thuật” để cùng với VietFace chỉ làm điều gọi là nghệ thuật thuần túy (?!) theo cách thế, chủ trương riêng của mình thì không hiểu những cơ sở này sẽ trả lời ra sao khi có người thắc mắc về chuyện công bằng, vay trả?

Xin đan cử vài dẫn chứng: những người theo dõi thường xuyên đài VietFace cho tôi biết: a/ Trong phần tin tức, khác hẳn với nhiều đài khác, gần như đài này luôn né tránh những bản tin liên quan tới cao trào tranh đấu cho nhân quyền, chống lại những thủ đoạn tàn ác của chế độ Hànội, kể cả những tin nóng gần đây liên quan tới những vụ bắt bớ, khủng bố, tống ngục những tù nhân lương tâm ở quốc nội. b/ Khá nhiều phóng sự thiên về chuyện quảng bá du lịch Việt Nam . c/ Những loại quảng cáo tương tự như các dịch vụ sửa sắc đẹp ở trong nước post hình ca sĩ Quang Lê, cũng xuất hiện khá thường xuyên trên VietFace .

Để khỏa lấp chủ trương, đường lối này, VietFace đã khôn khéo mời một vài Linh Mục Công Giáo lên làm cảnh trong các chương trình hội thoại. Điều này cũng tương tự như TN/PBN vận động đưa bầu đoàn “xâm nhập Cung Thánh” một vài giáo đường ở Quận Cam, mời một số giáo sĩ sính ca hát trình diễn hoặc mời một vải nhân vật chống cộng trong cộng đồng tị nạn góp mặt, góp tiếng trên một số DVD… để ông Nguyễn Ngọc Ngạn có cơ hội nêu câu hỏi không ngoài mục tiêu biện hộ trong bài viết của ông sau đây: “Nếu chủ nhân của Trung tâm Thúy Nga là người trong nước, họ có dám mời những nhân vật này lên Paris By Night không?”

(Xin đọc lại phần trên viết về đoạn trích lời tuyên bố của ông Ngạn trong cuốn DVD chủ đề S được ông đưa vào bài viết để có được câu trả lời).

Là người đã từng đi tù cộng sản (như ông tiết lộ) và trong bài viết ông có vẻ khá hài lòng khi trích dịch lại bài báo trên tờ Register ở Orange County với nội dung sau đây:

“Vietnam is the only country where Thuy Nga is barred from selling its DVDs or CDs. That’s partly because Marie To refuse to submit them to government censors. Another factor: One of the show’s long-time co-hosts, a former political prisoner, has written books criticizing the regime”. (Tạm dịch: Việt Nam là quốc gia duy nhất cấm không cho bán DVD và CD của Thúy Nga. Một phần vì cô Thủy không chịu nộp những DVD và CD đó cho chính quyền kiểm duyệt. Một phần nữa vì người MC lâu đời của Thúy Nga là một cựu tù nhân chính trị, đã viết nhiều sách phê phán chế độ trong nước.”)

Ông hài lòng là phải. Có điều khi đối diện với lương tâm, với nỗi đau dẫn tới mối bận tâm của đồng hương gồm những người chung xuồng với ông (bao gồm thảm kịch Hànội đã đổ xuống cho thân nhân gia đình ông mà tôi nghe được đây đó), không hiểu khi được một tờ báo ở Mỹ nhắc lại nhân thân và thành tích của mình như thế, ông Ngạn nghĩ sao về những lấn cấn mà cho dù có muốn tránh né cũng khó có thể phủ nhận giá trị tự thân của nó. Tôi không muốn nói tới những chuyện to lớn. Gần gũi chỉ giản dị xét về phương diện công bằng, vay trả trả vay trong tương quan bình thường giữa con người. Xa hơn một chút là nỗi đau và khát vọng của những người đã nằm xuống. Cho ông. Cho tôi. Cho mấy triệu người may mắn được sống trên những vùng trời tự do hôm nay?

Quận Cam một ngày thượng tuần tháng 9-2016

pbn

Chú thích:

Cố LM Trần Đức Huynh, thày tôi thuở còn ở ngoài Bắc và sau này là Giám Đốc sáng lập trường Hưng Đạo, một tư thục lớn bậc nhất miến Nam, nơi tôi dạy quốc văn cho đến ngày mất nước. Có lần ông nói: Đừng thấy một vài công trình xây dựng ở VN hiện nay mà choáng mắt. Muốn biết VN thời CS đang ở mức nào cần có hai điều kiện. Thứ nhất từng sống ở Sàigòn trước 30-4-75 và thời gian này có dịp ghé thăm ít nhất là nước láng giềng Thái Lan. Thứ hai, sau 75 trước khi về thăm quê hương có cơ hội trở lại Thái và nếu ghé được Tân Gia Ba, Đại Hàn càng hay. Nhờ vậy người ta nhận ra Sài gòn trước 75 so với Thái khác nhau ra sao. Còn nhìn về VN lúc này sánh với mức tiến bộ của Thái sẽ thấy thua kém một trời một vực, nói chi đến so với Tân Gia Ba, Đại Hàn. Tôi đọc một bản nghiên cứu cho hay: VN hiện tại muốn theo kịp đà tiến bộ của Thái phải mất vài ba thập niên nữa. Dĩ nhiên khi ấy, Thái Lan cũng không đứng một chỗ.
Trong giới bình dân, mấy ai hiểu được điều này. Tự hỏi: khi những hình ảnh quảng cáo du lịch từ trong nước ngày đêm thâm nhập vào tận phòng ngủ những mái ấm các gia đình tị nạn, hậu quả và ảnh hưởng sẽ ra sao?

Dĩ nhiên, đây là quyền tự do của TN/PBN, của VietFace cũng như của tất cả các cơ quan truyền thông khác. Ở đây tôi chỉ bàn về lẽ công bằng giữa người với người, cụ thể giữa kẻ mua người bán.
Vì sao tôi luôn trụ vào chuyện công bằng?
Xin thưa: vì tôi trót tin rằng tuyệt đại đa số đồng bào tôi, những nạn nhân  chế độ tham tàn, bạo ngược cộng sản, từ 75 đến nay, kẻ trước người sau đã phải lao vào chỗ chết để tìm cái sống.
Nhờ Trời Phật thương họ đến được bến bờ tự do, nhưng lòng luôn đau đáu nhìn về Quê Mẹ. Từ đấy họ chờ đợi gì nơi các phương tiện truyền thông đại chúng trong cộng đồng?
Trong câu hỏi hẳn đã có sẵn câu trả lời.
Nhiều người nêu câu hỏi có cần để ý tới điều báo Register tiết lộ những DVD, CD do TN/PBN phát hành bị cấm ở trong nước không?
Câu trả lời dành cho những người hâm mộ âm nhạc có dịp về thăm quê nhà.

nloc-2

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây:

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s