Trương Vĩnh Ký – I

KẺ HẬU SANH CHƯA SẠCH CỨT MŨI
XIN ĐỪNG TOAN LẤY ĐÁ LIỆNG ÔNG..
.

“ Năm 1859, Tự Đức năm thứ 12, là năm quân Pháp châm ngòi thuốc súng, bày cuộc binh đao. Nó hay mình yếu thế, nó thêm làm già, ai là kẻ sĩ như ông, cũng đầu đen máu đỏ, há không sôi gan uống mật?

Phụng sự chữ “ trung“ có nhiều cách, không phải uống say chửi đổng như ông Cử Trị mà lui được giặc Tây lỳ. Cái tánh tôi thích con giang hồ biết ăn năn hơn thằng trực ngôn đánh giặc miệng.

Trong đời tôi, tôi ghét nhứt là bọn giả đạo đức đốn ông Đồ Chiểu, còn như ông Tôn Thọ Tường họ chê không biết thủ tiết, trong khi răng họ còn bóng dơ, lưỡi chưa sạch nhớt.

Họ không thấy rất đỗi ông Phan Thanh Giản là người trong sạch, mà lúc Tây-du không tỵ hiềm họa thi với họ Tôn và bắt tay Trương Vĩnh Ký, lúc ấy nghiễm nhiên được Thủy sư Bonard cử làm thông ngôn, nói theo bây giờ , làm thông dịch viên, nói theo cỡ tôi là „đứng bàn ông Chánh“ khi làm thông ngôn từ tham biện chánh chủ tỉnh đến Toàn quyền, Thống sứ.

Lúc ấy hiếm gì kẻ xu phụ thời thế, học thua xa ông Vĩnh Ký nhưng nhờ khéo chạy chọt, có kẻ dùng

„bằng-cấp da“ tức dâng vợ cho quan Tây làm giàu ngang xương, mua đường vinh hiển, xuất đầu lộ diện trên máu xương đám dân vô cô“ không biết Tây u“, mặc cho họ ba-xí ba-tú dịch con dê ra con chó có sừng „lũy mêm xối sen dà na cọt dà na bặp“ (lui même chose que le chien mais il a les cornes et la barbe); họ quết con trẻ con của người chống Pháp để được phong Tổng đốc hàm, họ đoạt ruộng đất của người lánh mặt Pháp để trở nên bá hộ đại phú gia, trong khi ấy ông Vĩnh Ký biết an phận tùy duyên, và tuy rằng theo đạo Công giáo, nhưng nhứt cử nhứt động ăn ở theo sách Khổng-Mạnh, và thường ngâm câu: „Thường bả nhứt tâm hành chánh đạo“
(miscellanées)…

…. Năm 1868, trở về Vĩnh Ký đứng lập tờ Gia Định báo, làm gérant du journal, tức ngày nay gọi „quản lý“ mà ông dịch dễ dàng là „người coi nhựt trình“ để có người ngày nay chê văn ông là “ trơn tuột“ và kẻ ra mặt chê bai hỗn xược ấy vẫn học chưa tới mắt cá ông Ký mà vẫn khoác lác làm thầy, quên rằng dịch như vậy „tuy rẻ mà mắc“, dầu chi ông Vĩnh Ký cũng thuộc hạng tiền bối, đứng đầu làng ký giả và làng văn tân thời“.

(Vương Hồng Sển).

(Trích ít đoạn trong: Thân thế và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký).
Nguồn: Đất và Người Nam-Kỳ