Viết để tưởng niệm 39 nạn nhân Việt Nam đã chết ở Anh vào tháng 10.2019.
Và viết cho những người đang cố gắng thực hiện ước mơ của mình.
Dương Hoàng Mai.
Trong các tuần qua, sau ngày 23.10, khi tin tức trên thế giới bùng nổ về vụ 39 người Việt Nam bị chết ngạt thật thương tâm trên đường trốn qua nước Anh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó nổi bật
trên hết là „ Tại sao họ phải chọn con đường quá nguy hiểm như thế ?“ „ Tại sao họ vẫn tin được
rằng họ sẽ sống sót, sẽ là người vượt thoát, ngay cả khi họ đã nghe kể về nhiều cái chết, về cảnh địa ngục đang chờ đợi những người đã đi theo con đường này? „
Câu chuyện của 39 nạn nhân người Việt Nam đã khiến tôi nhớ đến quyển sách Der Alchemist.
Der Alchemist (đã được Lê Chu Cầu dịch và in tại Việt Nam dưới tựa đề „Nhà giả kim“, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ dịch là “ Nhà luyện kim “ ),
của nhà văn Paulo Coelho xuất bản lần đầu ở Brasil vào năm 1988 và cho đến nay
vẫn là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới.
(được dịch ra 67 ngôn ngữ và bán ra tới 65 triệu bản, theo thống kê ngày 19.5.2008).
Với câu chuyện của chàng trẻ tuổi Santiago bôn ba qua các xứ xa lạ để tìm kho báu xa xôi, tác giả
đã đưa ra đề tài luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, đó là Nhân sinh quan, mục đích sống và con đường nào để ước mơ biến thành hiện thực,
như bí quyết nào của các nhà Luyện Kim, để họ có thể biến đổi chì thành vàng?
Nhiều độc giả sẽ luôn nhớ đến một câu trong quyển sách của Coelho:
„ Cuộc đời chúng ta chỉ có giá trị khi chúng ta có khả năng biến giấc mơ thành hiện thực“
(„Erst die Möglichkeit, einen Traum zu verwirklichen, macht unser Leben lebenswert“.)
Có rất nhiều người đã chỉ nhớ việc „Biến giấc mơ thành hiện thực“ mà quên đi hai chữ rất quan trọng trong câu nói trên, đó là Khả năng.
Một giấc mơ ngay từ đầu không có khả năng trở thành hiện thực, sẽ chỉ là Ảo tưởng, Ảo mộng và nó cũng dễ biến thành Ác mộng cho cả đời người.
Giấc mơ biến „cỏ“ thành vàng ( đô la ) của những người Việt Nam trồng cần sa khắp nơi trên thế giới có khác gì với giấc mơ của nhà Luyện kim biến chì thành vàng ?
Tôi nghĩ, chúng khác nhau rất xa, vì vàng trong câu chuyện biểu tượng cho Sự thật, Sự thành công hay luôn là vật có giá trị trong thế giới loài người.
Nhưng „cỏ“ khi biến thành cần sa muốn đến tay người tiêu dùng đã phải qua con đường buôn lậu
đầy tội ác, dối trá, đẫm máu và nước mắt. Cần sa là chất độc giết chết loài người thay vì giúp thế giới giàu lên và hạnh phúc. Không ít những người đi trồng cần sa đã chết vì cần sa.
Ước mơ biến „cỏ“ thành vàng chỉ là những ảo tưởng, vì nó không mở cho người ta đến chân trời tự do mà suốt đời phải sống như nô lệ cho một tập đoàn nào đó, phải sống ngoài vòng pháp luật, sống trong dối trá và cuộc sống hạnh phúc an bình mãi mãi chỉ là giấc mơ trên con đường này.
Phải, cái nguy hiểm là khi người ta phải sống trong xã hội dối trá và tin theo những lời dối trá, để
từ từ tự lừa dối chính bản thân mình.
„Anh chàng học nghề trẻ tuổi ( Santiago) ngỡ ngàng hỏi:
„ Điều dối trá lớn nhất trên thế gian này là gì ?“
„Vào một lúc nào đó, trong cuộc tranh sống, chúng ta đã đánh mất quyền mình có,
để trao thân cho số mệnh dẫn dắt . Đó chính là điều dối trá lớn nhất thế gian này„
( Nhà luyện kim, Paulo Coelho)
“Welches ist denn die größte Lüge der Welt?”, fragte der Jüngling überrascht.
“Es ist diese: In einem bestimmten Moment unserer Existenz verlieren wir die Macht über unser Leben, und es wird dann vom Schicksal gelenkt. Das ist die größte Lüge der Welt!”
(aus “Der Alchemist”, Paulo Coelho)
Có lẽ chỉ có thể hiểu hết ý câu này, khi chúng ta liên kết nó với bí quyết của nhà Luyện Kim qua câu nói:
„Vận hành vũ trụ luôn khiến những giấc mơ biến thành hiện thực. Hay nói cách khác, bí quyết của những nhà luyện kim có thể biến chì ( giấc mơ, không có giá trị ) thành vàng ( hiện thực, có giá trị) là việc thực hiện được những gì chúng ta đã hoạch định riêng cho mình.“
(„Das ganze Universum wirkt darauf hin, dass aus Träumen Wirklichkeit wird. Mit anderen Worten: Das Geheimnis der Alchemie, Blei (Träume) in Gold (Wirklichkeit) zu verwandeln, ist die Erfüllung des persönlichen Lebensplans.)
Theo tôn giáo, sự vận hành vũ trụ sẽ do một đấng toàn năng định đoạt, Ngài đã luôn bảo chúng ta
“Hãy gõ thì cửa sẽ mở“ và luôn bên cạnh chúng ta trong những bước khó khăn.
Nhưng chọn riêng cho mình con đường nào, cánh cửa nào ( như cánh cửa của thùng xe đông lạnh) vẫn là do chính chúng ta quyết định.
Khi chúng ta không nhận thấy rằng, con đường đó do chính ta quyết định, mà đi phó mặc nó cho số phận, thì cũng là lúc chúng ta đã tự lừa dối mình.
Nói rõ hơn, điều dối trá nguy hiểm nhất thế giới, chính là khi chúng ta tự lừa dối mình, để nuôi dưỡng ảo tưởng, chạy theo ảo tưởng.
Đó có lẽ cũng là câu giải thích, tại sao một số người chọn con đường đi qua Anh bằng các xe Container đông lạnh.
Ảo tưởng không là ước mơ, vì ước mơ bắt đầu từ những con đường có thể dẫn đến đích, còn ảo tưởng thì không bao giờ.
Đấng quyền năng luôn giúp chúng ta trên con đường tranh sống, nhưng con đường nào thì phải do chính chúng ta quyết định. Con đường thiện sẽ dẫn đến kết quả là một cuộc sống tốt đẹp hạnh phúc, những con đường phi pháp luôn dẫn đến cuộc sống đầy mặc cảm tội lỗi, không cho cuộc sống hạnh phúc, dù người ta có sống giàu sang đi nữa.
Kết thúc quyển truyện Alchimist là sau nhiều cuộc hành trình vất vả, gian truân đi tìm một kho báu tại vùng sa mạc xa xôi nguy hiểm, chàng trẻ tuổi Santiago đã quay về quê hương và tìm được kho báu tại nơi chàng đã rời bỏ ra đi.
Nhưng kết thúc cuộc hành trình ảo tưởng của những người Việt Nam đi tìm kho báu tại nước Anh, qua việc trồng „cỏ“ không đơn giãn là khi họ tỉnh giấc ảo mộng, sẽ quay về với mảnh đất cha ông, để trồng thanh long, trồng nho, trồng tỏi hay đánh cá…
Những khả năng có thể làm giàu đơn giản và rất hiện thực đó, đã không còn nữa trên quê hương họ. Những kẻ dẫn mối, kẻ tạo cho người dân ảo tưởng làm giàu trên xứ người, trước đó đã cướp đi công khai những mảnh đất cuối cùng của dân. Những kẻ hô hào đẩy người dân đi tìm kho báu nơi xa xôi, đã cấu kết với công ty Formosa làm chết hàng trăm ngàn cây số bờ biển Việt Nam. Trên đất nước nổi danh „ nhiều cá tôm, rừng vàng biển bạc“ nay chỉ còn những vùng biển chết, rừng trụi cây và nguồn nước uống hàng ngày bị nhiễm độc.
Một khi lâm vào con đường tuyệt vọng, người ta thường bám víu vào những ảo tưởng để thoát ra hoàn cảnh tuyệt vọng. Những người dân xứ tôi đã lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng, khi cả nước Việt nam sau ngày 30.04.1975 bắt đầu đi theo một Ảo tưởng lớn nhất của nhân loại, ảo tưởng xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội hay Chủ nghĩa Cộng sản.
Từ rất lâu và cho đến nay, trên khắp nước Đức đã có vô số sách báo viết về Chủ nghĩa Marx và Chủ nghĩa CS, cùng nhiều cuộc thảo luận, để người ta đi đến kết luận, đấy là chủ thuyết ảo tưởng, không tưởng, không thể thực hiện được.
Bìa quyển sách Chủ nghĩa Xã Hội, cơn Ảo Tưởng kết thúc,
tác giả Hans Giger- Willy Linder.
Núp dưới tấm bình phong của Chủ nghĩa Marx ảo tưởng, một chế độ độc tài, hành xử như Mafia
( luật rừng) và tàn bạo hơn bất cứ chế độ nào của xã hội loài người, với tội ác diệt chủng, giết chính đồng bào, đồng chí của họ, đã được tạo dựng và thực hiện „ thành công „ trên nhiều quốc gia.
Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn đã nói
Người ta nhận ra đó là chế độ Marx xít khi ở đó
những tội phạm được dung dưỡng và
những đối thủ chính trị bị biến thành kẻ phạm tội.
( Mời đọc thêm bài viết Chủ nghĩa CS luôn là hiểm họa của loài người
https://tiengquehuong.wordpress.com/2017/08/15/chu-nghia-cs/ )
„Một thiên đường CS“ thực tế đã có ở Việt Nam, với những người đang nắm quyền lực.
Họ là những người đang được hưởng cuộc sống„ làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu“.
Năng lực của những người điều hành đất nước Việt Nam hiện nay đã được biết với những câu nói ngu ngơ, suy nghĩ dốt nát của các bộ trưởng, đại biểu quốc hội..vv..
Và nhu cầu của họ thì vô biên qua những khoe khoan ( vì không muốn giấu diếm nữa ) các tủ áo quần, những chuyên cơ được xử dụng tới lui shopping xứ người, những món ngon vật lạ âm thầm hàng ngày hưởng thụ.vv…
Sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ, cùng với hàng loạt các nước khác ở Đông Âu hàng triệu người dân đã được giải thoát khỏi ảo tưởng „ thiên đường CS“ để đối đầu với cuộc sống thực tại bằng chính khả năng của mình. Điều này không phải dễ dàng, khi họ đã sống trong ảo tưởng, sống trong xã hội „ bao cấp“ quá lâu. Nhưng dần dần tất cả đều nhận thấy, xã hội có dân chủ, dân quyền, phân quyền tam lập là xã hội cho họ nhiều điều kiện nhất để họ có thể biến giấc mơ thành hiện thực, không phải sống với ảo tưởng.
Cảnh 39 người VN bị chết ngạt trong xe Container đông lạnh khiến người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh những người Do thái bị đẩy lên các xe Container, để rồi bị chết hàng loạt vì hơi ngạt thời Hitler.
Đến nay có nhiều quyển sách cho thấy, có nhiều điểm rất tương đồng giữa chế độ Phát xít và chế độ CS. Cả hai chế độ này đều cùng hô hào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chia rẽ, phân biệt các nhóm dân trong cộng đồng và rất độc tài , tàn ác qua các tội ác diệt chủng .
( Mời đọc thêm bài viết Đồng chí phát xít : https://tiengquehuong.wordpress.com/2012/09/30/dongchiphatxit/ )
Ngày xưa khi bắt được người Do thái tụi phát xít Đức đã lấy dấu sắt nung đỏ đóng vào trán họ,
dấu vết hằn sâu suốt đời để họ không cách gì trốn chạy vì dễ bị nhận diện. Ngày nay tại Hồng
Kong côn an Tàu cộng đã xâm vào tay những người biểu tình bị bắt những con số đánh dấu.
Dù có ý xóa những số này, dấu thẹo để lại vẫn đánh dấu họ suốt đời là những tên“ phản động“.
Nếu như ngày 09.10.1989 là ngày mở cánh cửa tự do cho hàng triệu người dân Đông đức,
thì ngày 30.04. 1975 lại là ngày một bức tường ngăn cản tự do bao trùm lên đất nước Việt Nam, từ
Bắc chí Nam. Không chỉ có hàng rào cản bước chân tự do ra xứ người ở các cửa hải quan, mà khắp nơi quyền tự do ngôn luận, quyền tư hữu, quyền cơ bản đòi hỏi có cuộc sống bình an, môi trường lành mạnh, quyền yêu đất nước, quyền chống ngoại bang đều bị bóp nghẹt .
„Trong đoàn người lữ hành, nhà luyện kim thuật lại câu chuyện mà ông đọc được dọc đường. Đó là dị bản về truyền thuyết hoa thủy tiên. Điểm độc đáo trong dị bản này là cái hồ nước, nơi Narcissus rơi xuống và chết, đã không khóc vì chàng trai đẹp, mà hồ nước buồn vì từ nay không còn nhìn thấy vẻ đẹp của chính mình phản chiếu trong đôi mắt chàng trai trẻ.“
Đoạn viết trên có thể làm đúc kết cho bài viết về số phận của những người Việt Nam đã chết trên đường đi thực hiện ảo tưởng của mình tại nước Anh. Họ xuất phát từ những nơi mà ở đó những kẻ trực tiếp gây ra cái chết của họ đã không hề nhỏ giọt nước mắt tiếc thương cho họ, có chăng là lo sợ về đường dây buôn người bị đổ bể, lo sợ bộ mặt đẹp đẽ của „những làng triệu phú“ sẽ bị bóc trần và một lượng ngoại tệ sẽ không được chuyển về Việt Nam như dự tính.
Từ đó cho thấy, con đường duy nhất để người dân biến ước mơ thành hiện thực ở Việt Nam đầu tiên phải là từ bỏ những ảo tưởng đã có ở xã hội Việt Nam, không tự lừa dối chính mình, để cùng đứng lên quyết định con đường mình đi, chứ không để bất cứ đảng phái, hay nhóm người nào dẫn đường.
Munich. 11.11.2019
Dương Hoàng Mai.