Thế Giới Hỗn Loạn

David Brooks. Xã luận của New York Times

Phạm Hồng-Lam dịch theo bản dịch Đức ngữ,
Die Zeit, ngày 05.12.2019.

Thế giới đang trong cơn hỗn loạn, quý vị có để í điều này không?

Ở Iran, trong khi người dân la hét: “Giết tên (đạo trưởng) Chamenei”, thì chính quyền bắn chết hàng loạt người biểu tình và khóa chặt lối vào Internet. Ở Hồng-công, Warschau, Budapest, Istanbul, Moskau và Malta người dân xuống đường, để bảo vệ các quyền dân chủ. Ở Pakistan, Indonesien và Ả-rập Sau-đi người dân nổi giận; ở Libanon, Bolivien và Irak dân chúng lật đổ chính quyền.

Đạo trưởng Hồi giáo Ayatollah Sejjed Ali Chamenei

Từ 1989 chưa bao giờ những bất ổn trên khắp thế giới lại mạnh như hiện nay. Diễn tiến này mạnh hơn cả chục lần việc đàn hạch luận tội Donald Trump – nhưng hai đề tài này có liên quan với nhau.

Hạt mầm của những bất ổn ngày nay khởi đi từ cách đây ba mươi năm, với sự tan rã của Liên-Bang Sô-viết, với sự mở rộng của toàn cầu hóa và những biến cố khác trong những năm tháng đầy biến động đó. Đó là thời kì nở hoa của chủ nghĩa tư bản dân chủ thông thoáng, của chủ nghĩa bảo căn thị trường, của câu truyện “Lịch sử kết thúc”.

Giờ đây tất cả chúng ta đều biết điều mà nhiều người trong chúng ta trước đây không muốn thấy: chủ nghĩa tư bản dân chủ toàn cầu hóa sẽ tạo ra một phản ứng chống lại. Nó tạo ra những đụng độ kinh tế và văn hóa giữa những người thành thị học thức được hưởng lợi nhờ toàn cầu hóa và những thành phần thôn dân bị thiệt thòi nặng nề. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa quá phiến diện về mặt tâm linh; nó quá đặt nặng thế giới đại đồng và mất gốc. Nhiều người cảm thấy bị đẩy ra khỏi nền văn hóa quen thuộc của mình.

Phản ứng chống lại mang tính dân túy trên thế giới diễn ra dưới nhiều hình thái khác nhau. Ở Trung và Đông Âu Châu nó xuất hiện dưới dạng những ông thủ lãnh quyền thế với những lời hứa nặng tính bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa. Victor Orbán ở Hung; Wladimir Putin ở Nga, Đảng Luật Pháp Và Công Lí ở Ba-lan. Ở Châu Mĩ La-tinh nó xuất hiện như là “pink tide” và đã đưa những người dân túy cánh tả như Hugo Chávez và Nicolás Maduro lên nắm quyền. Trong các vùng dân Anglo-saxon nó xuất hiện dưới dạng chủ nghĩa dân tộc da trắng của Donald Trump và Brexit ở Liên Hiệp Vương Quốc, dưới dạng chủ nghĩa bảo căn hồi giáo ở Trung Đông. Ở Trung-quốc, chủ nghĩa độc tài gia tăng của Tập Cận Bình; chủ nghĩa dân tộc ấn giáo ở Ấn-độ của một Narendra Modi.

Ở một số nơi làn sóng dân túy đang âm ỉ. Ở Pháp với phong trào áo vàng đi tiên phong; và ở Chi-lê dân chống đối vì cảm thấy bị chính quyền bỏ rơi về mặt kinh tế. Cùng lúc, ta thấy những người dân túy tuy nắm được quyền, nhưng chẳng giải quyết được gì về những lời hứa của họ. Ở nhiều nơi, ta thấy giờ đây lại nổi lên những cuộc chống đối lại các chống đối trước đây – lớp trung lưu thành thị chống lại những người dân túy.

Vấn đề cốt lõi mang tính kinh tế. Chính sách kinh tế dân túy theo tả hay hữu phái đều tàn phá sự phát triển. Venezuela là một trường hợp phá sản về kinh tế. Ở Mễ, chính sách dân túy tả phái của Andrés Manuel Lopèz Obrador đã khiến tiến trình kinh tế đang lên phải dừng lại. Nhìn chung, Quỹ Tiến Tệ Quốc Tế (IWF) tiên đoán, chỉ số phát triển kinh tế của Châu Mĩ La-tinh chỉ còn 0,2%.

Ở Libanon chính quyền chỉ tạo được 3000 công ăn việc làm mỗi năm, trong khi đó quốc gia cần tối thiểu 20.000 công ăn việc làm mới mỗi năm, cùng lúc nợ quốc gia tăng một cách khủng khiếp. Cuộc chiến thương mại giữa Trump và Tập đã làm cho động năng kinh tế của Hoa-kì khựng lại. Việc chấm dứt đổi mới thị trường của chủ tịch Tập gây nên sự ngưng đọng phát triển kinh tế. Dưới sự cầm quyền của thủ tướng dân túy Imran Khan mức thuế ở Pakistan tăng vọt và lượng bán ra của xe hơn trong ba tháng vừa rồi suy giảm tới 39%. Khắp nơi trên thế giới lớp trung lưu thành thị cảm thấy bị bỏ rơi. Theo nhà báo Fareed Zakaria, IWF nhận định nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng “chậm lại đồng đều”.

Cùng với việc nắm quyền của các nhà dân túy là nạn tham nhũng. Trump muốn một có một cái “deal” cưỡng áp (Quidproquo) đối với Ukraine. Việc làm này không thua gì những thủ đoạn mà những tay dân túy trên khắp thế giới vẫn chủ trương. Tất cả họ đều hành động với í định phá vỡ những quy luật cũ – nhưng, như ta đã thấy, là chỉ để làm giàu cho họ và để bám giữ quyền lực.

Tổng thống Bolivien, Evo Morales, người vừa trốn khỏi nước, bị buộc tội muốn sửa đổi kết quả bầu cử. Thủ tướng vừa rồi của Libanon, Saad Hariri, thưởng 16 triệu đô-la Mĩ cho một mẫu áo quần lót (Bikini) mới, trong lúc dân của ông khốn khổ với miếng cơm manh áo. Ở Whasington công chức và nhân viên ngoại giao chống lại việc Trump phá hoại mọi quy điều vốn có. Theo kết quả của các cuộc trưng cầu dân í, khắp nơi trên thế giới người ta công nhận nạn tham nhũng đang lộng hành.

Các chính quyền dân túy – độc tài mất tính hợp pháp của chúng. Ở Hồng-công và Indonesia giới trung lưu thành thị nổi lên tranh đấu để bảo lưu các quyền tự do chính trị và xã hội của họ. Để khơi nguồn cho những cuộc nổi dậy đầy căm phẫn đó, lúc này đây chẳng cần gì nhiều. Ở Libanon chỉ cần một dự định tăng thuế WhatsApp. Ở Ả-rập Sau-đi chỉ cần quyết định tăng thuế các cửa tiệm ăn uống có hút ống điếu (Shisha-Restaurant). Ở Pháp, Simbawe, Ecuador và Iran chỉ cần việc tăng giá xăng; ở Chí-lợi chỉ cần tăng giá vé tàu điện ngầm.

Người biểu tình ở Iran bị xịt hơi cay.

Thế giới lúc này bất ổn và có thể phân rã bất cứ lúc nào. Qua tất cả những cuộc chống đối, ta nhận ra những sai lầm của cuộc toàn cầu hóa quá tự do – nhưng đồng thời cũng thấy rằng, chủ nghĩa dân túy không phải là biện pháp để thay thế nó. Và còn thêm một điều nối kết các cuộc nổi dậy trên đây: chúng không có thủ lãnh, không có những nhân vật với đặc sủng nổi bật. Do đó, sẽ thiếu thực tế, nếu ta chờ đợi những cuộc nổi dậy đó đi theo một chương trình hành động chính tri rõ ràng.

Nhưng câu hỏi lớn còn lại của chúng ta: Cái gì sẽ tới sau sự thất bại của chủ nghĩa dân túy?

Lãnh đạo của gần như tất cả các chính quyền trên đây đang đứng trước một nhiệm vụ vô cùng nặng nề: làm sao hình thành ra được một hợp đồng xã hội mới. Một hợp đồng xã hội khả dĩ làm thỏa mãn những gì đặc biệt mong muốn của cả tầng lớp học thức ưu tú thị dân lẫn của những tầng lớp lao động bên ngoài các thành thị.

Nhiều người đi theo lãnh đạo dân túy, là vì họ cảm thấy bị đe dọa và bỏ rơi do toàn cầu hóa. Cần phải làm sao cho họ thấy, là họ có thể sống được trong nền kinh tế số hóa đang tăng tốc. Và cũng cần giúp họ có lại được cảm giác đời sống của mình cũng được coi trọng như của các thành phần khác. Và với các thành phần ưu tú học thức thành thị, những thành phần hưởng lợi từ toàn cầu hóa, cũng phải làm sao để họ vững tin rằng, những quyền tự do dân chủ sẽ được bảo vệ, cũng như quyền họ được sống trong một xã hội mở, đa nguyên, đa diện và đa chủng tộc.
Tương lai sẽ nằm trong tay người nào tạo ra dược sự cân bằng xã hội đó.

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây: