Thuyền Nhân Việt Nam.
Nhật Tiến.
Kính anh Phan Nhật Nam,
Hôm qua,thứ Tư 17- 9-2014, tôi đã nhận được bài viết của anh qua Nhã Lan.
Vội vã đọc ngay trên screen và tôi rất vui mừng khi nghĩ rằng anh cũng đồng quan điểm với tôi đ/ v cuốn Đèn Cù. Tôi đã ngồi viết ngay một thư hồi âm, chờ hôm sau sẽ gửi đi. Tuy nhiên, sáng nay tôi print bài của anh ra giấy để có dịp đọc lại kỹ lưỡng hơn (tôi chỉ suy nghĩ cẩn thận được khi đọc trên giấy), và tôi nhận ra rằng bài viết của anh có vài điều khiến tôi phải suy nghĩ lại :
1) Anh cho rằng :
“ Đèn Cù của Trần Đĩnh đến năm 2014 mới được in ra. Quá trễ. Nhưng muộn còn hơn không bởi còn nhiều người, rất nhiều người vẫn tin rằng: Người cộng sản dẫu sao cũng là người việt nam (không thể có can đảm viết hoa vì không đủ nhẫn tâm đối với 90 Triệu Người Việt Nam hiện tại đang ở trong nước).
Tôi xin phép không thể chia sẻ với anh nhận định này, một phần vì lập luận mơ hồ thiếu bằng cớ chính xác tuy cũng có ý nói là rất nhiều người VN vẫn muốn nhân nhượng với Đảng CS.
Tôi thì cho rằng anh chỉ đúng 1 nửa : tức là rất nhiều người VN vẫn muốn nhân nhượng với Đảng CS.
Nhưng lý do “vì là người VN” như anh đưa ra thì không đúng. Bởi đó chỉ là những thành phần đang được hưởng thụ, đang có chức có quyền hoặc những thứ “chẳng hề quan tâm đến tình hình đất nước làm gì, cho rách việc”.
Hơn nữa khi anh nói : “đến năm 2014 mới được in ra. Quá trễ. Nhưng muộn còn hơn không bởi còn nhiều người, rất nhiều người vẫn tin rằng: Người cộng sản dẫu sao cũng là người việt nam”” như thể gián tiếp anh cho cuốn Đèn Cù là một liều thuốc nhiệm mầu, được in ra để lôi kéo thành phần nhân nhượng kể trên về với hàng ngũ dân tộc.
Nói như vậy thì biết bao tim óc của hàng ngàn hàng vạn người đã viết ra từ trước tới nay đều đổ xuống sông, xuống biển hết sao và phải chờ cuốn Đèn Cù mới có tác dụng.
Tù cải tạo sau 1975.
2) Đoạn anh lý luận “Đảng là Đảng Giả, Đảng không mạnh…Hồ Hàm….” tôi cũng không đồng ý vài điều qua những lập luận này. Bởi vì chúng nó không là giả chút nào, nếu có lúc phải thay tên đổi họ thì cũng chỉ như con tắc kè đổi mầu da vì nhu cầu chiến thuật thôi. Nhưng anh cũng đúng khi cho rằng chúng nó chỉ là tay sai của CS Quốc tế. Và chỉ cần như thế thôi, đất nước mình cũng đã điêu tàn dưới tay bọn chúng rồi, bất kể Giả hay Thật, Mạnh hay Yếu, và chẳng cần chờ tới khi có cuốn Đèn Cù xuất bản thì vấn đề này mới được đặt ra.
Xin kể với anh vài chi tiết thêm về cuốn sách này :
Tháng trước, báo Người Việt có gửi qua bưu điện tặng tôi một cuốn, bên trong kèm cái carte de visite của anh Phan Huy Đạt nói đại ý nếu tôi “Hứng thú” thì viết cho NV một bài giới thiệu.
Tôi đã đọc ngay cuốn này, và mới chỉ sau 3 chương đầu, mà nội dung toàn kể những chuyện về HCM, Phạm-v-Đồng- Trường Chinh, Võ –n-Giáp…thời kỳ còn ở An toàn Khu, tôi đã tự hỏi sao chúng ta lại cứ phải bươi cái đống rác này ra mà ngửi, trong khi chính những bọn này đã là thủ phạm gây nên biết bao nhiêu là tội ác tầy trời đối với toàn dân tộc trên tiến trình lịch sử cận đại ròng rã suốt bao nhiêu năm. Và cũng chính từ đó mà tôi nhận ra rằng, chúng nó không phải chỉ là những hình nhân bằng giấy chạy vòng quanh trong đèn Kéo Quân tháng Tám, mà đã là những tội đồ của dân tộc. Cho nên cái tựa sách “Đèn Cù” , một cách gián tiếp đã dán nhãn cho cái lũ này vốn chỉ là thứ Đèn Cù trò chơi con nít , một sự đánh tráo sự thật lịch sử một cách trắng trợn, và qua đó đã xem nhẹ trách nhiệm của đám này trước những tội ác tầy trời mà chúng đã tạo ra cho tòan thể dân tộc.
Cũng tại thời điểm đó (khi tôi mới đọc hết 3 chương đầu) thì ĐQAT có gọi điện cho tôi, hỏi ý kiến về bài viết của tôi, nếu tôi có hứng thú viết. Tôi đã trả lời Thái y hệt như tôi đã trình bầy ở trên. Và có thêm rằng, chỉ những người có tính lãng mạn lịch sử, thích chuyện cách mạng phiêu lưu nhưng chẳng hề dám nhúng tay vào nên mới ham thích những chuyện cách mạng kín kín hở hở, những an toàn khu với lều lán ọp ẹp nhưng gián tiếp tỏa hào quang lên các nhân sự chui ra chui vào (dù chúng nó bất kể đang âmmưu cái gì). Cái sở thích ưa nghe những chuyện “hậu trường” ấy (và thiếu ý thức chính trị) tất sẽ làm cho nhiều người háo hức tìm mua sách. Tất nhiên, nếu nhìn sự kiện theo con mắt lợi nhuận thì hẳn nó sẽ mang lại cho nxb một món kếch sù !
Tuần trước, ĐQAT có phát biểu về cuốn này nhân danh nhà xuất bản NV, trên đài RFA như sau :
1) ….những độc giả đã mua quyển sách Đèn cù mà chúng tôi có dịp gặp gỡ tiếp chuyện, thì họ đều thích thú ở quyển Đèn cù ở hai điểm chính. Điểm đầu tiên là về những sự kiện mà tác giả Trần Đĩnh đưa ra trong quyển này. Những sự kiện này thì có nhiều cái không xa lạ với người đọc, nhưng những nguồn tin khác thì thường là trích dẫn chứ không phải trực tiếp như tác giả Trần Đĩnh.
Tưởng sự kiện gì mới mẻ, quan trọng, ông Thái chỉ nêu được trường hợp bà Cát Hanh Long chết thảm trong cuộc CCRĐ và HCM là kẻ chủ mưu vì đã viết bài tố địa chủ dưới bút danh CB.
Bà Cát Hanh Long đã chết vì bàn tay của CS thì dù có thêm chi tiết xác của bà bị dầy nát vì áo quan chật hẹp cũng chẳng là một phát hiện ghê gớm gì làm thay đổi được lịch sử. Còn HCM ký bài báo “Địa chủ ác ghê” dưới bút danh CB thì cũng đâu phải là điều gì mới mẻ. Hơn 10 năm trước, trong hồ sơ CCRĐ của talawas thì trang mạng này cũng đã nói đến rồi !!
2) Thái nói tiếp : Một sự kiện nữa là từ trước tới giờ người ta hay nói ông Lê Duẫn, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam là người kiên quyết chống Trung quốc qua cuộc chiến tranh 1979. Nhưng theo tài liệu của Trần Đĩnh thì người ta thấy từ những năm 1950 thì Lê Duẫn là người hết lòng theo Trung quốc, ông Lê Duẫn có viết rằng Mao Trạch Đông là Lê Nin của phương Đông.
Ơ hay ! Lê Duẩn dù theo Nga hay theo Tầu thì mặc bu nó (và điều đó cũng đã làm chết cha cả cái dân tộc này rồi) can cớ gì mà độc giả phải vì thế mà “thích thú mua đọc Đèn Cù” cơ chứ !!!
3) Tiếp theo ông Thái ca tụng văn tài của Tác giả Đèn Cù : Một điều nữa là những nhà văn, những người cầm bút tại hải ngoại khi đọc Trần Đĩnh đều nói là rất tiếc ông sinh ra trong một đất nước chiến tranh như vậy, chứ bình thời mà ông dùng khả năng của mình để viết thôi thì ông đã trở thành một nhà văn lớn.
Vì ông có một văn phong rất đặc biệt không có người nào có cả. Ông có một văn tài mà những người cầm bút mà chúng tôi tiếp xúc ở quận Cam, miền Nam California đều thán phục.
Không biết ông Thái tiếp xúc với những ai cầm bút ở Quận Cam, Nam California để nghe họ thán phục văn tài của Trần Đĩnh, nhưng riêng cá nhân tôi thì trong Đèn Cù đầy rẫy những câu văn bất thành cú, rất nhiều câu cụt lủn, sai văn phạm khiến như người đọc nhá phải nhiều hột sạn đến phải nhíu mày, nhăn mặt.
Tuy nhiên, thôi thì cũng cảm thông đi, bởi đó chỉ là phần hình thức, trong khi nội dung mới là điều đáng kể. Mà phê phán về nội dung của ngòi bút Trần Đĩnh, tôi thấy anh Phan Nhật Nam đã nêu ra một nhận xét rất đáng kể :
“ Đấy là lối hành văn tuyên truyền chính trị dùng để viết báo Nhân Dân cơ quan ngôn luận trung ương đảng cộng sản; lối viết sách hô hào chiến đấu gọi là chống thực dân Pháp trước 1954 (cuốn Bất Khuất/Trần Đỉnh (?)); những chữ nghĩa gọi là chống đế quốc Mỹ trước 1975; chống Ngụy Quân-Ngụy Quyền kể cả sau ngày 30 tháng 4, 1975. Loại sách, báo có lời văn và nội dung sau nầy được những “liệt sĩ” Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc..lấy làm khuôn mẫu viết nên những lời khí thế:
“Thằng Mỹ như thế nào?Tôi muốn đâm lưỡi dao vào trái tim đen đúa của nó.. Nguyễn Văn Thạc. Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi. NXB Thanh Niên, VN, 2005”.
Hình ảnh và biểu ngữ tuyên truyền cho tội ác của Miền Bắc XHCN.
Tuy nhiên khác hơn đám văn công máu me được khai sinh từ Hội Nhà Văn Hà Nội/Hội Nhà Văn Việt Nam sau 1975, Trần Đĩnh cao hơn vì ông được dẫn dắt vào nghề viết bởi Tổng Bí Thư Trường Chinh, Đặng Xuân Khu, tay lý luận hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam. Tổng bí thư TC “giáo dục” anh thanh niên 21 tuổi Trần Đĩnh: “Làm báo phải phát hiện vấn đề. Đề xuất ý kiến.. Trường Chinh cầm bút giập đi chữ “nhật” thừa (Của bài xã luận có tiêu đề “Nhân ngày sinh nhật của Hồ Chủ Tịch”-Pnn ) rồi kéo từ đó ra ngoài lề bằng một đường thẳng mà anh cho tận cùng bằng một ốc sên, nói.. Chữ tắt nầy là chữ “d” của deleitur, tiếng La-tinh có nghĩa là xóa… Còn gì của bài học Tổng bí thư trực tiếp dạy tôi buổi ngu ngơ nhập môn?
Tinh thần không sùng bái, tinh thần được nhìn, phê phán xây dựng y như Tổng bí thư.. ĐC, Trg 23)
Trời đất! Cho phép chúng tôi được kể ra một so sánh.. Bài học nhập môn củaTổng bí thư Trường Chinh dạy nhà văn/nhà báo trụ cột Trần Đĩnh là việc làm hằng ngày của thợ sắp chữ (thường lả trẻ vị thành niên) và giới thầy cò của các báo và nhà sách ở Sài gòn, nơi Miền Nam trước 1975. Hoạt động nầy được xem như một nghề thủ công/sửa bản vỗ cho nhà in trước khi đem đi đăng báo, in thành sách. Đám trẻ thợ sắp chữ và giới thầy cò Sàigòn không hề cần đến một ông thầy gọi là tổng bí thư đảng cộng sản. “ Như thế là ít ra (có thể nhiều hơn), ở Quận Cam đã có 2 người từng cầm bút nhiều năm không “thán phục” văn chương của ông tác giả Đèn Cù, như ông Thái nói với thính giả đài RFA.
4) Sau cùng, cũng trong bài phát biểu trên, ông Thái kết luận rằng :
“ Theo những người đọc trong nước mà chúng tôi biết được qua mạng xã hội và blog thì cuốn Đèn Cù là một tư liệu quan trọng để cho người dân Việt Nam không còn một chút mơ hồ gì nữa về đảng cộng sản cũng như chính sách của họ đối với Trung quốc.” Ôi chao, thế những vụ lấn chiếm Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, đất Tục Lãm cũng như bản đồ hình Lưỡi Bò và những vụ đâm chìm tầu đánh cá của ngư phủ VN là chưa đủ thức tỉnh mọi người trong nước hay sao mà phải chờ cuốn Đèn Cù in ra thì mới “là một tư liệu quan trọng để cho người dân Việt nam không còn một chút mơ hồ gì nữa về đảng cộng sản cũng như chính sách của họ đối với Trung quốc.”
Tôi thật tình không hiểu điều gì đã làm cho người bạn trẻ mà tôi hằng quý mến (và đã từng cộng tác với nhau lâu năm ở tờ Việt Tide ấn bản cũ) nay đã thay đổi nhận thức để ăn nói lấy được đến như thế.
Thưa anh Phan Nhật Nam,
Tôi thấy anh đã sử dụng một từ ngữ tuy ngắn gọn mà rất xác đáng cho toàn bộ cuốn sách .
Sự Thật cuối cùng đến quá trễ!
Đúng vậy ! Trong ngần ấy năm đất nước bị tàn phá tan hoang, tác giả Đèn Cù đã làm gì cho những người tù cải tạo, cho thuyền nhân, cho dân oan mất đất và cho những người yêu nước bị cầm tù ?
Sau những Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo…. và biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà báo khác đã lên tiếng, tôi không hề nghe nói hay được đọc bài viết nào của ông Trần Đĩnh hết. Mãi cho đến nay, năm 2014, mọi sự trong đất nước đã tan nát và long khinh bỉ đám lãnh đạo Đảng CSVN tưởng như đã chín mùi, thì nay mới thấy Đèn Cù ra mắt và nó đang được tung hô như một tác phẩm cứu tinh dân tộc.
Như thế quả Đèn Cù là một hiện tượng muộn màng, và tuy muộn màng nhưng cũng đủ vang lên tiếng nói lẻ loi của tác giả nói với đồng bào cả trong lẫn ngoài nước đang đấu tranh cho tự do dân chủ rằng
“ Tôi cũng có mặt !”.
Thế cũng là tốt thôi. Nhưng cũng chẳng nên vì thế mà cung nghinh nó một cách quá đáng.
Thưa anh Phan Nhật Nam,
Tôi mong mỏi sẽ được đọc hết toàn bài của anh, và cũng mong anh sẽ viết sao để cho độc giả có thêm một tiếng nói khác về cuốn sách này.
Cầu chúc anh luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục viết đều.
Nhật Tiến,
Én Nhanh Nhẹn.