Tác giả “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” đã vĩnh viễn ra đi
Trần Phong Vũ
Tin tức từ Hải Phòng, Việt Nam gửi ra cho hay, nhà bất đồng chính kiến Vũ Cao Quận đã qua đời chiều tối hôm Thứ Ba 19-01-2021, thọ 88 tuổi.
Người lính già họ Vũ sinh năm 1933 tại Quảng Châu, Tiên Lữ, Hưng Yên, thường trú tại Hải Phòng. Ngay từ năm 1946, lúc mới 13 tuổi, ông đã xung phong làm liên lạc viên cho một đơn vị tự vệ Đông Khê, Hải Phòng. Hai năm sau, ở tuổi ông đã tình nguyên vào bộ đội, sau đó trở thành pháo thủ trong trận Điện Biên. Năm 1961, ông được kết nạp vào đảng cộng sản, ngụy danh Đảng Lao Động Việt Nam. Thủ đoạn gian dối, ngụy danh để che đậy cái đuôi chồn Mác-Lê này đã khiến đa số những người trẻ Việt Nam sau năm 45 đã lầm lạc đi theo cộng sản chống lại đất nước và dân tộc mà họ Vũ là một. Nhờ có nhiều chiến công, ông được nhập học trường sĩ quan.
Sau này với cương vị chỉ huy, có dịp quan sát, đọc sách báo, trao đổi quan điểm với bạn bè, ông bắt đầu nhận ra con đường sai trái của mình. Từ đấy ông bắt đầu có khuynh hướng chống lại chế độ. Ngày 01-9-1999, Vũ Cao Quận tuyên bố bỏ đảng khi thấy tướng Trần Độ, một thần tượng của ông bị đảng ngược đãi. Có thể nói trường hợp họ Vũ là một trong những trường hợp công khai thoái đảng được coi là sớm. Theo gương viên tướng họ Trần vốn là thủ trưởng của ông, Vũ Cao Quận khởi sự lên tiếng, đấu tranh bằng ngòi bút.
Ông làm thơ, dịch thơ, viết những bài chính luận thẳng tay công kích chế độ.
Vừa kỷ niệm 5 năm thành lập tủ sách, Tiếng Quê Hương nhận được bản thảo “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” của người lính già Vũ Cao Quận. Một năm sau (2006) tác phẩm ra đời, đã thu hút được sự quan tâm của độc giả khắp nơi, trong cũng như ngoài nước.
Sách trình bày trang nhã, bắt mắt. Bìa trước, ngoài nhan đề sách, tên tác giả, họ Vũ đã chọn hai câu do ông chuyển ngữ trong một bài thơ của Marat:
Người ta lớn, bởi vì ta quỳ gối!
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!
Bên dưới ông ghi: “Nhà thơ lớn Marat đã để lại những vần thơ cao cả thêm cảm hứng và lòng dũng cảm cho tôi để mạnh dạn viết tập sách này”.
Ngoài tản văn, bản thân ông cũng viết khá nhiều thơ.
Trong bài “Cựu Chiến Binh” có những c âu:
Thế sự bây giờ đa đoan lắm
Vui thì vui ít, khổ quá nhiều
Đồng đội lắm người gieo neo quá!
Bữa sáng chưa xong, chạy bữa chiều
—
Nhiều bác còn nghèo nơi ngõ nhỏ
Lắm kẻ nguy nga gác mấy tầng
Cửa hàng phố lớn là ai đó?
Công bằng xã hội thế này chăng?
Nghĩ tới thân phận mình, ông viết bài “Vô Đề” với những câu:
Cha tôi đã chết trong đau khổ
Mẹ tôi mất trí, xót thương chồng
Anh tôi liệt sĩ hồn vương vất
Tổ quốc này buông một chữ KHÔNG!
Bốn anh em ruột đều cầm súng
Xông lên góp sức diệt quân thù
Tháng Tám cờ sao bay rực rỡ
Cuối đời, buồn như lá mùa thu
Biết bao tướng tá rất oai hùng
Trận tiền sống chết tựa như không
Mà nay kiếm sống gian nan thế
Nhìn bạn mà thương đến não lòng
May có căn nhà bán cà phê
Hơn nhiều chiến hữu những miền quê
Chạy mánh, bơm xe và bán nước
Hoàng hôn hắt bóng lối đi về!
Trong một bài thơ dài “Nghĩ Vể Đảng” của người Lính Già họ Vũ có những câu:
Đảng đứng một bên, nhà nước một bên
Bí thư thành ủy, Chủ tịch ủy ban
Hai cỗ máy đè nặng dân khôn kể
Nội chính bên này, bên nọ công an
Cứ dăng dăng dinh thự khang trang
Một cổ hai tròng, người dân tội nghiệp
Đảng dạy dân: giữ tấm lòng liêm khiết
Sao nhận quà hàng triệu đô la?
Của tư bản vốn chẳng phải bạn ta
Người nhận là Tổng Bí Thư của đảng!
Về bầu cử đảng có khuôn bằng thép
Rất “tư do”, rất “dân chủ”, “khách quan”
Nhân danh Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam
Duyệt danh sách cho phép ra ứng cử
Ôi! thế l à bao nhiêu nh ân tài tứ xứ
Đảng loại ra rất đỗi tài tình!
Thời gian trôi như bóng câu qua cửa
Đảng cứ lụi dần chân lý trong tôi
Đau thắt đáy lòng, tôi muốn hỏi: Đảng ơi!
Sao lại thế: Đảng của mùa thu Tháng Tám?!
Trong đoản văn mang tiêu đề “Mấy giọt chữ năm Gà” in ở phần Phụ Lục “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, Vũ Cao Quận gợi lại cái tuổi 13 ngây thơ, ngờ nghệch nhưng không thiếu nhiệt thành, yêu nước của ông và cũng là của cả một thê hệ tuổi thơ Việt Nam đương thời. Ông viết:
“13 tuổi, với trí óc non tơ như một chiếc lá mới kịp xanh chồi đã bị cuốn theo cơn xoáy lốc biến thiên xã hội, chưa kịp hiểu nó là cái gì mà sau này gọi là ‘cách mạng mùa thu tháng tám’. Cái buổi ban đầu ấy khi được đọc lá thư hiệu triệu đồng bào Việt Nam của tác giả Nguyễn Ái Quốc –tuy chưa đủ tuổi để hiểu biết ông là ai- với tuổi thơ của một chú bé tiểu học trong đầu còn chứa đầy chuyện trinh thám, kiếm hiệp, dã sử… tôi chỉ nghĩ đến ông như một dị nhân kỳ tích bí ẩn. Đầy lòng kính trọng, vừa mơ hồ vừa vu vơ với rợp đường cờ đỏ sao vàng cùng bài Tiến Quân Ca hùng tráng, tôi thấy mình lớn lên như một trang hiệp sĩ.
Với khẩu súng gỗ do một ông thợ mộc ở trong đình Lạc Viên sản xuất bán cho lũ nhóc thời niên thiếu, dù chẳng ai triệu tập, tôi nghiễm nhiên trở thành chú liên lạc viên của Tự Vệ Đông Khê tự lúc nào, lũn cũn chạy theo người chỉ huy đầu tiên của đời tôi là anh Nguyễn Xuân Lâm con trai cả của nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà. Anh chưa kịp lập được chiến công hiển hách, vì ngay ngày đầu Hải Phòng chính thức thay mặt cả nước nổ tiếng súng chống Pháp để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, thì anh đã hy sinh như một người anh hùng ngay tại trận địa là bãi tha ma làng Cấm (Phường Gia Viên)….”
Câu chuyện về đoạn đường tình cờ trở thành liên lạc viên của Tự Vệ Đông Khê rồi xung phong gia nhập Bộ Đội, được kết nạp vào đảng cộng sản dưới cái mũ Đảng Lao Động Việt Nam, cho đến quá nửa đời mới mở mắt biết mình lầm… cũng là câu chuyện của không ít những tên tuổi khác. Chỉ riêng trong giới cầm bút cũng đã thấy những diện mạo quen thuộc như nhạc sĩ Tô Hải, LS Lê Hiếu Đằng, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự v.v…
Cũng trong phần Phụ Lục, Vũ Cao Quận đã công khai hóa lá thư bỏ đảng được mệnh danh là “Giấy Xin Ra Đảng” của ông. Mở đầu họ Vũ viết:
“Tôi là Vũ Cao Quận, 66 tuổi nhập ngũ (01-9-1948), là đảng viên có 38 tuổi đảng. Ngay từ giờ phút này , tôi tự coi tôi là người ngoài đảng, nên tôi không dám dùng hai chữ ‘đồng chí’ thiêng liêng nữa.
Thưa các bác trong chi bộ.
Trước một quyết định quan trọng của một đời người trong giấy xin ra đảng này, tôi xin phép chi bộ cho tôi được trình bày một số suy nghĩ và lý do xin ra đảng của tôi.”
Trước hết, ông cho hay, ông xuất thân trong một gia đình được gán cho là thuộc thành phần “lớp trên” (ý nói không thuộc giai cấp bần cố). Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu “cách mạng”, cả bốn anh em ruột ông đều xung phong nhập ngũ để:“trực tiếp chiến đấu và tất cả đã hoàn thành nghĩa vụ với Quân Đội, với Tổ Quốc, trong số 3 người là đảng viên và anh ruột là liệt sĩ đã hy sinh năm 1954”
Ông cũng đề cập căn nguyên khiến ông hết lòng xả thân chiến đấu vì lòng yêu nước chứ không phải vì chủ thuyết Mác-Lê, một chủ thuyết mà theo ông:“cho đến nay chưa bao giờ tác động đến mọi nỗ lực trong cuộc đời chiến đấu và phẩm chất đạo đức của tôi”.
Đề cập lý do khiến ông xin ra khỏi đảng, ông viết:
“Mới đây nghe tin ông Trần Độ, thủ trưởng cũ của tôi, một vị lão thành Cách Mạng từng bị tù đày dưới thời Thực Dân Pháp trước 1945, chính ủy Sư đoàn 312 anh hùng, phó chỉ huy Quân Giải Phóng miền Nam, Ủy viên Trung Ương Đảng nhiều nhiệm khóa, đã bị khai trừ khỏi đảng chỉ vì những điều tâm huyết của ông nói với Đảng.”
Ông tiếp: “Tiếc thay một đảng vĩ đại sau khi giành được chính quyền rồi mà nỡ ‘được chim bẻ ná, được cá bẻ câu’ thiếu lòng sắt son chung thủy tình đồng chí, tôi thẩy chẳng còn lý do gì ở lại trong đảng nữa…”
Nhân đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài “Vĩnh Biệt Người Lính Già Vũ Cao Quận của cố Phạm Thanh Nghiên một cựu Tù Nhân Lương Tâm và là tác giả tác phẩm hồi Ký song ngữ “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” cũng do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành.
Trân trọng
Trần Phong Vũ.