Dương Hoàng Mai
Bản tin ngày 27.01.2021 ( từ Munich- Đức ) với hình chú chó đen bị cán vào chân và tòa xử phải bồi thường 20.000€, để trả chi phí bác sĩ, thuốc và tập Physiotherapie ( cho chân hoạt động lại ) được đưa lên, không phải từ hội yêu súc vật, mà tin xử về vi phạm luật giao thông. Số tiền đền có lẽ tính luôn cả tiền thiệt hại những ngày chú chó không làm nhiệm vụ canh gác và phải thế chú chó khác hay người khác để canh giữ nơi đó.
Qua hình chụp chú chó đen trông thật đáng yêu, dù có hơi đen..!
Lại nhớ đến vừa qua một bạn FB ( Le van Quy ) đã đưa tin về giống gà đen Ayam Cemani rất hiếm quý ở Indonesien, có giá mỗi con khoảng 2.000usd trở lên…Giống gà này không chỉ lông đen, chân đen mà cả trứng của nó cũng đen..
Khi đưa tin về gà đen người bạn FB đã phải ghi hai lần rằng, không có ý gì „ phân biệt chủng tộc“ khi nhắc đến giống gà đen này.
Hiện nay chữ „ Đen „đã như một chữ „ kỵ húy“, dễ gây hiểu lầm không chỉ ở Mỹ?
Ở xứ có „Người phân biệt chủng tộc nổi danh thế giới „ , người mà dân Việt Nam hay dễu là có thể „ vừa hít , vừa le „, đề tài Phân biệt chủng tộc được nghe nói đến hằng ngày, khắp nơi, từ năm này qua năm khác. Nước Đức có lẽ là một trong những nước tích cực chống nạn Phân biệt chủng tộc từ lịch sử kinh hoàng mà họ đã phải trãi qua.
Cách đây đã lâu, ở Đức „Negerkuss“ „Mohrenkopf“, tên một loại bánh Schokolade mà khi cắn vào sẽ bị kem dính đầy quanh miệng, đã bị phản đối vì Neger, Mohr ( mọi đen ) có ý nghĩa kỳ thị.
Sau cái chết của anh George Floyd ở Mỹ, các cuộc thảo luận về Phân biệt chủng tộc cũng bùng nổ tại Đức, trong đó có chuyện bàn nên gọi „ Người da đen „ như thế nào để tránh bị hiểu lầm là kỳ thị.
Qua đó chữ „ Schwarze „ ( Da đen, trong đó chữ S phải viết hoa) được chấp nhận, còn chữ Da màu ( Farbigen) bị chối từ, do nguyên thủy nó xuất phát từ thời thực dân, họ đã dùng chữ này để phân biệt dân da trắng và dân bản xứ.
Tiếng Việt Nam rất phong phú, chó đen được gọi là chó mực, gà đen là gà ô..và rồi, ngựa ô, mèo mun, tóc huyền, mắt huyền.vv…
Nhưng Người da đen như được gọi chính thức là Dân Da đen ?
Màu đen đối với người Việt Nam kết liền với xui xẻo, huyền bí, tang tóc, khốn khó như „ Đời đen như mõm chó „, „ Số đen“, „ Kinh nước đen“…
Màu đen ở Âu châu thường để mặc cho tang lễ, nhưng „Chiếc váy đen kinh điển“ ( “ das Kleine Schwarze“ ) được nổi danh qua hình ảnh nữ tài tử Audrey Hepburn ( đã nhận 4 giải Oscar cho 4 phim bà đóng và nhiều giải thưởng nghệ thuật khác ), là chiếc áo mà các nhà thiết kế thời trang đã bảo, không thể thiếu trong tủ quần áo của phụ nữ .
( Vì nó luôn thích hợp trong các bữa tiệc, không sợ bị sai nhịp, hay lố ).
Riêng chiếc áo đen của Audrey Hepburn đã mặc trong bộ phim Frühstück bei Tiffany đã được đấu giá lên hơn nữa triệu đô la.
Sách viết về đề tài Phân biệt chủng tộc có cả ngàn cuốn trên thế giới, với nhiều câu chuyện lâm ly, đẩm nước mắt.
Trong đó chúng ta có thể nhắc ngay hai tác phẩm cổ điển, Túp lều của Chú Tom( Uncle Tom’s Cabin-Harriet Beecher) và Hãy để ngày ấy lụi tàn ( Let the day perish – Gerald Gordon )…
Tuần qua nhóm „Yêu văn chương“ của các bạn Đức gặp lại nhau online ( vì không thể gặp như thường lệ, do Coronavirus) đã giới thiệu quyển sách Homeland Elegies của Ayad Akhtar.
( Trong bản dịch tiếng Đức, tên sách được giữ nguyên tiếng Anh, DHM tạm dịch tiếng Việt là : Khúc bi ca của quê hương- sách dầy 368 trang.)
Tác giả sinh năm 1970, gốc người Pakistans, nhưng vẫn thấy mình là một công dân Mỹ chính cống, vì sinh ra và lớn lên ở Mỹ ( Milwaukee, Wisconsin).
Cha ông là bác sĩ chuyên về tim mạch, được làm bác sĩ trị bệnh tim cho Tổng thống Donals Trump và cũng là một người bạn của TT. Trump.
Quyển sách kể về cuộc đời tác giả, một người Hồi giáo ở Mỹ, sau ngày 9/11 đã phải gánh nhận nhiều phân biệt kỳ thị như thế nào. Truyện kể về những mâu thuẫn tư tưởng giữa cha và con, cũng như mâu thuẫn giữa và trong các nhóm dân Pakistan, Ấn độ và Châu Phi tại Mỹ. Cùng nhắc đến cuộc chiến ở Afghanistan, Osama bin Laden và các vụ khủng bố Hồi giáo gần đây.
Sách cũng có nhận xét về nền dân chủ Mỹ đã bị các „ ông thần tài chính“ nuốt đi như thế nào, và nước Mỹ bị chia rẽ như thế nào qua đề tài Phân biệt chủng tộc.
Quyển này được giới thiệu là quyển sách „ gối đầu giường“ của TT Barack Obama.
Về những quan điểm cá nhân của tác giả trong sách có nhiều ý kiến phê bình khác nhau, từ nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó ý nổi bật là quyển sách không phải là sách tự thuật (Autobiographie ) mà ghi là tiểu thuyết (Roman), như thế có những chi tiết không có thực, do hư cấu hay khó kiểm chứng, vì thời gian mơ hồ.
Hy vọng tương lai sẽ xuất hiện vài quyển sách kể về thời gian Coronavirus và Bầu cử Mỹ, của tác giả Việt, không chỉ kể về Người Da đen, phong trào Black Lives Matter ở Mỹ, mà còn về Người Việt Nam ở Mỹ hay ở nơi nào đó trên thế giới, đã được gọi là „ Quê hương thứ hai „ .
Mong sẽ là những quyển được viết khách quan, tránh đưa quan điểm phe nhóm, cá nhân, để độc giả bốn phương dễ chấp nhận hơn.
Chúng ta sắp đón mừng năm mới Tân Sửu, 2021, với con trâu là biểu tượng của Việt Nam đi liền với cánh đồng lúa vàng, biểu hiện một Năm mới no ấm, an lành, hạnh phúc. Mong được thế, và cũng mong dịch Corona sẽ chìm nhanh chóng vào lãng quên.
Munich 03.01.2021
Dương Hoàng Mai