THƠ VIỆT HIỆN ĐẠI 1900-1960 (I)

Quanh bản nháp phác thảo
THƠ VIỆT HIỆN ĐẠI 1900-1960
HỒI TƯỞNG VÀ ƯỚC MƠ
( I )

Uyên Thao, 1970

UYÊN THAO
Cuối năm 1956, tôi bỗng nẩy ra ý định viết về tiến trình thi ca Việt Nam thế kỷ 20 mở đầu năm 1900. Dù chỉ vừa tham gia sinh hoạt giấy bút 5 năm và tuổi đời đang ở độ mong manh kiến thức, tôi đã lao vào công việc trước không ít trở ngại, trong đó khó nhất là việc thu gom tài liệu và thời giờ đọc, viết. Hầu hết tài liệu đều tập trung ở Sài Gòn là nơi tôi chỉ thấp thoáng ghé qua do địa bàn của tôi thuở đó gói gọn tại vùng biên giới Việt – Miên từ Hồng Ngự – Châu Đốc tới An Giang – Kiên Giang trong khi cuộc sống lật đật thất thường khiến thời giờ luôn hạn chế.

Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua mọi trở ngại nhờ thiện cảm thân thương giúp đỡ từ rất nhiều người.

Tại Sài Gòn, không chỉ các bạn đồng trang lứa mà ngay một số đàn anh lớn tuổi trong giới cầm bút đã giúp thu gom sách báo cần thiết rồi đóng gói trao cho tôi mỗi khi tôi có cơ hội về thành phố.

Riêng bạn bè quây quần tại vùng biên giới đều luôn giúp đem theo vài tập sách, báo để bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, tôi vẫn có thể đọc khi điều kiện cho phép.

Đặc biệt tại hai thị xã Long Xuyên, Rạch Giá, có hai người bạn đã dành cho tôi hai căn phòng trống để cất tài liệu và nghỉ ngơi khi có điều kiện về các nơi này. Tại hai căn phòng nhỏ ấy, tôi đã qua nhiều đêm thức trắng để viết, chỉ chợp mắt khoảnh khắc lúc sáng sớm khi mọi người trở dậy lo cho một ngày mới.

Sau 4 năm, tôi hoàn tất bức chân dung phác họa dòng thơ tiếp nối dòng Thơ Việt Cổ Điển mà tôi định danh là Thơ Việt Hiện Đại qua 4 thời kỳ dựa theo các biến cố lịch sử :

– Giai đoạn Sơ Khai 1900-1930

– Giai đoạn Nền Móng 1930-1945

– Giai đoạn Phân Hóa 1945-1956

– Giai đoạn Chuyển Tiếp 1956-1960

Qua năm 1960, tôi chỉ còn một việc nhẹ là hoàn tất phần thi tuyển gồm 1000 bài thơ của gần 300 tác giả tiêu biểu trong 4 giai đoạn.

Từ giữa năm 1959, cuộc sống thay đổi dần giúp tôi có mặt thường xuyên hơn ở Sài Gòn.

Do đó, tôi đã có cơ hội gần gũi bốn vị đàn anh từng giúp tôi là các anh Triều Đẩu, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Nguyễn Hiến Lê. Anh Triều Đẩu tặng tôi mấy chữ “le critique des critiques”, nhưng nhắc tôi cần nêu rõ cơ sở định hướng cách nhìn, cách hiểu về thơ cùng cách định vị các thi gia để tránh gây thắc mắc do nhiều kết luận đưa ra.

Không dám coi nhẹ nhắc nhở của vị đàn anh mà tôi mến phục, tôi suy nghĩ và quyết định viết thêm một tập tóm lược toàn bộ nội dung bộ sách đã hoàn tất, ghi lại các luận cứ nền tảng khi tôi nhận định về tiến trình dòng thơ Việt từ 1900 tới 1960.

Gần 2 tháng sau, tôi thảo xong bản nháp tập sách.

Để bớt sai lầm, tôi thuê in ronéo 20 bản, trao cho một số bạn thân cùng các vị đàn anh để xin ý kiến trước khi bắt tay hoàn tất bản thảo.

Trong số ý kiến nhận được, tôi vẫn nhớ lời khuyên của anh Nguyễn Hiến Lê qua mấy dòng cuối lá thư dài bốn trang giấy. Anh cho biết một số điều anh không đồng ý với tôi, nhưng nhắc tôi nên giữ nguyên, vì theo anh, đó là cách hay nhất để thúc đẩy nỗ lực tiến gần đến sự thật do sẽ khơi gợi các ý kiến trái chiều rất cần có.

Tất nhiên tôi còn nhận thêm ý kiến của một số người khác và ba tháng sau, tôi hoàn thành bộ sách

Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 với 6 tập:

– 01: Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960, nhận định

– 02: Thi gia tiêu biểu giai đoạn Sơ Khai 1900-1930

– 03: Thi gia tiêu biểu giai đoạn Nền Móng 1930-1945

– 04: Thi gia tiêu biểu giai đoạn Phân Hóa 1945-1956

– 05: Thi gia tiêu biểu giai đoạn Chuyển Tiếp 1956-1960

– 06: Tuyển tập 1000 thi bản của gần 300 tác giả.


Sách dầy 488 trang – Ấn phí 25 usd.

Tôi đạt toàn dự tính vào cuối năm 1960 cũng là thời điểm mở đầu đưa tôi tới một khúc quanh đổi hẳn cuộc đời. Lúc đó, tôi đã có mặt ở miền Nam 7 năm nhưng chưa một ngày nào rời cảnh bấp bênh lận đận.

Cuối năm 1960 mức bấp bênh bất chợt gia tăng do vụ đảo chánh thất bại của đại tá Nguyễn Chánh Thi. Dù đi bên lề xã hội, tôi vẫn khó tránh tác động từ thời thế.

Lý do đơn giản là lúc đó tôi đang dạy môn Toán – Lý – Hóa tại mấy lớp đệ nhất cấp của trường Thái

Đức mà hiệu trưởng Nguyễn Thành Vinh lại bị bắt vì dính líu với đại tá Thi. Hậu quả hiển nhiên là bất kỳ ai liên hệ với trường Thái Đức đều rơi vào tầm nhìn của giới an ninh, trong khi tôi đang sống nhờ mấy tờ giấy giả và luôn chui lủi dưới các mái chùa.

Một cơ duyên hết sức tình cờ đã giúp tôi được đặt chân lên đoạn đường êm ả ngoài mức tưởng tượng.

Cụ thể là thuở đó, anh Paul Hiếu hàng tuần thường tới dự các buổi họp mặt văn nghệ tại nhà anh Nguyễn Đức Quỳnh. Đột nhiên một đêm anh bỗng nhắc tôi ngay hôm sau tới đài phát thanh Sài Gòn gặp giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh.

Thấy tôi ngơ ngác, anh giải thích tôi sẽ trở thành nhân viên đài Sài Gòn do anh đã sắp đặt xong.

Tôi càng ngơ ngác hơn, vì suốt 7 năm qua, tôi chưa hề có mảnh giấy tùy thân nên luôn phải che giấu tung tích.

Trước vẻ sững sờ tột độ của tôi, anh Paul Hiếu vốn là Ngô Trọng Hiếu đương kim bộ trưởng Bộ Công Dân Vụ lúc đó, nhắc lại như ra lệnh: “Sáng mai tới ngay đài Sài Gòn, xin gặp giám đốc. Khỏi nói gì nữa. Moa biết hết về toa rồi. ”

Giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh thuở đó là thiếu tá Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân mà tôi đã gặp qua nhiều sinh hoạt giấy bút mỗi khi có dịp ghé Sài Gòn.

Anh Ninh hơn tôi hơn mười tuổi nhưng luôn coi tôi như một bạn trẻ thân thiết.

Sáng hôm sau, tôi tới đài và được đưa vào phòng giám đốc gặp anh.

Anh nhắc tôi ngồi xuống và nói ngay:
“Lát nữa xuống phòng hành chánh, nói là moa đã tuyển toa làm nhân viên của đài rồi để họ làm thủ tục.”

Rồi anh nhắc thêm một câu ngoài hẳn tưởng tượng của tôi:
“Cứ nghĩ ra một cái tên gọi gì cũng được cho nhân viên làm giấy tờ và hẹn sẽ nộp chứng từ sau.”

Sáng hôm đó trở thành buổi sáng thần kỳ vì mọi sự xẩy ra với tôi đều như phép lạ.

Tôi vừa có việc làm với lương bổng vững vàng vừa chấm dứt tức khắc cảnh sống bên lề xã hội do đã nắm trong tay tấm thẻ nhân viên Nha Vô Tuyến có thể dùng bất cứ khi nào cần thay cho tấm thẻ căn cước mà tôi chưa từng có và chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có — dù cái tên ghi trên thẻ nhân viên vẫn là tên giả do tôi nghĩ ra khi bước trên mấy bậc cầu thang từ phòng giám đốc Nha Vô Tuyến xuống phòng hành chánh.

Buổi trưa, sau khi hoàn tất mọi thủ tục và nhận các giấy tờ, tôi lên lầu gặp lại anh Ninh.

Anh cười thoải mái cho biết tôi chỉ còn đúng một tuần lễ ở Sài Gòn để lo mọi thứ cần thiết.

Vì tuần tới tôi phải có mặt tại Ban Mê Thuột với vai trò phụ trách chương trình đài Tiếng Nói Cao Nguyên Trung Phần vừa dựng xong tại Ban Mê Thuột đang chờ khởi sự hoạt động.

Việc làm ngay lúc đó của tôi là mỗi buổi sáng phải tới đài Sài Gòn nghe các chuyên viên chỉ dẫn về mọi chi tiết công việc cùng cách thực hiện ra sao.

Dịp này, tôi được giới thiệu một bạn trẻ sẽ cùng tôi đi Ban Mê Thuột là Nguyễn Nghiệp Nhượng vừa gia nhập làng thơ. Tôi chưa từng gặp Nhượng nhưng chúng tôi gắn bó ngay như anh em một nhà.

Chuyện thơ văn đối với tôi không còn là vấn đề, tương tự cảnh ngộ bấp bênh lận đận kể như đã lùi vào dĩ vãng.

Đặt chân tới Ban Mê Thuột, ngoài Nguyễn Nghiệp Nhượng, tôi chỉ quanh quẩn với 4 người miền núi thuộc các sắc tộc Sedang, Koho, Jarai, Êđê là Y Phò, Cil Đinh, Nay Ju, Pierre Lem.

Mấy người này đều rành tiếng Việt, riêng Y Phò thạo tiếng Pháp và biết cả tiếng Đức vì từng sống ở Âu Châu. Năm đó Y Phò ở tuổi ngũ tuần và đặc biệt còn biết nhiều thứ tiếng Thượng nên tôi đặt ông vào vai phụ tá lo các chương trình Thượng ngữ kiêm thêm việc dạy tôi tiếng Thượng, khởi đầu là tiếng Êđê.

Công việc không nặng nhọc, nhưng chiếm hết thời giờ, nhất là tôi luôn nghĩ về sự tin cậy và tình thương mà hai anh Ngô Trọng Hiếu, Hà Thượng Nhân dành cho.

Tôi thấy tôi mãi mãi vô phương báo đáp tình thương đã nhận nên chỉ còn tự nhủ cố gắng tối đa trong công việc để khỏi phụ lòng tin của các anh ấy.

Mấy ngày cuối ở Sài Gòn, tôi được biết đài Ban Mê Thuột có khả năng phát sóng lớn chỉ thua đài Sài Gòn và mục tiêu hết sức quan trọng là chinh phục các sắc tộc miền núi do vùng cao nguyên đang là địa đầu xâm nhập của chế độ Hà Nội.

Nhưng trước mắt tôi lúc đó là đám sương mù dày đặc về cách sống và suy tư của toàn bộ người Thượng. Hiểu biết của tôi chỉ là con số không cực lớn nên tôi khó rời mối ám ảnh khi ngồi trước máy phát thanh, các nhân viên sẽ thoải mái đọc khác với bài viết do Y Phò đã kiểm tra. Bởi giả dụ tôi hiểu nổi tiếng Êđê thì vẫn điếc đặc trước các chương trình Koho, Sedang, Jarai.

Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, ám ảnh này được giải tỏa khi cả ba nhân viên Thượng đều trở thành bạn tôi và tôi có dịp biết thêm về cách ứng xử thường nhật của người miền núi.

Hôm đó, sau buổi phát thanh sáng, tôi rủ Y Phò về thị xã Ban Mê Thuột uống cà phê. Tôi chỉ rủ Y Phò vì đã biết nếu rủ hết bốn người, tôi sẽ phải uống 5 ly do mỗi người được rủ đều tức khắc “trả nợ.” Dù vậy, buổi uống cà phê cũng kéo dài hơn một giờ, sau phần “trả nợ” của Y Phò.

Suốt thời gian đó, tôi không thể rời mắt khỏi một bà già Thượng ngồi bệt trên vỉa hè ngay trước quán cà phê với bó trái cây lớn đặt trước mặt.

Tôi đã biết người miền núi vẫn mang đồ ra bán tại thị xã nhưng lạ lùng thấy bà luôn lắc đầu với người dừng lại chỉ bó trái cây hỏi mua. Khi bà lắc đầu với người thứ năm thì tôi phải nêu thắc mắc với Y Phò sao bà đem hàng ra chợ mà không chịu bán?

Y Phò bảo đó là chuyện thường vì bà đem hàng ra chắc chỉ để trao cho người mà bà hẹn từ nhiều ngày trước nên ngồi chờ người đã hẹn. Y Phò nói thêm bây giờ có ai trả giá gấp nhiều lần bà cũng không thể bán, vì làm thế là “sai lời hứa, phạm tội với thần linh.”

Sự “sợ mắc nợ” của các bạn Thượng từng khiến tôi cười thích thú, nhưng tôi thấy phải cúi đầu kính nể trước bà già ốm yếu tả tơi kiên trì giữ đúng lời hứa.

Mối ngờ vực luôn ám ảnh tôi kể như được xóa hẳn, vì các bạn Thượng đều đã hứa làm đúng ý tôi và tôi có thể yên tâm bỏ việc học các ngôn ngữ Koho, Jarai, Sedang.

Ngay lúc đó tôi bỗng nhớ về hình ảnh bà mẹ trong lời ca bài Bà Mẹ Quê của Phạm Duy mà tôi từng nhắc khoảng 5, 6 năm trước tại Câu Lạc Bộ Văn Nghệ ở đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn.

Đêm đó, tôi vừa từ Châu Đốc về Sài Gòn, và tới đây được đẩy ngồi chung bàn cùng mấy văn nghệ sĩ lớn tuổi trong số có Phạm Duy. Mọi người đang nói về bài Những Nẻo Đường Việt Nam của Thanh Bình và Phạm Duy phát biểu: “Thằng này mà tiếp tục làm nhạc thì moa sẽ thua nó cả về nhạc lẫn về lời.”

Phát biểu của Phạm Duy khiến tôi vô cùng hứng thú vì Thanh Bình là anh họ tôi.

Thuở ở Hà Nội, trên căn gác nhỏ tại ngôi nhà số 35 phố hàng Bè, tôi đã qua nhiều đêm mải mê ngắm Thanh Bình ngồi bên ngọn đèn dầu, miệt mài viết và không lâu sau trở thành cây bút được mến mộ với hai tập truyện dài Gió Dập Mưa Vùi và Mình Còn Trẻ Lắm do Tia Sáng ấn hành.

Tôi càng phục Thanh Bình hơn khi anh sáng tác nhạc, nhưng tôi khó chịu vì lời ca Những Nẻo Đường

Việt Nam có hai từ “cộng quân” mà tôi cứ thấy sẽ hạ thấp bài ca:

Yêu là yêu, là yêu không bờ bến rồi

Sao cộng quân đành tâm chia đường cách đôi?

Tôi tự nhủ phải nói với Thanh Bình điều này nhưng chưa có dịp gặp lại nhau.

Vì thế, khi Phạm Duy nói dứt, tôi lập tức nêu sự khó chịu về hai từ “cộng quân” có thể gây hiểu lầm bài ca là sản phẩm tâm lý chiến, nặng tinh thần phe phái, sẽ hạ giảm tác động gợi nhắc tình yêu quê hương đất nước.

Ký giả kiêm kịch sĩ Lê Văn phản đối tôi, cho rằng hai từ “cộng quân” kích thích tinh thần chống Cộng trong quần chúng sẽ góp phần tạo điều kiện giành thắng lợi cho lực lượng quốc gia miền Nam. Lê Văn còn có bút hiệu Vũ Bắc Tiến vẫn luôn cổ võ định hướng nghệ thuật một chiều y hệt chủ trương của chế độ Hà Nội.

Trước sự im lặng của mọi người, tôi nêu hai điều mà tôi nghĩ là người cầm bút nào cũng cần lưu ý.

Thứ nhất, mục tiêu đấu tranh chính xác mà người Việt Nam đang theo đuổi là giành lại cuộc sống dân tộc bị cướp đoạt từ thế kỷ 19 và đang bị đày đọa bởi chủ trương độc chiếm quyền lực của chế độ Hà Nội.

Thắng lợi mà miền Nam phải giành chỉ là điều kiện để đạt mục tiêu đó. Từ đây, việc cần làm với người cầm bút là góp phần thúc đẩy tinh thần yêu nước thay vì phân biệt phe phái, bởi mục tiêu giành lại cuộc sống dân tộc rõ ràng không cho riêng người miền Nam mà cho hết thẩy mọi người đang sống trên lãnh thổ

Việt Nam, kể cả những kẻ u mê bị lừa gạt hoặc hèn mạt bị sai khiến đang chĩa họng súng vào chúng ta.

Tóm lại, cần tránh nhìn lệch chính nghĩa của mục tiêu để hạ thấp cuộc đấu tranh đang theo đuổi xuống hàng giành giựt hơn thua giữa phe này với phe nọ.

Thứ hai là về lời ca, tôi nghĩ những hình ảnh sống sẽ có tác dụng nhiều hơn mọi lời lẽ khẩu hiệu. Tôi nêu thí dụ cụ thể là tôi từng xúc động trước hình ảnh bà mẹ Việt Nam, một bà mẹ quê trong lời ca của Phạm Duy qua mấy lời giản dị
“miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy, nhớ bà mẹ quê xưa ấy.”
Từ hình ảnh này, tôi luôn thấy một bà mẹ đầy lòng nhân hậu kèm theo là lòng nhớ ơn của người đã nhận được chỉ một bát nước.

Tôi vừa dứt lời, Phạm Duy lập tức đập vai tôi nói lớn:
“Đúng rồi. Kể từ lúc này, tụi mình là bạn.”

Rồi anh tiếp: “Nhớ là phải mày, tao. Không mày tao, đéo chơi!”

Đây là lần đầu tiếp xúc với Phạm Duy nên tôi sững người về lối nói của anh.

Tôi càng sững hơn khi chính Lê Văn tán trợ Phạm Duy, nắm tay tôi lắc mạnh.

Nối sau là đạo diễn Thiếu Lang cũng bắt tay tôi.

Hai anh Lê Văn, Thiếu Lang còn lớn tuổi hơn Phạm Duy nên tôi chỉ biết đề nghị: “Các anh muốn xưng hô sao cũng được, nhưng xin cho tôi tutoyer thôi.”

Lạ lùng là chỉ ít ngày sau khi tôi nhớ về buổi tối đó, Phạm Duy bất ngờ xuất hiện tại đài Ban Mê Thuột. Anh được xe của Ty Thông Tin Darlac đưa tới cùng hơn hai mươi nhạc công miền núi mang theo đủ loại nhạc cụ. Phạm Duy bảo đang tìm hiểu âm nhạc miền núi nên cần trực tiếp nghe nghệ sĩ miền núi trình diễn.
Anh nhắc tôi dành cho anh một phòng vi âm và giúp ghi âm mọi buổi trình diễn có thể kéo dài hai tuần lễ. Anh cũng cần một người biết tiếng Thượng luôn ở bên cạnh để anh hỏi han các nhạc công những điều cần thiết.

Sự có mặt của Phạm Duy và đám nghệ sĩ miền núi vừa gây xáo trộn thời biểu làm việc của tôi vừa đẩy tôi trở lại cảnh mù mịt đã có về cuộc sống miền núi.

Những lúc ngắm Phạm Duy ôm cây đàn ghi-ta diễn lại từng đoạn nhạc mà đám nghệ sĩ miền núi vừa trình tấu, rồi hỏi họ điều này, điều nọ…, tôi không ngăn nổi thắc mắc về các chương trình phát thanh mà tôi đang thực hiện được phổ biến ra sao, tiếp nhận thế nào tại các vùng đất mà tôi chưa hề đặt chân tới, thậm chí còn không biết ở đâu.
Trong khi đó, tôi đoan chắc hầu hết người miền núi đều chưa biết đến chiếc máy thu thanh và toàn vùng cao nguyên chưa thể có điện.

Như vậy, sự góp phần thực hiện một nhiệm vụ quan trọng như tôi từng được nhắc có vẻ chỉ là ảo tưởng. Chúng tôi đang hướng họng súng lên trời và say sưa nhả đạn vào không trung!

Tôi nêu ngay ý nghĩ này với anh Hà Thượng Nhân, và qua điện thoại, đã nhận một câu trả lời đầy tự tin pha lẫn hài hước: “Mọi việc đã có người khác lo. Các toa cứ tiếp tục bắn lên trời đi.”

Câu trả lời không giúp tôi hết thắc mắc nhưng tự hiểu giới hạn vai trò của mình và thoải mái nghĩ về một lời nhắc mà Phạm Duy từng bất chợt đưa ra.

Vào ngày rời Ban Mê Thuột, anh bỗng hỏi tôi:
“Moa mới đúng là thi sĩ, sao sách của toa không nhắc đến?”
Gần hai năm trước tôi đã trao bản nháp tập nhận định về Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 cho Phạm Duy để xin ý kiến, nhưng anh vẫn nín thinh. Khi nghe hỏi, tôi nói anh đúng là thi sĩ nhưng chỉ làm nhạc thôi.
Lập tức anh hỏi tiếp: “Vậy sao không viết về nhạc?”

Câu hỏi ném ra khơi khơi theo cách nói bạt mạng của Phạm Duy cứ lởn vởn trong đầu tôi rồi trở thành câu hỏi nghiêm túc vào mấy tháng sau, khi tôi nhận cuộn băng ghi một số sáng tác mới của Phạm Duy do đài Sài Gòn gửi lên.

Tôi nghe nhạc Phạm Duy từ tuổi thiếu niên trong vùng kháng chiến và trước khi rời Hà Nội đi Sài Gòn gần như luôn bị hút hồn bởi bản Tình Ca qua giọng hát Thái Thanh.

Lúc mở cuộn băng vừa nhận, tôi ngỡ như mình đang ngồi bên đám lửa bập bùng giữa đêm đen dày đặc ở một buôn bản nào đó với âm vang dồn dập ngùn ngụt bốc lên xua tan bóng tối tràn ngập núi rừng.

Phạm Duy không chuyển hóa mà chỉ tái tạo các âm điệu đang quen dần với tôi cùng lời ca mộc mạc nhưng chứa một sức mạnh kinh hồn đập thẳng vào tim người nghe.

Cả bốn bạn Thượng đều buông bút, chống tay lên bàn nhìn cuộn băng khi lời ca cất lên:

Anh em ta… cùng mẹ cha… theo chuyện cũ

Trong tích xưa… khi núi non… còn mịt mờ

Xưa khi xưa… Mẹ đẻ ra… trăm cái trứng

Trăm đứa con…chung máu Tiên…cùng một giòng

Một đề nghị được đồng loạt đưa ra là phải cho phát ngay các bài ca này trên mọi chương trình.

Với riêng tôi lúc đó, câu hỏi của Phạm Duy từ mấy tháng trước bừng sống dậy: “Vậy sao không viết về nhạc?”
Rất nhanh, tôi thấy bên cạnh bộ Thơ Việt Hiện Đại 1900 – 1960 mà tôi vừa hoàn tất cần thêm hai bộ sách về văn và nhạc để lưu lại các chứng tích gợi nhắc sự cần thiết có mặt trong cuộc sống của hai bộ môn này. Thật lạ là giữa lúc tôi đang suy nghĩ tìm cách hình thành cụ thể dự tính thì nhận được lệnh trở về Sài Gòn.

Một tin vui cực lớn!

Tới lúc đó tôi đã xa Sài Gòn hơn một năm và vẫn nghĩ việc tôi lên Ban Mê Thuột là do hai anh Ngô Trọng Hiếu và Hà Thượng Nhân muốn giúp đưa tôi tới một địa bàn an toàn.

Như vậy, được trở về Sài Gòn, tôi không chỉ có cơ may trở lại với sinh hoạt giấy bút mà còn thấy cảnh bấp bênh nguy hiểm của tôi có thể đã qua rồi.

Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài.

Chỉ ba ngày sau, khi gặp anh Hà Thượng Nhân tại Sài Gòn, tôi lại nhận chỉ thị ra ngay Quảng Ngãi lo  một đài phát thanh vừa dựng xong.

Thế là cũng như hơn một năm trước, tôi chỉ có mặt tại Sài Gòn vỏn vẹn một tuần.

Mấy ngày ngắn ngủi này, tôi chỉ làm được một việc nhỏ là về căn phòng tại ngôi nhà của anh bạn Nguyễn Sỹ Hưng ở đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận, lôi hết đống bản thảo trong chiếc thùng thiếc ra phủi bụi, đặt trên góc bàn. Lúc ngắm tập bản thảo là lúc tôi nhủ thầm sẽ cố gắng tăng thêm độ dày bằng hai bộ sách về văn và nhạc.

Trên đường ra Quảng Ngãi, lần đầu tôi được biết về xe lửa và có dịp ghi nhận thêm nhiều hình ảnh Việt Nam khác hẳn những dòng sông luôn vang vọng dư âm giọng hò từ các thôn xóm ven bờ cùng những ngõ đất mịn màng mát rượi dưới bóng dừa tại miền Tây.

Đài Quảng Ngãi đã có bộ phận lo về chương trình và có thêm hai giọng nữ xướng ngôn kinh nghiệm từ Sài Gòn là Minh Tần, Song Hạnh nên công việc của tôi khá nhàn.

Tôi đã có thời giờ lên chùa Thiên Ấn tìm hiểu về lịch sử cùng con người đất Quảng và thường xuyên ghé vùng Sông Vệ để biết về lai lịch cùng đặc trưng món Mì Quảng, đồng thời tiếp xúc với nhiều giới địa phương. Do đó, một ngày có một cô bé khoảng mười bốn, mười lăm tuổi đã níu tay tôi đề nghị giúp cô được hát trên đài.

Thấy cô bé có giọng ca đặc biệt, nhất là cô sinh trưởng tại Quảng Ngãi nhưng phát âm chuẩn cả ba giọng Bắc – Trung – Nam nên tôi nhắc anh em giúp cô đạt mơ ước. Không ngờ mấy năm sau tôi lại gặp cô ở Sài Gòn với tư cách bạn đời của Nguyễn Nghiệp Nhượng và là nữ ca sĩ Hồng Vân tên tuổi lẫy lừng của ban Tam Ca Đông Phương cùng giọng ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn của Đinh Hùng.

Tôi ở Quảng Ngãi chỉ hơn nửa năm thì được lệnh ra Đà Nẵng. Đài Đà Nẵng hoạt động từ lâu, mọi việc đều có nề nếp nên hai tháng sau, tôi nhận một tin làm sống lại niềm vui đã bị dập tắt.

Đó là chỉ thị trở về Sài Gòn.

Cảnh lênh đênh của tôi thực sự chấm dứt khi anh Hà Thượng Nhân cho biết tôi sẽ về phòng Bình Luận, lo phần Thời Sự Cuối Ngày phát vào đêm khuya nên tôi chỉ cần có mặt từ 6 giờ chiều và trao bài thẳng cho xướng ngôn viên thay vì phải đưa qua ban kiểm duyệt như các bạn làm theo giờ hành chánh.

Lúc này là mùa Xuân 1963, tính ra tôi đã rời Sài Gòn 2 năm.

Dù vẫn thiếu tấm thẻ căn cước và hồ sơ hành chánh tại đài vẫn chưa có mảnh chứng từ nào, tôi không bận tâm về chuyện đó. Thêm nữa, tôi đã có một phòng riêng tại căn nhà của Nguyễn Sỹ Hưng để thực sự

an cư và có thể thoải mái theo đuổi mọi dự tính vì không phải đến đài trong giờ hành chánh.

Hàng ngày tôi đi quanh mấy tiệm sách tìm các tác phẩm chưa đọc hoặc chưa từng biết, đồng thời ghé qua tòa soạn mấy tạp chí tương quan từ lâu để trao bài viết hoặc gặp gỡ bạn bè.

Nhân đó, tại tòa soạn tạp chí Giáo Dục Phổ Thông lại xảy ra một chuyện dính tới bộ Thơ Việt Hiện Đại đã trở thành kỷ niệm khó quên.

Tại đây, mấy bữa trước tôi đã gặp Bùi Giáng và nghe anh hỏi
“viết về thơ Xuân Diệu chưa?”

Bùi Giáng biết tôi viết về thơ từ mấy năm trước nhưng anh luôn nghĩ tôi đang viết và luôn chỉ nghĩ tới thơ Xuân Diệu.

Tôi trả lời cho qua là sắp viết.
Anh lập tức dặn “viết về thơ Xuân Diện cần tuyệt thực để tịnh khẩu tịnh tâm” rồi dặn thêm
“nếu viết vào ban đêm không được mở đèn điện mà phải đốt đèn cầy.”

Tôi gật đầu do đã hiểu bạn, vì giữa hai chúng tôi từng xảy ra các bất đồng kỳ cục.

Bùi Giáng biết nhiều ngoại ngữ, ham đọc sách và viết bài thường trích các điều đã đọc. Anh trích mà không dịch nên có lần đọc bài của anh kèm nhiều đoạn tiếng Đức, tôi khó chịu nhắc phải dịch. Anh bảo “dịch là phản” nên tùy người đọc. Tôi nói người đọc như tôi còn không hiểu thì đa số người đọc khác làm sao hiểu.
Anh liền đập bàn nạt lớn: “Mày ngu mà làm biếng. Thằng con nít Phạm Công Thiện học được, sao mày không học?”

Tôi cũng như bạn bè đều hiểu không thể bàn cãi điều gì với Bùi Giáng nên chỉ biết cười tỏ vẻ theo ý anh.
Lần gặp lại này, anh lại nhắc về thơ Xuân Diệu và hỏi đúng câu hỏi mấy ngày trước.

Tôi đáp viết xong rồi. Anh hỏi tiếp “Có làm đúng lời tao dặn không?”

Tự nhiên tôi bỗng muốn nói ngược lại coi ra sao nên trả lời:
“Tao quên béng hết nên vẫn ăn uống và bật đèn điện như thường.”
Lập tức anh vùng bật dậy. Anh hét lớn, chụp chiếc máy chữ liệng thẳng vào người tôi.
Tôi né kịp thì chiếc máy chữ rớt xuống sàn xi măng bể nát.

Tổng thư ký tòa soạn Vũ Anh Tuấn vội lao ra đứng chắn trước tôi giữa lúc Bùi Giáng điên cuồng xông tới. May là Bùi Giáng kịp nhận ra Vũ Anh Tuấn nên tức tối la hét rồi bước ra đường.

Sự vụ ngưng tại đó nhưng sống mãi nơi ký ức tôi.

Việc viết lách quấn quanh tôi từng ngày qua các sinh hoạt vụn vặt như vậy, nhưng tôi lại không dễ đạt điều kiện cầm bút theo dự tính, dù đã có mặt ở Sài Gòn.

Vì đúng lúc tôi đang cân nhắc nội dung bộ sách về môn văn thì nổ ra vụ Phật Giáo biểu tình đổ máu tại Huế. Từng qua nhiều ngày nương tựa dưới mái chùa nên tôi vội lên chùa Sùng Đức ở Thủ Đức thăm hòa thượng Thích Đức Tuệ đồng thời để hỏi rõ về tình hình.

Tại đây, tôi thấy đang có mặt hầu hết môn đệ của hòa thượng gồm các thượng tọa Tuệ Hải, Tâm Châu, Độ Lượng, Thanh Long… Thượng tọa Tâm Châu kéo tôi ra một góc, nhắc rời chùa ngay và dặn thêm từ nay tuyệt đối không được bén mảng tới chùa nào.

Từ lâu tôi đã biết thời khoảng 1949-1950, thượng tọa Tâm Châu từng cùng giám mục Lê Hữu Từ lập Lực Lượng Võ Trang Liên Tôn Chống Cộng tại vùng Bùi Chu – Phát Diệm nên hiểu ngay thời gian tới sẽ khó khăn và thấy cần phải làm theo lời dặn.

Dù chưa gặp hòa thượng Đức Tuệ, tôi vẫn rời chùa Sùng Đức và suốt thời gian sau đó, không ghé chùa nào, kể cả chùa Quán Thế Âm kế cận nhà Nguyễn Sỹ Hưng mà tôi đang ở.

Hàng ngày, tôi tới đài Sài Gòn trong giờ hành chánh loanh quanh tại phòng thư viện.

Tôi cố gạt thời thế ra xa, vùi đầu vào sách vở giữa lúc Sài Gòn căng thẳng không khí biểu tình và như bốc lửa khi vị hòa thượng trụ trì chùa Quán Thế Âm là hòa thượng Quảng Đức tự thiêu.

Một đêm khuya, giữa lúc tôi đang ngồi trước bàn viết thì phía ngoài đột ngột vang lên tiếng đập cửa liên tục. Nguyễn Sỹ Hưng choàng dậy, bật đèn, ra mở cửa.

Tôi vừa nghe tiếng ồn ào dội vào thì ngay phòng tôi đã hiện ra một đám đông.

Một người mặc sắc phục cảnh sát tới hỏi giấy tôi.

Anh ta chỉ liếc sơ tấm thẻ nhân viên Nha Vô Tuyến do tôi trao, rồi ra lệnh:

– Đứng lên! Đi theo tôi!

Anh dẫn tôi ra cửa, chỉ chiếc xe đậu sẵn nói tiếp:

– Lên xe!

Dưới ánh đèn điện, tôi đọc ngay được số xe và nhận ra chiếc xe tôi đã thấy nhiều lần vào các dịp ghé gặp Nguyễn Tường Bá ở văn phòng luật sư Trịnh Đình Thảo. Tôi không tương quan gì với luật sư Trịnh Đình Thảo, nhưng bạn tôi, Nguyễn Tường Bá tập sự ở phòng luật của ông. Do đó, đã vài lần ông ngoắc tôi vào phòng hỏi vu vơ về thời thế.

Lập tức tôi nghĩ ông đã bị bắt và có thể tôi đang bị tình nghi dính dáng với ông.

Khoảng một giờ sau, tôi bị đưa vào một phòng giam bên đường Cộng Hòa đang có một người tù chính là luật sư Thảo. Ông nhìn tôi trân trân lúc cai tù mở cửa, nhưng khi tôi bước vào phòng thì ông lặng lẽ quay đi như không hề quen biết, nằm xuống ngủ.

Tôi dựa lưng vào vách, ngồi nghĩ quẩn quanh và thấy tôi không bị bắt vì dính với luật sư Thảo.

Kinh nghiệm tù cho biết không thể giam các tù nhân cùng vụ chung một phòng.

Một nghi vấn nổi lên: Vậy sao mình bị bắt?

Tôi lập lại câu hỏi này nhiều lần với thẩm tra viên vào các dịp bị hỏi cung.

Lời đáp tôi nhận được chỉ là những tiếng chửi tục tằn kèm theo các cú đấm đá hung bạo đã trở thành nguồn vui cho những kẻ óc heo, tim sói. Các lời đáp chỉ lưu lại trên thân xác tôi những vết đòn thù và  không bao giờ giúp tôi hiểu tại sao mình bị bắt.

Sau những ngày hỏi cung tăm tối đó, tôi luôn bị đổi phòng do lượng tù tăng dồn dập.

Đã nhiều đêm, ngoài số ít người may mắn được tựa lưng vào vách, chúng tôi đều phải dựa lưng vào nhau để ngủ ngồi vì không đủ chỗ nằm.

Đây là lúc tôi gặp lại nhiều bạn quen trong giới cầm bút như Hư Chu, Vũ Tài Lục, Lý Đại Nguyên, Trần Việt Hoài… và có thêm một số bạn trẻ sinh viên như Trần Đình Thọ, Vũ Văn Lê, Vũ Hà Anh, Đào Vũ Anh Hùng, Nguyễn Trọng Cảnh… đồng thời biết thêm vài điều về tình hình ở ngoài bốn bức vách nhà tù.

Rồi tôi lại đổi phòng và được đẩy vào căn phòng sát cửa ra vào.

Phòng nhỏ nhưng chúng tôi đã được nằm vì chỉ có 12 người. Một bạn thì thầm nhắc chúng tôi có thể sắp bị chuyển trại và không biết sẽ bị đưa tới đâu.

Chỉ mấy ngày sau, thắc mắc được giải đáp do chính một cai tù nói thẳng là chúng tôi “sẽ được đưa đi Côn Đảo trong tuần lễ tới.” Tiết lộ này khiến tất cả đều xám mặt vì thấy đang đối diện với một tương lai mù mịt kéo dài vô thời hạn.

Nhưng ngay hôm sau, tất cả lại vỡ òa niềm vui đắm mình giữa vùng ánh sáng chói chang.

Hôm đó chúng tôi bị mất phần ăn sáng do không thấy ai mang tới và cai tù cũng không xuất hiện.

Tất cả đều ngơ ngác nhìn nhau.

Càng hoang mang hơn khi bữa ăn trưa mất luôn và phía ngoài vẫn vắng lặng.

Đột nhiên mảnh sân trước cửa ra vào lố nhố binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, rồi một tiếng súng nổ chát chúa. Cánh cửa mở toang và toán binh sĩ tràn vào hành lang. Một binh sĩ nói lớn là chúng tôi sẽ được tự do khi họ tìm thấy cai tù để có chìa khóa mở cửa phòng giam.

Chúng tôi mất hai bữa ăn nhưng không còn nghĩ đến ăn.

Tối đó là một đêm không ngủ và sáng hôm sau, cửa phòng giam chúng tôi mở ra trước nhất.

Tôi được đặt chân trên đường phố Sài Gòn và nghĩ ngay tới sự trở lại với chiếc máy chữ điện ít ai thèm ngó tại đài Sài Gòn. Bóng dáng gian truân ám ảnh tôi suốt mười năm hoàn toàn tan biến.

Vùng sáng càng bừng sáng hơn khi phía trước tôi luôn hiện ra nối tiếp trên đường phố nhiều đám đông nhảy múa reo hò. Tuy nhiên, vùng sáng đó vụt tắt ngay khi tôi bước vào căn phòng nhỏ ở đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận.

Trước mắt tôi là chiếc bàn gỗ trống trơn.

Nguyễn Sỹ Hưng cho biết công an đã ôm đi toàn bộ bản thảo từ buổi tối tôi bị bắt.

Không riêng bộ Thơ Việt Hiện Đại 1900 – 1960 mà hết thẩy các trang viết tôi đem theo từ khi rời Hà Nội cuối năm 1953 cùng những gì viết trước năm 1956 tới sau năm 1960 đều không còn nữa. Ngày trở về bỗng trống vắng mênh mông vì các hình bóng thân yêu từng gắn bó chỉ còn là sương khói.

Dù vậy, tôi vẫn may mắn được trở lại với chiếc máy chữ điện quen thuộc tại đài Sài Gòn và càng may hơn khi thượng tọa Tâm Châu giúp chúng tôi có giấy phép xuất bản nhật báo Tin Sáng do Lý Đại Nguyên đứng tên chủ nhiệm. Tôi thực sự được gắn với sinh hoạt giấy bút nhưng xa cách hơn với dự tính về hai bộ sách nối theo bộ Thơ Việt Hiện Đại đã không còn dấu vết.

Rồi tai họa lại theo nhau kéo đến do diễn biến thời thế luôn đẩy chúng tôi vào cảnh phải đối đầu với những người đang nắm quyền.

Báo Tin Sáng thấy phải chống lại sự lạm dụng pháp luật chỉ nhắm vỗ về một tâm lý hận thù vô cớ qua các phiên xử Ngô Đình Cẩn cùng vài viên chức an ninh cũ tại Huế. Tờ báo cũng không thể câm nín trước các mưu toan đẩy tập thể Công Giáo vào thế đối kháng với tập thể Phật Giáo. Bởi không thể tìm sự an toàn cho bộ máy đương quyền bằng cách kích động sự phân ly đối kháng giữa các tôn giáo trong khi nhu cầu đoàn kết toàn dân đang là nhu cầu khẩn thiết trước hiểm họa mà chế độ Hà Nội đang phát động. Tờ báo đã trở thành cái gai trước mắt những người chỉ thấy địa vị quyền lực của riêng họ mới cần bảo vệ.

Cuối cùng, giọt nước tràn ly rớt xuống khi tờ báo phản đối việc chính phủ yêu cầu Mỹ đưa quân vào  Việt Nam, vì mục tiêu đấu tranh giành thống nhất đất nước và sự sống cho dân tộc đã vô tình bị biến dạng thành mục tiêu hơn thua phe phái trong khi chính nghĩa yêu nước bỗng được trao cho kẻ thù khai thác.

Tờ báo bị đóng cửa và nhóm chủ trương lập tức đối mặt với nhà tù. Riêng tôi còn nhận quyết định sa thải khỏi Nha Vô Tuyến với lý do “hoạt động chính trị.”

Nhưng tai họa không kéo dài nên chỉ vài tháng sau, tôi lại ung dung đặt chân trên đường phố và có việc làm mới là điều hành tuần báo Sài Thành.

Một buổi trưa, cựu đại úy phi công Nhã Điển đang là biên tập viên tin tức đài Sài Gòn đột ngột xuất hiện tại tòa báo. Nha Vô Tuyến lúc này đã đổi thành Cục Vô Tuyến và có tổng giám đốc là thiếu tá Vũ Đức Vinh tức nhà văn Huy Quang, tác giả tiểu thuyết Đôi Ngả xuất bản tại Hà Nội đầu thập niên 1950.

Nhã Điển nói thiếu tá Vũ Đức Vinh thắc mắc về việc tôi vắng mặt tại đài và khi được Nhã Điển cho biết lý do, đã nhắc Nhã Điển đi kiếm gọi tôi về ngay để tiếp tục công việc.

Phép lạ ngày nào đưa tôi vào đài phát thanh Sài Gòn lại tái hiện.

Trên thực tế, anh Vũ Đức Vinh chưa hề gặp tôi trước đó nên tôi chỉ có thể nghĩ tôi đã may mắn cùng cực khi các cơ duyên bất ngờ luôn đưa tôi tới bên các con tim nồng ấm tình người.

Nhưng tôi không được ngồi lâu tại phòng Bình Luận và còn phải từ bỏ công việc tại báo Sài Thành.

Bởi chỉ vài tháng sau, tôi bỗng được gọi lên gặp gấp tổng giám đốc.

Không úp mở, anh Vũ Đức Vinh cho biết Cục Vô Tuyến vừa chịu một tổn thất tại Vùng 2 Chiến Thuật: Đặc phái viên mặt trận Khuất Duy Hải mới tử nạn tại mặt trận Đức Cơ. Theo anh Vinh, cao nguyên đang là đầu cầu để chế độ Hà Nội đưa quân xâm nhập miền Nam nên phải theo dõi tin tức từng ngày từng giờ. Anh kết luận:
“Moa đã cân nhắc và thấy không có ai thích hợp để thay Khuất Duy Hải, ngoài toa. Bây giờ toa tính sao?”

Nét băn khoăn của anh Vũ Đức Vinh trước một cảnh nan giải khiến tôi thấy phải chia xẻ cùng anh.

Anh chỉ hơn tôi 2 tuổi nhưng chúng tôi cùng một họ mà theo cách nghĩ tôi luôn được nghe nhắc hàng ngày từ tuổi ấu thơ là “ba trăm năm trước cùng chung một mái nhà, cùng có một người cha” nên trong thầm lặng, tôi vẫn coi anh như người anh trong gia đình. Để anh hết ưu tư, tôi nói tôi đã quen với vùng cao nguyên và gần súng đạn từ lâu nên không thấy có gì trở ngại.

Thế là lúc Cục Vô Tuyến Truyền Thanh lo tổ chức tang lễ cho Khuất Duy Hải cũng là lúc tôi rời Sài Gòn bay lên Pleiku thế chân người vừa khuất.

Theo công việc đòi hỏi, mái ấm gia đình của tôi lúc này là các tiền đồn khắp vùng cao nguyên từ Ban Mê Thuột, Phú Bổn, Pleiku, Kontum tới duyên hải Trung Phần, nhưng lại đưa tôi về gần sinh hoạt văn, thơ và gần Sài Gòn hơn bao giờ.
Bởi ngay tại Pleiku, tôi luôn có ở bên cạnh các bạn thơ Diên Nghị, Tô Mặc Giang, Anh Hoa, Kim Tuấn… và tại Đà Lạt là những Hoàng Anh Tuấn, Châu Trị, Châu Liêm…
Đồng thời, tôi có thể về Sài Gòn bất kỳ lúc nào vì đã có tấm thẻ của Bộ Tổng Tham Mưu dành cho quyền ưu tiên dùng máy bay quân sự. Tấm thẻ còn ghi rõ tôi được phép mặc đồng phục của mọi binh chủng nên tôi đã gạt hết nghi ngại từng có trước các vụ chặn xét giấy tờ của cảnh sát hoặc quân cảnh.

Nhờ vậy, một buổi chiều cuối năm 1965, tôi có dịp về Sài Gòn, ghé chùa Giác Minh gặp thượng tọa Thích Đức Nhuận. Thượng tọa Đức Nhuận luôn lưu tâm đến sinh hoạt văn thơ nên vừa thấy tôi liền báo tin đã tìm lại được bản nháp tập nhận định Thơ Việt Hiện Đại 1900 – 1960 in ronéo mà tôi trao cho thượng tọa năm 1960. Thượng tọa nói chỉ cần sửa vài đoạn viết theo cách nói thông thường cùng các chữ sai chính tả là đã có một tác phẩm.

Do biết tôi bận việc ở xa nên thượng tọa bảo sẽ tìm người lo và cho ấn hành để giữ lại một tài liệu về sinh hoạt thi ca Việt Nam.

Buổi gặp gỡ không chỉ cho tôi niềm vui thấy một chút hình ảnh cũ đã hoàn toàn mất dấu mà còn tạo cho tôi một kỷ niệm khó quên. Đó là thượng tọa Đức Nhuận tháo chiếc đồng hồ tay trao cho tôi, nhắc phải đeo để biết giờ giấc, tránh sinh hoạt thất thường gây tổn hại sức khỏe.

Nhưng chiếc đồng hồ chỉ nằm trên tay tôi không tới 20 tiếng đồng hồ.

Vì ngay đêm đó tôi có mặt tại Pleiku và 3 giờ sáng hôm sau phải theo một đơn vị hành quân. Đơn vị tôi theo đụng trận lúc 9 giờ sáng. Trận đánh kéo dài tới gần 11 giờ.

Khi đơn vị lo kiểm tra tổn thất, băng bó thương tích, tôi phát hiện chiếc đồng hồ không còn trên tay tôi nữa. Nó đã biến đi ra sao, vì một mảnh pháo, một viên đạn xớt qua hay một va chạm gì đó, vào lúc nào và ở đâu tôi không hay.

Nhìn mấy bó poncho đặt bên nhóm binh sĩ đang chờ tải thương với các mảnh băng nhem nhuốc máu còn đỏ tươi, tôi bỗng tự hỏi phải chăng chiếc đồng hồ đến với tôi chỉ để hoàn tất vai trò che chở cho tôi qua khỏi trận đánh?
Câu hỏi hoàn toàn vô căn cứ này tới nay vẫn chưa chịu rời đầu óc tôi…

(Mời xem tiếp phần 2 .)

Virginia, December 18, 2019.

UYÊN THAO

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây:

Trage deine Daten unten ein oder klicke ein Icon um dich einzuloggen:

WordPress.com-Logo

Du kommentierst mit Deinem WordPress.com-Konto. Abmelden /  Ändern )

Twitter-Bild

Du kommentierst mit Deinem Twitter-Konto. Abmelden /  Ändern )

Facebook-Foto

Du kommentierst mit Deinem Facebook-Konto. Abmelden /  Ändern )

Verbinde mit %s