Quanh bản nháp phác thảo
THƠ VIỆT HIỆN ĐẠI 1900-1960
HỒI TƯỞNG VÀ ƯỚC MƠ .
( II )
Uyên Thao, 1970
Uyên Thao
Giữa năm 1966, khi cuộc hành quân Thần Phong giải tỏa Bồng Sơn – Tam Quan vừa chấm dứt, tôi lại đột ngột nhận lệnh gọi tức khắc về Sài Gòn.
Nhưng tôi về Sài Gòn chỉ để nhận lệnh phải có mặt tại Đà Nẵng ngay hôm sau với nhiệm vụ dựng một đài phát thanh trong Không Đoàn 41 thay cho đài Đà Nẵng vừa bị phe chống đối chiếm giữ.
Mấy tháng sau, cuộc nổi loạn của Vùng I còn khiến tôi phải dựng tiếp bên bờ sông Hương một đài phát thanh tại Phu Văn Lâu thay cho đài Huế và giữ chân tôi tại Huế tới cuối năm 1966.
Vòng vây thời thế xóa tan mọi hình ảnh thơ văn và tôi cũng quên hẳn việc thượng tọa Đức Nhuận tìm lại được bản nháp tập sách bị mất, kể cả khi tôi đã về lại đài Sài Gòn với vai trò mới là trưởng phòng Kiến Thức.
Việc chữ nghĩa duy nhất mà tôi làm được chỉ là cùng Trần Phong Vũ hoàn tất tập sách Chủ Nghĩa
Anh Hùng Cách Mạng Cộng Sản do thôi thúc của công việc hàng ngày — khởi từ sự kiện Hà Nội dựng tượng đài “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé ôm bom phá nổ xe bọc sắt Mỹ, anh dũng hy sinh vì yêu nước” để cổ võ
tinh thần “chống xâm lược Mỹ” và guồng máy tuyên truyền Cộng Sản liên tục loan tin “Hồ chủ tịch sẽ đích thân khánh thành tượng đài.”
Với các chứng cớ nắm trong tay, chương trình của phòng Kiến Thức liên tục diễn lại thực tế phía sau câu chuyện, đồng thời gom nhiều tài liệu về các mẫu anh hùng tương tự đã và đang được sách báo cộng sản từ Nga Xô qua Đông Âu tới Trung Quốc ca ngợi.
Bởi trên thực tế, Nguyễn Văn Bé quê ở Bến Tre là một thiếu niên 17 tuổi bị buộc phải gia nhập du kích, đã bỏ trốn, xin về hồi chánh và đang có mặt tại Sài Gòn. Sự xuất hiện của Nguyễn Văn Bé bằng xương bằng thịt trước báo giới quốc tế cùng các chương trình phát thanh từ đài Sài Gòn đã chặt đứt dòng thác ồn ào suy tôn “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” và cái tượng đài đang xây ở Hà Nội để “Hồ chủ tịch đích thân khánh thành” cũng rơi vào lặng lẽ.
Gần bốn mươi năm sau, khi tôi đặt chân tới Mỹ, một nhân vật liên hệ trực tiếp vụ này là Đoàn Lương Đống tìm gặp tôi, nhắc chuyện xưa đã tỏ ý tiếc là tôi quá sơ sót. Theo Đoàn Lương Đống, lẽ ra tôi nên chờ Hồ Chí Minh khánh thành xong tượng đài hãy lên tiếng. Đoàn Lương Đống hoàn toàn hữu lý nhưng việc đã qua hẳn từ lâu rồi.
Điều đáng tiếc với tôi chỉ là cuốn sách mà Trần Phong Vũ và tôi mất nhiều ngày tháng sưu tầm tài liệu không những không được gửi tới người đọc mà còn mất hết dấu vết dù đã in xong. Cuốn sách in xong đầu năm 1968, nhà in chở đến, chất đống tại phòng Kiến Thức và mười ngày sau biến hết thành tro khi Cộng quân chiếm đài Sài Gòn vào giờ khởi đầu trận đánh Tết Mậu Thân 1968.
Vụ này xảy ra chỉ một tuần sau khi tôi được anh Vũ Đức Vinh gật đầu cho rời Cục Vô Tuyến.
Việc tôi xin nghỉ chỉ riêng anh Vinh biết nên sau đó tôi vẫn có mặt tại đài Sài Gòn do anh Vinh yêu cầu ráng lo tiếp công việc trong khi chờ anh tìm người thay, vì trận đánh Mậu Thân đang kéo dài.
Lý do tôi xin nghỉ việc chỉ đơn giản là tôi đã thực sự trở lại là tôi, tức chấm dứt hẳn việc dùng giấy tờ giả.
Bởi tháng 1-1967 tôi lập gia đình và tháng 11-1967 là thời gian chờ đón đứa con đầu lòng.
Vì vậy, anh Nguyễn Văn Lưu, bạn các anh tôi từ gần 30 năm trước ở Hà Nội nên tôi vẫn coi như anh mình, đã nhắc tôi phải lấy lại tên gọi do cha mẹ đặt. Hôm đó, anh chỉ tấm huân chương Chương Mỹ Bội Tinh mà tổng thống Thiệu trao tặng sau thời gian tôi có mặt tại Đà Nẵng – Huế năm 1966 và hỏin
“Bộ em tiếc cái này lắm sao?”
Tôi cho biết không tiếc điều gì mà chỉ không biết cách nào xin cấp thẻ căn cước.
Anh bảo tôi lục lại giấy tờ cũ thuở ở Hà Nội coi còn bất cứ thứ gì từ khai sinh, căn cước đến thẻ học sinh hoặc một giấy tờ gì đó đưa cho anh là xong.
Tôi về nhà Nguyễn Sỹ Hưng lục lại đống giấy tờ cũ, tìm được tờ khai sinh, đem trao cho anh Lưu đúng ngày tôi đưa vợ vào nhà hộ sinh.
Một tuần sau, anh Lưu dắt tôi đến Ty Cảnh Sát Gia Định.
Tại đây, qua một buổi sáng tới 12 giờ trưa tôi đã có tấm thẻ căn cước thực sự.
Tôi không hiểu anh Lưu gặp ai, làm gì nhưng trước mắt hiện ra hai việc buộc tôi phải giải quyết là tờ khai sinh đứa con vẫn ghi tên cha là cái tên giả tôi đang mang và sự tồn tại cái tên giả đó.
Sau khi cân nhắc, tôi thấy tờ khai sinh của con tôi có thể gác lại, nhưng cái tên giả của tôi chỉ có thể xóa bằng cách tôi rời đài Sài Gòn. Do đó vào tuần lễ cuối cùng trước Tết Mậu Thân, tôi đã gặp riêng anh Vũ Đức Vinh, đưa cho anh coi tờ căn cước tôi vừa có để xin anh cho tôi nghỉ việc.
Tôi thực sự rời đài Sài Gòn giữa năm 1968 để trở lại là chính mình với hai bàn tay trắng.
Trong khi đó, báo chí là nghề duy nhất mà tôi có thể tham gia luôn đối đầu với tai họa. Chỉ khoảng hơn mười tháng sau đó, tôi phải qua bốn tờ báo do nối nhau bị đóng cửa hoặc thua lỗ.
Mãi tới mùa hè 1969 nhận được việc điều hành tòa soạn tuần báo Diễn Đàn, tôi mới gặp lại không khí sinh hoạt ổn định. Bởi tờ báo là tiếng nói của Phong Trào Liên Minh Thế Giới Chống Cộng nên không sợ bị bất ngờ đóng cửa và đã sẵn sàng chấp nhận thua lỗ.
Chính tại tòa soạn tuần báo Diễn Đàn, một ngày Trần Tuấn Kiệt tới gặp tôi.
Trần Tuấn Kiệt là nhà thơ trẻ từng gặp tôi từ nhiều năm trước và có nhiều sáng tác đáng kể.
Anh cho biết thượng tọa Đức Nhuận vừa trao cho anh tập Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 để lo ấn hành nên anh cần tôi viết thêm phần phụ lục về sinh hoạt thi ca nối sau năm 1960.
Lúc đó đã qua gần 10 năm tôi không có điều kiện theo dõi sát sinh hoạt thi ca. Tuy vậy, tôi rất vui viết ít trang phụ lục cho tập sách và chọn thêm một số bài thơ, trong đó có các bài tôi hết sức ưng ý của
Nguyễn Bắc Sơn, Lê Thị Tư, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Tường Hoa, Trần Đức Uyển, Nhã Ca…
Kỳ lạ là ngay sau khi gặp Trần Tuấn Kiệt, không khí ổn định mà tôi vừa có lại đảo lộn.
Một buổi sáng, anh Mặc Đỗ cho tôi biết anh quyết định rời tờ báo vì không thể chiều ý “một chủ nhiệm chỉ là công chức không biết gì về báo chí lại cứ muốn tờ báo phải theo ý mình.”
Trên thực tế, Mặc Đỗ với vai trò chủ bút chỉ lo phần biểu hiện lập trường tờ báo còn việc chọn lựa bài vở, sắp đặt nội dung, hình thức là việc của tôi.
Do đó, tôi thấy chính tôi sẽ khó thể ngồi lại nên nói ngay
“nếu anh ra đi, tôi cùng toàn bộ biên tập cũng ra đi.”
Sự việc xảy ra chớp nhoáng và tôi lại mất kế mưu sinh.
Cái tin vui về việc sắp có một tác phẩm ấn hành vì thế vụt biến, dù chỉ hai tuần sau, anh Chu Tử đã tìm gặp tôi, đề nghị về giúp anh lo tờ tuần báo Đời mà anh nói thẳng là “đang lỗ nặng.”
Khi tờ Đời chuẩn bị ra mắt, Chu Tử đã đề nghị tôi phụ trách tòa soạn, nhưng tôi nói thực là giữa tôi và anh có một khác biệt về quan niệm báo chí nên tôi khó thể nhận. Tôi nêu rõ anh là cây bút dọc ngang tùy hứng, nay hoan hô, mai đả đảo thoải mái đến mức có thể hiểu nghề báo hoàn toàn đúng như lời anh
Vũ Bằng là “nói láo ăn tiền.” Lúc đó, anh giải thích anh vốn là nhà giáo chỉ vì cộng tác với giáo hội Cao Đài làm hiệu trưởng trường Lê Văn Trung Nghĩa Thục mà bị chụp mũ “ăn cắp xe hơi” đưa ra tòa xử án tù, tội trạng còn ghi trên lý lịch thì đâu cần nghiêm túc với ai. Tất nhiên tôi không đồng ý vì không thể viện
cớ bản thân bị bức hiếp, lăng nhục để thản nhiên đổi trắng thành đen.
Lần này, Chu Tử nói ngay nếu tôi đồng ý về lo tờ báo thì tôi có thể vứt bỏ bài viết của bất kỳ ai, kể cả bài của chính anh ấy khi tôi thấy cần vứt bỏ. Vậy là tôi thoát cảnh thất nghiệp nhưng trước mắt lại sừng sững ngọn đèo “tờ báo đang lỗ nặng.” Việc không dễ chút nào đã vây hãm tôi nhiều ngày.
Rồi tờ báo cũng đứng vững nhưng đó lại là lúc tôi nhận được cái lệnh mà 17 năm trước tôi đã nhận để phải xa mái trường, rời Hà Nội: Lệnh gọi nhập ngũ!
17 năm trước, năm 1953, dù đã tới Sài Gòn, tôi vẫn không chọn quân trường mà chọn núi Bà Đen, vì tự thấy không chịu nổi cảnh đứng nghiêm nghe lệnh các sĩ quan Pháp, tương tự năm 1949 tôi phải bỏ vùng kháng chiến trốn về Hà Nội chỉ vì luôn muốn nổi điên trước đòi hỏi thần thánh hóa các hành động phi nhân man rợ.
Để được là chính mình, tôi đã phải đổi tên che mặt tới cuối năm 1967 mới có tấm thẻ căn cước. Và vì thế, cuối năm 1970, lệnh nhập ngũ lại tái hiện.
Dù đã vượt xa tuổi 20, lần này tôi trình diện.
Khoác bộ quân phục, ôm lại cây súng đã rời xa từ cuối năm 1955, tôi thấy mình như chiếc lá lìa cành mặc cho gió cuốn trôi. Một buổi sáng, khi đang tập bắn tại xạ trường, bỗng có lệnh gọi tôi về trại ngay.
Rồi tôi được lệnh trả quân phục, súng đạn… và qua trình diện văn phòng bộ chỉ huy.
Tại đây, một sĩ quan cho biết tôi được rời quân trường theo yêu cầu của Cố Vấn Đặc Biệt Phủ Tổng Thống và rời trại ngay, dù tôi chưa qua hết 12 tuần lễ khởi đầu cuộc sống quân ngũ.
Tôi như mơ ngủ dù đã biết ngay việc do ai. Người đó ở lớp tuổi cha chú nhưng từ lần gặp đầu tiên đã nhắc tôi “bỏ ngay mấy tiếng chú, bác đi. Chỉ anh, em thôi!”
Đó là anh Trần Văn Ân tức ký giả Văn Lang!
Năm 1953, khi tôi tới Sài Gòn, anh Ân đang chủ trương tuần báo Đời Mới.
Tôi từng gửi bài cho báo này nên tìm tới gặp anh. Tôi nói thực là bị gọi vào Thủ Đức khóa 1953 kép, nhưng tự thấy không chịu nổi
cảnh phải đứng nghiêm nhận lệnh các sĩ quan Pháp nên tôi không trình diện và đang tìm đường lên núi Bà Đen. Anh im lặng nhưng lo ngay cho tôi chỗ tạm trú, rồi kiếm người dắt tôi đi theo con đường đã chọn.
Đầu năm 1955, tôi từ Bà Đen về Sài Gòn trong đoàn quân ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm chống Pháp, chống Cộng Sản, nhưng chưa có cơ hội gặp lại anh thì anh cùng anh Hồ Hữu Tường lãnh án tử hình rồi bị đưa đi đày tại Côn Đảo.
Giữa năm 1964, khi chúng tôi đang làm tờ Tin Sáng, anh trở lại Sài Gòn.
Dù bị chế độ cũ kết án tử hình và vừa thoát cảnh đọa đày, anh vẫn lên tiếng cùng chúng tôi phản đối bản án tử hình Ngô Đình Cẩn. Thuở đó, tôi chưa hết lênh đênh nên ít gặp anh.
Cuối năm 1967, tôi vừa có tấm thẻ căn cước thì anh là tổng trưởng bộ Thông Tin của nền đệ nhị Cộng Hòa. Lúc đó tôi chưa thể rời hẳn đài Sài Gòn nên chỉ có mặt tại nhà anh hàng đêm để lo bất kỳ việc nào
anh cần, nếu có thể lo.
Tôi thực sự được kề cận bên anh sau 14 năm quen biết, nhưng thời gian này chỉ không đầy sáu tháng.
Giữa năm 1968, anh rời bộ Thông Tin, trở thành Cố Vấn Đặc Biệt của tổng thống Thiệu, còn tôi thực
sự rời đài Sài Gòn với hai bàn tay trắng và vừa kiếm được chỗ ngồi tại tuần báo Đời ít tháng thì nhận lệnh gọi nhập ngũ cuối năm 1970.
Từ trung tâm Quang Trung trở về, tôi tới gặp anh để nghe anh trách:
“Sao không cho anh biết ngay chuyện em bị gọi nhập ngũ?”
Lời trách nhắc tôi nhớ lại những đêm khuya ngồi bên anh khoảng hai năm
trước. Thuở đó, anh gần như liên tục dặn dò “đừng quên chuyện nước non” và lúc này tôi thấy mấy tiếng “chuyện nước non” bao gồm cả tấm lòng bao la của anh dành cho tha nhân.
Không lâu sau, tôi còn nhận được từ nơi anh Trần Văn Ân tấm Thẻ Hoãn Dịch của Nha Động Viên với lý do “chuyên viên bất khả thay thế ” theo thời hạn “tới khi có lệnh mới.”
Một phép lạ nữa lại hiện ra để giúp tôi rời xa hẳn cây súng vào đầu năm 1971.
Hơn 30 năm sau nữa khi tôi đã tới Mỹ, năm 2002, ba chữ “chuyện nước non” lại hiện ra trước mắt tôi với nguyên văn như sau:
“Anh chỉ còn ngồi được với mấy lời kinh Phật nên nhắc em phải ráng góp phần
lo chuyện nước non.”
Đây là dòng chữ cuối cùng anh Trần Văn Ân từ Pháp gửi cho tôi chỉ 3 tháng trước
ngày anh vĩnh viễn ra đi khi tròn 101 tuổi.
Thật buồn là lúc nhận lá thư của anh cũng là lúc tôi đang mang căn bệnh ung thư đã tới hồi báo động và còn thua anh là chỉ biết thở dài chứ không biết nhắc với ai về nỗi lòng của những người đi trước cũng như của chính mình.
Tại tuần báo Đời đầu năm 1971, tôi gặp lại nụ cười của anh Chu Tử. Anh không chỉ vui đón tôi trở về mà còn trả trọn số lương hơn 2 tháng tôi vắng mặt, rồi nhắc tôi lo ngay các việc dở dang và trao cho tôi một đống thư dày cộm. Những lá thư từ khắp các miền đất nước đều nhắc về điều mà Phạm Văn Lương từng nhắc tôi là “không thể bỏ qua cái chết của Hà Thúc Nhơn.”
Đòi hỏi này khiến tôi không còn thời giờ lo việc gì khác, kể cả mở cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900 – 1960 mà Trần Tuấn Kiệt đã in xong, đem tới trước ngày tôi nhập ngũ. Lúc đó, tôi chỉ kịp nhìn qua tấm bìa với hình vẽ con hạc trắng bay giữa trời đêm của Nguyên Khai.
Mãi cuối năm 1971, tôi mới tạm vượt các trở ngại để có tờ nhật báo Sóng Thần.
Nhưng tờ báo vừa chào đời thì trận mùa hè 1972 bùng nổ do Hà Nội đưa quân vượt sông Bến Hải.
Báo hiệu một đổi thay đã ló hình trên bàn cờ quốc tế mà vận mạng miền Nam chỉ còn tùy thuộc nơi ý chí và tinh thần của hết thẩy mọi người dân.
Cùng với báo hiệu trên là cảnh đạn bom tàn phá gieo rắc chết chóc, tan hoang. Sóng Thần là tờ báo có đại diện khắp các thị trấn miền Nam nên từng ngày, từng giờ liên tục chìm trong cơn bão tin tức về những cái chết oan ức, những dòng nước mắt chan hòa, những tiếng than nghẹn ngào phẫn uất… từ vô số kể nạn nhân bỗng dưng bị đẩy khỏi mái ấm gia đình để vơ vất dưới nắng mưa nơi đầu đường xó chợ, hoặc biến thành các thân xác bị đạn bom xuyên phá ngổn ngang trên đồng hoang, bãi vắng bỏ mặc cho chồn cáo, chuột bọ cào xé…
Thực tế đặt tờ báo vào thế không thể giữ vai trò thông tin thuần túy mà cần góp phần chia gánh oan khiên đè nặng thân phận người dân do tham vọng độc quyền thống trị của chế độ Hà Nội.
Vì thế, tờ báo phát động chiến dịch “Sống, mái nhà – thác, nấm mồ” từ tháng 7-1972, kêu gọi mọi người tiếp tay giúp đỡ các nạn nhân xấu số đang phải sống bên bờ đường, góc phố có được một mái tranh che đỡ, đồng thời kiếm cho hàng ngàn thân xác còn bị bỏ ngổn ngang dưới nắng mưa sớm có một nấm
mồ. Việc làm này là bổn phận cần hoàn tất để gióng lên tiếng gào tố giác cùng công luận năm châu về tội ác sát nhân man rợ đang diễn ra tại Việt Nam và cũng là lời khẩn báo cùng hai mươi triệu người miền Nam về nguy cơ cướp đoạt sự sống đang hiển hiện.
Tất nhiên, hình ảnh bi thương của các nạn nhân bị cướp đoạt gia cư, tài sản luôn ngơ ngác thất thần ở khắp nơi đã liên tục xuất hiện trên tờ báo, nhất là hình ảnh nhiều ngàn nạn nhân bị thảm sát trên đoạn đường từ Hải Lăng về Mỹ Chánh với cái tên Đại Lộ Kinh Hoàng do tờ báo phổ biến đã được lập lại gần như hàng ngày trên khắp thế giới.
Từ đây, tờ báo liên tục nhận đủ loại tai họa mà qua đó, bản thân tôi đã thành kẻ tử thù cần hủy diệt.
Cuối năm 1973, khi chiến dịch lượm xác người trên Đại Lộ Kinh Hoàng đã chấm dứt với gần 2000 ngôi mộ ở phía ngoài cầu Mỹ Chánh, tôi bất ngờ nhận một tin vui ngoài tưởng tượng. Vốn là cựu tù nhân trại tù Lý Bá Sơ trước 1954, Nguyễn Sỹ Hưng, người bạn đã dành cho tôi gian phòng nhỏ tại nhà anh
nhiều năm trước, báo tin vui cho tôi với giọng đầy lo lắng và dặn dò đủ thứ. Đang là một viên chức Bộ Chiêu Hồi, Nguyễn Sỹ Hưng cho biết vừa thu nhận 5 đặc công Cộng Sản về hồi chánh. Các hồi chánh viên này cho biết họ thuộc một tổ đặc công được cử về Sài Gòn với nhiệm vụ ám sát tôi và nữ nghệ sĩ
Bạch Tuyết đang chia xẻ công việc của tờ Sóng Thần. Điều cực may là sau hơn hai tuần có mặt tại Sài Gòn để chuẩn bị kế hoạch, cả 5 đặc công lại thấy không thể thi hành lệnh.
Vì thực tế trước mắt họ diễn ra khác hẳn điều họ từng nghĩ, trong khi đọc tờ Sóng Thần suốt thời gian đó, cả 5 đều thấy tờ báo không làm gì trái với ý nghĩ của chính họ.
Cuối cùng, cả 5 đồng ý tự nguyện hồi chánh là việc dễ dàng và an toàn nhất cho họ.
Ngay từ tuổi thiếu niên, tôi từng biết không ít vụ thủ tiêu, ám sát người khác chính kiến của đảng Cộng Sản. Đây là điều đã thúc đẩy tôi rời vùng kháng chiến năm 1949. Tôi chỉ biết nhờ Nguyễn Sỹ Hưng chuyển lời cảm ơn tới 5 đặc công và nhắc họ yên tâm vì những ngày tới sẽ là thời gian bình an với họ.
Đồng thời tôi nhớ ngay về ngày 30-12-1965, ký giả Từ Chung của báo Chính Luận bị bắn chết và người đang ở bên tôi lúc đó là Chu Tử vẫn còn mang dấu tích vụ ám sát ngày 16-4-1966. Dù trúng nhiều phát đạn, Chu Tử đã thoát chết nhưng gần như trở thành một bệnh nhân Parkinson với hai bàn tay luôn lay động liên tục khiến việc viết lách vô cùng khó khăn. Tôi cũng nhớ lại trường hợp nhà văn Nhượng Tống
nổi danh từ khi tôi chưa ra đời và là người mà tôi luôn ngưỡng mộ về tinh thần chống Pháp.
Mùa hè 1949, tôi mới có mặt trở lại tại Hà Nội ít lâu thì nghe tin Nhượng Tống bị đặc công Cộng Sản bắn chết.
Tôi nghĩ nếu tôi phải nhận hồi kết tương tự trường hợp Nhượng Tống, Từ Chung hay Chu Tử cũng chẳng có gì ngạc nhiên.
Tuy nhiên, tôi không thể ngừng ngạc nhiên trước các tai họa mà Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa liên tục gây ra cho tờ báo từ ngày ra mắt cuối năm 1971 tới ngày bị thu hồi giấy phép đầu năm 1975.
Sóng Thần có mặt được 3 năm ấn hành hơn 1000 số, nhưng chỉ bán được khoảng 900 số, vì đã phải ra tòa hơn 100 lần và còn gần 100 vụ bị tịch thu đang chờ ra tòa. Nhìn chung, tờ báo mỗi năm bị tịch thu khoảng 60 số tức cộng chung chỉ phát hành được 30 tháng còn 6 tháng biến thành tro.
Lý do tịch thu báo luôn như trò hài hước. Chẳng hạn số báo bị kết tội “gây hoang mang dư luận ” vì loan tin Cộng Sản pháo kích thị xã Cam Ranh sát hại 8 thường dân vô tội. Số báo khác bị kết tội “cố tình hạ thấp uy tín quân đội” vì loan tin một buôn Thượng bị Cộng quân dùng súng phóng hỏa thiêu hủy hết nhà cửa, tàn sát hơn 200 dân làng gồm đa số là đàn bà, trẻ nít.
Số báo khác nữa bị kết tội “đăng tin thất thiệt, xuyên tạc sự thực” vì loan tin “Sư Đoàn Sao Vàng của Bắc Việt về hàng tập thể” trong khi “trên thực tế chỉ có những toán 5 người, 10 người về hàng chứ toàn bộ Sư Đoàn này không về hàng!”
Tôi không thể nén được mối ngờ vực Bộ Thông Tin đang tìm cách che đỡ cho Cộng Sản, nhất là khi hội nghị Paris có mặt của đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vai trò của tổ chức này là gì mọi người đều đã hiểu nên Chóe có bức biếm họa vẽ Nguyễn Thị Bình ngồi dạng hai chân cho 2 lãnh tụ Brejnev – Mao Trạch Đông chui vào và một bức khác vẽ cặp Kissinger – Lê Đức Thọ hỉ hả đắp chăn
chung. Cả 2 số báo in các bức biếm họa đó đều bị tịch thu với tội danh “khiêu dâm, vi phạm điều 35 luật báo chí !”
Tờ Sóng Thần phải viết thư ngỏ đặt vấn đề với Tổng Thống và Quốc Hội về cách làm việc của Bộ Thông Tin nhưng không nhận được hồi đáp nào. Sau khi bộ Thông Tin cải danh thành bộ Dân Vận Chiêu
Hồi, mức ngạo ngược còn trắng trợn hơn.
Cụ thể là bức họa ở mục Hí Độc Diễn bị kết tội “mạ lỵ tổng thống” vì có 3 cảnh:
– Cảnh 1, Hí dắt một con chó đi chơi.
– Cảnh 2, Hí đi giữa ba, bốn con chó.
– Cảnh 3, một bầy chó lúc nhúc che kín Hí.
Bức họa diễn tả mức nguy hại khi tệ nạn tham nhũng lan tràn nhưng theo bộ Dân Vận Chiêu Hồi, bức họa có tên Hí Độc Diễn ám chỉ cảnh độc diễn của liên danh Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc bầu cử 1971 nên rõ ràng nhắm bôi bác tổng thống. Báo Sóng Thần lập tức bị đưa ra tòa ngày 31-10-1974 về tội danh trên, sau khi tái phạm do số báo ngày 21-9-1974 đăng lại nguyên văn bản cáo trạng tố tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh.
Chuyện không dừng tại đây. Ngay khi Sóng Thần từ chối tuân lệnh cấm đăng bản cáo trạng tố tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh đã có tin cho biết Bộ Dân Vận Chiêu Hồi vừa bỏ nửa triệu đồng đãi ăn một nhóm côn đồ chuyên giết mướn để thuê chúng hạ sát tôi.
Sau khi kiểm chứng nguồn tin, Sóng Thần số 983 ngày 25-9-1974 đã đăng bài viết của ký giả Lê Thiệp báo nguy với vài đoạn sau:
“Hơi thở của Sóng Thần và mạng sống của tổng thư ký Uyên Thao đang như chỉ mành treo chuông…
Nhiều nguồn tin cho biết tổng thư ký Uyên Thao có thể bị cướp tính mạng vì trò bắn lén hoặc ít nhất cũng bị chụp mũ… thành một đặc công Cộng Sản, một tên ăn cắp, một tên ăn cướp, một tên lừa bịp…
Công khai nói lên sự kiện này, chúng tôi muốn nói chính quyền sẽ gánh trọn mọi trách nhiệm trong trường hợp Sóng Thần tắt tiếng và ký giả Uyên Thao bị cướp mạng sống hay bị cướp quyền hành nghề bằng những trò xảo trá.
Với bạn đọc và anh em khắp nước, chúng tôi xin nhắc lại: Chúng tôi sẵn sàng vào tù, sẵn sàng xếp hàng chịu xử bắn thay vì bẻ cong ngòi bút, phản bội sự thật để chìu lòn quyền thế.”
Suốt một tháng sau khi đăng bài báo trên, tờ báo liên tục bị tịch thu tới mức phải tự đình bản vì hết vốn. Và trong lúc đang quay cuồng kiếm tiền tái bản tờ báo thì một buổi tối, tôi bị công an chặn bắt ngay tại Ngã Sáu Sài Gòn, đưa về Tổng Nha Cảnh Sát. Tại đây, một đại úy gần như năn nỉ tôi ký tên vào bản tự thú đã viết sẵn “nhận tội ăn cắp xe hơi” thay vì sẽ phải ký vào bản tự thú khác cũng đã viết sẵn nhận tội
làm “đặc công trí vận cộng sản.”
Vị đại úy cho biết anh chỉ làm theo lệnh thượng cấp và nghĩ tôi ký rồi bỏ
đó thôi, vì “ai cũng biết là không đúng sự thật.”
Tôi không thể ký bất kỳ bản tự thú nào như vậy nên vị đại úy không thể trả tự do ngay cho tôi.
Tuy nhiên tin tôi bị bắt đã lập tức loan truyền và lý do nêu ra không thuyết phục nổi dư luận, nhất là có một số dân biểu Quốc Hội công khai bày tỏ thái độ bất bình với sự việc. Do đó ít ngày sau tôi được thả ra để về với tờ báo. Nhưng tờ báo sống lại chưa qua một tháng thì nhận quyết định hành chính thu hồi giấy phép xuất bản.
Nối tiếp quyết định này là một loạt nhân viên tòa báo bị đẩy vào tù như Chóe, Hải Triều, Trương Cam Vĩnh.
Riêng tôi lại phải rời xa vợ con để tối nay ở nhà này, ngày mai ở nhà khác rồi trở lại
mấy mái chùa vẫn che chở tôi thuở xưa cho tới ngày 29-4-1975.
Sáng 29-4-1975 là buổi sáng đầu tiên sau nhiều ngày, tôi cảm thấy an lành nên điện thoại cho Nguyễn Văn Hảo để hỏi về tình hình. Nguyễn Văn Hảo lúc đó đang là phó thủ tướng đặc trách Kinh Tế nên cho tôi biết anh vừa ra lệnh giữ lại 16 tấn vàng mà tổng thống Thiệu muốn mang theo, nhưng lại nói thẳng với tôi như sau:
“Moa đang cố gắng trở thành người cộng sản.”
Tôi cúp điện thoại vì hết muốn nghe thêm điều gì.
Khoảng 3 tháng sau, tại Ngã Tư Xa Lộ, khi tôi vừa ra khỏi tiệm hớt tóc thì một người chặn tôi lại hỏi:
“Có phải Uyên Thao không?” Ngạc nhiên vì người hỏi hoàn toàn xa lạ, nhưng tôi vẫn gật đầu.
Anh ta lập tức rút khẩu súng trong người chĩa vào sườn tôi, ra lệnh:
– Theo tôi! Có lệnh của an ninh K.9, bắt anh!
Từ đó tôi lại quay về với các bức vách nhà tù quen thuộc dù chẳng bao giờ biết K.9 là cơ quan nào và cũng chẳng bao giờ biết lệnh bắt mình nêu tội danh gì.
Mãi 11 năm sau, cuối năm 1986 tôi mới có tờ Giấy Ra Trại để rời trại tù Z.30A trên đó ghi tội danh chỉ bằng hai chữ “phản quốc.”
Trên thực tế, tôi chỉ được rời trại Z.30A chứ chưa dứt kiếp tù.
Vì theo lệnh Bộ Nội Vụ, tôi vẫn bị quản chế bằng cách cô lập tại quận 3 Sài Gòn và chỉ được gặp vợ con khi công an cho phép.
Cảnh sống lúc này của tôi chỉ khác lúc ở trại tù Z.30A là phải tự kiếm ăn và nguồn sống của tôi là các bãi rác ở khu Gò Vấp.
Cuối năm 1988, tôi bỗng bị trục xuất khỏi chùa Pháp Hoa là nơi chỉ định cư trú từ khi rời trại tù Z.30A. Một công an tới báo quyết định này và buộc tôi rời chùa Pháp Hoa trong thời hạn 48 giờ.
Tôi phải tới Công An Thành Phố báo sự việc và được lệnh cho về với gia đình tại quận Bình Thạnh, kèm lời nhắc
“chưa có quyền công dân nên mọi sinh hoạt phải theo lệnh công an khu vực.”
Dù vậy tôi bắt đầu có mặt bên vợ con, và may mắn hơn, một bạn trẻ vốn là Phật tử chùa Giác Minh quen tôi thuở ở tù cuối năm 1963 bất ngờ gặp lại, đã thu xếp cho tôi một sạp bán sách báo bên lề đường khu Cầu Bông sát trường nữ trung học Lê Văn Duyệt cũ để xa rời các bãi rác. Tuy vậy, cuộc sống “mất quyền công dân” vẫn đặt tôi vào cảnh đối mặt đủ loại tai ương, nhất là hàng ngày phải chứng kiến sự túng đói của vợ con, trong khi ba đứa con vừa hơn mười tuổi đều bị chụp cái mũ “phản quốc” của cha, mới qua khỏi bậc tiểu học đã phải rời trường và luôn bị tẩy chay, miệt thị.
Sinh hoạt chữ nghĩa dù sôi sục trong đầu nhưng vô phương thực hiện và tôi gần như quên hẳn những gì đã làm trong quá khứ.
Hơn 10 năm sau, cuối năm 1999 đặt chân tới Mỹ, mức sôi sục về sinh hoạt chữ nghĩa bùng lên như đám cháy thì tôi lại thấy mình đã đối mặt với tuổi xấp xỉ bảy mươi. Không thể chối bỏ giới hạn của năng lực bản thân và thời gian còn lại ngắn ngủi, tôi chỉ dám nghĩ đến sự tìm cách phổ biến các tiếng nói đang bị vùi dập tại quê nhà. Ý nghĩ của tôi lúc đó là tôi đã may mắn hơn rất nhiều người.
Vì bỏ qua hơn mười năm trong tù, tôi đã có mười bốn năm từ 1986 đến 1999 sống kiếp “không phải con người” để nghe được tiếng nói từ đáy tim của nhiều người “chính thực là người.”
Những người này đều xa lạ nhưng do cơ duyên nào đó đã biết đến tôi và tìm cách gặp gỡ chỉ trong phút giây để giúp đỡ tôi hoặc chỉ để nói vài lời từ lâu họ phải đè nén đến độ biến thành nỗi đau luôn dằng xé tâm tư.
Chẳng hạn một người thường ghé mua sách báo, đôi lúc dừng lại hỏi tôi vài chuyện vu vơ.
Một hôm anh bỗng đưa cho tôi tập Tôn Tử Binh Thư in ở Hong Kong, đề nghị tôi chuyển qua tiếng Việt. Anh tiết lộ anh là một thiếu tá bộ đội giải ngũ và đoán biết về cuộc đời tôi nên muốn giúp tôi có một khoản tiền, đồng thời để người đọc “có một cuốn sách đáng đọc thay cho các cuốn sách tệ hại” mà tôi đang bán.
Anh bảo tôi chỉ cần dịch cuốn sách thôi, còn mọi việc khác, khỏi cần biết.
Mấy tháng sau anh đề nghị tôi lo một việc nữa là tìm cách nào có bộ sách biến thành phim đang thu hút mọi người là bộ hồi ký Little House On The Prairie của Laura Ingalls Wilder để dịch.
Qua sắp đặt của anh, tôi gửi được thư cho Hoàng Hải Thủy đang ở Mỹ nhờ mua bộ sách và gửi được về cho tôi.
Anh chính là đầu cầu đưa đến cho tôi một số gặp gỡ mà tôi thấy tất cả đều không khác một đại tá đang là cấp chỉ huy quan trọng ngay tại quân khu Sài Gòn thuở đó. Mấy năm trước vị đại tá này gặp tôi đang bới rác ở Gò Vấp, đã hỏi tôi mơ ước gì. Tôi nói chỉ mơ mỗi ngày có hai bữa ăn. Rồi tôi hỏi lại ông
đang mơ ước gì.
Ông nói thẳng một câu mà tôi không bao giờ quên:
“Tôi mơ bẻ gẫy cái cùm cộng sản này.”
Những gặp gỡ lén lút bất ngờ đó bừng sống lại khi tôi có mặt tại Mỹ và là lực đẩy mạnh vô bờ buộc tôi bằng mọi giá phải hình thành tủ sách Tiếng Quê Hương.
Sách dầy 488 trang – Ấn phí 25 usd.
Do đó, tôi vẫn chưa thể nhìn tới cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 tái bản tại Mỹ mà Hoàng Hải Thủy đưa cho từ năm 2003 là lúc tôi được bệnh viện Fairfax cho biết căn bệnh ung thư của tôi đã hết cách cứu chữa và tôi chỉ còn có mặt khoảng từ 6 tới 8 tháng nữa thôi.
Tôi thấy không thể dành số thời gian còn lại quá ngắn này cho điều gì ngoài sự tập trung lo cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương vừa hình thành nên vứt cuốn sách vào một góc.
Nhưng cái hẹn gặp gỡ tử thần như bác sĩ Romero báo trước không đến.
Tôi vẫn có mặt khi thời hạn trôi qua. Nhờ vậy, năm 2009 tôi đã có một ngày mở cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 do Hoàng Hải Thủy tặng.
Đây là lần đầu tôi mở cuốn sách kể từ khi nó chào đời tại Sài Gòn 39 năm trước — cuối năm 1970.
Điều đập vào mắt tôi là Hoàng Hải Thủy gạch xéo nhiều đoạn với
các dấu hỏi.
Tôi ngưng lại với dấu hỏi ở trang 42 và thấy nguyên văn một đoạn như sau:
“Cái gì đó, ở Vũ Hoàng Chương là nỗi chán chường của con người bất đắc chí, lỡ dở yêu đương, công danh lận đận. Ở Xuân Diệu là sự căm hờn của kẻ thất thế, ngồi trong lao tù tiếc nhớ thuở vàng son dĩ vãng…”
Mấy dòng chữ không sai chính tả, in rõ ràng nhưng như một cú đấm khiến tôi sững sờ.
Sao có thể viết về thơ Xuân Diệu như vậy?
Tôi giải tỏa ngay thắc mắc vì thấy chỉ do lỗi ấn loát bỏ sót
một hàng chữ. Bởi tôi nhớ chắc nguyên văn phải như sau:
“Cái gì đó, ở Vũ Hoàng Chương là nỗi chán chường của con người bất đắc chí, lỡ dở yêu đương, công danh lận đận. Ở Xuân Diệu là cảm xúc của tuổi yêu đương. Ở Thế Lữ là sự căm hờn của kẻ thất thế, ngồi trong lao tù tiếc nhớ thuở vàng son dĩ vãng…”
Thợ in chỉ bỏ sót 10 chữ, nhưng đổi hẳn nhận định của tôi và rộng hơn là đổi hẳn nội dung cuốn sách.
Các dấu hỏi của Hoàng Hải Thủy buộc tôi phải đọc lại cuốn sách từ dòng đầu tới dòng cuối chứ không dám đọc lướt từng trang và nhận ra không chỉ có nhiều dòng chữ bị bỏ sót mà còn nhiều đoạn bị đảo lộn sai trình tự.
Cách sắp chữ thuở đó là một trang giấy xé thành 2, 3 mảnh giao cho 2, 3 người thợ sắp xong rồi ráp lại.
Cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900 -1960 không phải bản thảo viết trên một mặt giấy mà là bản in ronéo nên mặt sau trang giấy cũng có chữ và trở nên hỗn loạn vì người nhận mảnh A1 phải sắp tiếp mảnh B4, người nhận mảnh A2 phải sắp tiếp mảnh B5, người nhận mảnh A3 phải sắp tiếp mảnh B6. Do đó, xếp typo sẽ đứng trước chuỗi chữ sắp xong theo thứ tự A1-B4, A2-B5, A3-B6 để gom lại đúng thứ tự A1-A2-
A3 rồi B4-B5-B6.
Dù là chuyên gia cũng khó tránh phạm lỗi do vẫn có phút giây sao lãng. Hơn nữa khi xé một tờ giấy in hai mặt chắc chắn đã có một số dòng biến đi.
Tôi mất trọn 2 ngày mới đọc xong 400 trang sách và gần như mất hồn về thực tế đã xẩy ra.
Bởi sự bất toàn về ấn loát không chỉ đem cho riêng tôi nỗi bực bội mà chắc chắn gây phiền lòng không ít cho bạn đọc đã mua và đọc sách, nhất là bản in tái bản chỉ chụp lại nguyên vẹn bản in đầu với các lỗi đã hiện ra trước mắt tôi khiến các bản in không chỉ đổi cuốn sách thành một cuốn sách khác mà thực sự là một mớ chữ hỗn loạn.
Nhưng tất cả đều là chuyện đã rồi.
Tôi không còn biết nói gì hơn ngoài sự chân thành tạ lỗi cùng bạn đọc là đã không hoàn tất được tối thiểu trách nhiệm của chính mình.
Tôi tạ lỗi không để xin tha thứ mà chỉ mong bạn đọc từng bị cuốn sách gây phiền toái hãy cảm thông xóa bỏ nỗi phiền để tìm lại những giây phút nhẹ lòng.
Phần tôi, để cụ thể lời tạ lỗi, chỉ còn biết chỉnh lại các lỗi ấn loát qua hai bản in, cố sức phục hồi nguyên bản sơ thảo đầu năm 1960, chính xác là bản nháp cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900 – 1960 để xin ý kiến của bạn bè.
Văn học sử gia Nguyễn Thiên Thụ trong tác phẩm Lịch Sử Văn Học Việt Nam từng ghi rõ về cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 như sau:
“Quyển Thơ Việt Hiện Đại có khoảng ba ngàn trang, viết từ 1956 đến 1960, là một công trình nghiên cứu và phê bình thi ca Việt Nam từ đầu thế kỷ.
Bộ này có ba phần:
– Nhận định tổng quát
– Phê bình các tác giả tiêu biểu
– Tuyển tập.
Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ông thì toàn bộ bản thảo mất hết.
Cuốn Thơ Việt Hiện Đại in ra chỉ là phần thứ nhất, gồm 400 trang, là phần phác thảo, không hoàn toàn giống với bản thảo đã bị mất.
Sau đó, tác giả lại bị tù, không có thì giờ tiếp tục công việc…
Đường lối phê bình của ông rất đặc biệt, tiếc rằng các chế độ cả hai bên Quốc – Cộng đã ngăn chận những hoạt động văn hóa của ông.”
Trích lại những dòng trên, tôi xin được gửi tới văn học sử gia Nguyễn Thiên Thụ lời tri ân chân thành nhất và cũng để tái xác định cùng bạn đọc rằng cuốn Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 từng ấn hành tại Việt Nam năm 1970 rồi tái bản tại Hoa Kỳ và bản hiệu đính mà bạn đang cầm trên tay lúc này chỉ là bản nháp khởi đầu chứ không phải bản thảo hoàn tất vào cuối năm 1960.
Do chỉ là bản nháp nên chắc chắn vẫn còn không ít sơ sót, chẳng hạn nhiều đoạn trích dẫn không ghi rõ xuất xứ, nhiều nhận định cùng sự liệt kê về các tác giả không nêu đầy đủ mọi chi tiết v.v và v.v…
Cho nên, tôi vẫn xin một lần nữa tạ lỗi cùng bạn đọc là ngoài việc chỉnh lại các lỗi ấn loát của hai bản in đã có mặt, tôi hoàn toàn bó tay trước nhiều lỗi khác vì không thể tìm lại được bản thảo thất lạc từ năm 1963.
Theo thói quen phổ biến vẫn coi tác phẩm văn nghệ như đứa con tinh thần của tác giả thì Thơ Việt
Hiện Đại 1900-1960 là đứa trẻ sinh thiếu tháng với hình dạng bất toàn.
Dù vậy, thượng tọa Thích Đức Nhuận vẫn coi nó có đủ hình dạng đứa con tinh thần khi bảo nó là một tác phẩm, và do lòng thương yêu, thượng tọa đã lo cho nó có mặt trên đời. Có thể bảo nó sống lại nhờ một trái tim từ ái vô bờ và sau đó trưởng thành nhờ không ít bàn tay nâng đỡ của những bạn đọc yêu mến thơ.
Việc duy nhất tôi làm được trong khoảng tháng ngày mỏng manh còn lại hiện nay chỉ là cố gắng hồi phục hình dạng bất toàn của nó đã không may bị bẻ gẫy và bóp nát nhiều phần ở phút sơ sinh thiếu tháng đến mức gần như bị thay hình đổi dạng qua 2 bản đã được phát hành.
Vì trên thực tế, bản thảo tác phẩm Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960 mà tôi hoàn tất cuối năm 1960 đã thực sự biến mất hẳn từ giữa năm 1963 không còn thấy bóng dáng ở đâu.
Nhìn lại những đoạn đường đã qua, trước mắt tôi lúc này chỉ nổi bật một điều duy nhất từng giúp tôi liên tục vượt khỏi các trở ngại khó khăn là tấm lòng từ ái thân thương mà tôi đã đón nhận từ rất nhiều người.
Cho nên ước mơ cuối cùng của tôi chỉ là cùng với mọi người luôn được tiếp nhận và cũng luôn cố gắng tự biểu hiện nổi tấm lòng trân quý đó, bởi đó chính là nguồn năng lực vô song sẽ giúp hết thẩy chúng ta giữ mãi được sự sống “đích thực là người.”
Virginia, December 18, 2019.
UYÊN THAO