HỌC GIẢ HUỲNH VĂN LANG MỪNG THƯỢNG THỌ 100 TUỔI
Đỗ Tiến Đức
Little Saigon.
– Ngày 26 tháng 7, 2022 cụ Huỳnh Văn Lang đã “tổ chức” ngày 100 tuổi tại “tư gia” là một căn phòng thuê trong một chung cư rộng lớn tại thành phố Fountain Valley, Nam California.
Buổi tự mình mừng sinh nhật của mình của cụ Lang, ngoài cụ còn năm người gồm Linh mục Joseph Đức Minh, bà em gái của cụ, cô cháu gái và chồng là hai chúng tôi và hai bà rất thân thiết thuộc hàng con cháu thường lui tới chăm sóc cụ.

Sở dĩ buổi sinh nhật của Cụ quá đơn sơ như vậy vì ba ngày trước, con cháu cụ từ các nơi về đã tổ chức mừng đại thượng thọ của cụ tại nhà hàng tại Little Saigon rồi. Nhưng Cụ còn muốn một buổi vào đúng ngày sanh và tổ chức tại nhà vì ở nhà có linh hồn bà từ những tấm hình bà treo trên tường, nhìn Cụ trìu mến và chung vui với Cụ như trong mấy chục lần sinh nhật bên nhau trước đây. ..
Linh mục Đức Minh làm lễ cầu nguyện cho Cụ tại căn phòng tuy chỉ có 6 người hiện diện mà đã khó di chuyển. Cụ Lang ngồi im lặng suốt buổi, có lẽ Cụ để hồn trở về ngày tháng cũ hơn là nghe vị lời cha già đã 92 tuổi khi nhớ khi quên dù đã mở điện thoại để đọc.
Ngồi cố được nửa buổi cầu nguyện, Cụ Lang ra hiệu cho tôi dìu cụ vào phòng ngủ. Chưa tới giường, cụ đã đổ người xuống vì quá mệt. Thế nhưng khi xong lễ tới phần ăn uống và cắt bánh sinh nhật do người em gái của Cụ mang tới thì Cụ Lang tuy có vẻ khỏe hơn lết ra nhưng khi thồi ngọn lửa tí teo của một chiếc đèn cầy “cực kỳ mini” mà cụ đã thổi cả chục lần mới tắt.
Cuối cùng thì cha Đức Minh và mấy người chúng tôi lặng lẽ ra về vì Cụ Lang đã quá mệt mỏi phải vô phòng nên không kịp hẹn Cụ vào sinh nhật 101 của Cụ.
Dưới đây là một bài viết cũ về Cụ Huỳnh Văn Lang:
Huỳnh Văn Lang, Một Người Như Thế Đấy
Tonton Lang của vợ tôi lại chỉ định tôi, thằng cháu rể gốc Bắc kỳ, viết vài lời cho cuốn sách mới viết xong của cụ. Thoạt đầu tôi có ý từ chối, vì những gì muốn viết về ông cụ, tôi đã viết cả rồi trong cuốn Hồi ức tập 1. Nhưng, nghĩ lại, tôi không thể phụ lòng cụ, một lão niên mà tôi kính trọng, thêm nữa, khi cụ chọn tôi viết, hẳn có lý do vì cụ vốn là con người làm chuyện gì cũng có tính toán, mà theo tôi nghĩ thì nguyên nhân chính có thể vì tôi là độc giả đầu tiên đã được đọc ngay từ dạng bản thảo mỗi chương khi cụ viết ra.
Với lại, theo tôi thì một khi cần phải viết ít trang về “cuộc đời, ái tình và sự nghiệp” của ông cụ này thì cũng dễ thôi. Lý do là, ở ông cụ này, mặt nào cũng có một “bề dầy” đáng nể. Ôi sao ông Trời ưu đãi ông nhiều thế, vì đã ban cho ông một “chữ thọ” qúa bự lại cộng thêm những “chữ khang”, “chữ phú”, chữ qúi” và cả “chữ tài” chữ nào chư ấy đều to tướng.
Theo như Cụ Lang viết trong Ký ức về “chữ thọ” và “chữ khang” thì năm nay ông cụ đã bước vào tuổi chín mươi, bạn cùng thời với cụ đã “đi” gần hết, số còn lại nếu không nằm trong “waiting list” thì cũng là khách thường xuyên thăm viếng các bác sĩ như người đi cứu viện để chống trả vô số “kẻ nội thù” mai phục trong gan trong ruột. Thế mà Tonton Lang của tôi vẫn hiên ngang khẳng định “chưa thèm đi bằng ba chân” nghĩa là vẫn không cần tới cây gậy, vẫn tự nấu ăn hàng ngày, vẫn viết sách vả vẫn một lòng son sắt chống “kẻ ngoại thù” là đám cộng sản đang tàn phá tổ quốc Việt Nam.
Về “chữ phú” thì thiệt tình tôi không biết tài sản của cụ là bao nhiêu, nhưng trong sách, cụ xác nhận Tử vi bà mẹ vợ đã lấy khi gả trưởng nữ cho cụ là số Song lộc, Vũ khúc cư Điền Phú gia địch quốc.
Về “chữ danh”, “chữ qúi”, “chữ tài” thì mở đầu “hành trình vào đời” của Huỳnh Văn Lang khi còn là một thanh niên du học trở về nước theo lời mời của ông Ngô Đình Diệm đã là ông Giám Đốc Viện Hối Đoái tân lập của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Tuy chỉ là chức giám đốc, nhưng thực tế trách vụ của cụ còn quan trọng hơn chức Bộ trưởng vì nắm trong tay tất cả ngoại tệ của một nước….
Thế rồi, cũng theo lời cụ, thì cụ đã xin nghỉ vì cái nhiệm sở đó không có “đất” cho cụ thi thố tài năng và sáng kiến. Mà đúng thế, theo thời gian ông cụ đã nổi danh với công trình Bách Khoa Bình Dân, chủ nhiệm sáng lập tạp chí Bách Khoa, tổng giám đốc ngân hàng, tổng giám đốc xuất nhập cảng, nghề nào việc nào cũng là mở đường mà đi nên vừa được người đời khâm phục vừa đạt những số doanh thu lớn. Ra hải ngoại, tuy tuổi đã cao, cụ hoàn tất nhiều tác phẩm gồm cuốn Cờ Bạc, Chuyện Đường Rừng, ba bộ biên khảo lịch sử trong đó hai cuốn viết về nhân vật nữ, là các công chúa Trung Hoa và Việt Nam biệt tài làm sứ giả.
Đã thế nhưng chưa hết đâu. Trong cuốn hồi ký này cụ Lang tiết lộ, chính cụ đã từng mưu đồ đảo chánh năm 1963 cùng với tướng Trần Thiện Khiêm và Trung tá Phạm Ngọc Thảo. Tôi không hiểu nếu mưu sự của cụ mà thành công thì chúng ta sẽ có một Huỳnh Văn Lang với những trang sử thế nào đây nhỉ.

Ngoài ra, Tonton Lang của vợ tôi không chỉ là người có tài có danh theo cách hiểu truyền thống, mà ông cụ còn nổi danh về các mục khác, như săn bắn, đá cá đá gà và đánh bạc. Mục nào ông cụ cũng thuộc hàng “siêu sao” vì bản tính của ông cụ có hơi hiếu thắng, không biết thì học hỏi, nghiên cứu, và phải vượt hơn thiên hạ nghĩa là phải trên thiên hạ.
Như vậy thì phải chăng cụ Lang là một trường hợp ngoại lệ của thuyết “chữ tài liền với chữ tai một vần” sao ? Cụ không gặp nghịch cảnh, không gặp những mâu thuẫn trong cuộc đời sao ? Hỏi cụ là người miền Nam, lấy vợ người miền Bắc, có gì khó khăn không thì cụ bảo cũng vậy thôi. Hỏi cụ là người Công giáo lấy vợ con nhà Phật giáo, có gì trở ngại không, cụ bảo vợ theo đạo chồng là lẽ phải thôi. Hỏi cảm tưởng khi cụ đã từng vào tù ra khám, cụ bảo “thời gian đó tôi viết sách, tôi dạy học cho anh em đồng cảnh ngộ” nên so sánh ở tù với ở nhà thì chỉ một điểm khác là ở tù thì không kiếm tiền được”.
Tuy nhiên, đọc hồi ký của cụ, qua những gì cụ viết, thì cuộc đời cụ cũng không tránh khỏi sóng gió, vì như người xưa từng nói “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Tôi có thể kể sơ qua một vài “nghịch cảnh” lớn xẩy ra trong đời cụ.
Trước hết, hồi trẻ vừa mặc áo thầy tu thì cụ gặp cô học trò miệt vườn tên Huyên. Cô Huyên đến với “Thầy Lang” để vừa học chữ vừa học đạo. Chuyện giao du của hai người thế nào đó khiến Thầy Lang “có lần chiêm bao thấy dắt tay cô đi vào nhà thờ”. Cụ Lang viết : Tôi vẫn xem đây là mối tình đầu và éo le, tôi phải giữ chiếc áo dòng của tôi để tiếp tục đi tu. Để rồi hai lần phải tu xuất, một lần vì chánh trị, một lần vì bản tánh hay bất bình chuyện người ta. Nhưng yêu thì cứ yêu cho tới ngày nay khi viết những hàng chữ này tôi vẫn còn nhớ đến cô đến đỗi năm 1995 khi về Việt Nam tôi có đi Vĩnh Long, vô An Hiệp tìm cô Huyên nhưng không gặp lại được”.
Một “nghịch cảnh” lớn lao khác trong đời cụ là vào năm 1954, khi cụ theo học ở Hoa Kỳ thì ông Ngô Đình Diệm mời hồi hương giúp nước. Vì yêu nước, cụ quyết định trở về và làm việc trong ban tham mưu của ông Diệm, tận tâm phục vụ, và cùng ông Diệm bàn chuyện về những ngày mai của đất nước. Vào tháng 8, 1962, khi cụ phúc trình với Tổng thống Diệm bộ ba Nguyễn Đình Thuần/ Bùi Văn Lương/ và Trần Kim Tuyến tham nhũng trong vụ Chợ đen vé số Kiến thiết. Nhưng Tổng thống Diệm tin ông Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần là người thanh liêm “chì có 2 cái áo sơ-mi để thay đổi”.. Rồi ông nghe những người này “ký sắc lệnh cất chức Giám đốc Viện Hối đoái” của ông với tội danh “đồng lõa mưu toan hối mại tòa án“. Tuy bị Tổng thống Diệm nghe nịnh thần hại ông nhưng vào chiều ngày 2 tháng 11, 1963 ông đã ghé viếng ông Diệm “đang nằm co trong chiếc thiết xa M113, tay bì trói sau lưng, mặt mắt đầy máu, tôi buồn không nói, âm thầm đọc một câu kinh, nhớ về dĩ vảng…”.
Trở lại cuốn hồi ký, tôi không biết Tonton của vợ tôi có né tránh không mà hiếm thấy cụ đả động tới chuyện đàn bà. Trong hồi ký tập 1, chỉ có một nhân vật nữ xuất hiện là cô gái quê tên Huyên. Trong hồi ký tập 2 cũng chỉ có một nhân vật nữ là cô gái Mỹ tên Kathy, được cơ quan CIA giao nhiệm vụ tài xế đưa đón, nhưng cũng gần gủi nhau nhiều ngày nhiều tháng. Cụ tâm sự “Thật ra thì giữa người đàn ông và người đàn bà dù là khác giai cấp với nhau, vì là khác giới tính nên tình bạn và tình yêu nhiều khi khó biết đâu là ranh giới!”. Đến khi gĩa biệt để về nước, cụ Lang viết : “Tôi đã ôm hôn cô trên má thật mạnh, cảm thấy cô huởng ứng thật tha thiết”. Cô Kathy “tìm môi” ông nhưng, lại như với cô Huyên: Hai bên không thiệt hại gì. Nói thế chứ có lẽ cụ cũng thiệt hại phần nào nên mới hạ bút : “Tôi vào khách sạn và đi lên phòng có cảm giác như đánh mất một cái gì!” . “Vì lắm lúc cũng cảm thấy sự đòi hỏi của xác thịt! Có phải vậy không cô Katty?”. Đó là lời cụ Lang nói sau nửa thế kỷ..
Ngoài hai nhân vật nữ chỉ thoáng xuất hiện như vừa nói, theo tôi còn một nhân vật nữ nữa tuy không xuất hiện nhưng bàng bạc suốt hai tập hồi ký, đó là thân mẫu của tác giả. Bạn đọc có thể bắt gặp một câu nói của bà cụ này như : “Làm cái gì con cũng phải nhớ làm cho đến nơi đến chốn, bằng chẳng thì chỉ mất thì giờ thôi”…“Vui sướng trên cái đau khổ của người khác, không thể nào lâu đuợc”. Những lời mẹ trở thành kim chỉ nam định hướng đi cho cụ suốt cả cuộc đời.
Đọc gần 1500 trang sách của hai tập Hồi Ký, tôi không chú ý nhiều tới những thành công, danh vọng. tiền bạc của cụ Lang. Có hai chuyện mà tôi rất thích, vì qua hai câu chuyện này tôi nghĩ rằng tôi đã thấy được con người đích thực của cụ Lang.

Chuyện thứ nhất là chuyện cây mai vàng có hoa trắng. Cụ viết : “Vào năm 1959 thấy có một gốc mai vàng cỡ cườm tay đã chết khô, chủ nhà bỏ trước cửa chờ xe hốt rác Đô thành đến lấy. Tôi thấy gốc cây khô khốc, nhưng còn giữ lại được 1 cành nhỏ bằng ngón tay út, dài khoảng 2 gang tay với năm ba lá còn xanh và 1 bông trắng, cội hoa lướt xanh xanh. Tôi lấy bỏ lên xe đem về nhà và trồng ngay bên hồ bơi. Một tay tôi ngày ngày chăm nom cho nó sống lại và lớn lên lần lần. Từ một nhành mai nhỏ, sau 6 tháng, sau 1 năm nó thành ra một cây mai nhỏ cao 5, 7 tấc tây với 5, 7 nhánh mới cùng hai ba chùm hoa trắng có cội hoa xanh xanh.
36 năm sau, năm 1995, từ hải ngoại về thăm quê, cụ Lang vội đi tìm lại cây mai. “Thấy nó vẫn khỏe mạnh như trước, hoa lá cũng sum suê, tôi mừng”.
Năm 2001, cụ về VN và lại vội đi kiếm cây mai. “Tôi đến bên cây mai, nhành cây lá cây hoa trắng vẫn còn sum sê tươi tốt khỏe mạnh như trước”.
Năm 2006, mùng một Tết, trở về nước, cụ lại đi tìm cây mai. Cụ viết : “Tôi xin phép hái một cái hoa trắng, đưa lên môi buồn buồn hôn thật nhẹ, để vĩnh biệt, cây mai vàng hoa trắng của tôi không còn tươi tốt như truớc nữa, nó đang thiếu người âu yếm chăm nom”.
“Nhìn lại thấy nó cũng buồn buồn, có thể linh tính bảo cho nó biết, chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp nhau lại nữa!”.
Chuyện thứ hai là chuyện về con chim sáo đen, cụ Lang viết tới 15 trang sách dù chuyện đó đã xẩy ra từ 80 năm trước. Cụ cưng con sáo đến mức coi nó là “nàng tiên” của cụ. Khi con chim biếng ăn, cụ lo lắng mất ăn mất ngủ. Cụ muốn được ở bên con chim ngày cũng như đêm. Một lần, đến bên lồng chim, cụ thấy “một làn gió thoảng thổi qua cửa sổ, thổi vào lồng chim, như là ru ngủ “nàng tiên” áo đen của cụ đang đậu giữa lồng. Cụ nhớ lại bữa đó như sau : “Tôi nhẹ nhàng bước lại gần, sợ đánh thức nó dậy.Tôi lẳng lặng nhìn nó ngủ. Bỗng dưng có lẽ hơi thở của tôi đã làm cho nó giật mình, tỉnh ngay và mở mắt nhìn tôi.”
Thì ra con chim sáo của cụ bị đau. Hãy đọc đoạn văn cụ tả sự chăm sóc của cụ để thấy tình cảm “nặng” thế nào của cụ đối với con vật : “Tôi lấy ra một con cào cào đút cho nó, nó uể oải mổ lấy và chậm rãi xốt vào miệng. Tôi lấy con thứ hai đút cho nó, lần này như nó không muốn ăn, tôi phải nói lời khuyến khích, cực chẳng đã nó cũng mổ lấy trên tay tôi nhưng để rồi ngậm đó, không buồn nuốt nữa. Tôi nói bao nhiêu lời ngọt ngào gần như năn nỉ hay van xin, nhưng nó vẫn một mực ngậm con cào cào trong miệng…”.
Cuối cùng thì con chim sáo chết. Cụ Lang hồi tưởng tâm tình của cụ trước cái chết của con vật mà có khác chi cái chết của một người thân : “Tôi cảm thấy tim tôi nhói lại nhưng không khóc được, chỉ thấy buồn buồn, một cái buồn minh mông không bến bờ ! Tôi mở cửa lồng lấy nó ra, để lên bàn tay trái, tay mặt tôi vuốt ve lưng nó, đầu nó, mỏ vàng của nó vào bao nhiêu lần tôi không nhớ rõ nữa và đến một lúc nào đó, 10, 15 hay 20 phút sau nhẹ nhàng và âu yếm, tôi đặt nó trên bàn học và ngồi xuống, chống tay lên má, tôi nhìn cái xác đã cứng, hồi tưởng lại hình hài và tiếng nói không phải là của con sáo mà là của một nàng tiên biết “chào ông, chào bà”. Tôi không có khóc thành tiếng nhưng nước mắt đã chẩy xuống má theo lòng bàn tay, rớt trên quyển sách Le Vocabulaire francais từ bao giờ. Và bao lâu như vậy”.
Rồi cụ Lang kết luận : “Tôi kể lại chuyện cây mai vàng có hoa trắng nầy như là một chuyện tình tự giữa người và cây cỏ, cũng như chuyện tình tự giữa tôi và một con cò sói trong tập Ký ức Tập I trước. Trông sao chúng nó có ra đi rồi, thì hồn của chúng hay tiểu sử của chúng vẫn con sống trong văn học VN của tôi và của bạn đọc, bất chấp một chế độ tàn nhẫn dã man cách mấy đi nữa,vì chế độ lâu mau gì cũng phải ra đi trước sự trù rủa của thiên hạ”.
Xin trân trọng cảm ơn Tonton Lang. Đọc hồi ký của cụ, tuy là viết về cuộc đời cụ, nhưng mọi người thấy được không những bối cảnh của đất nước trong gần một thế kỷ, suốt từ chế độ thực dân Pháp tới chế độ quốc gia rồi thời cộng sản sang thời cộng hòa và rồi cộng sản mà còn được biết thêm không ít những chuyện xẩy ra trên thượng tầng lãnh đạo của miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, có thể nói chắc chắn rằng 90 năm cuộc đời của cụ đã để lại cho hậu thế nhiều bài học rất đáng giá.
Cũng mong rằng qua tập sách này, độc giả sẽ hiểu thêm về một người tên là Huỳnh Văn Lang, người đó có bề nổi rất ồn ào, sắt đá, hừng hực như mặt trời mùa hạ nhưng lại có phần chìm rất đa tình đa cảm, rất thủy chung nhân hậu, dịu dàng thanh khiết như ánh trăng khuya.
Đỗ Tiến Đức
Bao Thoi Luan
PO Box 954, Westminster, CA 92684