NHỮNG CÁNH BUỒM

Vài nét về tác giả & tác phẩm NHỮNG CÁNH BUỒM Phạm Đình Trọng nguyên quán tại Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên, nhưng chào đời ngày 10/8/1944 tại phố Bonnal, nay là phố Trần Phú, Hải Phòng. 19 tuổi tốt nghiệp trung học, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ ngày 29/06/1963, trở thành lính báo vụ ở tổng trạm thông tin vô tuyến điện bộ Tổng Tư Lệnh, thành cổ Cột Cờ, Hà Nội. Vừa làm phận sự người lính vừa âm thầm viết về đời lính và có truyện ngắn đầu tiên đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số tháng 6/1967. Tháng 12/1968 chuyển về phòng Chính Trị bộ Tư Lệnh Thông Tin Liên Lạc, được giao tổ chức cho ra đời tờ báo binh chủng Thông Tin. Hai năm sau, tháng 4/1970, chính thức gia nhập đảng Lao Động tức đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay. Tháng 5/1970, học trường Sĩ Quan Thông Tin. Tháng 12/1971 tốt nghiệp sĩ quan, vào mặt trận Tây Nguyên. Tháng 9/1974, bị thương được chuyển ra Bắc tháng 12/1974. Từ tháng 9/1976, về tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thuộc Tổng Cục Chính Trị và theo học khoá I đại học Viết Văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp, về ban Ký Sự Lịch Sử Quân Sự tham gia hoàn thành bộ sách 5 tập Trận Đánh 30 Năm rồi về làm biên kịch phim tài liệu Xưởng Phim Quân Đội. Tháng 1/1979, hành quân cùng hải quân đổ bộ cảng Sihanoukville tiêu diệt quân Pôn Pốt, giải phóng Cambodia khỏi hoạ diệt chủng. Tháng 12/1986 có mặt ở trung đoàn đặc công, đơn vị Anh Hùng đã giành đi giật lại những điểm cao ở Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang nhiều lần bị quân Tàu Cộng tràn sang đánh chiếm Năm 1990 chuyển qua dân sự, làm báo Điện Ảnh VN, rồi Thời Báo Tài Chính VN. Năm 2004 nghỉ hưu. Tháng 12/2009 tuyên bố từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam sau gần 40 năm là đảng viên, rồi từ bỏ hội Nhà Văn Việt Nam sau gần 20 năm là hội viên. Tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Phạm Đình Trọng: Các tập truyện ngắn : Rừng Và Biển, Cuộc Gặp Gỡ Muộn Màng, Nẻo Về. Các tập ký sự : Một Thuở, Bức Chân Dung Để Lại Đảo Vàng. Truyện đồng thoại : Một Sự Nổi Tiếng. Kịch bản phim: Trăng Khuyết cùng nhiều kịch bản phim tài liệu… Những Cánh Buồm là tác phẩm ghi lại chân dung “mười ba mảnh hồn trong không gian bão táp cách mạng vô sản… áp đặt ách nô lệ cộng sản lên cả dân tộc Việt Nam” trong đó có các “mảnh hồn là nạn nhân mang nỗi đau của thời kỳ lịch sử máu và nước mắt, mất mát và ai oán đau thương thê thảm nhất…” và cũng có các mảnh hồn ngạo nghễ, cuồng tín đã tạo ra “tội ác chồng chất rùng rợn nhất, man rợ nhất trong lịch sử Việt Nam.” Chính từ sự không chấp nhận Cộng Sản, Phạm Đình Trọng trở thành đối tượng bị an ninh Cộng Sản giám sát mọi lúc, mọi nơi. Nội dung Những Cánh Buồm cùng hướng đấu tranh của tác giả đã hiện rõ qua hình ảnh ghi lại hành động từng có của cựu đại tá Phạm Đình Trọng: Viếng liệt sĩ Ngụy Văn Thà, thiếu tá VNCH, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo vào ngày giỗ trận Hoàng Sa 19/1/2017 và tham gia biểu tình kết án Trung Cộng xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tủ sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG.