Nét Chấm Phá của Bức Điêu Khắc Truyền Thần 



Lời Người Dịch

Phan Lê Dũng

Khi nghe hai chữ Trung Hoa có lẽ chẳng có người Việt Nam nào  tránh khỏi vấn đề bị đánh động phải suy tưởng ít nhiều.  Sự suy  tưởng đó nếu chẳng là những vấn đề sôi bỏng của thời sự như những  vấn đề nội trị của Trung Hoa, những quan hệ ngoại giao giữa Trung  Hoa và các nước khác thì cũng là những vấn đề văn chương như những  bài thơ cổ thi Trung Hoa vẫn nổi tiếng ngàn đời phóng khoáng.

Đề tài Trung Hoa với người Việt Nam có thể là một đề tài chính  trị cận đại như vấn đề Thiên An Môn, như vấn đề Đánh Tư  Sản Mại Bản ở Chợ Lớn, có thể là một đề tài uchính trị đã qua như  phong trào Trăm Hoa Đua Nở, như cuộc Vạn Lý Trường Chinh và cũng có  thể xa vời như những vần thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ hoặc Bạch Cư Dị. 

Sau bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử số phận của Trung Hoa  dường như đã đi đôi với số phận của Việt Nam và người Việt Nam  dường như lúc nào cũng nhìn vào số phận Trung Hoa để rút ra những  bài học quý giá về cả các cách nhân sinh quan xử thế lẫn các đòn  phép chính trị của người dân Trung Hoa.  Đã không biết bao nhiêu  thế hệ Việt Nam mang ảnh hưởng Trung Hoa nếu không về phương diện  này thì cũng là về phương diện khác, đồng ý với Trung Hoa, bài xích  Trung Hoa, vọng ngoại như Trung Hoa, ăn mặc kiểu Trung Hoa, tôn thờ  Trung Hoa, khinh bỉ Trung Hoa nhưng có lẽ chưa có thế hệ nào bỏ qua  Trung Hoa bao giờ.  Yếu tố địa lý đã khiến người Việt Nam cảm thông  nền văn hóa Trung Hoa chẳng khác nào như cảm thông chính nền văn  hóa Việt Nam.

Trong quá khứ, người Việt Nam đã bị buộc phải hiểu Trung Hoa  để giữ tình hữu nghị, bị buộc phải hiểu Trung Hoa để rút ra những  giải pháp có thể đem áp dụng vào những quốc sách để giải quyết các  vấn đề khó khăn trong nước, bị buộc phải hiểu Trung Hoa để có thể  tiên liệu được những đòn phép của Trung Hoa mà giữ vững được nền  độc lập.  Qua những giai đoạn hiểu biết bắt buộc truyền đời đó, có  lẽ sự hiểu biết của người Việt Nam đã trở thành một thứ phản xạ tự  nhiên đến độ gần như ai cũng xem chuyện hiểu Trung Hoa là lẽ đương  nhiên.  

Tuy thế, người Việt vẫn thường hiểu Trung Hoa như một đối  tượng chứ ít khi nhìn Trung Hoa như đang nhìn trực tiếp vào những  sự suy tưởng của chính mình.  Rất ít khi người Việt Nam đặt thẳng  câu hỏi Trung Hoa là gì?  Trung Hoa suy nghĩ ra sao?  Trung Hoa cần  phải giải đáp chính những vấn đề khó khăn của họ thế nào?  Những  câu hỏi này thường là những câu hỏi lớn quá, bao quát quá và có lẽ  ngay cả chính người Trung Hoa cũng chưa thể trả lời đích đáng.

Không biết bao nhiêu thế hệ Trung Hoa đã vật vã để trả lời câu  hỏi Trung Hoa.  Câu giải đáp của Khổng Tử, của Tần Thủy Hoàng, của  Tôn Dật Tiên, của Tưởng Giới Thạch, của Mao Trạch Đông, của Đặng  Tiểu Bình, của…  Mỗi câu giải đáp là mỗi lần các thế hệ Trung Hoa  ngã gục.  Chiến quốc, Xuân Thu, Chiến Tranh Quốc Cộng, Cách Mạng  Văn Hóa, Cách Mạng Đổi Mới nhảy vọt. . .  Câu chuyện Trung Hoa  dường như không bao giờ biến đổi, tất cả những suy nghĩ về Trung  Hoa lúc nào cũng âm ỉ, không dồn dập, nhưng vẫn xoáy tròn như những  cơn trốt nhỏ cứ lãng đãng ở tất cả mọi nơi và bất cứ lúc nào cũng  có thể quyện lại thành những cơn lốc, cơn bão quyện theo hàng vạn  con người quật quã trong độ xoay chuyển.  Những cơn bão đó thỉnh  thoảng lại đột xuất ra ngoài như chiến tranh Á Phiện vào cuối đời  Thanh, như chiến tranh Quốc Cộng trong thế chiến thứ hai, như những  chuyến đi đêm ngoại giao của Chu Ân Lai với Kissinger nhưng đa số  những cơn bão tố ghê gớm đó vẫn hoành hành âm ỉ bên trong nội địa  Trung Hoa.  Đối với thế giới bên ngoài Trung Hoa vẫn ngàn đời bí  ẩn, thế giới bí ẩn đó được phác họa lại trong Nét Chấm Phá của Bức  Điêu Khắc Truyền Thần bằng câu chuyện kể của một thiếu phụ Trung  Hoa.  

Người kể là một cô bé sang Hoa Kỳ vào lúc tám tuổi và có dịp  trở về Trung Hoa với cương vị phu nhân của một đại sứ Hoa Kỳ.  Bà  về Trung Hoa ngay từ lúc đầu khi Hoa Kỳ bắt đầu bình thường hóa các  quan hệ ngoại giao với Trung Hoa và rời Trung Hoa vào lúc phong  trào biểu tình ở Thiên An Môn kết thúc.

Câu chuyện mở đầu bằng câu chuyện của một tù nhân dùng một cái  chai để đánh dấu sự hiện hữu của chính mình.  „Vì chẳng có gì để  làm, anh thường nhặt những mảnh kim loại óng ánh thường rớt ra mỗi  khi người ta cắt kim loại để bỏ vào một cái chai. . .“ Ấn tượng  tù tội được diễn tả thật đột ngột bằng những câu văn thật ngắn và  rồi kết thúc thật nhanh.  Cả câu chuyện dường như chỉ chiếm trọn  vài hàng.  Câu chuyện đó dừng lại để trở thành tâm sự người kể,  chia hai để mô tả những cảnh tượng khác biệt giữa hai thế giới, một  Đông Phương, một Tây Phương, chia hai để diễn tả hai quãng đời trái  ngược, một quá khứ, một hiện tại, chia hai để diễn tả hai cảm tưởng  của tâm hồn, một suy tư, một hồi niệm và rồi bất thình lình người  kể bước ra ngoài để trở thành người nghe.

Từng người Trung Hoa bắt đầu kể chuyện, câu chuyện của người  thày giáo bị đấu tố trong cuộc cách mạng văn hóa, câu chuyện của  người nữ diễn viên bị ép giữa hai mặt của một cuộc đời, câu chuyện  của một học giả tìm nguồn sống bằng tài liệu, câu chuyện của người  bác sĩ giải phẫu bị bẻ tay, câu chuyện của người sinh viên ưu tú  đánh thày.  Tất cả đều được kể lại bằng những khúc hồi tưởng, bằng  những câu nói thật mộc mạc, chân thành.  Tất cả đều là những người  bình thường bị bắt buộc phải đương đầu với những nghịch cảnh khác  thường.  Cuộc đời của họ gần như đi đôi với nhịp điệu xô đẩy thất  thường của các cuộc cách mạng, các phong trào nhảy vọt, của các kế  hoạch ba năm, năm năm.  Tất cả 

đều là những người mang cảm giác tội  lỗi.  Cuộc đời của họ chẳng khác nào những sợi giây thòng lọng cứ  thắt dần, thắt dần.  Thỉnh thoảng cũng có những ánh chớp loé lên  nhưng gần như tất cả cuộc đời của những người kể đều là những quãng  đời nhọc nhằn, tuy thế họ không hề than van.  Họ vẫn âm thầm chấp  nhận.  Có lẽ bốn ngàn năm ảnh hưởng của Khổng, của Lão, của Phật đã  khiến họ sẵn sàng chấp nhận tất cả.  Ưu tư của họ nếu có chăng thì  cũng chỉ là về những thế hệ sau.  Họ muốn bảo tồn những cái họ cho  là đáng bảo tồn nhưng không còn giá trị gì đối với xã hội của con  cháu họ.  Họ muốn con cái họ thông cảm những vấn đề chẳng ai thông  cảm họ nhưng con cháu họ chẳng muốn nghe „con cái cho bố mẹ chúng  nó là những người dại dột.“  Tâm hồn bình lặng của họ có lúc trong  sáng như mặt nước Đại Hồ nhưng có lúc lại sâu thẳm quanh co chẳng  khác nào bức tường Vạn Lý Trường Thành.  Ngay cả những lúc nói  chuyện họ cũng chẳng thể nói trực tiếp.  Họ mượn những cuộn băng để  tránh phải kể chuyện trực tiếp.  Có thể là họ sợ bị chính quyền  truy nã một khi câu chuyện của họ được viết ra mà cũng có thể họ đã  quên mình trong câu chuyện, câu chuyện của họ vượt lên trên câu  chuyện của một cá nhân để trở thành câu chuyện điển hình của từng  giai cấp.  Tất cả đều kể bằng hai quan niệm, vừa đem kinh nghiệm  điển hình của bản thân để làm cho câu chuyện linh động và sát với  cuộc sống, vừa bỏ qua tên tuổi để cho câu chuyện có tính cách đại  biểu chứ không phải là câu chuyện của riêng một cá nhân.  

Song song cùng quyện vào lời kể của những câu chuyện ghi lại  là câu chuyện gia đình của người kể.  Cuộc đời của người kể cứ vòng  quanh và xoáy dần vào quá khứ.  Câu chuyện của chính bản thân, của  người em ruột bị bỏ lại ở Trung Hoa, câu chuyện họ nội qua người cô,  người chú, câu chuyện họ ngoại qua những người dì, người cậu đi  ngược lại đến thế hệ trước, thế hệ trước nữa và thế hệ trước  nữa. . . Câu chuyện đôi khi nghiệt ngã như tấm hình nội tổ của  người kể bị Vệ Binh Đỏ gạch mặt, đôi khi thảng thốt như câu chuyện  hài cốt của bà nội người kể trong chỗ thờ 

không còn bức di ảnh, đôi  khi bàng hoàng như mảnh mộ bia của ông ngoại người kể bị xéo đi  trong khi ngôi mộ bị san bằng.  Dường như người kể trở về Trung Hoa  để cố tìm hiểu chính ngay cả cuộc đời mình „Tôi thấy một người đàn  bà ngoại năm mươi đang đi giữa…“  Dường như ở đâu người kể cũng  tìm.  Người kể nhìn vào chính những suy nghĩ của mình, nhìn vào  những cuộc sống bên ngoài, nhìn qua đôi mắt khách quan, nhìn bằng  đôi mắt chủ quan, nhìn sang bên, nhìn về phía trước, phía sau.  Đôi  khi người kể nhận diện được mình phần nào qua câu chuyện của một  người em họ „Nếu là tôi chắc tôi đã không đủ can đảm để chôn cất bà  ngoại được như ý!“  Đôi khi người kể xuất thần đến gần như tiếp xúc  được với những mối dây vô hình ràng buộc với tổ tiên:  „Ông ngoại  tôi an nghỉ ở Tô Châu, mộ ông nằm dưới bóng mát của một bụi trúc…  Phiến đá đó là di tích, của ông ngoại tôi, của chúng tôi, của cội  nguồn gia tộc.  Chính nhờ vào phiến đá đó mà những thế hệ sau này  dù không còn nói được tiếng Trung Hoa, dù trông không còn giống  người Trung Hoa vẫn có thể nhìn vào đấy để cảm thấy những cảm giác  cội nguồn của mình như tôi đã cảm thấy khi đứng trước mộ ông ngoại  chiều nay…“  

Tất cả những câu chuyện kể lại đều có dính dáng ít nhiều đến  chính trị, đều được mở đầu bằng chính trị.  Có lẽ tất cả những  phong ba trong cuộc sống của những người kể đều bị các động cơ  chính trị thúc đẩy.  Chính trị hiện diện một cách lạ lùng như thể  vừa ở bên trong mà cũng vừa ở bên ngoài câu chuyện.  Chính trị hiện  diện chẳng khác nào những thực tế xảy ra trong đời sống Trung Hoa,  chẳng khác nào những nét điêu khắc đang khảm, tạc khuôn mặt Trung  Hoa.  Có lúc chính trị thôi thúc chẳng khác nào kêu gọi người dân  Trung Hoa vùng lên, có lúc chính trị lại dửng dưng, lạnh lùng như  đòi hỏi người dân Trung Hoa phải chấp nhận những gì nằm trong tầm  với.  Các chương sách lồng vào nhau thật là kỳ lạ.  Đề tài của  những cuộc đời của hai người, của nhiều người của từng người mà  dường như vẫn chỉ là câu chuyện của một người.  Nếu không có những  

mảnh ngoặc () đánh dấu đôi khi người đọc không thể phân biệt được  câu chuyện nào là câu chuyện của chính bản thân người kể, câu  chuyện nào là câu chuyện người kể được nghe và ghi lại.  Câu chuyện  miên man dường như chẳng bao giờ kết thúc, đoạn nào cũng chỉ là  những đoạn chỉ mới vừa được phác họa và còn cần được kể rõ chi tiết  thêm.  Người kể đã lồng câu chuyện của mọi người vào câu chuyện của  gia tộc nhà mình, lồng câu chuyện gia tộc của mình vào câu chuyện  chính trị của toàn thể Trung Hoa.  Chuyện kể vừa là ký sự, vừa là  tâm sự vừa là lịch sử viết lại bằng những cuộc đời của những người  Trung Hoa đã sống như thế trong hàng thế kỷ.  

Câu chuyện tuy là những câu chuyện thật viết hoàn toàn trong  khung cảnh hiện tại mà vẫn pha đậm những nỗi xót xa khiến người đọc  không khỏi lúc thì nhớ đến chuyện Ăn Cơm Chưa của Bình Nguyên Lộc,  lúc thì cảm thấy nỗi bâng khuâng trong chuyện Những Bước Chân của  Lỗ Tấn hoặc cảm thấy những bế tắc không lối thoát của những nhân  vật trong chuyện Kalfka.

Tất cả những câu chuyện kể bùng ra như những mảnh vụn của một  trái phá, thoạt nhìn thì dường như mỗi mảnh bay đều bay về một  hướng hoàn toàn độc lập và khác hẳn nhau nhưng nếu nhìn kỹ thì  dường như tất cả những mảnh vụn đó đều phụ thuộc vào chiều hướng  nguyên thủy ban đầu của trái phá trước khi chưa nổ.  Quỹ đạo của  những mảnh vụn li ti đó là những nét điêu khắc tạo nên hình ảnh  truyền thần của khuôn mặt Trung Hoa.  

Phan Lê Dũng.

 Vienna, 11/1/1992  

Mời đọc tác phẩm qua bản PDF :

DieuKhacTruyenThan.PDFHerunterladen