Sử dụng hay Xử dụng ?


Vừa qua trên mạng FB lại đưa đề tài đã từng gây tranh luận về việc nên viết
“ Sử dụng hay Xử dụng “?

Nhân đây trích đưa lại bức thư ông Uyên Thao đã gửi cho giải thích tại sao ông dùng hai chữ
“ xử dụng”

Nhà văn Uyên Thao :

“Như chúng ta đều biết, đa số từ Việt ngữ là Hán Việt tức có gốc Hán tự. Chẳng hạn chữ “sử” hoặc “xử” của ta là 5 chữ Hán viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã, Hô, Mộc. Trước đây, các học giả Thiều Chửu, Đào Duy Anh đã phiên âm 3 chữ viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã là “sử” và 2 chữ viết theo các bộ Hô, Mộc là “xử.” Các chữ thuộc 3 bộ Khẩu, Mã, Mộc đều có nghĩa rõ ràng riêng biệt nên chỉ còn vấn đề với 2 chữø viết theo bộ Nhân và bộ Hô. Từ viết theo bộ Nhân được phiên âm là “sử” có nghĩa “sai khiến” hoặc “phỏng định” dẫn đến các thành ngữ như “giả sử”, “sử nhân dĩ dục”, “sử dân dĩ thời”…, hay chỉ một chức vụ như “thứ sử”, “ngự sử”… và biến âm thành “sứ” để có các từ “sứ thần”, “sứ giả”, “đại sứ”, “sứ quán”… Riêng từ viết theo bộ Hô phiên âm là “xử” bao gồm nhiều nghĩa như “thu xếp”, “sắp đặt”, “xét đoán”, “lo liệu”, “phân định”,“vận dụng”,“thể hiện”, “đối đãi…” ghép thành nhiều từ như “xử thế”, “xử trí”, “xử lý”, “xử trị”, “xử sự”, “khu xử”, “hành xử”, “xuất xử”… Theo cách phân tích này, chúng tôi thấy không thể viết “sử dụng” vì ở đây không hàm nghĩa “sai khiến” như trong câu “sử nhân dĩ dục” — lấy lòng ham muốn để sai khiến con người — hoặc “sử dân dĩ thời” — dựa theo thời vụ mà sai khiến dân chúng. Chữ “xử” ở đây chỉ đơn thuần mang nghĩa “thu xếp”, “sắp đặt”, “vận dụng”… những thứ gì đang có trong tay mà thôi nên phải viết là “xử dụng.” Do đó, dù hiện nay rất nhiều người viết “sử dụng”, chúng tôi vẫn thấy cần viết “xử dụng.”

Blog Của Một Người Saigon đã định nghĩa “ Xử “ và “ Sử “ khi là động từ như sau :

“Xử, như các định nghĩa anh chị em có thể tìm được ở nhiều từ điển, là phân biệt sự việc đúng sai, lớn nhỏ, phải chăng. Có nhiều từ tiếng Việt chỉ có thể xài Xử chứ không xài Sử được:
Xử án, xử trảm, xử tử, xử sự, xử tệ, xử hẹp, xử phạt, xử lý, xử thế…
xét xử, biệt xử (=biệt đãi), khu xử…
Các từ ghép phía trên, chữ xử đều là tiếng Hán (phồn thể viết: 處), mang ý nghĩa rằng khi mình làm một việc gì đó (án, trảm, tử, sự, tệ, hẹp, phạt, lý, xét, biệt, khu…) thì con người đều phải xử, nghĩa là làm những việc đó phải có suy nghĩ.
Còn Sử, như các định nghĩa anh chị em có thể tìm được, nghĩa là sai khiến, điều khiển, đem việc/vật/người gì đó ra mà dùng. Có vài từ mang ý nghĩa này:
Ngự sử (một chức quan), sử quan (quan chép sử), và sử dụng, từ chúng ta đang nói tới.
Khi xài chữ Xử ghép với một chữ khác, thì chữ ghép còn lại giải thích cụ thể hơn việc mà người kia đang “xử” tạo ra một ĐỘNG TỪ, nên Xử bổ nghĩa cho chữ ghép kia.
Còn khi xài chữ Sử ghép với một chữ khác, trong trường hợp duy nhất này là Dụng, thì Dụng bổ nghĩa cho Sử, nghĩa là sai khiến, đem một vật gì đó (Sử) ra mà xài (Dụng). Trong tiếng Hán cũng có một từ y như từ Sử dụng: 使用 (bính âm là: shǐyòng), mà Dụng (用) cũng là một tiếng Hán, nên tui nói Sử Dụng là dịch nguyên văn một chữ tiếng Hán sang âm tiếng Việt mà xài.”

Như thế “ xử dụng” đã được “Việt hóa” và dùng cho tiếng Việt hợp hơn, tránh lệ thuộc vào các chữ Hán Việt.
( DHM)

Về điểm này nhà văn Uyên Thao có viết thêm :
“Trên thực tế, từ cuối thập niên 1930 trước khi bùng nổ cuộc đại chiến thế giới tới năm 1953, tôi đã được các vị thầy mà mọi người kính nể trong đó có cụ Trần Lê Nhân, cụ Bảng Mộng chỉ dạy và không bao giờ quên các lời nhắc từng được nghe. Chính từ đây, việc ghi lại các từ Hán-Việt đồng âm bằng quốc ngữ, tôi luôn nhớ lời nhắc của cụ Nhân là: “Các con cần nhớ mọi từ Hán-Việt, Pháp-Việt đều là tiếng Việt Nam vì đã được Việt Nam hóa rồi, bất kể từ nguồn gốc nào. Vậy khi ghi theo quốc ngữ nên cân nhắc theo cách hiểu, cách dùng của người mình chứ đừng nghĩ đến xuất xứ nữa.”
Bởi từ này trong tiếng Việt không hàm nghĩa quân sử thần tử…hay phụ sử tử vong… mà đã mang nghĩa phổ biến là vận dụng, nói rõ là dùng như dùng đũa, dùng dao…nên gần gũi với các từ phổ biến khác như xử trí, xử lý, hành xử vv…Thêm nữa, dù người Tàu có thể viết xử dụng bằng bộ nhân thì đó là vấn đề của người Tàu, còn từ xử của chúng ta đã hoàn toàn Việt hóa và là tiếng Việt rồi.”

Ông Uyên Thao cũng nhắc luôn đến việc dùng sai hai chữ “ toàn trị” như sau :

“Toàn trị” cũng không phải từ mới mà chỉ là một từ cũ được ban cho nghĩa mới trong vòng vài chục năm nay. Nghĩa vốn có của từ “toàn trị” là “sắp đặt trọn vẹn”, “hoàn toàn an lành” như trong các diễn tả về một thời kỳ “toàn thịnh toàn trị” được rút gọn là “thịnh trị” để nói về mức “phát triển” tốt đẹp trong tình trạng “ổn định” tuyệt đối. Chữ “toàn” trong Hán tự hàm nghĩa “trọn vẹn” và diễn tả “cái đẹp, cái tốt” nên ta chỉ gặp những từ như “toàn thiện”, “toàn tài”, “toàn hảo”, “toàn mỹ…” chứ không có chữ “toàn” nào ghép với “ác”, “xú”, “độc”… Ngoài ra, dịch từ totalitarisme thành “toàn trị” chưa hẳn có một từ mới chính xác hơn các từ cũ như “độc quyền đảng trị”, “độc trị”, “độc tài độc đoán…” Đó là chưa kể còn dễ gây hiểu lầm do hàm nghĩa quen thuộc diễn tả ý hướng tốt đẹp của từ “toàn.” Cho nên, dù từ “toàn trị” có thể lôi cuốn một số người, chúng tôi vẫn chọn giữ các từ cũ “độc trị”, “đảng trị” hoặc “độc quyền đảng trị…”

Chúc các bạn bước sang năm 2020 khỏe mạnh, may mắn và luôn thư giãn, không rối trí vì các từ ngữ đang được dùng hiện nay.
DHM.

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây: