MỘT GIỜ VỚI ĐẠI TÁ HỒ NGỌC CẨN

Người về Hưu

Tối 29-04-1975 , 48 năm về trước, sau khi cơm nước xong, đang chuẩn bị xách cây M16 vào “ tử thủ“ bệnh viện thì một chiếc xe Jeep mang số Tiểu khu Định Tường dừng trước cổng nhà, tôi chưa kịp nhận ra ai, thì ra là đại tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện, mặt ông đầy vết máu khô, chiếc nón sắt vẫn đội trên đầu, khẩu súng lục bên hông.
Tôi chưa kịp chào hỏi thì đại tá Cẩn nói ngay : „Tôi vưà bị thương chiều nay vì trực thăng bị tụi nó bắn ở Chương Thiện, phiền bác sĩ chăm sóc giùm.“

  • Đang lúc lúc vào bệnh viện, luôn thể mời đại tá theo tôi, tôi nói.
  • “ Đúng ra tôi vào Quân Y Viện Cần Thơ gần hơn, nhưng ngại anh em binh sĩ hoang mang nên phải theo ông TướngTư lệnh của thiếu lên đây nhờ Bác sĩ điều trị, và tôi cũng không muốn vào BV3DC, BS thông cảm…“ đại tá Cẩn trả lời.
  • Đại tá Hồ Ngọc Cẩn Sau khi chẩn bệnh, biết ông bị gãy xương hàm dưới vùng tiền hàm, sai khớp, tiếng Đức gọi là Unterkieferfraktur mit intermaxillär Verschiebung,( Mandibular fracture with intermaxillary displacement). Thu Đông nhà tôi, mặt tái mét, đề nghi xin trực thăng tản thương về Tổng Y viện Cộng Hoà, nhưng ông từ chối, buộc lòng ban đêm trong cơn giao động, hai vợ chồng cũng phải cố gắng bật đèn giải phẩu , đo vội áp huyết, chích thuốc tê, từ từ kéo hai hàm lại, điều chỉnh cho ăn khớp với nhau , gọi là Manuelle Reposition des Unterkiefers mit intermaxillärer Gummizügen, ( Manual reduction of the mandibular with intermaxillary elastics) ,sau đó cho trụ sinh cùng thuốc đau nhức và hướng dẫn cách ăn uống. Hẹn một tháng sau tháo niềng hàm.
    Sau khi điều trị tôi mới biết thiếu tướng tư lệnh vùng IV Nguyễn khoa Nam, chuẩn tướng Trần văn Hai tư lệnh sư đoàn 7BB cùng đại tá Hai, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trủơng Định Tường đang thị sát khu chiến Tiền Giang, hẹn ông gặp nhau ngoài chợ Mỹ Tho, ngã ba bác sĩ Trực- Nha sĩ Hùynh Khắc Minh, góc đường Lý Công Uẩn để cùng nhau về lại Cần Thơ bằng trực thăng.
    Trong lúc chờ đợi, chúng tôi nói chuyện, mặc dù buộc hai hàm, băng lại vết thương, nhưng đại tá cũng cho biết sơ con người , xuất thân từ thiếu sinh quân xuất sắc , nhưng vì nhu cầu sĩ quan, ông được bộ Quốc Phòng cho học lớp sĩ quan đặc biệt bởi tài năng xuất sắc vượt bực. Rồi với thời gian từ binh nhì lên đến đại tá bằng trận chiến hãi hùng „Muà Hè Đỏ Lưã năm 1972″sau khi ông liều chết giải toả gọng kềm An Lộc.

Vưà lúc Tướng Nam cùng đòan tuỳ tùng từ hướng chợ Mỹ Tho ra thì chúng tôi chia tay. Thấy sắc mặt tôi đầy lo lắng, tướng Nam , trên đầu luôn luông đội nón sắt, xiết tay thật mạnh, giọng đầy hưá hẹn:“BS cứ an tâm, vùng này vững như bàn thạch, chỉ khi nào tụi tui chết hết mới lo, bây giờ không sao.“
Qua lời nói ngắn ngũi nhưng đầy niềm tin , chúng tôi bỏ ý định theo tàu Hải Quân , Đồng Tâm của thiếu tá Hải Quân Lưu Trọng Đa, đã hẹn gặp nhau lúc 10 AM tại bến “Tắm Ngựa” bên Cầu Quay Chợ Cũ, Mỹ Tho cùng với thiếu tá Trấp , trưởng ty ANQĐ Mỹ Tho, chạy ra biển, cùng với gia đình Y sĩ Trưởng BV3DC, Bác sĩ Trung tá Nghiêm Hữu Đôn,với một số anh em Bác sĩ : Gia dình BS Phạm Minh Chánh, BS Tô Ngọc Ẩn, chờ Hạm Đội 7 cuả Mỹ vớt. Đó là niềm tin.
Nhưng mưu sự tại nhân , thành sự tại thiên. Đúng 10 giờ sáng 30-04-1975,tướng Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng vô điều kiện, tướng Nam bình tĩnh đi thăm từng thương bịnh binh lần chót , ở Quân Y viên Cần Thơ, an ủi họ, rồi về bàn giao cho MTDTGPMNV.

Tại văn phòng Tư lệnh, Tướng Nam, đốt nhang quỳ trước bàn thờ Phật, rút súng tự vẫn.

Các tướng Lê Văn Hưng, Trần văn Hai cũng đã tự sát.

Riêng đại tá Hồ Ngọc Cẩn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, mới quăng súng cho VC. Có lẽ đại tá là người công giáo nên không được phép tự sát ?

Bệnh viện 3DC cấp tá cao niên còn ở lại là NVH , người viết bài này..

Ngày tuyên bố đầu hàng của TT Dương Văn Minh, sau khi giao nộp khẩu súng M16 và Colt 12, NVH thay mặt BV3DC bàn giao cho phái đoàn MTDTGP tên là Tư Non, bác sĩ quân y. Họ dặn chúng tôi, nay nước nhà đã được độc lập, các anh không được xen dùng tiếng nước ngoài khi xữ dụng dụng cụ y khoa. Sau đó Cách Mạng họ cho phép chúng tôi tiệp tục phục vụ trong bệnh viện, nhưng ban đêm phải vào ngủ , để kiểm tra an ninh. Một Trung sĩ của tôi tên Trung Sĩ Sang bí mật đào ngay trong phòng làm việc của tôi (cũng là phòng ban đêm tôi mở ghế bố ngũ qua đêm,) một hố sâu rồi chôn dấu khẩu súng colt 12 lên đạn sẵn, là tai họa cho tôi những ngày sau đó.
Thiếu tướng tư lệnh Nguyễn Khoa Nam, nói như đinh đóng vào cọc, : “ Khi nào tôi chết, BS mới đi”, nhưng tôi không kịp đi thì đã vào tù., nhưng không ân hận nghe lời Tướng Nam ở lại, không theo tàu hải quân Mỹ Tho chạy ra biển trưa 30 tháng tư 1975.
Trong tù, tôi nghe nói, VC bắt và hành hạ Đại Tá Cẩn tàn nhẫn. Họ bắt ông hằng ngày hốt phân người từng thùng rồi xách đi đổ và bị xử tử ngày 14-08-1975, trước khi chết, Việt Cộng bịt mắt ông nhưng ông vội nói : “Đừng bịt mắt tôi. Cho tôi thấy đồng bào tôi trước khi chết “sau khi hô to VNCH muôn năm !
Ước vọng trước khi chết, ông xin được mặc bộ quân phục VNCH, nhưng VC không chấp thuận.
Người viết cảm thấy phần nào ân hận, vì không tiện liệu được thua trận , đầu hàng nên buộc chặt hai hàm răng cuả ông để chờ 4- 6 tuần lễ sau mới tháo dây kẽm buộc hàm, thiếu dinh duởng, chắc ông phải khổ sở và đau đớn lắm trong thời bị hành hạ.
Cuộc chơi cuả “ kẻ thắng cuộc “ không công bằng. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã hoàn toàn bị trói tay, nhưng vẫn bị hành hạ, lăng nhục cuối cùng đem xử tử.
Đại tá Hồ Ngọc Cẩn sẽ sống mãi trong lòng quê hương và sự thương cảm cho người ở lại.

– Cuối năm 1973, lúc mới 35 tuổi, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn trở về chiến trường sình lầy với chức vụ tỉnh trưởng, kiêm tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện, một tỉnh có địa hình phức tạp nhất vùng đồng lầy Miền Tây, với cái gai nhọn nhức nhối mật khu U Minh Thượng trong lãnh thổ, từ đó quân Bắc Việt và Việt Cộng phóng ra những cuộc đánh phá lớn, uy hiếp các quận xã hẻo lánh. Đại Tá Cẩn là vị tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất của Việt Nam Cộng Hòa .
Tính đến năm 1970 , trung tá Hồ Ngọc Cẩn là chiến sĩ được tưởng thưởng nhiều huy chương nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với 78 chiếc gồm 1 Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, 25 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 45 Anh Dũng Bội Tinh với các loại Ngôi Sao, 3 Chiến Thương Bội Tinh và 4 Huy Chương Hoa Kỳ.

             Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử  bắn tại Cần Thơ ngày 14/8/1975

Tiểu sử ( theo Wikipedia)

Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn (1938 – 1975), nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá.
Ông xuất thân từ trường Thiếu sinh quân và tốt nghiệp khóa Sĩ quan Hiện dịch Đặc biệt tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang vào đầu thập niên 60, và là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng một tỉnh thuộc Quân khu 4 vào giai đoạn cuối Chiến tranh Việt Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, mặc dù có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh từ Sài Gòn kêu gọi buông súng, ông vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào tiếp quản. Hết đạn, ông bị bắt giam. Ngày 14 tháng 8 năm 1975, ông bị Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tử hình bằng cách xử bắn tại Sân vận động Cần Thơ.

Tiếu sử và Binh nghiệp
Ông sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938 tại xã Vĩnh Thanh Vân, Rạch giá, Kiên Giang, miền tây Nam phần Việt Nam. Thân phụ ông là một hạ sĩ quan trong Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Năm 1945, ông bắt đầu đi học Tiểu học thì Chiến tranh Pháp-Việt Minh bùng nổ, nên sự học bị gián đoạn một thời gian ngắn. Đến năm 1947 ông mới tiếp tục đi học trở lại. Ông học chỉ đứng trung bình trong lớp.

Năm 1951, thân phụ nộp đơn xin cho ông nhập học trường Thiếu sinh quân Gia Định thuộc Đệ nhất quân khu[2] ở Gia Định. Ông được thu nhận vào lớp nhất (lớp 5 hiện nay) niên khóa 1951-1952 và thi đậu Tiểu học vào cuối niên học. Ông tiếp tục học lên hệ Trung học theo giáo trình Pháp, song song với chương trình Phổ thông ông cũng được đào tào căn bản về lĩnh vực quân sự. Cuối năm 1952, trường sở chuyển từ Gia Định về Mỹ Tho. Ông tiếp tục theo học ở đây cho đến hết niên học đệ tứ (lớp 8 hiện nay).

Tháng 8 năm 1955, ông tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp và được cấp „chứng chỉ tốt nghiệp“ tương đương với văn bằng Thành chung. Ngay sau đó ông được gửi lên học tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức, chuyên ngành „vũ khí“ (niên khóa 1955-1956). Sau 3 tháng, ông đậu chứng chỉ chuyên môn về vũ khí bậc nhất (khóa CC1) với hạng ưu. Sáu tháng sau đó, ông lại đậu chứng chỉ bậc nhì (khóa CC2).

Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Giữa năm 1956, ông chính thức gia nhập Quân đội Việt Nam Cộng hòa với cấp bậc Binh nhì, mang số quân: 58/106.282. Sau 9 tháng phục vụ trong quân đội, theo quy chế áp dụng cho các quân nhân thuộc hàng binh sĩ xuất thân từ trường Thiếu sinh quân, cứ 3 tháng thì được thăng một cấp, ông lần lượt được thăng lên cấp Hạ sĩ, Hạ sĩ I rồi Trung sĩ, sau đó được giữ lại làm Huấn luyện viên thuộc khoa vũ khí tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức. Năm 1959, ông được thăng cấp Trung sĩ I.

Đầu thập niên 60, chiến tranh tại miền Nam tái phát và leo thang ở một vài vùng. Đến năm 1961 thì lan rộng, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc Vùng 4 chiến thuật. Đối phương đã chuyến từ chiến thuật du kích sang công kích bằng những đơn vị từ cấp Trung đội trở lên của chủ lực miền. Để đáp ứng và giải quyết nhu cầu thiếu sĩ quan trong quân đội, Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa cho mở các khóa sĩ quan đặc biệt hiện dịch. Ông được nhập học khóa 2 Nhân Vị ở trường Hạ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Đồng Đế, Nha Trang, khai giảng ngày 27 tháng 2 năm 1961. Ngày 31 tháng 1 năm 1962 mãn khóa tốt nghiệp với Cấp bậc Chuẩn úy hiện dịch. Ra trường, ông được chọn về Binh chủng Biệt động quân, tiếp tục được cử theo học một khóa huấn luyện đặc biệt đào tạo cán bộ Biệt động quân và khóa „Rừng núi Sình lầy“ tại Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ (Ninh Hòa) trong thời gian 4 tháng rưỡi.

Giữa năm 1962 mãn khóa học ở Dục Mỹ, ông được chuyển về Tiểu đoàn 42 Biệt động quân[3], đồn trú và hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Hậu Giang thuộc Khu 42 chiến thuật[4] với chức vụ Trung đội trưởng.

Ngày Quốc khánh của Chính thể Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1962, ông được đặc cách tại mặt trận thăng cấp Thiếu úy và được cử giữ chức vụ Đại đội trưởng. Do lập được nhiều công lao nên chỉ một thời gian ngắn, sau cuộc Chỉnh lý nội bộ ngày 30 tháng 1 năm 1964 của tướng Nguyễn Khánh. Ngày 2 tháng 2 năm 1964 ông được đặc cách thăng cấp Trung úy và lên giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 42 BĐQ. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1965,[5] lần thứ ba ông được đặc cách tại mặt trận thăng cấp Đại úy tại nhiệm.

Đầu năm 1966, ông rời khỏi đơn vị Biệt động quân, nhận sự vụ lệnh chuyển sang Sư đoàn Bộ binh ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn 33 của Sư đoàn 21 Bộ binh.

Vào thời điểm (1962-1966), tại chiến trường khu vực miền Tây Nam phần có 5 vị Tiểu đoàn trưởng can đảm, lập nhiều chiến công hiển hách. Khi chạm địch, họ điều quân chiếm mục tiêu nhanh chóng. Khi dừng quân, họ hòa mình vui sống với chiến sĩ và đồng bào. Do đó, quân dân miền Tây đã vinh danh họ với 4 chữ „Ngũ Hổ Miền Tây“. Sự kiện này không những đã lan truyền trên khắp cả Vùng 4 chiến thuật mà quân dân toàn miền Nam đều nghe và biết đến họ:
-Năm vị Tiểu đoàn trưởng có tên như sau:
1/ Hồ Ngọc Cẩn (Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 42 Biệt động quân. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 Bộ binh).
2/ Lê Văn Hưng (Đại úy Tiểu đoàn phó (1964), rồi Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng (1965) Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 Bộ binh.
3/ Lưu Trong Kiệt[6] (Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 42 Biệt động quân).
4/ Nguyễn Văn Huy[7] (Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 Biệt động quân).
5/ Vương Văn Trổ[8] (Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 Bộ binh).

Trận chiến cuối cùng

Ngày 1 tháng 5 năm 1975, không tuân lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ra lệnh từ Sài Gòn kêu gọi buông súng đầu hàng, ông vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị trực thuộc chiến đấu đến cùng chống lại lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào tiếp quản Tiểu khu. Hết đạn, ông bị quân Giải phóng bắt tại mặt trận. Sau đó, ông bị Chính quyền biệt giam tại nhà tù Cần thơ 3 tháng rưỡi.

Ngày 14 tháng 8 năm 1975, Chính quyền tuyên án tử hình ông và đưa ông ra xử bắn tại sân vận động Cần Thơ.[9] Trước khi chết anh ấy nói: „Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt. Đả đảo Cộng Sản. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm“.[10]

Huy chương
-Bảo quốc Huân chương đệ tứ đẳng[11]
-Hai mươi lăm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu
-Ba Chiến thương Bội tinh
-Hai Huy chương Hoa Kỳ.

Gia đình

Phu nhân: Bà Nguyễn Thị Cảnh, sinh năm 1941 tại Thủ Đức, Gia Định. Kết hôn với Đại tá Cẩn khi ông còn là một viên Hạ sĩ quan vào năm 1959. Bà mới chỉ có một người con trai duy nhất với ông. Sau khi ông mất, bà đã ở vậy nuôi con thờ chồng. Hiện nay đang cùng con cháu định cư ở Hoa Kỳ.
Chú thích
^ Bảo quốc Huân chương đệ tứ đẳng (ân thưởng)
^ Đệ nhất Quân khu được Quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng đế Bảo Đại làm Quốc trưởng, thành lập ngày 1 tháng 7 năm 1952 tại Sài Gòn. Ngày 1 tháng 3 năm 1959 cải danh thành Quân đoàn III và Vùng 3 chiến thuật, đặt Bộ Tư lệnh tại Biên Hòa.
^ Tiểu đoàn 42 Biệt động quân có biệt danh là Tiểu đoàn „Cọp ba đầu rằn“.
^ Khu 42 chiến thuật là một lãnh thổ bao gồm các tỉnh: Phong Dinh (Cần Thơ), Chương Thiện (Vị Thanh), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Bạc Liêu và An Xuyên (Cà Mau).
^ Ngày 19 tháng 6 năm 1965 là ngày Quân lực đầu tiên và cũng là ngày Quân đội Việt Nam Cộng hòa mang danh xưng mới „Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
^ Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt sinh năm 1939 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp khóa 7 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Năm 1968, tử trận tại chiến trường miền Tây, được truy thăng Trung tá và truy tặng Đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu. Hưởng dương 29 tuổi.
^ Thiếu tá Nguyễn Văn Huy sinh năm 1938 tại Sài Gòn, tốt nghiệp khóa 16 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Tường (1973-1975).
^ Đại uý Vương Văn Trổ sinh năm 1939 tại Long Xuyên, tốt nghiệp khóa 10 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau cùng là Trung tá Tỉnh trưởng, Tiểu khu trưởng tỉnh Kiên Giang kiêm Thị trưởng Thị xã Rạch Giá (1974-1975). Hạ tuần tháng 4 năm 1975 đã có quyết định thăng cấp Đại tá, nhưng chưa nhận được quyết định thì xảy ra biến cố 30/4/1975.
^ Trước khi bị xử bắn, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn khẳng khái nói to:
-„Tôi nhận chết, nhưng có lời yêu cầu cuối cùng. Khi tôi chết cho tôi nhận lá Quốc kỳ Quốc gia của tôi, xin được phủ lên nắp quan tài khi tôi nằm xuống“.
Rồi ông hô to:
-„Việt Nam Cộng hòa muôn năm“.

  • „Đả đảo Cộng sản“.
    ^ “Đại Tá VNCH Hồ Ngọc Cẩn: Tôi Chiến Đấu Vì Dân”. Việt Báo. 15 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2022.
    ^ Đại tá Hồ Ngọc Cẩn được tặng thưởng Huân chương Bảo quốc đệ tứ đẳng khi còn mang cấp Thiếu tá.

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây: