Thú người

Herta Mueller

“ Thú Người “ là quyển sách dịch từ tác phẩm tiếng Đức được giải Nobel Văn Chương vào năm 2009 của Herta Müller. Mời bạn đọc bài viết giới thiệu quyển sách DHM đã dịch, với bút hiệu Dương Hoàng Dung.
………
Thú Người

Lời ngõ..

„Rumani vào những năm 80, một nhóm bạn cùng họp nhau chống lại chế độ khủng bố của nhà độc tài Ceausescu. Họ viết những bài thơ đả phá và ghi lại những kiểm soát hằng ngày của cơ quan an ninh. Và rồi họ trở thành nạn nhân những vụ theo dõi, lùng bắt. Cả khi 3 người trong bọn họ đã di tản qua Tây Đức cuộc khủng bố vẫn đuổi theo và tiếp diễn ở đó. „

Khi tôi đọc những dòng giới thiệu quyển“ Herztier „ của Herta Müller , nhà văn nữ được trao giải thưởng Nobel Văn chương năm 2009 , thì tại Hà nội năm 2011, tình huống đang diễn ra tương tự: Một nhóm người có ý thức đổi mới , qua ảnh chụp đưa lên mạng là những gương mặt trẻ đang đi hàng đầu trong những cuộc xuống đường biểu tình chống Trung quốc. Có thể tóm tắt những sự kiện nổi bật ở Việt Nam vào năm 2011 là những cuộc xuống đường biểu tình .
Những hình ảnh người biểu tình bị ngăn cấm, đàn áp, đánh đập, bị đưa vào trại „phục hồi nhân phẩm“, những bức thư kiến nghị, những tranh cải về một „ Luật biểu tình“, lời bài hát kêu gọi „ Dậy mà đi“, đấu tranh cho một „Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ „ như vang vội , từ hải ngoại đến tận các đường phố Hà nội, Sàigòn .

Tất cả những sự kiện xãy ra trên đất nước tôi, đã khiến bản dịch Herztier-Thú Người có ý nghĩa thôi thúc hơn cho những mơ ước về quê hương Việt Nam đổi mới.

„Thú người „ là câu chuyện kể về những người trẻ tuổi không muốn làm anh hùng mà chỉ mong xã hội mình đang sống có điều kiện sống tốt đẹp hơn.

Trong trang đầu quyển truyện, cái chết đã được nhắc đến đầu tiên qua những vật dụng hàng ngày : Sợi dây thắt lưng, bao tải đựng bột, hạt dẽ..và một cánh cửa sổ mở….

Hình ảnh cánh cửa sổ mở trong tập truyện không chỉ cho người đọc nhìn thấy những đám mây, nơi ký gửi đầy mộng mơ của tình bạn trong một xã hội luôn bị rình rập, gieo rắc nghi ngờ giữa người và người. Cánh cửa sổ hé mở còn đưa người đọc đến ấn tượng về sự chết chóc, hành động giết người.
Ở một nơi nào đó trên thế giới này đã có một cánh cửa sổ đã hé mở để đẩy người ta đến cái chết.
Ở một nơi nào đó đã có một chế độ đã đẩy người ta đến ý nghĩ tự tử.

Cánh cửa sổ Herta Müller đưa lên trong truyện đã mở cho những người yêu văn chương một cách nhìn mới về ngôn ngữ diễn tả. Những mẩu chuyện chứa chất căm giận, buồn thương họa lên trong hình ảnh ẩn dụ qua từ ngữ đã viết nên những trang sách “ Herztier „của Herta Müller .

Quyển „Thú người“ cũng như những quyển sách khác của nhà văn Herta Müller thuộc những quyển sách khó đọc, không là loại sách để tiêu khiển.

Nhiều độc giả người Đức đọc truyện bằng chính tiếng Đức đã phải bỏ dở, không đọc tiếp từ những trang đầu tiên, hay phải đọc lần thứ hai, ba , để có thể hiểu hết ý tác giả.
Do lối viết theo cảm nghĩ, nhiều đoạn văn viết nối tiếp nhau, không ngắt đoạn theo lối thông thường, câu văn diễn tả cũng lan man như tình trạng lan man rối rắm của chính nhân vật. Ý nghĩ nhảy từ thời gian này qua thời gian khác của Herta Müller khiến ta dễ liên tưởng đến tác phẩm „ Đi tìm thời gian đã mất „ của Marcel Proust , “ Auf der Suche nach der verlorenen Zeit (À la recherche du temps perdu) , một tác phẩm văn chương nổi danh, nhưng không được nhiều người ưa chuộng.

Có những tác phẩm văn chương được trao giải thưởng Nobel, nhưng rất ít người muốn đọc nó .
Thế nên khi tác giả được trao giải thưởng Nobel Văn chương 2009 nhiều người trong giới văn học nghệ thuật ở Đức vẫn không biết Herta Müller là ai ?

Khi bắt đầu dịch quyển „Thú người“ tôi đã phải đắn đo, suy nghĩ để chọn lối dịch. Có nên dịch tác phẩm với giọng văn mượt mà, trôi chảy, dễ hiểu và lôi cuốn người đọc hay chọn cách dịch theo sát với „giọng văn của Herta Müller“, một giọng văn mà nhiều độc giả người đức đã phải ngao ngán lắc đầu và bảo không thèm đọc cho phí thời gian ?

Và cả bản dịch của mình cũng sẽ bị lắc đầu ngao ngán như tác phẩm nguyên bản ?

Herta Müller không dùng lối viết văn đầy cảm tính bình thường, phần lớn những câu văn đều ngắn, đến trần trụi , khô khan ,nhưng tại sao vẫn mang lại ấn tượng để ban giám khảo chọn lựa trao giải?

Có thể bảo những câu văn của Herta Müller như những nét vẽ, nét chấm phá được phết bằng nét cọ ngắn, chen nhau rập rờn khiến người xem khó nhìn được bức tranh, nếu không có cái nhìn tổng quát mà chỉ lần theo từng nét cọ hay từng câu văn.

Để thưởng thức „Bức tranh ấn tượng văn học „ này người đọc cũng cần đứng đúng chiều ánh sáng với tác giả nhìn, mới có thể cảm ứng được luồng ánh sáng tác giả muốn soi rọi ,dẫn dắt người đọc.

Ví dụ như qua đoạn văn : „ Lola bảo, rận có cả trong vòng gỗ thân cây.

Người nào đó bảo, đấy không phải là rận mà là rệp cây, rệp ở lá cây.

Lola ghi vào vở của cô : Rận ở lá cây còn kinh khủng hơn nữa.

Ai đó bảo chúng không đến với người, vì người ta không có lá.

Lola viết, chúng bay đến khắp nơi, trong mặt trời cháy nắng, ngay cả trong gió. Và lá cây thì tất cả chúng ta đều có. Lá chỉ rụng đi khi chúng ta không lớn thêm nữa, khi tuổi thơ đã trôi qua. Và lá mọc trở lại khi người ta khô héo vì tình yêu đã trôi qua.“

Đoạn văn trên , dễ khiến độc giả hoang mang , không hiểu ý tác giả nói chi cả. Những ngụ ý ẩn trong câu văn trên chỉ được sáng tỏ khi người đọc nối kết được toàn bộ tác phẩm, chứ không chỉ tìm hiểu qua một đoạn văn hay một ý nghĩ.

Việt Nam với cuộc chiến khốc liệt kéo dài hơn 20 năm, với những biến đổi tàn khốc hơn nữa sau 1975 là một nguồn đầy ấp cho các tác phẩm văn chương đáng được chú ý trên thế giới. Thế sao đến nay , Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm nổi bật được nhiều giải thưởng giá trị như của Herta Müller?

Bản dịch này như phần đóng góp nhỏ cho những đổi mới trong nếp suy nghĩ ở Việt Nam, không chỉ trong lãnh vực chính trị mà chủ yếu là lãnh vực văn chương, để trả lời câu hỏi vừa nêu ra.

Chúng ta đã được đọc nhiều tác phẩm văn chương rất mượt mà, những tác phẩm lôi cuốn người đọc từ trang đầu đến trang cuối như một „ Bestseller“ , khiến người đọc có thể „nuốt“ cả ngàn trang sách trong một ngày.

Nhưng chưa có những tác phẩm văn chương với mỗi câu chữ khiến vướng mắc khi đọc, như “ một hạt anh đào nằm trên lưỡi „.
Như Herta Müller đã ví von hình ảnh “ Sự thật “ như „một hạt anh đào nằm trên lưỡi “ sẽ bị „nuốt trôi“ đi khi nó rơi tõm xuống cuống họng, những câu văn của Herta Müller bắt buộc người đọc phải nghiền ngẩm( nhai) kỷ mới mong tìm ra được Sự thật trong đó, nó sẽ bị đánh mất với lối đọc ngấu nghiến ,khiến người đọc rất khó “ tiêu hóa“.

Một giọng văn độc đáo, sáng tạo „ có một không hai „ ,để thế giới công nhận là của riêng người viết, không bắt chước từ một giòng văn học nào mới có hy vọng được chú ý trao giải thưởng văn chương quốc tế ,nhưng thực tế những tác phẩm độc đáo kiểu này, thường dễ đem thất bại hơn đem đến thành công cho người viết.
Ở mỗi tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương thường hoặc là do nó có lối hành văn riêng „ chân mộc“ sáng tạo, hoặc do nó đã là đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa của một dân tộc .

Ngôn ngữ tiếng Đức Herta Müller xử dụng là tiếng Đức của một người dân Rumani gốc Đức, đầy tính sáng tạo. Cho nên có những từ tiếng Đức trong tác phẩm của bà không tìm thấy trong tự điển Đức và nhiều người Đức không hề nghe đến, như từ Herztier, tựa đề của tác phẩm.
Với lối viết đầy sáng tạo ,khai phá ngôn ngữ bà đã là thành viên của Viện Hàn lâm Ngôn ngữ và Văn Chương Đức. ( Deutsche Akademie für Sprache und Dichtung).

Herztier – Thú Người của Herta Müller đã nhận giải thưởng Văn Chương Nghệ Thuật Impac Dublin, giải thưởng cao nhất trên thế giới dành cho tác phẩm văn chương.

Từ đó đến nay tác phẩm còn nhận thêm rất nhiều giải thưởng văn học khác như giải Kleist, giải Franz Kafka, giải Walter Hasenclever và giải Nobel Văn chương 2009.Tác phẩm đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng trên khắp thế giới,ngay cả ở Trung quốc.

Việt Nam là nước duy nhất cấm phổ biến các tác phẩm của Herta Müller.

Như câu nói : “ Chúng ta thật khó chịu khi phải im lặng, nhưng khi cất tiếng nói, chúng ta lại trở nên lố bịch” là câu mở đầu và cũng là câu kết thúc của tác phẩm, xin kết thúc lời ngõ cho bản dịch „Thú Người „như sau:

“Nếu chúng ta dịch hết những từ ngữ địa phương, những câu văn ẩn dụ bóng bẩy trong nguyên văn tác phẩm thành những từ thông dụng ở Việt Nam, những câu văn dễ hiểu cho người Việt Nam, thì chúng ta đã phá bỏ giọng văn của Herta Müller. Nếu chúng ta dịch với giọng văn khó hiểu, ẩn dụ kỳ bí, ý tưởng nhảy đoạn theo ý tác giả, thì bản dịch có thể trở nên lố bịch. ”

Do vậy mong các bạn cảm thông khi gặp những câu chữ không vừa ý trong quyển „ Thú người „.

Khi quyết định chọn lối dịch “ chân mộc“ cho tác phẩm “ Thú người “ tôi mong truyền đạt đến độc giả phần nào giọng văn Herta Müller.

Chúc tất cả có nhiều khám phá hứng thú và không phải „ Đi tìm thời gian đã mất „ khi đọc bản dịch „Thú người.“

Dương Hoàng Mai

Munich

05.03.2013

Chú thích :„chân mộc“ theo ý nghĩa, chân thật để giữ đúng vị nguyên chất của mộc bản. Mộc bản ở đây tượng trưng cho bản gốc có tính chất original nguyên bản, từ ngữ này tôi đã đặt theo cách sáng tạo từ ngữ của Herta Müller.