Nụ dương cầm Hồng Ân


Cách nay 3 năm, Nguyễn Quang Hồng Ân, 14 tuổi, mảnh mai, gầy gò nhưng với mười ngón tay ngà lướt trên phím đã đoạt cùng một lúc ba giải thưởng tại cuộc thi dương cầm quốc tế “International Piano Competition” được tổ chức từ ngày 03 đến ngày 17 tháng 6 năm 2014 ở thính đường Le Petit Trianon Theater, San Jose, California:
– Giải Honorable Mention
– Giải Học bổng toàn phần tại Academy Jerusalem, Israel
– Giải Học bổng toàn phần tại Viện Âm Nhạc St. Andrew in Ontario, Canada.
Có 91 thí sinh thuộc tất cả các quốc gia trên thế giới được mời tham dự cuộc tranh tài, trong đó có Hồng Ân là thí sinh người Việt Nam duy nhất và cũng là lần đầu tiên một thiếu nữ Việt được trao tặng ba giải thưởng.
Bà Irina – chủ tịch hội đồng giám khảo cho biết:
“Hồng Ân là người châu Á duy nhất được giải thưởng trong kỳ thi này”.
Mới đây, Hồng Ân đã đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Piano-Steinway, được tổ chức tại Đức.
Để dự cuộc thi này, thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển tại quốc gia gốc, sau đó phải đứng đầu trong châu lục, nơi thí sinh cư ngụ và phải vượt qua vòng loại tại Đức.
Nếu cư trú tại Đức, thí sinh phải là sinh viên của một Viện Hàn lâm Âm nhạc Đức. Để được trúng tuyển vào học tại các trường này, sinh viên phải thông thạo lý thuyết sáng tác, hòa âm, ký xướng âm và lịch sử âm nhạc.
Hồng Ân từng được chính phủ Nhật Bản tài trợ sang Nhật theo chương trình trao đổi văn hóa.
Hai tuổi rưỡi Hồng Ân đã biết phân biệt được từng nốt nhạc, 4 tuổi mẹ em bắt đầu dạy em học đàn và năm 2008, đậu thủ khoa trong cuộc thi tuyển vào nhạc viện Sài Gòn.
Truyền thông gọi Nguyễn Quang Hồng Ân là “Nụ dương cầm Hồng Ân” và thân phụ của cô bé tài hoa này là cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Quang Hồng Nhân.
Năm 2015, do cô dưới 18 tuổi, nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân cùng vợ được tháp tùng theo Hồng Ân dự các kỳ thi Piano Quốc tế và trình diễn trong các chương trình âm nhạc được tổ chức tại Áo và Đức. Chuyến đi này của “Nụ dương cầm Hồng Ân” do Ủy ban Giáo dục Công giáo, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tài trợ,
“Mặc dù đã chuẩn bị trước nhưng tôi nghĩ sẽ khó khăn lắm vì đã bốn lần trước tôi đều bị chặn lại không cho xuất cảnh. Máy bay cất cánh vẫn chưa yên tâm, có thể bị lôi xuống không chừng, đến Âu châu rồi, tôi mới nghiệm lại thấy gia đình tôi may mắn vì nhà cầm quyền trong nước có thể đang mở chiến dịch tống xuất những người chống đối ra nước ngoài để vô hiệu hóa họ vì phần lớn những nhân vật đối kháng khi ra ngoại quốc hầu như bị “việt vị”, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân nói.
Ngay sau khi “Nụ dương cầm Hồng Ân” kết thúc các buổi trình diễn, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã đệ đơn xin tỵ nạn chính trị tại Đức.
Trên bước đường tỵ nạn
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Quang Hồng Nhân, năm 1979 đã bị tòa án CSVN ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa tuyên án 20 năm tù do đã “hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng” và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra ngoại quốc. Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Trong hai thập niên tù đày, ông đã trải qua các trại tù: Trần Phú, Nha Trang (2 năm), A 30 Tuy Hòa, (3 năm), A 20 Trại Xuân Phước, Phú Yên (6 năm), Xuyên Mộc, Bà Rịa (2 năm) và Z 30 Xuân Lộc, Long Khánh (4 năm).
Ra tù năm 1996, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đã mở Trường Công Nghệ Yersin, Đà Lạt, dạy nghề cho Sinh Viên Tây Nguyên. Năm 2010, ông thành lập diễn đàn Đại học Nhân Quyền, phổ biến kiến thức, cổ xúy nhân quyền. Năm 2014, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam ra đời và ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là một trong những sáng lập viên. Cùng năm này, ông thành lập Viện Nhân Quyền Việt Nam.

Nguyễn Quang Hồng Nhân là tác giả của hơn 20 tác phẩm xuất bản tại hải ngoại:
Địa Ngục Có Thật (380 trang), Biển Đỏ Việt Nam (400 trang) do Amazon xuất bản năm 2012,
Dân chủ cho Việt Nam…
“Tôi quyết định xin tỵ nạn ở Đức vì tại Việt Nam, tôi bị cấm viết về nhân quyền, tác phẩm không được xuất bản. Tôi đã thành lập nhiều Hội và sau cùng là Viện Nhân Quyền Việt Nam. Tôi luôn bị theo dõi, bị quản chế, thường xuyên bị công an mời làm việc và có thể bị bắt bất cứ lúc nào,” ông Nguyễn Quang Hồng Nhân cho biết.
Trong một lần đang ngồi làm việc, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân không may bị đột quỵ nhưng may mắn các bác sĩ ở Đức cứu chữa kịp thời, nên từ chỗ bị liệt nửa người, ông dần trở lại bình thường.
“Tôi tin đó chính là phép lạ khi có thể trở lại bình thường. Và điều quan trọng nhất mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là Hồng Ân vẫn không từ bỏ ước mơ của mình, mặc dù cuộc sống mới của chúng tôi rất nhiều khó khăn”.
“Mỗi tháng, mỗi người được cấp 300 Euro là quý lắm rồi.  Ở Đức có chợ một đồng, Tafel, mua mọi thứ đủ dùng trong tuần và chỉ trả có một Âu kim, nước mắm và gạo phải mua ngoài, còn dư bao nhiêu tiền chúng tôi cho cháu học thêm”.
Ở trại tỵ nạn không có internet, trong hai năm qua, hằng ngày, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và Hồng Ân đến thư viện để có wifi.
“Cháu thi đậu vào Đại học âm nhạc chuyên ngành piano trình diễn năm 16 tuổi, khó khăn nhất phải thông thạo tiếng Đức và văn bằng phổ cập tiêu chuẩn Âu châu mới được vào Đại học và nay cháu đã vượt qua”.
“Nụ dương cầm Hồng Ân” hiện là sinh viên năm thứ hai khoa Dương cầm, Đại học Âm nhạc Nuremberg (Nürnberg).

Tương lai bất định
Không may, chính phủ Đức đã bác đơn xin tỵ nạn của gia đình cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Quang Hồng Nhân.
Có thể do phải đối phó với những khó khăn do người tỵ nạn Syria đổ xô đến Đức, chính phủ Đức hạn chế người tỵ nạn và cũng có thể do lời dèm pha của Hồ Ngọc Thắng, nhân viên người Việt làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ Nạn (BAMF) của Đức từ năm 1991, một nhân vật “nhị trùng” được báo DW coi là “ban ngày làm việc cho Đức, ban đêm phục vụ đảng Cộng sản Việt Nam” khiến nhiều hồ sơ xin tỵ nạn chính trị của người Việt bị bác.
“Cộng sản Hà Nội đã nằm vùng trong Ủy Ban xét duyệt tỵ nạn mà tôi không biết. Cho đến khi vụ Hồ Ngọc Thắng liên quan đến Trịnh Xuân Thanh bị bắt tại Berlin bị bại lộ. Bây giờ tôi mới rõ mọi chuyện. Tôi có nêu vấn đề nầy với Chính phủ Đức, tại sao hồ sơ của tôi bị lộ ra bên ngoài. Trong khi chính phủ Liên bang chưa có quyết định, đã có một bà tiến sĩ người Đức cùng người Việt đến đây báo cho tôi biết họ đã biết kết quả hồ sơ tỵ nạn của tôi” ông Nguyễn Quang Hồng Nhân nói.
Tôi bị bác đơn vì những lý do vô lý như ở tù 17 năm là giả mạo, trong khi các tổ chức theo dõi nhân quyền trên trên thế giới đã xác nhận trường hợp của tôi bằng chứng từ. Nhân viên di trú Đức bác đơn tỵ nạn chính trị với lý do: một người chống đối và viết nhiều tác phẩm như tôi làm sao có thể đi ra nước ngoài? Khi phỏng vấn, nhân viên di trú không bao giờ hỏi về nội dung các tác phẩm khiến chúng tôi phải xin tỵ nạn chính trị. Họ chỉ hỏi bán được bao nhiêu và có trốn thuế hay không? Những câu hỏi mà về sau Cảnh sát Đức mời chúng tôi lên để trấn an và cho xem những lá thư nặc danh của Việt gian tại Đức gởi đến chính quyền Đức với mục đích sớm tống xuất chúng tôi về Việt Nam”.
Trước sự việc này, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã lên tiếng qua một thư chính thức đề nghị Đức Hồng Y Marx. Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Đức, can thiệp giúp gia đình ông Nguyễn Quang.
Chủ tịch Liên hội người Việt tỵ nạn Cộng Hòa tại Liên bang Đức, tiến sĩ Hoàng Thị Mỹ Lam, Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Nguyễn Trường Tộ, tiến sĩ Nguyễn Đăng Trúc, Chủ tịch Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết Việt Nam, đồng sáng lập viên Viện Nhân Quyền Việt Nam, cựu Quốc vụ khanh Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, luật sư Lê Trọng Quát, Mạng lưới Nhân quyền, Phong trào Giáo dân Hải ngoại, Đức quốc, Phạm Hồng Lam đã cùng gửi thỉnh nguyện thư khẩn cầu chính phủ Đức tái xét trường hợp của gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.
“Chúng tôi hiện đang sống trong những giờ phút kinh hoàng, khi phải chuẩn bị xách gói bị tống xuất trở về Việt Nam” ông Nguyễn Quang Hồng Nhân nói.

Trước viễn ảnh một cựu tù nhân lương tâm, một nhà tranh đấu nhân quyền bị trục xuất về Việt Nam, sẽ đối diện với những hiểm nguy đang chờ đón, an toàn của gia đình bị đe dọa, bác sĩ Nguyễn Quốc Nam, Phó Chủ tịch Liên Minh Dân Chủ đã điện thoại khẩn cấp đến TNS Ngô Thanh Hải, “vì nghĩ rằng không ai có thể giúp được gia đình chúng tôi trong lúc nầy.”.
Sau khi nhận được thư khẩn cầu của chúng tôi, TNS Ngô Thanh Hải đã cấp thời gởi thư đến Đại sứ Canada tại Đức, ông Stéphane Dion. Ông Stéphane Dion đã gởi văn thư khẩn cấp đến chính quyền Nuremberg, Đức quốc để can thiệp, yêu cầu ngưng trục xuất gia đình tôi về Việt Nam, viện dẫn lý do Cộng đồng người Việt tại Toronto thông qua Tổ chức VOICE Canada đã bảo lãnh gia đình chúng tôi đến định cư tại Canada”.
Để có thể bảo lãnh gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân trong đó có tài năng âm nhạc “Nụ dương cầm Hồng Ân” VOICE Canada cần có ngân khoản $24.200 ký quỹ theo chương trình tư nhân bảo trợ do Bộ Di trú, Tỵ nạn và Công dân vụ quy định.
VOICE Canada tha thiết kêu gọi quý đồng hương vì tình đồng bào, vì lòng nhân đạo, cùng chung tay đóng góp cứu giúp một cựu tù nhân lương tâm đã và đang tranh đấu cho nhân quyền trong hơn 4 thập niên qua.
“Con luôn và sẽ cố gắng hết sức mình để có thể tiếp tục vươn lên trên con đường nghệ thuật và xứng đáng là con cháu của một tù nhân lương tâm”, Nguyễn Quang Hồng Ân khẩn thiết xin Cộng đồng người Việt trợ giúp gia đình em trong hoàn cảnh “lành ít dữ nhiều” hiện nay.
Chi phiếu yểm trợ việc bảo lãnh gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân xin ghi:
VOICE Canada
Gửi về địa chỉ:
307-1065 Canadian Place, Mississauga, Ontario L4W 0C2
Liên lạc: Đỗ Kỳ Anh
Đ/T: (416) 417-8098
e-mail: kyanhdo@rogers.com,
******************************************************


Thêm một số tin tức về cá nhân của cựu tù nhân lương tâm
Nguyễn Quang Hồng Nhân

Bút hiệu: Nguyễn Quang
Sinh năm 1954 tại Nghĩa Thắng, Quảng Ngãi.
– 1974 – Chủ tịch Sinh viên Công giáo Cư xá Đắc Lộ, Dòng Tên, Sài Gòn.
– 1975 – Hoạt động nhân quyền
– 1979 – Án tù 20 năm về các tội danh:
– Tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài.
– Tuyên truyền chống chế độ. Kêu gọi Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Lời nói cuối cùng trước Tòa.
– 1996 – Ra tù mở ngay Trường Công Nghệ Yersin, Đà Lạt, dạy nghề cho Sinh Viên Tây Nguyên,
– 2010 – Thành lập diễn đàn Đại Học Nhân Quyền, phổ biến kiến thức, cổ xúy nhân quyền.
– 2014 – Thành lập Viện Nhân Quyền Việt Nam
– 2015 – Tỵ nạn chính trị tại Đức Quốc.
– Trên 30 tác phẩm do Amazon xuất bản và phát hành.
– 2016 – Tác phẩm mới nhất Chiến Tranh và Hòa Bình Việt Nam.
– 2017 – Tác phẩm Dân Chủ Cho Việt Nam
Bibliography: – Link Amazon: nguyenquang
1. Biển Đỏ Việt Nam. The Red Sea of Vietnam
2. Tôi Có Giấc Mơ Việt Nam Tự Do. I have a dream of freedom of Vietnam
3. Thành Phố Mộng Mơ. Dreamy Town
4. Bạo Chúa Quê Tôi. The tyrant in my country!
5. Hành Trình Tự Do. The Road To Freedom
6. Hành Trình Nhân Quyền. The Road To Human rights
7. Hành Lang Thiên Đường. The Lobby of Heaven
8. Hành Trình Dân Chủ. The Road To Democracy
9. Tham Nhũng và Nhân Quyền Việt Nam (Quyển 1). Corruption and Human Rights in Vietnam (Vol. 1)
10. Tham Nhũng và Nhân Quyền Việt Nam (Quyển 2). Corruption and Human Rights in Vietnam (Vol. 2)
11. Tham Nhũng và Nhân Quyền Việt Nam (Quyển 3)
12. Tham Nhũng và Nhân Quyền Việt Nam (Quyển 4)
13. Tâm Lý Thần Kinh Chiến Tranh Việt Nam (Quyển 1)Neurology Psychology in Vietnam War – Vol. 1
14. Tâm Lý Thần Kinh Chiến Tranh Việt Nam (Quyển 2)Neurology Psychology in Vietnam War – Vol. 2
15. Học Thuyết Nhân Quyền. Human rights theory
16. Tuyển tập Truyện Ngắn. The short stories
17. Câu Chuyện Đổi Đời. The story of changing life
18. Bút ký sự ác
19. Vũng Lầy „Cội Nguồn“. The Literature Sumpf “Coinguon”
20. Địa Ngục Có Thật. The Hell is real
21. Những Kẻ Lạ Lên Làm Lãnh Tụ ở Việt Nam. Strangers as leaders in Vietnam
22. Ars Longa, Vitas Brevis!
23. Tình Tự Với Thiên Nhiên. Talking about nature and life
24. Chiến Tranh & Hòa Bình Việt Nam. Tập 1. War & Peace of Vietnam
25. Chiến Tranh & Hòa Bình Việt Nam. Tập 2.
26. Dân Chủ Cho Việt Nam. Democracy for Vietnam
27. Cái Giá Của Tự Do.
Mọi sự giúp đỡ  về tinh thần, cũng như vật chất, xin vui lòng liên lạc trực tiếp với
ông Nguyễn Quang Hồng Nhân,
qua điện thoại và e-mail như dưới đây:

Đ/T: 0049 15219201428

E-mail: viennhanquyen@gmail.com

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây: