NGUYỄN CHÍ THIỆN II

Tính thời sự

TRONG THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN

*Từ cõi khác, thi sĩ NCT muốn nói gì với đồng bào ông?

Trần Phong Vũ

Đầu thập niên 80, tập thơ Hoa Địa Ngục của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện -khi còn được gọi tên là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực hoặc Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam- được phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng Việt Nam tị nạn trên khắp thế giới, đã có rất nhiều văn gia, nghệ sĩ, trí thức lên tiếng. Sau ngày ông giã từ đời sống, người ta lại được đọc trên NET, trên báo giấy hàng trăm bài nhận định giá trị về thơ ông.

Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng bàn sâu vào kho tàng phong phú, đa dạng hàm chứa trong thi ca Nguyễn Chí Thiện.

Nhân dịp Xuân về, đọc lại những giòng thơ bất hủ, độc đáo của người thơ vừa nằm xuống, đối chiếu với những gì đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên quê hương Việt Nam, người viết chỉ giới hạn những suy nghĩ của mình về tính thời sự ẩn tàng trong thơ ông như một gợi nhắc về tâm tư và khát vọng của mẫu người kiên cường, bất khuất ấy, mà với định kiến chủ quan, chúng tôi cảm nhận là ông muốn gửi gấm đến đồng bào ông, trước khi đi về miền miên viễn.

Nguyễn Chí Thiện làm thơ rất sớm. Bài Mắt Em trong thi tập Hoa Địa Ngục do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông của GS Nguyễn Ngọc Bích và nhà văn Trương Anh Thụy ấn hành năm 2006 được ghi ở cuối bài là năm 1958. Trong tác phẩm Con Chiên lạc bày của Chúa của tác giả Trần Tự do NXB Thanh Niên xuất bản ở Hànội năm 1992 cũng hé mở cho người đọc thấy NCT bắt đầu làm thơ khi ông chưa bước vào tuổi hai mươi[1].

Những bài thơ chót của ông được sáng tác vào khoảng giữa thập niên cuối cùng thế kỷ trước. Chi tiết này cho ta thấy toàn bộ thi phẩm của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã được viết ra trong khoảng trên dưới 40 năm mà hai phần ba là thời gian ông bị chế độ Hànội cầm tù trong nhiều đợt khác nhau.

Bài trường thi với tiêu đề Đồng Lầy dài trên 500 câu được coi là một tuyệt phẩm trong Hoa Địa Ngục. Nó là bản tóm lược những suy tư nát lòng của nhà thơ về bối cảnh đau thương, tăm tối, tuyệt vọng của đất nước, dân tộc dưới ách thống trị độc tài tàn ác của đảng cộng sản. Tuy cuối bài tác giả ghi năm 1972, nhưng đi sâu vào nội dung ai cũng nhận ra đấy là bản phác họa toàn cảnh bức tranh thâm u, ảm đạm trong thời cải cách ruộng đất. Căn cứ vào Lời Tựa trong ấn bản của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Có những sự việc định làm thành thơ mà phải năm, mười năm sau mới làm nổi. Thí dụ như bài Thần Hổ chỉ vỏn vẹn có tám câu. Chuyện xảy ra từ năm 1971 mà mãi tới bao năm sau tôi mới làm được”. Điều này lý giải tại sao những biến cố long trời lở đất trong mùa đấu tố xảy ra trong thập niên 50 lại chỉ được viết (hoặc hoàn chỉnh) vào thời khoảng hơn một thập niên sau đó.

Mời độc giả đọc lại những nét chấm phá mở đầu cho bài trường thi:

“Nhưng rồi một sớm đầu Thu, mùa Thu trở lại

Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại

Ngỡ Cờ Sao rực rỡ

Tô thắm màu xứ sở yêu thương

Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường

Hung bạo phá bờ kim cổ

Tiếng mối giềng rung chuyển non sông

Mặt trời sự sống

Thổ ra

Từng vũng máu hồng

Ôi tiếc thương bao mùa lúa vun trồng

Một mùa Thu nước lũ

Trở thành bùn nước mênh mông

Lớp lớp sóng hồng

Man dại

Chìm trôi quá khứ tương lai

Lịch sử quay tít vòng ngược lại

Thời hùm beo rắn rết công khai

Ngàn vạn đấu trường mọc dậy giữa ban mai

Đúng lúc đất trời nhợt nhạt

Bọn giết người giảo hoạt

Nâng cốc mừng thắng lợi liên hoan

Điệu nhạc cơ hàn thăm thẳm miên man

Điệp khúc lìa tan thúc giục

Ngục tù cất bước oan khiên

Thành thị thôn quê, sơn hải trăm miền

Thây người vun bón cỏ cây

Đạo lý tối cao ở xứ đồng lầy

Là lừa thày, phản bạn

Và tuyệt đối trung thành vô hạn

Với Đảng, với Đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng

Hạt thóc, hạt ngô phút hóa xích xiểng

Họa phúc toàn quyền của Đảng

Tôi vẫn ngồi yên mơ màng như vậy

Mặc cho đàn muỗi quấy rầy

Bóng tối lan đầy khắp lối

Không còn phân biệt nổi

Trâu hay người lặn lội phía bờ xa

Tôi ngước trông xem một ngôi chùa

Ngôi chùa đã trở thành huyễn mộng

Con ác điểu hoài nghi xoè đôi cánh rộng

Truy lùng mồ mả cha ông

Thánh thất, miếu đường xáo động

Con thuyền chở đạo nghiêng chao

Sóng gió thét gào man rợ

Tiếng sinh linh nức nở, âm thầm

Mặt trời tím bầm tiết đọng

Lá cơ lật lọng

Nhân buổi dương tàn, âm thịnh cao bay!

Thần tượng cuồng quay

Hình thay,

Lối rũ

Hang Pắc Pó hóa thành hang ác thú

Bác Hồ già hóa dạng Bác Hồ Ly

Đôi dép lốp nặng bằng trăm đôi giép sắt

Bộ kaki vàng, vàng như mắt dân đen!

Quỷ quái

Đê hèn

Lừa đảo

Gia tài tra khảo cướp trơn tay!

Từ buổi Quỷ Vương hớn hở mặt mày

…”

Đấy là những nét chấm phá cho toàn bộ hơn 500 câu trong trường thi Đồng Lầy.

Dưới ngòi bút Nguyễn Chí Thiện, hoạt cảnh trên đây là chuyện của những năm đầu thập niên 50 nhưng thật ra nó vẫn chỉ là chuyện hôm nay. Bây giờ. Không phải đâu xa mà ngay trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Vẫn chỉ là những mưu toan, những thủ đoạn gian manh, lật lọng, tàn ác của bọn đồ tể, của bè lũ ăn cướp ngày. Chuyện gì xảy ra gần đây ở Tiên Lãng (Hải Phòng) ở Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định), Cồn Dầu (Đà Nẵng), Con Cuông (Nghệ An) là những chuyện thời sự điển hình.

Những gì lũ Quỷ Vương đang bài binh bố trận ở Sàigòn, Hànội hôm nay chính là phiên bản của những gì chúng đã hơn một lần lập đi lập lại trong cái quá khứ mỏi mòn hơn nửa thế kỷ trước.

Dù vậy, người thơ Nguyễn Chí Thiện vẫn chưa nguôi niềm hy vọng. Hy vọng gói ghém trong những vần thơ bốc lửa của ông. Và hy vọng nơi ý chí quật cường của dân tộc, của đồng bào qua các thời đại.

Vì thế, trong cơn tuyệt vọng cùng cực, thơ ông trong Đồng Lầy vẫn không ngừng vang vang âm hưởng của một bài hịch lên đường:

“Nếu tất cả những tâm hồn rên xiết

Không cúi đầu cam chịu sống đau thương

Nếu chúng ta quyết định một con đường

Con đường máu, con đường giải thoát

Dù có phải xương tan, thịt nát

Trong lửa thiêng trừng phạt bọn gian ma

Nếu chúng ta đồng tâm tất cả

Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa

Máu ươm hoa, hoa máu chan hòa

Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa

Hoa hạnh phúc tự do vô giá

Chớp xé trời đêm, báo hiệu lũ quân thù

Giờ hủy thể!

Tôi mong mãi một tiếng gì như tiếng ầm vang của bể

Đồng bào tôi cũng mong như thế

Tôi lắng nghe

Hình như tiếng đó đã bắt đầu

Tôi vẫn nguyện cầu

Vẫn sống và tin

Bình minh tới

Bình minh sẽ tới”

Hơn tất cả ai khác, cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là người đã sớm nhận ra tính cách tàn độc, bất khả khoan nhượng, không thể cộng sinh do cái bản chất cố hữu bất di dịch của cộng sản chủ nghĩa.

Trong bài Thế Lực Đỏ, ông viết:

“Thế lực đỏ phải đồng tâm đập nát

Để nó hoành hành, họa lớn sẽ lan nhanh

Nhưng không thể dùng bom A bom H

Phá nát địa cầu vì một lũ gian manh

Nên phải viết, phải muôn vàn kẻ viết

Những tội tày đình được bưng bít tinh vi

Nếu nhân loại mọi người đều biết

Cộng sản là gì, tự nó sẽ tan đi

Thứ sinh thành từ ấu trĩ, ngu si

Sự hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt.”

Trong mắt người thơ Nguyễn Chí Thiện, đảng cộng sản chỉ là một bầy ác điểu, bay đến đâu là gieo tóc tang, tai họa đến đấy. Nó là hình ảnh của thần dữ đối với kẻ hiền lương. Chính vì thế, muốn sống, muốn tồn tại, chỉ còn có một con đường duy nhất là bằng mọi cách phải tiêu diệt chúng.

Nội dung bài thơ trên đây mang giá trị một thông điệp khẩn gửi tới những người cầm bút. Theo ông, muốn đánh dập đầu con rắn Đỏ, trước và trên hết phải làm sao cho mọi người hiểu rõ mặt thật của chúng. Muốn thế, ngoài sức mạnh cơ bắp, chúng ta cần vận dụng tới sức mạnh tinh thần, bằng ý chí và bằng ngôn từ, chữ viết. Từ lập trường kiên định ấy, ông xác tín “Nếu nhân loại mọi người đều biết // Cộng sản là gì tự nó sẽ tan đi // Thứ sinh thành từ ấu trĩ, ngu si // Sự hiểu biết sẽ là mồ hủy diệt!” Đấy chính là căn nguyên sâu xa khiến ông miệt mài viết ra những vần thơ bốc lửa đánh thẳng vào trung tâm chế độ, không từ một ai, một sự việc bất nhân phi nghĩa nào, kể cả Hồ Chí Minh, bất chấp tất cả những đòn thù vây bủa quanh ông. Không phải một ngày, một tháng, một năm mà trên một phần tư thế kỷ ra tù vào khám!

Chỉ với 10 câu ngắn ngủi trong bài thơ sau đây, chẵn 30 năm trước, Nguyễn Chí Thiện đã trưng ra được khá đầy đủ những tội ác tày đình của cộng sản chủ nghĩa.

Đảng dìu giắt thiếu nhi thành trộm cướp

Giải phóng đàn bà thành đĩ, thành trâu

Giúp người già bằng bắt bớ rể dâu

Và cải tiến dân sinh thành xác mướp!

Đảng thực chất chỉ là đảng cướp

Dựng triều đình mông muội giữa văn minh

Sống tạm thời nhờ thủ đoạn yêu tinh

Nhờ súng đạn Tàu, Nga, bắt bớ

Đảng tắt thở cuộc đời mới thở

Đảng còn kia bát phở hóa thành mơ!

(Đảng – 1973)

Những hoạt cảnh “thiếu nhi được Đảng dìu giắt để trở thành trộm cướp, phụ nữ được Đảng giải phóng thành đĩ, thành trâu, đời sống người dân được Đảng cải tiến thành những bộ xương khô, xác mướp… giản dị vì thực chất Đảng chỉ là Đảng cướp, một thứ triều đình mông muội, phong kiến của loài yêu tinh mang mặt nạ người chuyên cậy dựa vào quan thày Tàu, Nga để sát hại, bắt bớ, bách hại dân lành”. Bấm đốt ngón tay, nó đã diễn ra gần tròn bốn thập niên trước. Nhưng nhìn vào hiện tình quê hương bên kia bờ đại dương nó vẫn còn là những chuyện thời sự nóng bỏng trên đất nước ta hôm nay

 Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện

Dĩ nhiên không phải ngẫu nhiên trong sớm chiều Nguyển Chí Thiện có được những kinh nghiệm xương máu ấy. Nó được đúc kết, nghiền ngẫm bởi những năm tháng dài đối diện từng ngày, từng giờ với gông cùm, với những ngón đòn độc địa của cộng sản. Như những gì linh mục Nguyễn Văn Lý, linh mục Nguyễn Văn Vinh, người tù kiệt xuất Kiều Duy Vĩnh đã kinh qua.

Nhớ lại mấy năm trước, trong một dịp qua Mỹ thăm thân nhân, người cựu tù họ Kiều đã ghé Quận Cam. Trong cuộc gặp gỡ bạn bè đa số thuộc báo giới ở hành lang tòa soạn Việt Tide, sau khi dốc cạn mấy chai bia, anh cất tiếng sang sảng ngâm thơ.Hế òng thơ tù uất nghẹn của Nguyễn Chí Thiện đến những vần thơ bi tráng của Phạm Thái. Rồi trong một lúc bi phẫn, anh khóc ròng, và bỗng dưng lớn tiếng:

– Đời tôi đã một lần lỡ dở. Sau hiệp định Genève 1954, tôi quyết định đi Nam. Đã bước lên tàu nhưng cuối cùng ở lại. Vì bố tôi lầm tưởng những đóng góp của ông cho “cách mạng” hồi 1945 có thể bảo đảm cho sự an toàn của gia tộc nên khuyên tôi bỏ ý định di cư. Và tôi nghe lời ông ở lại miền Bắc. Kết cuộc, cha tôi đã bị sát hại, còn tôi lãnh 17 năm tù cộng sản. Gia đình tan nát!

Ngừng lại giây lâu, anh đanh giọng nói tiếp.

– Ấy thế mà có những đứa may mắn thoát đi được ra nước ngoài lại chấp chới tính chuyện trở về hợp tác với kẻ thù!

Ngồi cạnh tôi, khi nghe những lời bi phẫn của Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện ghé tai tôi nói nhỏ:

Bao năm xa cách, giọng điệu, khí phách thằng này vẫn không đổi.

Rắn đầu và ngang ngạnh, chẳng kiêng dè ai. Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Ngừng lại giây lâu, anh nói tiếp: Nhưng mà nó đúng. Ví hiện nó đang sống trong lòng chế độ.

Hôm nay, cả Kiều Duy Vĩnh và Nguyễn Chí Thiện đều đã ra người thiên cổ.

Nhưng thơ của Nguyễn và câu nói của Kiều vẫn còn vang vọng đâu đây.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do

Tôi biết nó, thằng nói câu đó

Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó

Việc nó làm, tội nó phạm ra sao

Nó đầu tiên, đem râu nó bện vào

Hình xác lão Mao lông lá

Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá

Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa

Không phải xoa đầu, mà túm tóc nó từ xa

Nó đứng không yên

Tất bật

Điên đầu

Lúc rụi vào Tàu

Lúc rúc vào Nga

Nó gọi Tàu, Nga là cha anh nó

Và tình nguyện làm con chó nhỏ

Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh

Nó tận thu từ quả trứng quả chanh

Học thói hung tàn của cha anh nó

Ôi, Độc lập, Tự do!

Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó

Đất Bắc mắc lừa mất vào tay nó

Nhưng nay mà vẫn còn có người mơ hồ nghe nó

1968

 

Không phải chờ tới năm 1968, bốn năm trước, nhân ngày sinh nhật họ Hồ, với giọng điệu khinh bạc, Nguyễn Chí Thiện đã viết bài thơ sau đây.

Hôm nay 19-5

Tôi nằm

Toan làm thơ chửi Bác

Vần thơ mới hơi phang phác

Thì tôi thôi

Tôi nghĩ Bác

Chính trị gia sọt rác

Không đáng để tôi

Đổ mồ hôi

Làm thơ

Dù làm thơ chửi Bác

Đến thằng Mác

Cũng chửa được tôi nguyệch ngoạc vài câu

Thôi hơi đâu

Mặc thây bọn văn sĩ cô đầu

Vuốt râu, xoa dầu

Mơn trớn Bác

Thế rồi… tôi đi làm chuyện khác

Mặc cha Bác!

1964

Để nắm bắt được trọn vẹn giá trị những vần thơ trên đây, người đọc cần phải đặt mình vào vị trí của cơ chế cầm quyền cộng sản Việt Nam xưa nay. Không phải chỉ trong bối cảnh của thập niên 60, mà ngay bây giờ, khi nhân loại đã bước qua ngưỡng cửa đệ tam thiên niên, dù họ Hồ đã về với tổ sư Các Mác của ông ta hơn bốn thập niên, nhưng các thế hệ cầm quyền kế tiếp vẫn phải bám víu vào cái xác ướp của Hồ Chí Minh ở Ba Đình để làm chỗ dựa lưng cho chế độ.

Từ nội dung bài thơ hài tội họ Hồ, kẻ đã lẻo mép tán tụng là “không có gì quý hơn độc lập, tự do” rồi đọc lại bài Hôm nay, ngày 19-5 được cố thi sĩ viết ra bốn năm trước đó, người đọc càng cảm thấy phục thầm thái độ can đảm phi thường của ông.

Giữa lúc chế độ ra sức vận dụng tất cả hệ thống truyền thông, văn hóa nô dịch trong nước để tô son vẽ phấn, bốc thơm “Bác” như một thứ thần tượng của quốc gia, một thứ “Cha Già dân tộc”, và trong khi chưa một ai –kể cả những phẩn tử từng có tư tưởng xét lại- dám động đến lông chân họ Hồ thì riêng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, cả đến chuyện làm thơ “chửi Bác:” ông cũng không thèm, để “mặc cha Bác!”

Khinh bạc đến thế là cùng!

Suy nghĩ này khiến người ta hiểu được vì sao lúc sinh thời Nguyễn Chí Thiện tỏ ra rất tâm đắc khi đọc tác phẩm Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp của nhà biên khảo Minh Võ do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành lần đầu năm 2003.

Được mời phát biểu trong dịp ra mắt tác phẩm đồ sộ này ở hai miền nam bắc California nhiều năm trước, ông đã hết lời ca ngợi công trình tim óc của Minh Võ, coi đấy như một việc làm tối cần thiết để hỗ trợ và dọn đường cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ độc tài cộng sản. Và cũng vì thế trong suốt 14 năm định cư ở Mỹ, mỗi khi có dịp đi đây đi đó, được mời lên tiếng, Nguyễn Chí Thiện đã không ngần ngại cực lực tố giác những hành vi bất nhân, phi nghĩa của họ Hồ qua những đợt đấu tố man rợ kinh thiên động địa trong cải cách ruộng đất.

Ông dùng từ “đốn mạt” để chỉ Hồ Chí Minh và coi nhân vật này như là thủ phạm hàng đầu gây nên những tội ác triền miên trên quê hương Việt Nam, bao gồm cả tội bán đất dâng biển cho Tàu. Do đó ông chia sẻ trọn vẹn quan điểm của Minh Võ: muốn tiêu diệt tận căn chế độ cộng sản, việc làm trước hết và trên hết là phải đánh đổ cái gọi là thần tượng Hồ Chí Minh.[2]

Xuyên qua giòng thơ Nguyễn Chí Thiện, nhất là những bài sáng tác vào năm 1975, sau khi cộng sản Bắc Việt nhờ dựa vào cơ giới, vũ khí của Nga, Tàu tiến chiếm được Sàigòn, người ta nhận thấy: tuy là người trọn đời sống trong lòng chế độ cộng sản miền bắc, nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng hướng vọng vào miền nam tự do, mơ tưởng một ngày đẹp trời quân dân Việt Nam Cộng Hòa vượt sông Bến Hải khai mở kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng, đem lại tự do, thống nhất, hòa bình, thịnh trị cho toàn dân. Cũng vì thế, khi hay tin quân Mỹ tháo chạy đưa tới thảm cảnh Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, con người nhạy cảm, giầu lòng nhân ái ấy đã thảng thốt kêu lên:

Khi Mỹ chạy, bỏ miền Nam cho cộng sản,

Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than!…

Và trong một bài thơ khác –bài Vì ấu trĩ-, ông đã bộc lộ đến tận cùng những suy tư xót xa, tiếc hận của ông khi miền Nam sụp đổ.

Vì ấu trĩ, vì thờ ơ, u tối

Vì muốn yên thân, vì tiếc máu xương

Cả nước đã quy về một mối

– Một mối hận thù, một mối đau thương

Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường

Đảng tới là tan nát cả!

Lịch sử sang trang, phũ phàng, tai họa

Nào đâu, chính nghĩa thắng gian tà?

Đau đớn này không chỉ riêng ta

Mà là tất cả!

Cả những kẻ đã nằm trong mả

Và những bào thai trong bụng mẹ trót sinh ra

Chúng sẽ có quyền nguyền rủa lũ ông cha

Đã đẩy chúng sa xuống hầm tai vạ

Lỗi lầm tại ai? Hóa ra tất cả.

Mấy ai người đem hết tâm can?

Trước quân thù hung hiểm, gian ngoan

Biết bao kẻ mơ hồ mong hưởng lạc!

Nghĩ tới ngày mai lòng ta tan tác

Đến bao giờ lấy lại được giang san?

Chế độ này trâu ngựa sống không an

Sài lang đã dựng xong nền thống trị

Ai đứng dậy diệt trừ lũ quỷ?

Ai trái tim lân mẫn vạn dân tàn?

Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan.

Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!!!

(1975)

Đấy là tiếng kêu não nùng của người thơ Nguyễn Chí Thiện ngót bốn mươi năm về trước khi hay tin chế độ Việt nam Cộng Hòa bị Hànội thôn tính. Đấy cũng là câu chuyện tang thương dâu bể của người dân miền Nam nhiều năm trước, nhưng tuồng như nó vẫn mang giá trị thời sự nóng hổi cho hôm nay. Không chỉ với 90 triệu đồng bào ở quốc nội mà cho tất cả tập thể người Việt tị nạn đang sống lưu vong trên xứ lạ quê người, trong số đó, đông đảo là những con dân của hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam trước tháng tư năm 1975.

Giữa những khắc giờ đau thương tuyệt vọng của tháng Tư Đen 37 năm về trước, từ quê hương ngục tù miền Bắc vọng về miền Nam, chàng trung niên thi sĩ 36 tuổi xuân họ Nguyễn xót xa kiểm điểm lại những căn nguyên đã làm tắt ngấm niềm hy vọng mà từ bao năm qua ông và người dân Hànội gửi vào Sàigòn.

Với những lời thơ khô khốc, bỗ bã, ông công khai vạch ra những bệnh chứng thâm căn, cố đế của đám đông quần chúng Việt Nam xưa nay. Đó là bệnh ấu trĩ, bệnh thờ ơ, ngu si, u tối, căn nguyên dẫn tới thái độ bàng quan, tọa thị, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại… của nhiều người khiến cho cả nước đã quy về một mối!, không phải như mọi người mong ước, mà là một mối hận thù, một mối đau thương!

Cũng do đấy mà từ hạnh phúc, niềm mơ cho tới nhân phẩm, luân thường mà từ bao nhiêu đời qua mọi người hằng trông đợi và cố công bồi đắp, trong sớm chiều đã bị tiêu tan thành mây khói. Bằng vào những kinh nghiệm được làm nên bằng máu, nước mắt của 30 năm sống trong chế độ độc tài cộng sản phương Bắc, tác giả đã có sẵn trong đầu ông cái kết luận bi thảm: Đảng tới là tan nát cả!

Những lời thơ bỗ bã, thẳng ruột ngựa trên đây của tác giả Hoa Địa Ngục đã vượt khỏi những gì xảy ra vào thời điểm tháng tư 1975 để trở thành bài học cho rất nhiều người Việt Nam hôm nay, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, trong đó bao gồm cả thành phần được gọi là trí thức. Từ đấy chúng ta sẽ hiểu được tâm sự của Kiều Duy Vĩnh khi ông công khai lên tiếng chỉ trích những kẻ đã may mắn thoát cơn hồng thủy 75 và nhiều năm sau đó vẫn còn mù mờ chưa sáng mắt.

Dưới mắt và trong hồn người thơ, sau khi cộng sản Bắc Việt thôn tính Việt Nam Cộng Hòa, lịch sử đã thật sự sang trang, không phải những trang mở vào một tương lai huy hoàng, tươi sáng toàn dân trông đợi, mà là những trang thấm đẫm những tại họa, phũ phàng! Tác giả đau đớn nêu lên câu hỏi: nào đâu, chính nghĩa thắng gian tà? khi thực tế chỉ thấy ngạ quỷ và tội ác đã chễm chệ lên ngôi!

Lòng tự hỏi lòng: ai là kẻ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử mai ngày? Câu trả lời dội lên trong tâm tưởng người thơ: trách nhiệm không chỉ riêng ai mà là tất cả.

Tác giả xót xa kiểm điểm

mấy ai người đem hết tâm can? // Trước quân thù hung hiểm, gian ngoan // Biết bao kẻ mơ hồ mong hưởng lạc!?

Và người thơ ngậm ngùi:

Nghĩ tới ngày mai lòng ta tan tác! // Đến bao giờ lấy lại được giang san? Chế độ này trâu ngựa sống không an // Sài lang đã dựng xong nền thống trị // Ai đứng dậy diệt trừ lũ quỷ? // Ai trái tim lân mẫn vạn dân tàn?

Từ đáy địa ngục trần gian nơi cầm giữ sinh mệnh khốn khó của mấy chục triệu lương dân miền bắc, tác giả thảng thốt kêu lên:

 Miền Nam ơi từ buổi tiêu tan // Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!!!

Điều đáng nói và cần phải nói là giữa cơn đớn đau, tuyệt vọng tột cùng ấy, ông vẫn chưa nguôi niềm hy vọng. Cũng trong bài Khi Mỹ chạy, dù không che đậy được niềm đau khi miền Nam bị bỏ mặc cho cộng sản tranh cướp, dày xéo, dù bị vây hãm trong cảnh tù lao, bệnh hoan, cơ hàn, Nguyễn Chí Thiện vẫn tiếp tục làm thơ,

vì ông tự tin:

Thơ vẫn bắn, và thừa dư sức đạn

Vì thơ biết một ngay mai xa xôi nhưng xán lạn

Không dành cho thế lực yêu gian

Tuyệt vọng dẫu lan tràn

Hy vọng dẫu tiêu tan

Dân nước dẫu đêm dài ai oán

Thơ vẫn đó, gông cùm trên ván

Âm thầm thâm tím, kiên gan

Biến trái tim thành Chiều Yêu Kính giúp nhân gian

Nhận rõ nguyên hình cộng sản

Tất cả suy tàn, sức thơ vô hạn

Thắng không gian và thắng cả thời gian

nguyenchithien120

(1975)

Trong bài Đừng sợ ghi năm 1975, ông viết:

Đừng sợ cái cực kỳ man rợ

Dù nó đang thịnh thời rông rỡ nơi nơi

Phải vững tin vào bước tiến con người

Vì khi nó bị dìm ngang súc vật

Cũng là lúc nó tìm ra sức bật

Đau thương kỳ kiệu đi lên!

Từ muôn ngàn tàn lụi không tên

Sẽ bùng nổ một trời hoa lạ quý

Từ đêm cùng chập chùng chuyên chế

Văn chương, nghệ thuật chồi sinh

Chỉ tiếc cho lớp trẻ hiện hình

Của đói khổ, tù đày, nhem nhuốc

Phải cứu chúng, phải tìm ra phương thuốc

Dù là thuốc nổ!

Và cũng năm 1975, trong một bài thơ khác, Nguyễn Chí Thiện khẳng quyết.

Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng phụ

Ta vẫn còn đây và sắt thép còn kia

Chết chóc thầm câm, cốt nhục chia lìa

Ta vẫn sống và không hề lẫn lú

Ta muốn nói với loài dã thú:

Khúc hát khải hoàn ta sẽ hát thiên thu.

Chưa hết, ngay sau khi hay tin Mỹ chạy, bỏ miền Nam cho cộng sản dày xéo và giữa niềm đau nhức vì toàn thể đất nước bị chìm ngập trong màn đêm tù ngục, từ trong thẳm sâu của tiềm thức, người thơ vẫn bừng lên một trời hy vọng.

Trong bóng đêm đè nghẹt

Phục sẵn một mặt trời

Trong đau khổ không lời

Phục sẵn toàn sấm sét

Trong lớp người đói rét

Phục sẵn những đoàn quân

Khi vận nước xoay vần

Tất cả thành nguyên tử!

(1976)

Những tháng năm dài bị đảng đày ải trong những trại tù hung hiểm nơi rừng sâu nước độc vẫn không làm người thơ Nguyễn Chí Thiện nhụt chí đấu tranh.

Trái lại, nó đã trở thành chất xúc tác giúp ông tạo nên những vần thơ có cánh.

Đảng đày tôi trong rừng

Mong tôi, xác bón từng gốc sắn

Tôi hóa thành người săn bắn

Và trở ra đầy ngọc rắn sừng tê

Đảng dìm tôi xuống bể

Mong tôi, đáy nước chìm sâu

Tôi hóa thành người thợ lặn

Và nổi lên ngời sáng ngọc châu

Đảng vùi tôi trong đất nâu

Mong tôi hóa bùn đen dưới đó

Tôi hóa thành người thợ mỏ

Và đào lên quặng quý từng kho

Không phải quặng kim cương hay

quặng vàng chế đồ nữ trang xinh nhỏ

Mà quặng Uranium chế bom nguyên tử!

Kể từ cuối năm 2011, khi thể lực ngày một suy tàn, hơn môt lần nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã tâm sự với người viết về những ước nguyện của ông. Ông nhắc lại những giấc mơ cùng những khát vọng ngút ngàn chất chứa trong ông khi còn ở trong nước. Nó giống như một phép màu giúp ông sống còn sau những lần vào tù ra khám. Và chính những phút giây bị đày ải, bạc đãi sau khung cửa nhà giam đã chắp cánh cho thơ ông bay bổng.

Để hiểu được thơ Nguyễn Chí Thiện cũng như hiểu được tâm tình tác giả gửi vào những gì ông viết, cần đọc trích đoạn sau đây trong bài viết của ông khi đọc Tuyển Tập văn thơ của người viết những giòng này:

Tôi cũng là người làm thơ. Nhưng hầu hết thơ tôi được ghi lại trong cảnh tù đầy, mang nặng những đau thương, uất nghẹn của thân phận những con người đang phải sống dưới ách thống trị bạo tàn, cay nghiệt của tập đoàn cộng sản. Nó là những hiện thực trần trụi, đơn sơ, không có tu từ văn chương, đọc thấy ngay, hiểu ngay.

Mục đích duy nhất của thơ tôi chỉ là tố giác tội ác cộng sản, vì thế đặc tính nghệ thuật trong đó thuộc hàng thứ yếu, có cũng được mà không có đối với riêng tôi cũng không sao.[3]

Dĩ nhiên, khó ai có thể phủ nhận giá trị nghệ thuật hàm súc trong thơ họ Nguyễn. Nhưng người đọc cũng không thể chối bỏ động lực duy nhất thôi thúc ông làm thơ là để nói lớn cho mọi người thấy rõ bộ mặt thật độc ác của chủ nghĩa cộng sản và những tên đồ tể mê muội đi theo nó. Qua trích đoạn trên đây trong bài viết cuối cùng trước khi giã từ dương thế, chính nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã minh danh xác định như thế. Do đó, khát vọng lớn nhất của ông là làm cách nào cho những vần thơ được viết ra bằng mồ hôi, máu và nước mắt ấy đến với nhiều người đọc. Đấy chính là lý do sau nhiều lần thất bại trong nỗ lực nhờ người quen lén chuyển bản thảo thi tập Hoa Địa Ngục ra hải ngoại, ông đã liều lĩnh tìm tới sứ quán Anh ở Hànội.

Nguyễn Chí Thiện tâm sự:

– Nhớ lại cái cảm giác phập phồng, lo lắng tìm tới tòa đại sứ Anh để trao gửi mấy trăm bài thơ, tôi muốn đứng tim. Khi chuẩn bị làm công việc liều lĩnh này tôi biết trước sẽ bị bắt lại, tệ hơn nữa sẽ bị xử bắn, hoặc công khai hoặc dàn dựng trong một vụ trốn trại như đã từng xảy ra cho những bạn tù của tôi trước đó. Nhưng tôi không thể lùi. Vì chỉ có cách đó mới hy vọng thơ tôi đến được với người đọc.

Trong một dịp khác, được hỏi: sau khi hay tin thơ ông đã được phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cảm nghĩ của ông ra sao, Nguyễn Chí Thiện cho biết: dĩ nhiên là ông hết sức vui mừng cho dù ngay sau đó đời tù của ông ngày một thêm cay nghiệt. Ông chậm rãi nói tiếp:

– Đấy là cái giá phải trả cho một ước mơ.

Như một phản ứng từ vô thức, bất chợt tôi hỏi.

– Chuyện trả giá thì xong rồi. Nhưng còn ước mơ thì sao?

Giương cặp mắt lờ đờ nhìn qua kính xe trước mặt, ông nói như nói với chính mình.

– Có lúc tưởng chừng đã đạt. Nhưng cuối cùng, buồn nhiều hơn vui!

Thấy tôi quay sang với tia nhìn quan ngại, ông nói tiếp.

– Dẫu sao, phần tôi coi như xong. Vấn đề còn lại thuộc về mọi người.

Tôi ngừng xe. Ông lặng lẽ mở cửa bước xuống sau khi trao đổi mấy lời từ giã quen thuộc. Nhìn theo bóng dáng cao gầy của ông với chiếc mũ dạ đội lệch trên đầu, lầm lũi lách qua cánh cửa nhỏ đi về hướng cao ốc, tôi không khỏi ngậm ngùi.

Màn đêm đang xuống. Tôi thoáng nghĩ tới nỗi cô đơn của bạn tôi một mình trong căn phòng vắng lạnh với cánh cửa ra vào không khóa đêm đêm.

Bất giác tôi nhớ tới mấy câu thơ trong bài Tôi Không Tiếc của ông.

“Tôi không tiếc khi bị đời sa thải

Thân thể vùi, tan rữa, hóa bùn đen

Nhưng vần thơ trong đêm tối đê hèn

Cùng rệp muỗi viết ra mà bị mất

Tôi sẽ tiếc, khóc thầm trong đất!”

( Tôi Không Tiếc – 1963, trang 101 HĐN)

Tôi chua chát nghĩ thầm: thơ bị mất hay thơ bị lãng quên hẳn cũng như nhau.

Đêm nay, khi tôi viết những giòng này, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không còn nữa. Ông đã giã từ đời sống để đi về cõi khác. Ngồi đọc lại mấy trăm bài trong thi tập Hoa Địa Ngục, tôi ngậm ngùi tưởng nghĩ tới ông, tới những khát vọng cao vời ông gửi gấm trong những vần thơ bỏng cháy.

Ông muốn nói gì với tôi, với đồng bào ông?

Một làn gió nhẹ lay động lá màn bên song cửa.

Tuồng như có tiếng thì thầm của ông trong hồn tôi:

“Ta có trái tim hồng

Không bao giờ ngừng đập

Căm giận, yêu thương tràn ngập xót xa

Ta đương móc nó ra

Làm quà cho các bạn

Mấy chục năm rồi

Ta ngồi đây

Sa lầy trong khổ nạn

Như con tàu vượt trùng dương mắc cạn

Mơ về sông nước xa khơi

Candle-Of-Love-1

Trong một thoáng tôi nhớ tới giây phút lặng đứng nhìn thi thể bất động của ông sáng sớm ngày 02-10-2012. Tôi thảng thốt như thấy lại trước mắt trái tim đỏ máu trong tay ông vươn cao. Ông muốn trao cho tôi, cho bạn, cho đồng bào ông, miệng mấp máy lời thơ:

“Một trái tim hồng với bao chan chứa

Ta đặt lên bờ dương thế, trước khi xa

Bài Trái Tim Hồng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện sáng tác vào năm 1985, thời gian ông ở tù lần thứ ba và cũng là lúc thể lực ông gần như hoàn toàn suy kiệt. Trong cảnh ngộ bị đẩy vào tận cùng khổ đau, tuyệt vọng như con tàu mắc cạn ấy, người thơ như muốn vắt cạn giòng máu cuối cùng trong tim ông để trao lại cho người còn sống, trước khi giã từ cuộc đời cho một chuyến… đi xa!

Những ngày cuối năm 2012


[1] Nguồn: tìm đọc bài Nguyễn Chí Thiện tuổi hai mươi của GS Đỗ Mạnh Tri trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số 132 phát hành tháng 11 năm 2012

[2] Trong dịp gặp gỡ một du sinh viên Việt Nam tại Mỹ, ông đã tặng người bạn trẻ này tập Hoa Địa Ngục kèm theo soạn phẩm “HCM Nhận Định và Tổng Hợp” của Minh võ với lởi căn đặn: “Sách của bác, lúc nào cháu đọc cũng được, nhưng sách của cụ Minh Võ cháu cần tìm thì giờ đọc ngay và nghiền ngẫm cho kỹ vì đây là một tác phẩm biên khảo công phu và giá trị.”

[3] Bài ‘Tôi đọc Tuyển Tập Trần Phong Vũ’, Nguyễn Chí Thiện viết vào thượng tuần tháng 9-2012, được post lên Diễn Đàn Thế Kỷ và ĐCV Online và ông đã được đọc trước khi vào bệnh viện khoảng 10 ngày. Riêng bài đăng trên NS/DĐGD số phát hành tháng 10 cũng đã đến tay ông trưa Chúa Nhật 29-9-12.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện