(Viết cho ngày Sinh Nhật Nguyễn Phương Uyên ,12.10.2013)
Tôi ngồi nhìn thật lâu tấm ảnh của em trong bài đưa tin „Nguyễn Phương Uyên bị tấn công và bị áp giải“ để lặng người theo nỗi đau với người trong ảnh.Bức ảnh với hai cánh tay bắt chéo đầy dấu vết tím bầm đi kèm hình ảnh hai bàn chân sưng tím bầm dập rỉ máu như cho thấy việc em bị đám côn an xúm vào bẻ tay , đánh đập ngay trên sân bay Nội Bài -Hà nội ( có được gọi là sân bay quốc tế không ? ) tàn bạo như thế nào.Tin đưa kèm cho biết những cú thúc đá vào chổ hiểm trên cơ thể người phụ nữ đã gây nội thương khiến em phải tiểu ra máu trong đau đớn.Em, người đã nói câu „Tôi muốn làm bài thuốc chữa bệnh vô cảm cho thanh niên“ với ánh mắt buồn khôn tả trong ảnh như chứng tích một xã hội bạo quyền lên ngôi.Với bức ảnh này liệu em có góp phần nào để chữa bệnh vô cảm ,chứng bệnh đang hiện diện khắp nơi trong xã hội Việt nam hiện nay không ?
Đã có nhiều bài viết định nghĩa hai chữ „ Vô cảm „ kèm theo những than trách về chứng vô cảm của xã hội Việt Nam hiện nay.
Một em học sinh lớp 9 ở Hà nội vào năm 2012 đã viết :
„ Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội „ Theo em người mắc bệnh vô cảm là „Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?“.
Qua nhận xét trên cùng những phân tích của các bài viết khác đã cho thấy bệnh vô cảm không là căn bệnh làm đau đớn thể xác mà thuộc dạng bệnh của tâm hồn hay thuộc phần đạo đức con người. Điều nguy hiểm ở đây là khi người ta không còn khả năng xúc cảm thì làm sao người ta nhận ra mình đang bị bệnh?
Như thế làm thế nào chữa trị chứng bệnh vô cảm ?
Khách quan hiện tượng vô cảm có khắp trên thế giới ở những nơi có sinh hoạt cộng đồng,với mức độ khác nhau.Một nhà tâm lý học đã viết trên báo Spiegel cũng vào năm 2012 rằng chứng vô cảm có thể chữa qua các phương pháp khêu gợi cảm xúc bằng những hình ảnh,âm thanh tác động vào thần kinh .Tác giả đã lấy thí dụ điển hình là :Khi trao một em bé sơ sinh yếu đuối cho các em học sinh chuyền tay nhau bồng ,đã khiến các em ghi lại nhiều cảm xúc của mình có được khi bồng em bé yếu đuối trên tay.
Qua đó chúng ta thấy cảm xúc được đánh thức qua ý thức muốn che chở,bảo vệ.
Từ đó có thể thấy rằng :Hiện tượng vô cảm trước sự việc cũng là một trạng thái bất lực khi đứng trước sự việc mà người ta không can thiệp vào được.
Chúng ta thấy có những người biết ghê tởm điều xấu,không chấp nhận bất công tội ác.. nhưng vẫn nghoảnh mặt đi trước tội ác,bất công.Dù người ta có cảm xúc ,có nghĩ đến người khác ,người ta vẫn phải bất lực khoanh tay đứng nhìn vì không được phép lên tiếng ,vì sợ hải trước bạo lực.
Hiểu hiện tượng vô cảm theo chiều hướng trên giúp ta hiểu tại sao dân Việt như „ vô cảm“ trước biết bao nhiêu tin tức , hình ảnh đáng gây xúc động trên các trang mạng khi nó thuộc vấn đề „nhạy cảm“.Trong khi họ vẫn dư nhiều giọt lệ cảm xúc cho những việc không bị dính vào hai chữ „ nhạy cảm“ hay „ phản động“.
Ở đây xuất hiện một chứng „Vô cảm có định hướng „hình thành qua hệ thống tuyên truyền lừa mỵ.
Khi quyền công dân bị tước đoạt: không có tự do ngôn luận ,không được lên tiếng phản đối,không được pháp luật che chở , bảo vệ thì cảm xúc sẽ bị đè nén ,để tránh nguy hiểm cho bản thân.
Từ đó xuất hiện hội chứng “Makeno” ( mặc kệ nó)
Quyền con người càng bị tước đoạt bao nhiêu, người ta càng dễ trở nên vô cảm bấy nhiêu hay dễ bày tỏ cảm xúc định hướng theo quyền lực.
Thí dụ điển hình việc bày tỏ “ Cảm xúc định hướng“ qua hai bức ảnh của người Cựu chiến Binh Điện Biên Phủ.Báo chí định hướng cảm xúc dân chúng với tấm ảnh người lính già đến tiễn ông Võ Nguyên Giáp .Còn hình ảnh người lính già này xuống đường biểu tình vì bị mất oan đất không hề được xuất hiện trên báo chí hay không có một bài viết nào kêu gọi cảm xúc ở người dân cho nỗi oan khổ của người lính Điện Biên này .
Vô cảm hay cảm xúc bị định hướng theo quyền lực cũng thấy qua các câu chuyện khi tướng Giáp mất.
Những tin tức bài viết „xấu“ về tướng Giáp bị giấu đi.Hoàn toàn chỉ có những giòng tô hồng đánh bóng,khêu gợi cảm xúc dân chúng. Hàng ngàn người nhỏ lệ khóc ông già trên 100 tuổi gần 2 năm sống đời thực vật chờ ngày chết Nhưng gần như không hề biết đến, hay không nhỏ giọt lệ nào cho hình ảnh người dân bị xe ủi cướp đất cán ngang ,kêu la thảm thiết cũng được đưa lên trên mạng trong cùng thời điểm đó.
Từ đó căn bệnh „Vô cảm định hướng “ được hình thành qua tin tức truyền thông định hướng .
Không chỉ khoanh tay bất lực đứng nhìn tội ác,bất công „Vô cảm định hướng „ còn xuất hiện qua hành động tàn ác cuồng tín phục vụ bạo quyền.
Những côn an,côn đồ,dân phòng bị biến thành công cụ vô cảm , từ ý thức phục vụ Đảng không chỉ vì họ xem Đảng là thần tượng mà vì đó là tấm lá chắn bảo vệ quyền lợi của riêng họ .Vô cảm ở đây phát sinh từ tính ích kỷ cá nhân.
Hiện tượng đánh người đến mức vô cảm tăng nhanh vì một bộ máy quyền lực khổng lồ,hùng hậu để bảo vệ chế độ từ lâu đã được hình thành „hoành tráng“:
„Trong 30 năm chiến tranh cả Bộ Công an chỉ có 3 sĩ quan cấp tướng và 7 đại tá, mà nay riêng Bộ này đã có 13 Tổng cục, 38 Cục và Vụ, hơn 160 tướng, 360 đại tá và thượng tá, cả một đạo kiêu binh được thăng cấp và tăng lương nhanh nhất, chỉ để bảo vệ đảng là chủ yếu, không coi dân ra gì…”.( Trích tin từ Web)
Khi nhà cầm quyền sẳn sàng đàn áp dã man những tiếng nói đòi hỏi nhân quyền,dân chủ thì liều thuốc chửa trị chứng „Vô cảm định hướng“ chỉ là lòng Can đảm vượt qua nỗi sợ hải.
Đúng như lời em Nguyễn Phương Uyên đã nói :
“ Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé.“
Như để đối đầu với những sinh viên học sinh cùng cảm nghĩ như Phương Uyên,đối đầu cùng tiếng nói đòi hỏi công lý của dân chúng ,trên báo chí với các tin định hướng xuất hiện bản tin có tính „đe dọa“ như sau:
„Sáng ngày 04.10.2013, công an tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trận “phòng chống bạo loạn lật đổ chính quyền” tại Tp. Vinh. Có hơn 2.000 công an, dân phòng, và các bạn sinh viên tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Nghệ An, Trường Cao Đẳng Kinh Tế và Trường Đại Học Vinh tham gia tập trận .Lực lượng dân phòng các xã, phường lân cận như Nghi Phú, Hưng Đông, Hưng Dũng, Hưng Lộc cũng được điều động để tập trận.“
Chế độ bạo quyền giải tán biểu tình bằng nhiều phương pháp :cắt đoạn, đánh tan, hốt nóng, bắt nguội. Nếu cần thì đàn áp bằng bạo lực,quặt tay,đạp mặt,xiết cổ,quăng xe,bắt người về đồn đánh đập,tra khảo vv…
Như thế thì làm thế nào để những người dân ,trong đó có những sinh viên yếu ớt ,tay không ,có thể chống lại đội quân hùng mạnh bạo tàn đã được trang bị tận răng.?
Về điều này Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ,với danh hiệu „Ngục sĩ „,cũng là người chiến sĩ kiên cường cho đến hơi thơ cuối ,đã có những vần thơ như sau:
Đừng sợ cái cực kỳ man rợ
Dù nó đương thịnh thời rông rỡ nơi nơi
Phải vững tin vào bước tiến con người
Vì khi nó bị dìm ngang súc vật
Cũng là lúc nó tìm ra sức bật
Đau thương kỳ diệu đi lên!
Từ muôn ngàn tàn lụi không tên
Sẽ bùng nở một trời hoa lạ quý
Từ đêm cùng chập chùng chuyên chế
Văn minh, nghệ thuật chồi sinh
Chỉ xót cho lớp trẻ hiện hình
Của đói khổ, tù đày, nhem nhuốc
Phải cứu chúng, phải tìm ra phương thuốc
Dù là thuốc nổ!
(Nguyễn Chí Thiện-1975)
Hình ảnh Bà Bùi Thị Nhung nằm chết ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng trong tay còn tờ giấy ghi giòng chữ đòi công lý, hình ảnh mái ấm gia đình anh Đoàn Văn Vươn tan nát ngổn ngang gạch vụn, anh đứng sau song sắt nhà tù ,hình ảnh những người nông dân Văn Giang nổi lửa khua trống chống cướp đất , hình bà Đặng Thị Kim Liêng (mẹ cô Tạ Phong Tần) cháy thiêu trong ức nghẹn,câu chuyện anh Đặng Ngọc Viết với những phát súng cảnh cáo chế độ,tin tức về những vụ tuyệt thực, vùng lên phản kháng chế độ tù dã man,hình ảnh tin tức về cô gái trẻ tuổi Đổ thị Minh Hạnh và những người khác chính kiến bị đưa ra tòa kết tội ..vv..Tất cả đang tụ lại dần thành liều „thuốc nổ „ để chữa căn bệnh „Vô cảm định hướng“ của dân tộc Việt Nam.
Dương Hoàng Mai
Munich -12.10.2013
Bài đọc thêm
Nguyễn Phương Uyên:
Tôi muốn làm bài thuốc chữa bệnh vô cảm cho thanh niên
http://url9.de/MNe
Bài văn 9,5 điểm về bệnh ‚vô cảm‘
http://url9.de/MNF
Nguyễn Phương Uyên bị tấn công và bị áp giải
http://url9.de/MNK
Ký tên vào lịch sử
http://url9.de/N1B