Những Tên Biệt Kích Cầm Bút ( II)

Trích trong Những Tên Biệt Kích Cầm Bút (18)

Hoàng Hải Thủy

Nhà văn Mai Thảo, tháng Ba, tháng Tư năm 1975, chỉ có một thân, một mình, không vợ, không con. Dường như tháng ấy, ngày ấy ông cũng chẳng có nhân tình, nhân bánh gì cả. Nhiều ông văn nghệ sỡi vợ con đùm đề, có ông còn đèo bòng vợ lớn, vợ bé, vẫn bỏ nước chạy lấy người thoát thân, ông Mai Thảo cu ky đờ luých vẫn cứ lang thang trên những vỉa hè Sàigòn thất thủ.

Trước ngày 30 Tháng Tư 75 ông ngụ trong một phòng ở Nhà Chiều Tím cạnh phở 79 đường Võ Tánh. Sau Tháng Tư đen hơn mõm chó ông về ở một phòng trong căn nhà của ông anh ông — ông Nguyễn đăng Viên — đường Phan Đình Phùng.

Từ 30 Tháng Tư năm 1975 ông Mai Thảo cũng sống lêu bêu, vất vưởng không khác gì các ông văn nghệ sĩ VNCH lớn nhỏ khác. Phải nói rõ, những ông văn nghệ sĩ được nói đây là những ông văn nghệ sĩ xi -dzin, tức là thường dân, lại có nghĩa là không ở trong quân đội.

Những ông văn nghệ sĩ quân nhân còn kẹt lại một tháng sau ngày Việt cộng vào Sàigòn đã lên đường đi cải tạo hết.

Ngày tháng phất phơ không có việc làm, các ông văn nghệ sĩ bắt chước các thầy Min Đơ, Min Toa đạp xế đạp đi lang thang tìm nhau, gặp nhau ở những quán cà phê vỉa hè, đi ăn nhậu cũng vỉa hè cho đỡ buồn.

Thường dân Sàigòn thất nghiệp cũng mần y như những ông văn nghệ sĩ cho qua thì giờ. Nghĩa là thường dân ngày ngày cũng không có việc làm, cũng đạp xế đi lang thang, cũng ngồi cà phê vỉa hè cả buổi tán dóc cho đỡ buồn.

Gặp nhau tất nhiên là hỏi thăm kẻ còn, người phú lỉnh, người đi cải tạo, rồi trao đổi những tin đồn. Thường dân làm như thế thì không sao, nhưng văn nghệ sĩ làm như vậy là không được, văn nghệ sĩ không có quyền tụ tập, trao đổi với nhau những tin đồn.

Những ngày ấy Sàigòn có thật nhiều tin đồn.

Đại khái vài tin: quân ta còn rất đông trong rừng sẽ kéo về một ngày rất gần, Rằn ri xuất hiện ở ngay Cát Lái, Thủ Thiêm, phi cơ thả dù đồ tiếp tế xuống Dốc Mơ, Đà Lạt v.v…

Ai sáng tác những tin đồn ấy? Tôi không biết.

Tôi chỉ biết những ông văn nghệ sĩ kẹt giỏ Sàigòn không phải là những người sáng tác tin đồn.

Các ông loan truyền những tin đồn các ông nghe được thì có, sáng tác thì không.

Hai ký giả Nguyễn Tú, Như Phong Lê Văn Tiến bị tóm ngay từ những ngày đầu tháng Năm 1975.

Tiếp theo là Uyên Thao, Vũ Ánh, Đoàn Kế Tường, Văn Chi.

Nếu các ông Chu Tử, Hồ Anh, Phạm Duy còn kẹt lại ở Sàigòn tôi chắc bọn công an đặc vụ từ Hà Nội vào cũng đem xe bông đến tận nhà các ông, ưu ái đưa các ông đi cất ngay mà không đợi đến mùa ổi chín năm sau.

Tháng Ba năm 1976, công an Vixi mở chiến dịch bắt văn nghệ sĩ Saigon.

Trước khi viết đến chiến dịch bắt bớ này, tôi ghi lại vài dòng về vụ nổ bom làm chết người mà bọn công an Việt cộng nói là có dính líu đến một số văn nghệ sĩ.

Tôi xin nói ngay những gì tôi viết đây là những gì cá nhân tôi được nghe nói.

Những sự kiện này không có gì bảo đảm là chính xác.

Vụ nổ xẩy ra ở Hồ Con Rùa đường Duy Tân.

Cả Thành Hồ xã hội chủ nghĩa chỉ có một tờ nhật báo Saigon Giải Phóng.

ho-con-rua-ten

Tờ báo này không loan một mẩu tin nào về vụ nổ ở Hồ Con Rùa, nên người dân chỉ biết về vụ nổ qua những tin truyền miệng mơ hồ. Nghe nói có nhiều người chết oan.

Vụ nổ Hồ Con Rùa xẩy ra vào khoảng đầu năm 1976. Vài tháng sau chiến dịch bắt bớ văn nghệ sĩ Sàigòn được tiến hành.

Huỳnh Bá Thành, dân Quảng Nam, trước năm 1975 vẽ biếm họa ký tên họa sĩ Ớt ở nhật báo Điện Tín do Thượng nghị sĩ Hồng Sơn Đông làm chủ nhiệm.

Trước năm 1975, làng báo Sàigòn có những họa sĩ Chóe, Tuýt, Hĩm, anh họa sĩ Ớt không sao nổi lên được.

Việt cộng vào Sàigòn, anh cu Ớt trở thành công an nằm vùng Huỳnh Bá Thành.

Quyển “Vụ án Hồ Con Rùa” do Huỳnh Bá Thành viết là quyển truyện mở đầu một lô những quyển “Vụ án đủ thứ” sau đó.

Vụ nổ xưa rồi.

Đã hơn hai mươi mùa lá rụng trên đường Duy Tân cây dài bóng mát. Riêng tôi, tôi có hai điều cần viết về vụ nổ Hồ Con Rùa:

– Người anh em nào gài chất nổ tại sao không cho nổ ở một cơ sở nào của Việt cộng?

Bất cứ cơ sở nào cũng được, không cần phải là cơ sở quan trọng. Ngay gần đó, có Nhà Thanh Niên của ta bị Việt cộng chiếm làm nhà triển lãm thường trực Tội Ác Mỹ Ngụy.

Tại sao người anh em không làm cử chỉ đẹp, cho chúng tôi được vinh hạnh theo là cho nổ trong cái phòng triển lãm ấy?

Biết là khó đấy nhưng anh em cho nổ ở công trường Hồ Con Rùa, người bị chết chỉ là anh em, con cháu chúng ta thôi.

Công an Việt cộng không bắt được ai là người đặt bom ở Hồ Con Rùa.

Vụ án chìm dần trong quên lãng và thời gian.

Bọn cộng sản có cái bệnh chung là chuyên giấu giếm, che đậy những sự kiện xấu xảy ra trong xã hội chúng cầm quyền.

Việt cộng tiết lộ rất mơ hồ về vụ nổ Hồ Con Rùa cũng như về vụ cô đào Thanh Nga cùng ông chồng Đổng Lân bị bắn chết ở Thành Hồ năm 1978.

Đây là thời gian Tàu cộng và Việt cộng đang hục hặc hăm he đánh nhau.

Việt cộng đổ là do bàn tay lông lá của bọn phản động Bắc Kinh đã hạ sát đào Thanh Nga chỉ vì Thanh Nga đóng vai “Thái Hậu Dương Vân Nga” trong vở tuồng cùng tên.

Đại khái sự tích vở tuồng như sau:

Cuối đời nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt nhỏ bé ở miền Nam sau ít năm độc lập lại bị người Hán tính chuyện xâm lăng. Quốc gia lâm nguy, vua ít tuổi không thể lãnh đạo quân dân chống cường địch, may sao nước nhà có Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn là người anh dũng. Bà Thái Hậu họ Dương bèn dẹp tình riêng, lo chuyện chung, lấy hoàng bào của Vua cho Lê Tướng quân mặc.

Hành động của bà Thái hậu đa tình cho nhân dân biết cơ nghiệp nhà Đinh — mở đầu bởi người hùng Cờ Lau Đinh Bộ Lĩnh — đến đây là chấm dứt. Ngôi Vua đã được đích thân Thái Hậu Mẹ Vua trao cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn để Tướng quân đánh giặc ngoại xâm, cứu nước.

Nghe nói Dương Thái Hậu còn đi xa một bước nữa trên đường thưởng công cho Thập đạo Tướng quân bằng cách trở thành vợ của Tướng quân.

Đấy là ý chính vở tuồng “Thái Hậu Dương Vân Nga.”

Ngoài việc kêu gọi đánh quân nhà Hán – năm 1978 là quân Trung cộng cờ đỏ búa liềm năm sao vàng –

vở tuồng còn có ý đồ khuyên đàn bà con gái miền Nam bại trận nên quên chồng cũ –

những anh bại trận này đã chết và còn sống cũng như đã chết –

để trao thân gửi phận cho những anh chồng mới trẻ, khỏe hơn, những anh chiến thắng v.v….

Và chỉ có thế thôi – mà theo Việt cộng – “bọn phản động Bắc Kinh đã giết nữ nghệ sĩ Thanh Nga…”

nghethuat

Năm 1962, đào Thanh Nga đóng vai chính trong bộ phim tình cảm Hai Chuyến Xe Bông của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn hiện sống ở San José, Cali. Hai chuyến xe bông? Phải chăng đây là cái tên tiền định?

Cô đào tài sắc có ông chồng chết theo. Đám tang hai người cùng cử hành một ngày, một giờ.

Dù là vợ chồng cũng không tiện hai quan tài đi cùng một chuyến xe bông ra nghĩa địa.

Khi cô đào bị bắn chết thê thảm anh Con trai bà Cả Đọi đang nằm phơi rốn cho muỗi đốt trong cái gọi là Trại Tạm Giam Số 4 Phan Đăng Lưu, anh chắc đám tang cô ít nhất phải có Hai Chiếc Xe Bông chứ không phải một.

Vòng vo tam quốc.

Xin lỗi đã đưa quý vị đi theo cô đào Thanh Nga Cải Lương chi bảo tài sắc nổi nhất, đắt giá nhất một thời … đến nghĩa trang, bỏ quên nhà văn Mai Thảo Bảng Đường nằm cu ky hơi lâu trong căn phòng của ông ở đường Phan Đình Phùng.

Căn nhà đẹp này nguyên là nhà của một ông anh của ông. Ông anh ù té chạy được trước 30 tháng 4. Một ông anh khác của ông về ở nhà này, dành cho ông một phòng. Có đêm theo ông đi chơi quá khuya — nhà tôi ở mút chỉ cà tha tận đầu đường Lê Văn Duyệt, bị đổi tên là đường Cách Mạng Tháng Tám, gần Ngã Tư Bẩy Hiền — tôi theo ông về ngáo với ông trong phòng này. Tôi thấy trong ngăn kéo bàn ngủ bên giường của ông có mấy bài thơ mới làm của Thi bá Vũ Hoàng Chương.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Thi bá và bà vợ bị đuổi ra khỏi cái vi la sang trọng trong khu Lăng Cha Cả –

khi Thi bá là Thi bá, người ta hân hoan được mời ông về nhà ở với người ta trong vi la này.

Khi cộng sản nói cối dép râu vào Sàigòn.

Thi bá không những chỉ hết là Thi bá mà còn bị coi như một thứ tội nhân văn học, người ta đuổi ông bà đi không chút xót thương.

Thi bá cùng bà vợ về sống trong một khu lao động bên Khánh Hội, Thi bá vẫn mần thơ. Ông làm nhiều bài thơ ngắn, bốn câu, sáu câu, viết ngay vào mảnh giấy trao cho người đến thăm ông.

Lý do Việt cộng bắt ông là: “sáng tác và phổ biến thi văn phản cách mạng”.

Trong tác phẩm Quần đảo Ngục tù – The Gulag Archipelago – Tác giả Alexander Solzhenytsin viết đại khái:

Sống trong kìm kẹp của bọn mật vụ cộng sản, người dân khiếp sợ đến nỗi không những không ai không dám làm một hành động phản kháng mà còn không ai dám bỏ trốn. Như con chim trước con rắn, người ta chỉ mong bọn công an đến gõ cửa nhà người khác.

Nhớ lại thời người dân ở Leningrad bị khủng bố, tôi nghĩ nếu chúng tôi, những người dân hiền lành, chỉ chống đối bọn công an đêm đêm đi bắt người bằng cách lén ra phá hoại xe ô tô của chúng thôi, đã có biết bao nhiêu người không bị bắt, thoát khỏi việc bị chết trong ngục tù vì bọn công an Leningrad không có xe để đi bắt họ.

Có thể nói tất cả mọi người dù biết mình sắp bị bắt vẫn cứ chịu chết ở nhà chờ chúng đến bắt. Người ta nghĩ rằng với sự kiểm soát chặt chẽ của công an mình không thể nào trốn thoát được. Bỏ trốn chỉ thêm tội nặng. Nhưng tôi biết một sinh viên khi thấy bọn công an đến bắt anh, tung cửa sổ nhẩy ra vườn sau chạy thoát. Và anh thoát luôn. Mười mấy năm sau trở về thành phố tôi lại gặp anh….

Tình trạng người dân khiếp sợ bọn công an ở Nga dù sao cũng vẫn không nặng bằng tình trạng xẩy ra ở Sàigòn và những tỉnh miền Nam Việt Nam, nơi từng là một quốc gia riêng với đủ thứ lệ bộ, lễ nghi của một quốc gia độc lập, nơi người dân trong mấy chục năm trời từng đổ máu, đổ nước mắt chống cộng sản.

Trong cái gọi là Khóa bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sĩ Sàigòn, Hai Khuynh một cán bộ biên tập tạp chí Đại Đoàn Kết, đến dự với tư cách hướng dẫn viên , nói:

– Nếu chúng tôi còn yếu như năm 1954 thì lần này có thể trong số các anh có vài anh bị chúng tôi cho đi mò tôm rồi đấy. Chuyện trả thù tắm máu không xảy ra vì bây giờ chúng tôi mạnh rồi, chúng tôi có Đảng lãnh đạo với chính sách đúng đắn…

Ý Hai Khuynh muốn nói là Việt cộng khi vào Sàigòn đã tha, đã không đè cổ năm bảy văn nghệ sĩ VNCH ra cắt tiết lấy máu tươi cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh mừng ngày Chủ tịch dzô dinh Độc Lập.

“Mò tôm” là hai tiếng mới tinh, mới có từ những năm 1946, 1947 trong ngôn ngữ Việt Nam bốn ngàn bốn mươi năm văn hiến diễn tả việc giết người của Việt cộng.

Đêm đến , người chống đối hay không chống đối nhưng bị Việt cộng cho là nguy hiểm bị chúng trói tay, bịt mắt dẫn ra bờ sông, bãi cát vắng tanh .

Tội nhân được đưa ra bờ sông không phải để đứng ngóng đò như trong thơ Tê Tê Ca Hát mà là để — bị bắn vào đầu, bị đâm, bị cắt cổ rồi bị đạp một đạp cho nhào xuống sông.

Từ đó, nạn nhân sẽ vĩnh viễn làm bạn với cá tôm.

Người dân miền Bắc gọi việc đó là “cho đi mò tôm”.

Hai Khuynh là dân miền Nam kháng chiến tập kết ra Bắc nên xài tiếng “mò tôm” khá nhuyễn.

Tôi nghĩ ta không nên vu cho Việt cộng nhiều tội ác hơn là những tội ác họ đã làm với đồng bào của họ.

Việt cộng, nón cối, dép râu, AKa, tóc bím, răng cải mả, mông đít to như cái thúng, ngơ ngáo kéo nhau vào Sàigòn như đàn bò vào thành phố ba triệu dân mà chỉ có ba anh – Xin lỗi – Tính lại chỉ có bốn anh Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Vũ Hạnh và Thái Bạch là bốn người quen sơ sơ.

Ký giả Thái Bạch, thường được anh em gọi là Thái Bịch, mặt mũi khó đăm đăm, những ngày trước 30 Tháng Tư năm 1975 ngồi xào nấu tin lô can, tin xe cán chó, tin người đánh nhau được gọi là tin “Từ thành đến tỉnh” trong tòa soạn nhật báo Xây Dựng của Linh mục Thiên Hổ Nguyễn Quang Lãm ở đường Thánh Mẫu, Ngã Ba Ông Tạ nổi tiếng về mục Cờ Tây.

( Xin đọc phần tiếp theo trên trang Web của Nhà văn Hoàng Hải Thủy    )