Bờ Sông Lá Mục

Gửi rừng một gốc cây na,
Cố xanh tươi nhé, can qua sẽ tàn…
( Bờ sông lá mục-trang 112)

Hình ảnh đọng  rõ nét trong lòng người đọc, hình ảnh cuối trong tập chuyện „Bờ sông Lá mục „ của nhà văn Phan Lạc Tiếp là một cây Na. Cây Na của người miền Bắc là cây Mãng cầu của dân miền Nam. Qua cách gọi cây Na, người đọc biết người thuật truyện là người Bắc, nhưng toàn bộ khung cảnh truyện là đồng bằng sông nước miền Nam.
Phong cảnh miền Nam qua ánh mắt nhìn một người dân Bắc, dù đã sống lâu ở miền Nam, vẫn có nét khác biệt. Từ đó những bờ sông có hàng dừa nước rậm rạp, những khúc sông dẫn ra biển với hai chiều nước ngọt mặn, những kênh sáng với chiếc cầu gỗ bắt dọc ngang lắt lẽo được diễn tả rõ hơn, ấn tượng hơn. Hình ảnh người dân quê miền Nam chân chất , thật thà thẳng tính đậm nét dần qua từng vùng làng quê khác nhau, dọc theo đường hành quân của tác giả, một sĩ quan Hải Quân VNCH.
PLT (8)
Không khí trong Tác phẩm „Bờ Sông Lá Mục“ đưa người đọc lùi về quá khứ ở khoảng thời gian cách đây nữa thế kỷ.
Đấy là giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc, sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954 bắt đầu.
Cuộc chiến thật khốc liệt, tương phản khung cảnh thanh bình của những người nông dân đang cùng đàn trâu yên ả cày bừa .
Những bước chân lùng sục địch quân trên mảnh ruộng xanh non mơn mởn, những lo âu thấp thõm đắm chìm tương phản ánh trăng lặng lẽ chiếu sáng bên bờ ao .Hình ảnh những cô thôn nữ, những em bé quê chập chờp lung linh trong đốm sáng hỏa châu. Mãng ký ức chập chờn ẩn hiện sau màn sương trên cánh đồng lúc trời chưa tỏ rạng qua hàng lá dừa nước chen nhau rập rờn hai bên bờ sông. Mùi cây lá rụng ủ từ bao ngày trong bùn sình dọc theo bờ rạch , mùi thuốc súng, mùi cháy khét từ nhà bị đốt , mùi tử khí âm u khó thở..
Tất cả hòa quyện suốt từ đầu cho đến cuối trang sách mõng, khiến người ta sống lại những giây phút cận kề súng đạn, những giây phút bên lỗ châu mai,  bên lửa trại cùng đồng đội , bên nắm đất ngôi mộ lấp vội vàng cho người vừa mất.
Chiến tranh Việt Nam qua ánh mắt nhìn của tác giả chứa chất nhiều suy tư buồn bã về ý thức hệ của cuộc chiến :
Cuộc chiến thật buồn. Chúng ta chìm đắm trong sự đau buồn đó từ bao nhiêu năm qua..Ngôn ngữ chúng ta không còn hiệu lực. người bên này và bên kia cùng nói chung một danh từ nhưng nhiều khi hiểu khác hẳn nhau …..“
..Có lẽ chỉ còn có tiếng khóc..Tiếng khóc của đổ nát, của người mẹ khóc con, của vợ khóc chồng..Có lẽ chỉ có tiếng khóc là có thực đang bao trùm lên đất nước chúng ta…“
( Bờ sông lá mục-trang 84)

Trãi đều trên các trang giấy  trong  hoàn cảnh khốc liệt của những lần đụng nhau giữa hai bên là những cảm nghĩ đầy tính nhân bản, tình người, tình yêu thương đồng bào cùng máu thịt, cùng màu da…
Khi nhắc về chiến tranh Việt Nam, những người  thế hệ ngày nay chợt nghe  bên tai tiếng gầm rít  những khẩu súng đang nả đạn, tiếng trực thăng đang đáp xuống to dần đến ù tai,  tiếng than khóc, rên rĩ, vết thương  đỏ thấm máu. Đấy chỉ từ những đoạn Video mở đầu cho những khúc nhạc khi xưa, như bản nhạc „ Anh không chết đâu anh.“ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Chiến tranh qua những trang sách „ Bờ sông lá mục“ cũng có không khí đầy chết chóc, thương đau nhưng  sâu lắng như những búng sâu giữa các làn sóng đại dương, với vẽ êm ả đầy cạm bẫy chết người.

Từ bao năm nay câu hỏi gây đau đớn như khoáy thêm vào vết thương đang rỉ máu những người Miền Nam là câu:
„ Tại sao Việt Nam Cộng Hòa“  lại thua trận?


„Bờ sông lá mục „ đã trả lời phần nào cho câu hỏi trên:

Người ta chẳng thà thua trận, còn hơn cầm súng bắn vào người anh em của mình. Người ta không chỉ đau đớn bên xác người, bên cảnh nhà cháy hoang tàn, người ta còn có thể đau đớn, xót thương cho cả cỏ cây, như một gốc Na bé bõng nằm chơ vơ sau khi thôn xóm bị càn ủi tan hoang.
Gửi rừng một gốc cây na,
Cố xanh tươi nhé, can qua sẽ tàn…
( Bờ sông lá mục-trang 112)
Tính nhân bản, tình người đã làm người lính chùng tay súng.

Chỉ còn nỗi đau thương trước cái chết của người cùng xứ sở:
Không gian im lìm hoang vắng, Trung không thể phân biệt được đâu là nơi an nghĩ của người lính Quốc Gia, đâu là nơi vùi thân của các can binh Việt Cộng. Tất cả đều chìm đắm trong sự căm nín của hư vô. Tất cả đã nằm im trong lòng đất, cả Tính, cả Thư, cả Nự và biết bao nhiêu người nữa. Trung lặng lẽ quay đi và nghĩ: „Thôi trong vòng tay hiền hòa của đất, tụi bây là anh em „. Nghĩ thế lòng Trung bỗng vơi bớt đi niềm cay đắng.
( Vòng tay của đất- Bờ sông lá mục- trang 45- 1967 )

Nhà văn Võ Phiến đã ghi trong “ Bờ sông Lá mục” những nhận xét sau:
Tác phẩm giới thiệu với chúng ta một văn tài, tất nhiên; mà cùng lúc nó cũng giới thiệu một cốt cách. Trong mỗi tác giả còn có một con người. Con người nơi ông là một người trung hậu. Sau cuộc đổ vỡ đau thương của miền Nam, chúng ta buồn giận và thường đay nghiến lẫn nhau. Phan Lạc Tiếp không có thế…Không trách kẻ dưới, không oán người trên. Mỗi cái quấy có lý do phức tạp của nó, mỗi thất bại, có nguyên nhân trùng điệp. Ông không chì chiết nặng nhẹ. Ông đau cái chung, thế thôi .
Người như vậy, không mến được sao ? “
(Võ Phiến-Tháng 3.1991)

Qua câu chuyện kể cách đây hơn nữa thế kỷ về „ Thánh địa Hòa Hảo –Miền đất hứa“  nhà văn Phan Lạc Tiếp  cho thấy khung cảnh sống thanh bình, yên vui của người dân trong địa phận của Phật giáo Hòa Hảo, giữa vùng miền Nam trù phú dư giả lúa gạo, tôm cá.

Và cho ta hiểu tại sao cho đến ngày nay Cộng sản không dung tha những người theo đạo Hòa Hảo. Lý do thật đơn giản, vì ngay từ đầu người dân theo đạo Hòa Hảo đã nhận ra „ chân tướng „ của Cộng Sản và kẻ giết người thường tìm cách giết luôn những người đã biết mình gây tội ác .
Tụi nó cũng nhiều phen mò về đây chớ. Khi thì ngon ngọt kêu xí xóa sự hiểu lầm xưa, khi thì gian manh trà trộn vào đám đạo hữu…Ôi thiên hình vạn trạng đó chớ. Riết rồi đạo hữu chúng tôi đồng một lòng một dạ…Vì thế đã bao nhiêu người bị chúng chặt, bỏ bao bố trôi sông..Biết bao nhiêu mà nói“
(Thánh địa Hòa Hảo –Miền đất hứa“ –
Bờ sông lá mục – trang 93- 1965)

Gần 70 năm gây tội ác triền miên trên khắp miền quê hương Việt Nam , từ Bắc chí Nam, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn miệng kêu gọi „ Hòa hợp hòa giải“.
Người ta chỉ hòa giải khi có xung đột và  tha thứ cho những tội không cố ý hay tội không làm chết người.

Người ta không thể hòa giải giữa cái ác và cái thiện, không thể tha thứ cho những kẻ gây cái chết đau thương cho  hàng triệu đồng bào, và vẫn tiếp tục không tôn trọng Nhân quyền, đàn áp tôn giáo khốc liệt.

Chỉ có tòa án Quốc tế mới có đủ lề luật thẩm định và kết án kẻ gây tội trong chiến tranh, kết án những kẻ vi phạm Nhân quyền, vi phạm quyền Tự do Tôn giáo…cùng nhiều quyền tự do khác của người dân Việt Nam.

Những gì Đảng CS Việt Nam tiếp tục gây ra cho giáo hữu Phật giáo Hòa Hảo hiền lành nói riêng và  dân tộc Việt Nam  nói chung, đã khiến tính nhân bản của chế độ Việt Nam Cộng Hòa được nâng cao lên, dù trước đó hơn nữa thế kỷ , đó chỉ là xã hội với nền dân chủ mới phôi thai.

Bờ sông lá mục „đã ghi lại thời kỳ phôi thai nhất của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày Chiến tranh Việt nam vừa bắt đầu.

Quyển sách mõng, nhưng chỉ qua vài trang giấy tác giả đã gây ấn tượng vào lòng người, cho thấy từ thửo đó xã hội miền Nam đã có nền tảng nhân ái, tình người .

Điều này khiến người đọc khó quên „ Bờ sông lá mục“ , khó quên hình ảnh cây Na lẽ loi ở lại bên bờ sông, gây vấn vương trong lòng người  tách bến lên đường đời với vạn ngã rẽ , như kênh rạch trên sông nước miền Nam.

Dương Hoàng Mai
Munich.
30.04.2014

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Bờ sông Lá mục-Bút ký-Phan Lạc Tiếp- 128 trang

 

Hãy ghi ý kiến, thắc mắc của bạn vào đây: